Trước đây 10 năm trở đi, dường như các đầm sen tự nhiên ở miền Trung là thứ gì đó vừa thân thuộc vừa xa lạ với người nông dân, thân thuộc vì mùi hương thơm ngát, vì những đài sen mát ngọt và những củ sen nấu chè ngon giòn, những nồi chè hạt sen ngọt bùi, thơm, bổ dưỡng… Nhưng đâu phải ai cũng có thể ăn được chè hạt sen, chỉ nhà giàu, hoặc nhà nông may mắn có ao sen trong nhà thôi. Thế rồi mọi thứ đổi thay, người nông dân nghĩ đến chuyện bỏ lúa trồng sen. Lạ ở chỗ những người bỏ lúa trồng sen đầu tiên không phải ở đồng bằng, ở nơi có nhiều ao nước, ruộng sâu, mà là trên núi, một ngọn núi cao được người Chăm gọi là núi Chúa, nơi gần thánh địa Mỹ Sơn và thành cổ Trà Kiệu, người ta đã trồng sen trên núi.

Sau cơn mưa, nước đầm tràn qua đường

Trà Lý, những ngày khốn khó…

Trà Lý là một thôn nhỏ nằm trong xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên cũ, nay thuộc xã Duy Xuyên, thành phố Đà Nẵng kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2025. Nói tới thôn Trà Lý, người ta nghĩ đến ngay các địa danh liên quan đến chữ Trà, từ Trà Kiệu, Trà My, Trà Bồng, Trà Khúc… tất cả đều mang họ của Chăm Pa. Điều đó cũng đồng nghĩa với Trà Lý là một địa danh cũ của vương quốc Chăm Pa, nơi có ngọn núi Quắp, hay còn gọi là núi Chóp Chài với nhiều huyền thoại.

Trà Lý là một vùng đất núi khá đặc biệt, hay nói khác đi, nơi đây là một thung lũng với đáy lòng chảo là một đầm nước sâu trong vắt, chung quanh là những đám ruộng rộng theo hình bậc thang. Người ta nói rằng thời vương quốc Chăm còn thịnh vượng, kinh thành Sư Tử (Simhapura), tức Trà Kiệu còn thịnh vượng thì Trà Lý là nơi tập trận, huấn luyện voi chiến của vua Chăm. Lời truyền miệng này không biết đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng có một điều là xét theo bố cục kinh thành – ao voi – đền tháp – dân cư thì vị trí của Trà Lý khá giống với vị trí của ao voi Đồng Dương, tức nằm phía Tây kinh thành và giáp núi, nơi voi có đủ môi trường núi non, hồ nước để luyện tập và bơi lội, luyện thủy chiến…

Nhưng câu chuyện tôi muốn nói đến ở đây là thời người dân Trà Lý chưa trồng sen, nơi đây nổi tiếng là “kho nhôm nhựa xứ Quảng”, một cái nơi mà dân buôn ve chai, nhôm nhựa đạp xe chở cà rem đến đây để đổi mang về cân.

Hái sen

Trong xóm tôi có ông Sáu chuyên buôn ve chai, nghe kể, thời bao cấp, ông đạp xe chở thùng cà rem đá lên Trà Lý, sáng sớm đi, chiều về cách gì cũng một xe đầy mặt khoai, sắn, gạo và ve chai, chủ yếu là các loại nhôm, từ nhôm máy bay cho đến nhôm dụng cụ của Mỹ… Không biết đâu ra mà vùng này có rất nhiều thứ như vậy. Và đặc biệt, thi thoảng người ta còn được đổi một bộ lắc cũ bám đầy đất, khi mang về, rửa sạch thì đó là vàng Chăm, hồi đó người ta không biết, cứ gọi là vàng Hời.

Xem thêm:   Lừa đảo đặt phòng khách sạn

Có lời đồn rằng núi Chóp Chài là nơi chôn cất vàng bạc châu báu của vua Chăm, người ta đào bới, lục tìm trong những ngày nông nhàn. Và càng đào bới, người ta càng có cái để con nít trong nhà mang đi đổi cà rem. Vì thời đói khổ, dễ chi có cây cà rem để ăn. Dân thị trấn, đồng bằng thời đó không ít người giàu phất lên nhờ đổi ve chai, nhôm nhựa bằng cà rem, còn người dân Trà Lý vốn chân chất, thật thà, thương con trẻ, dường như chỉ dựa vào hột lúa, củ sắn và thi thoảng đi đào mấy cái vòng Hời… Vòng lẩn quẩn của nơi này là đào vẫn cứ đào, con nít ăn cà rem thoải mái, người lớn thì khoai sắn, mấy hột gạo. Thời bao cấp, ở đồng bằng ruộng đồng bát ngát nhưng vẫn phải ăn cơm khoai độn, sắn lát độn, bắp độn và hạt kê độn, nhưng dân Trà Lý có cơm trắng, chỉ có điều nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhiều khách du lịch lội ra giữa đầm sen để ‘check – in’

Và người ta cố gắng xóa cái nghèo bằng cách đi tìm vàng hời, có lời đồn rằng trên đỉnh núi Chóp Chài có một con gà bằng vàng do vua Chăm chôn trong kho, thế rồi dâu bể đổi thay, những đêm trăng, gà vàng nhớ chủ bay từ chân núi lên đỉnh núi, đứng gáy vang gọi chủ rồi lại bay từ đỉnh núi xuống chân núi… Dân làng tìm cách bắt gà vàng để đổi đời nhưng chẳng mấy ai gặp được nó, chỉ thấy nó bay loang loáng trong ánh trăng và gáy vang…

Thời bao cấp, có nhiều người tự dưng đang nghèo khổ bỗng dưng giàu một cách bất thường, và sau khi giàu thì người vợ trong nhà trở nên ngớ ngẩn, điên loạn. Nhiều người nói rằng người vợ kia tình cờ đi và gặp một bầy gà hay rùa vàng Hời lang thang đi ăn, là phụ nữ, chỉ cần dùng chiếc quần đen đang mặc trùm lấy con vật bằng vàng thì chúng không thể biến mất và trở thành vô tri, lúc đó chỉ cần mang gà về nhà “xẻ thịt” mà bán, lấy tiền. Nhưng người nào do mê mải tiêu tiền, xài vàng mà quên làm lễ cúng tạ thì sẽ bị điên. Việc làm lễ cúng tạ cũng hết sức phức tạp, phải nhờ một vị thầy người Chăm đến cúng bái…

Xem thêm:   Khu di tích quốc gia Voi Ma Mứt Waco, Texas

Chuyện gà vàng hư thực chưa rõ, nhưng cho đến lúc này, người ta vẫn còn tin rằng có một con gà vàng như thế trên đỉnh núi Chóp Chài. Và đương nhiên cái niềm tin ấy không giúp cho họ giàu ra mà chính sự đổi thay trong mô hình canh tác nông nghiệp đã giúp cho người Trà Lý trở nên khấm khá. Họ tận dụng những đám ruộng bậc thang để trồng sen.

Bỏ lúa, trồng sen, người nông dân có thu nhập hơn, nhưng nghề nông mà, nghề nào cũng khổ

Mùa sen Trà Lý

Bỏ hẳn trồng lúa, chuyển sang trồng sen trên các đám ruộng bậc thang và những thửa ruộng thấp gần đầm Trà Lý là một lựa chọn thông minh và hiệu quả, vì sau mươi vụ sen, dường như đời sống nơi đây thay đổi hẳn. Bởi với việc trồng lúa, mỗi mùa lúa có trúng đậm lắm người nông dân vẫn không thể thu được lãi ròng trên một triệu đồng mỗi sào lúa, nhưng trồng sen, việc kiếm từ 5 triệu, 10 triệu đến 20 triệu trên mỗi sào là có thể. Tùy vào giá thị trường cũng như mức độ bội thu của sen, cũng xin nói thêm, trên thị trường hiện nay, nông sản Việt Nam luôn mắc phải bài ca “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”, ngoại trừ thứ nông sản duy nhất là hạt sen, chưa bao giờ người nông dân phải chịu cảnh giải cứu hay được mùa mất giá bao giờ. Phải nói rằng hạt sen có thị trường khá ổn định.

Nhờ trồng sen, nhiều gia đình đã “thay da đổi thịt”, làng sen Trà Lý bây giờ trở thành điểm check-in của giới trẻ, điểm thăm thú của người có tuổi. Tuy vậy, có một vấn đề phát sinh không thể ngờ tới là chính các khách thăm viếng trở thành mối lo của người trồng sen. Vì đây là điểm check-in không bán vé, có cảnh núi non, lại có cảnh đầm sen, hoa sen nên người ta tới đây chụp hình khá nhiều. Khách đứng trên bờ chụp hình thì không sao, đi dạo thì càng vui, nghiệt nỗi khách lội ra cho được giữa đầm để chụp hình, khi lội thì khách cứ lội ào ào, không thèm để ý đến việc có giẫm những đài, hoa sen mới nhú khỏi mặt nước hay không, khi khách ra khỏi đầm thì có một mớ sen bị gãy.

Xem thêm:   Tân trang "cô bé"

Nhưng đó chưa phải là chuyện đáng lo, một số khách cứ tự nhiên bẻ sen như của họ trồng vậy, và những đài sen non, già gần bờ bị bẻ không thương tiếc. Chủ đầm sen vốn là nông dân thật thà, chân chất, ngại đụng chạm, rồi cũng phải viết tấm bảng: “Cấm hái sen, câu cá, cấm xả rác!”.

Nhiều bảng cấm được chủ hồ cắm lên nhưng bảng thì cứ đứng còn người hái thì tùy hứng

Lúc chúng tôi đến thăm Trà Lý, trời vừa mưa xong, dường như vắng người, có một chiếc xe chở một nam khách Tây và một nữ khách Việt đến check-in. Họ lội ra giữa đầm để chụp hình. Khi quay vào, tôi chứng kiến anh tài xế chở hai người kia thản nhiên bẻ các đài sen bỏ vào túi, bẻ ngay cạnh tấm bảng cấm bẻ sen… Thật khó mà tả cảm giác lúc ấy! Dường như là bất chấp!

Chừng 10 phút sau, chủ đầm sen xuất hiện, lúc này, chiếc xe chở khách kia đã rời đi. Nhìn những ngó sen bị bẻ ngang ngửa, chị chép miệng, khi nghe tôi kể lại chuyện vừa xảy ra, chị thở dài:

– Từ ngày có du lịch ở đây thì dân trồng sen chúng tôi thất thu nhiều lắm, mỗi vụ mất cả vài chục ký sen, có vụ mất cả trăm ký đó em à!

– Giá tại gốc một ký sen bao nhiêu tiền vậy chị?

– Tại đây, chưa lột vỏ, mình bán giá từ 50 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng một ký. Nếu lột vỏ rồi thì 180 ngàn một ký.

–  Mất vài chục ký, thậm chí mất trăm ký thì số tiền không nhỏ chị hì?

Mùa sen, chở sen…

– Đúng rồi em, cả năm trông vào mùa sen, mùa sen chỉ kéo dài chưa tới 3 tháng, bẻ lai rai vậy đó em. Nhưng không hiểu sao mình để bảng rồi mà người ta vẫn bẻ!

– Tình trạng này xảy ra từ bao giờ vậy chị?

– Từ khi khách du lịch đến đây! Một người họ bẻ một đài thôi, cả ngàn người thì cả ngàn đài sen. Ước gì người mình có ý thức một chút! Có ai thu phí thăm thú gì đâu. Mà không hiểu sao người ta lại làm vậy!

– Ở đây có bao nhiêu gia đình trồng sen vậy chị?

– Cả thôn này ai cũng trồng hết đó em! Những vườn sen trong hẻm núi thì ít bị bẻ trộm, mình gần đường quá, bẻ không kịp lên luôn! Khổ!

Lời than thở của chị Dung (chủ đầm sen) dường như là lời than thở chung của những ai còn giữ lòng tự trọng và thật thà. Dường như điều ấy ngày càng thiếu vắng trên xứ sở này!

Một cặp vợ chồng gần bảy mươi tuổi đang trên đường chở đài sen về nhà

UC