Trong hai phần trước, tác giả trình bày những khó khăn của người Việt tỵ nạn Cộng Sản trong những năm tháng đầu tiên định cư trên đất khách, sự hình thành các trung tâm thương mại của cộng đồng người Việt tại Houston cho đến cuối thế kỷ 20 cũng như từ đầu thế kỷ 21 đến nay, những xung đột của người Việt với dân bản xứ vì những tranh chấp liên hệ đến sinh kế, và sự phát triển của cộng đồng người Việt tại thành phố này theo thời gian.

nguồn youtube truc vo 

Bảo tồn văn hoá Việt và các hội đoàn người Việt ở Houston

Song song với nỗ lực an cư, lạc nghiệp trong suốt nửa thế kỷ qua, người Việt ở Houston đã cố gắng duy trì ngôn ngữ và văn hoá Việt. Kể từ khi có những lớp Việt ngữ đầu tiên dành cho các em gốc Việt từ cuối thập niên 70 tại giáo xứ Holy Rosary, nhiều trường Việt ngữ và lớp Việt ngữ đã được thành hình. Đáng kể nhất là trường Hùng Vương đã hoạt động liên tục suốt hơn 38 năm từ 1986 đến nay và trường Khai Trí được thành lập năm 2014. Tất cả các giáo xứ Công Giáo và đa số chùa ở Houston có những lớp Việt ngữ vào cuối tuần.

Điểm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt ở Houston là các thanh thiếu niên trưởng thành tại xứ sở này học được và áp dụng thói quen sống với hai nền văn hoá Mỹ-Việt. Khi ở trường, các em cư xử như những người bạn bản xứ nhưng khi về nhà, sống với văn hoá gia đình đậm nét Việt Nam.

Trong lãnh vực truyền thông, từ năm 1977 đến nay, Houston luôn có những tờ báo Việt ngữ. Năm 1980, chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên của người Việt xuất hiện mỗi tuần một lần trên radio do Đoàn Văn Nghệ và Công Tác Xã Hội Lạc Việt thực hiện. Cũng chính đoàn Lạc Việt đã thành lập Đài Truyền Hình Việt Nam vào năm 1986. Kể từ đó, có những đài phát thanh, đài truyền hình Việt Nam từng phục vụ cộng đồng người Việt tại Houston. Nhiều cơ quan truyền thông này không còn nữa; tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, họ đã cung cấp cho người dân những tin tức cần thiết trong đời sống và góp phần duy trì bản sắc văn hoá Việt. Hiện nay, thành phố có hai đài phát thanh Việt ngữ là Radio Saigon Houston, VIET Radio Houston, cùng hai đài truyền hình là VIETV Network và ABTV-Houston.

Kể từ ngày đầu tiên định cư trên xứ người, người Việt ở Houston thành lập rất nhiều hội đoàn, hầu hết là các hội ái hữu, nơi quy tụ những cựu học sinh chung một mái trường ngày còn ở quê nhà, những người từng sống hoặc sinh ra tại một địa phương trên nước Việt, những cựu quân nhân xuất thân từ một quân trường, những cựu quân nhân chung binh chủng, những người đã bị giam cầm trong cái gọi là trại cải tạo v.v. Là những hội ái hữu, thỉnh thoảng họ tổ chức những buổi họp mặt để các hội viên gặp nhau và chia sẻ kỷ niệm xa xưa. Chính những hội ái hữu này đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt tại hải ngoại.

Bên cạnh những hội ái hữu, Houston còn có nhiều hội đoàn tôn giáo và các tổ chức thiện nguyện. Một trong những tổ chức có quá trình hoạt động lâu dài và được nhiều đồng hương biết là Hội Văn Hoá Khoa Học Việt Nam. Hội được thành lập năm 1990 và hoạt động liên tục suốt 35 năm cho đến hôm nay qua 8 đời hội trưởng và ban chấp hành. Có thể nói hàng dăm, bảy trăm đồng hương ở Houston đã từng là hội viên của hội, ít ra trong một giai đoạn. Trong lãnh vực văn hoá, hội đã thực hiện rất nhiều sinh hoạt, điển hình là các lớp văn học và lịch sử Việt vào mùa hè cho thanh thiếu niên. Trong 3 năm qua, vào mỗi trung tuần tháng 9, hội đã tổ chức hội chợ Văn Hoá Việt, tức Việt Cultural Festival tại NRG Center, bên cạnh NRG Stadium của đội bóng bầu dục Houston Texans; mỗi hội chợ thu hút hơn 10,000 người tham dự.

Ngoài ra, Houston và những thành phố lân cận còn có Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng (HĐĐDCĐ) Người Việt Tại Houston và Vùng Phụ Cận do cư dân người Việt bầu ra. Tổ chức này có trách nhiệm giúp đỡ đồng hương trong lãnh vực an sinh xã hội, đại diện cộng đồng trong các giao dịch với chính quyền bản xứ để bảo vệ quyền lợi người Việt, và ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng sản nhằm gây phân hoá khối người Việt tỵ nạn. HĐĐDCĐ tại Houston được thành lập từ năm 1983 với vị chủ tịch tiên khởi là ông Nguyễn Văn Nam, cựu đại tá Quân lực VNCH, và là người lãnh đạo khối ngư dân Việt ở Seabrook và Kemah trong cuộc tranh chấp với nhóm KKK như đã đề cập. Điều đáng nói là không như vài thành phố Hoa Kỳ khác có đông người Việt cư ngụ, Houston bao giờ cũng chỉ có một HĐĐDCĐ duy nhất do người Việt bầu lên.

Chủ tịch HĐĐDCĐ Houston hiện nay là nha sĩ Chu Văn Cương, một người trẻ nhiệt huyết, có khả năng, được khối người Việt ở thành phố này tin cậy. Nhờ sự tin cậy này, HĐĐDCĐ vừa mua được một mảnh đất rộng 3.5 mẫu với giá 2.6 triệu Mỹ kim trên đường Bellaire, gần với Texas State Highway 6, để làm trung tâm sinh hoạt. Như vậy, mảnh đất này nằm trong phần “đuôi rồng,” theo lời chiêm tinh gia Hồng Liên. Cuối tháng 8 năm 2024 vừa qua, cả ngàn người đã tham dự buổi tiệc do HĐĐDCĐ tổ chức để gây quỹ trang trải một phần chi phí mua đất. Hy vọng rằng với sự tín nhiệm đang nhận được từ đồng hương, HĐĐDCĐ đương nhiệm sẽ đóng góp được nhiều trong sự phát triển của cộng đồng người Việt Houston.

Đóng góp cho xã hội

Kể từ ngày đầu định cư, trong suốt nửa thế kỷ qua, cộng đồng người Việt ở Houston đã đóng góp cho xã hội sở tại những cống hiến và thành tựu đáng kể trong rất nhiều lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế, thương mại, tài chánh, ngư nghiệp, xây dựng, và đặc biệt là ẩm thực. Báo chí của người bản xứ đã nhiều lần ca ngợi những thành quả của người Việt ở thành phố này. Tại các hãng xưởng, các nhân viên gốc Việt được cấp trên tín nhiệm và quý mến. Đầu thập niên 90, khi tôi làm việc trong chương trình phi thuyền Con Thoi (Space Shuttle) của Hoa Kỳ thì trung tâm không gian Johnson Space Center của NASA có hơn 300 chuyên viên gốc Việt, đa số là kỹ sư các ngành. Một đồng nghiệp gốc Việt của tôi lúc ấy đã được NASA trao giải “Inventor of the Year” (Nhà Phát Minh Lỗi Lạc Nhất Trong Năm) vào năm 1992.

Xem thêm:   Đam mê

Rất nhiều người gốc Việt nổi tiếng đã được báo chí Houston nhắc đến và ca ngợi qua những thành quả họ đóng góp cho thành phố Houston nói riêng và đất nước Hoa Kỳ nói chung. Trong số này có người là các vị dân cử như dân biểu tiểu bang và nghị viên thành phố, có người là thẩm phán, luật sư, bác sĩ, khoa học gia, kỹ sư, giáo sư đại học, chuyên viên tài chánh, thương gia, và có cả đầu bếp v.v.

Bàn về những đóng góp quan trọng và ý nghĩa của người tỵ nạn gốc Việt dành cho xã hội sở tại mà không nhắc đến những nhà hàng Việt Nam là một thiếu sót lớn lao. Cơ quan truyền thông của người bản xứ, đặc biệt là báo chí, đã nhiều lần ca ngợi các món ăn tại nhà hàng Việt. Có lẽ trong các nhà hàng Việt ở Houston thì Kim Sơn được người bản xứ biết đến hơn cả vì thực đơn phong phú, khung cảnh đẹp, và kích thước bề thế với diện tích 35,000 foot vuông chiếm trọn tầng trên của một trong ba buildings tại Saigon Houston Plaza, trung tâm thương mại tráng lệ trên đường Bellaire được khai trương năm 2006. Tạp chí Houston Business Journal đã xếp hạng Kim Sơn là “nhà hàng không phải của người bản xứ tốt nhất trong thành phố.” Hầu như tất cả người Mỹ yêu thức ăn Việt đều đã đến nhà hàng này. Những người Việt ở thành phố khác khi có dịp ghé Houston cũng cố thu xếp để đến đây.

Tôi vẫn nghĩ nếu muốn giới thiệu những giá trị văn hoá đẹp của dân tộc với những sắc dân khác thì không gì bằng khởi đầu với những món ăn độc đáo của người mình. Trong ý nghĩa này, Kim Sơn, và những nhà hàng nổi tiếng của người Việt tại Houston, đã làm rất xuất sắc nhiệm vụ phổ biến những giá trị đẹp của văn hoá Việt tại xứ người.

Ngày hôm nay, ẩm thực Việt Nam đã len lỏi vào các ngõ ngách của xã hội sở tại, đặc biệt là các món phở, bánh mì, và gỏi cuốn. Ba món ăn này rất được ưa chuộng không những đối với người bản xứ mà còn với các sắc dân thiểu số khác tại Houston vì hai lý do. Thứ nhất là giá cả bình dân. Thứ hai là ngon, rất ngon. Một anh bạn Mỹ chính gốc đã nói đùa với tôi rằng khi nghe có người nhắc đến người Việt là anh nghĩ ngay đến phở, mà hễ nghe ai nhắc đến phở là nghĩ đến người Việt Nam. Bước vào một tiệm phở ở Houston hôm nay, trông thấy thực khách Âu Mỹ là điều bình thường. Tôi đã chứng kiến nhiều người bản xứ khoan khoái húp đến thìa nước dùng cuối cùng trong tô phở, và một anh Mỹ đoạt giải ba trong cuộc thi ăn phở nhiều và nhanh trong Hội Chợ Văn Hóa Việt năm ngoái.

Bên cạnh văn hoá ẩm thực, một giá trị khác của văn hoá phi vật thể dân tộc được nhiều cư dân bản xứ ở Houston biết đến là Việt Võ Đạo. Ngày hôm qua, tôi nhận được thư từ một đồng môn võ phái này mời tham dự “sinh nhật” thứ nhất của võ đường Vovinam do cô và một võ sư lập nên vào năm ngoái tại Richmond, thành phố ngoại vi của Houston. Có lẽ đây là võ đường Vovinam thứ 10 đang hoạt động tại Houston và vùng phụ cận. Như vậy, các môn sinh Việt Võ Đạo đang làm thật tốt trách nhiệm không những chỉ bảo tồn mà còn phát huy di sản văn hoá dân tộc trong cộng đồng bản xứ. Tôi được biết khá nhiều người trẻ bản xứ theo học những lớp Vovinam tại thành phố này.

Trên quan điểm cá nhân, điều tôi tự hào và hãnh diện nhất về Cộng Đồng Người Việt Houston suốt nửa thế kỷ qua là tính rộng rãi và lòng bác ái của đồng hương. Có thể nói người Việt ở Houston luôn sẵn sàng giúp đỡ người bất hạnh. Trong các cuộc gây quỹ với mục đích từ thiện, cộng đồng người Việt ở Houston luôn luôn đóng góp nhiều hơn cộng đồng ở các thành phố khác. Xin đan cử vài thí dụ điển hình để… khoe với các đồng hương tại hải ngoại.

Ngay sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, đài phát thanh Saigon Houston đã kêu gọi đồng hương giúp đỡ các nạn nhân ở New York. Chỉ trong vòng hai tuần, người Việt Houston đã đóng góp đến nửa triệu Mỹ Kim, tương đương với 900 ngàn theo thời giá hôm nay. Hai tháng sau, hội Văn Hoá Khoa Học Việt Nam tổ chức cuộc đi bộ walkathon 5 cây số để cũng gây quỹ giúp nạn nhân cuộc khủng bố. Cả ngàn đồng hương ở Houston đã tham gia cuộc đi bộ này.

Tháng 8 năm 2005, khi trận bão Katrina khốc liệt đang kéo đến Louisiana, 30,000 người Việt ở tiểu bang láng giềng rời bỏ cửa nhà sang Houston lánh nạn. Tuy nhiên, không một ai trong số này phải trú ngụ tại các trung tâm tạm trú công cộng (public shelters), vừa thiếu thốn tiện nghi, vừa chật hẹp. Hầu như tất cả giáo xứ và chùa Việt Nam đều mở rộng cửa đón tiếp và cung cấp thực phẩm cho nạn nhân thiên tai. Rất nhiều cư dân người Việt tại Houston đã mời các gia đình nạn nhân tá túc trong một thời gian dài. Một tờ báo người bản xứ, khi đề cập chuyện này, đã nói nhờ người Việt mà Houston được ví von là “thủ đô của lòng bác ái.”

Tháng 11 năm 2013, khi cơn bão Haiyan tàn phá nhiều thành phố ở Phi Luật Tân; cũng qua cuộc vận động của đài phát thanh Saigon Houston, người Việt Houston đã “lá lành đùm lá rách,” đóng góp hàng trăm ngàn Mỹ Kim giúp nạn nhân thiên tai ở quốc gia này. Có thể xem đây là thái độ trả ơn người dân Phi hiền lành, tốt bụng đã giúp đỡ nhiều ngàn thuyền nhân Việt khi thuyền tấp vào xứ sở họ trong hai thập niên 80 và 90. Ngày ấy, một phái đoàn thiện nguyện mang tên Nhóm Houston Mission, thay mặt khối người Việt đóng góp tài chánh giúp nạn nhân cơn bão, trong đó có bác sĩ, nha sĩ, linh mục, hòa thượng, và đại diện cơ quan truyền thông tự mua vé máy bay sang Tacloban trao tiền, khám sức khỏe, chữa răng, và phát thuốc miễn phí cho dân địa phương suốt tuần lễ ở thành phố này. Đây là thành phố của Phi Luật Tân bị cơn bão gây nhiều thiệt hại nhất với hơn 6,300 người mất mạng.

Hơn 4 năm trước, tức năm 2020, khi đại dịch Covid bùng nổ, người Việt Houston cũng đóng góp tiền, mua thực phẩm từ nhà hàng Kim Sơn để tặng các bác sĩ, y tá, nhân viên tại các bệnh viện, và những người lính cứu hoả của thành phố. Số tiền dư được dùng mua vải để nhiều thiện nguyện viên gốc Việt may khẩu trang gửi đến các bệnh viện. Thời gian đó, ít ai có thể mua được khẩu trang tương tự như thứ bày bán tại các cửa tiệm hôm nay. Cũng trong mùa đại dịch năm ấy, một thân hữu cư dân Houston của tôi, vừa là linh mục Công giáo vừa là bác sĩ y khoa, đã đóng cửa phòng mạch 10 ngày để sang New York làm thiện nguyện tại một bệnh viện, giúp các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid khi thành phố bị phong tỏa, mà không nề hà chuyện mình có thể bị lây nhiễm. Ngày ấy, bị nhiễm bệnh này thì có rất nhiều nguy cơ tử vong vì chưa có thuốc điều trị.

Xem thêm:   Chaffee ngày trở lại

Trên đây chỉ là vài thí dụ điển hình cho lòng rộng rãi và tinh thần bác ái của cư dân Việt Nam tại Houston. Các giáo xứ Việt Nam ở thành phố này thường tổ chức hội chợ hàng năm để gây quỹ trong một cuối tuần. Kể từ tối thứ Sáu đến chiều Chủ Nhật, tức trong 3 ngày, giáo xứ nào mà thu chưa đến nửa triệu Mỹ kim là… thất bại. Tôi được biết giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã thu được cả triệu Mỹ kim trong 3 ngày hội chợ năm ngoái.

Tôi tự hỏi người Việt Houston hào phóng vì ăn nên làm ra tại thành phố cung cấp nhiều cơ hội tiến thân hay vì sống trong môi trường bác ái từ bao năm nên chịu ảnh hưởng. Có lẽ vì cả hai yếu tố. Mẹ Teresa từng bảo “Những việc làm tốt là những mắt xích tạo thành chuỗi yêu thương.” Ông Mahatma Gandhi nói “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống.” Suốt nửa thế kỷ qua, tôi may mắn được sống nơi đáng sống. Tôi hãnh diện vì Houston. Nói chính xác hơn: Tôi hãnh diện vì cộng đồng người Việt tại Houston.

Tác giả dưới bảng tên “Đại Lộ Sài Gòn”, con đường chính của Little Saigon ở Houston.

Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương

Kể từ ngày những người Việt tỵ nạn đầu tiên đến định cư tại Houston, trong 50 năm qua, cộng đồng người Việt đã phát triển rực rỡ với dân số hôm nay ước lượng khoảng 200 ngàn. Trong số này, ngoài 3 làn sóng người Việt tỵ nạn đến đây như đã đề cập, còn có những người được cha, mẹ, anh, chị, em, hay con đang sống ở Houston bảo trợ từ Việt Nam sang. Thêm nữa, nhiều đồng hương tại thành phố khác, tiểu bang khác đã dọn sang Houston vì ở nơi đây, họ có thể tìm được việc làm thích hợp với khả năng một cách dễ dàng. Đặc biệt, giá nhà Houston rẻ so với nhiều thành phố khác ở Hoa Kỳ. Trong 5 năm qua, một số người Việt khá đông từ tiểu bang California chuyển đến định cư tại Houston. Có những người bán nhà ở California, mang tiền mặt sang Houston mua được 3 hay 4 căn nhà với kích thước và tình trạng tương tự; một căn để ở, những căn còn lại cho thuê. Thêm nữa, giá sinh hoạt ở Houston tương đối thấp, chẳng hạn như xăng ở Texas chỉ bằng 60 phần trăm giá ở California. Giá một tô phở tại Houston cũng chỉ bằng 60 phần trăm so với một tô tương đương tại Orange County.

Ngày hôm nay, Houston là thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas và là thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ với gần hai triệu rưỡi dân. Dù có tỉ lệ chỉ khoảng 8 phần trăm cư dân thành phố, người Việt không hề cảm thấy như đang sống lạc lõng giữa xứ người. Ngoài số đông cư ngụ tại vùng Tây Nam, người Việt tập trung tại nhiều khu chung quanh thành phố và khu nào cũng có những trung tâm thương mại, nhà hàng, tiệm thực phẩm Việt. Đặc biệt, vào năm 2015, chính quyền thành phố đã chấp thuận đặt tên Việt Nam cho các con đường tại khu thương mại của người Việt ở khu Tây Nam. Cũng như tại downtown Houston trước đây, các bảng tên đường bằng tiếng Việt được gắn gần bảng tên đường bằng tiếng Anh. Bellaire Boulevard trong đoạn “mình rồng” được đặt tên “Đại Lộ Sài Gòn,” đường Beechnut song song với Bellaire là “Tự Do,” các con đường ngang nối liền “Sài Gòn” với “Tự Do” được đặt tên là đường “Chiến Sĩ Vô Danh,” đường “Quốc Hận 30 Tháng Tư,” cùng các con đường mang tên các vị tướng hay tá Quân Lực VNCH được người Việt miền Nam Tự Do xem là anh hùng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long, và Ngụy Văn Thà. Ông Ngụy Văn Thà, thiếu tá hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, đã tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa với Trung Cộng. Ông Hồ Ngọc Cẩn, đại tá Quân Lực VNCH, bị Cộng sản xử tử sau biến cố 30 tháng Tư. Các vị khác đã tuẫn tiết khi miền Nam thất thủ.

Sự kiện chính quyền thành phố chấp thuận đặt tên Việt Nam cho những con đường này đủ nói lên thế lực và uy tín của cộng đồng người Việt tại Houston đối với chính quyền sở tại.

Theo truyền thống, người Việt có sở thích sống gần gũi nhau trong phạm vi làng xã; vì vậy, trong 50 năm qua, có rất nhiều làng Việt Nam đã xuất hiện ở Houston như làng Tre, làng Thái Xuân, làng Ðà Lạt, làng Huế, làng Sài Gòn, làng Saint Joseph, làng Saint Marie, và làng Thánh Tâm v.v.

Tại hải ngoại nói chung và nước Mỹ nói riêng, nơi có đông người Việt sinh sống nhất cùng nổi tiếng nhộn nhịp nhất là thành phố Westminster thuộc Orange County, tiểu bang California, và được nhiều người gọi là Little Saigon. Tuy nhiên, có thể nói cái gì Westminster có thì Houston cũng có, nhưng có cái Houston có mà Westminster không thể có. Đó là những cơn bão khủng khiếp với sức gió trên trăm dặm một giờ thỉnh thoảng viếng thành phố vào mùa Hè và vài ngày lạnh dưới mức đông đá, lạnh đến buốt xương vào mùa Đông. Dẫu vậy, người ta vẫn bám trụ nơi đây, vẫn từ vùng có khí hậu ôn hoà dọn đến thành phố này. Người ta chịu đựng đôi ba tuần vất vả vì thời tiết để cả năm được an cư lạc nghiệp; đất lành thì chim đậu, thế thôi.

Trong bài viết, tôi dùng hai chữ “đồng hương” để chỉ người Việt sống tại Houston nói riêng và hải ngoại nói chung. Thật ra, đây là hai từ Hán-Việt có nghĩa người sống chung, hay ít ra cũng từng sống chung trong một làng (đồng có nghĩa là cùng, hương là làng). Theo nghĩa gốc, anh sinh ở làng Đông Hồ, chị sinh ở Phù Lãng thì tuy cả hai làng cùng tỉnh Bắc Ninh nhưng anh và chị không phải là đồng hương với nhau. Dẫu vậy, người ta có thói quen dùng từ này theo nghĩa rộng hơn. Chẳng hạn như khi vào Nam sau hiệp định Geneva năm 1954, những người di cư sinh cùng một tỉnh tại miền Bắc gọi nhau là đồng hương, bất kể họ sinh ở làng nào, huyện nào trong tỉnh. Cũng thế, khi ra đến hải ngoại, sống cùng với người bản xứ và sắc dân khác, người Việt có thói quen gọi nhau là “đồng hương.” Hai từ này khiến chúng ta cảm thấy gần gũi nhau, và lòng dâng lên một nỗi êm đềm mỗi khi gặp được “người Việt mình” tại nơi có đông người bản xứ, đặc biệt là trong những năm tháng đầu tiên trên đất khách.

Xem thêm:   Xíu

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ những cuộc tao ngộ giữa những “đồng hương” tại xứ người như tôi đã kể trong phần đầu bài viết. Đến hôm nay, chúng ta đã quá quen thuộc với xứ sở này, những nơi chốn, những thói quen, những phong tục, những bạn bè. Có người bảo “quê hương đích thực là nơi ta và người thân yêu đang hiện diện, nơi chúng ta thương nhớ lúc đi xa trong thời gian dài và dạt dào niềm vui trên đường trở lại.” Ở ý nghĩa này, có lẽ tất cả “đồng hương,” dù nói ra hay không, đều xem thành phố chúng ta đang ở trong vài chục năm qua là quê hương, ít ra là quê hương thứ hai, của mình.

Ngày hôm qua, khi soi gương chải tóc, nhà tôi bảo “Tóc em giờ rụng nhiều hơn trước, mình già thật rồi!” Tôi cười nói đùa “Truyện Kiều có câu: ‘hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.’ Mình bây giờ đã về hưu, con cái thành người, lại có thêm bầy cháu kháu khỉnh. Một ít tóc rụng rơi, thêm vài nếp nhăn xuất hiện trên mặt là lẽ thường của Tạo Hoá. Hạnh phúc quá rồi mà!”

Nói đùa với vợ xong, tôi mới cảm nhận mình đã có cuộc đời may mắn. Nửa thế kỷ trước, tôi và gia đình đã lách ra khỏi cánh cửa chiếc nhà tù vĩ đại đang khép lại để nhốt chặt đồng bào miền Nam. Từ đó, tôi được sống đời tự do, được mưu cầu hạnh phúc theo quyết định của chính mình, được sống trong một xã hội Việt Nam trên xứ người, và sống trong môi trường văn hoá dân tộc.

Tôi yêu Houston, quê hương thứ hai của tôi vì những kỷ niệm suốt 50 năm qua với cha mẹ tôi, với các em tôi, với nhà tôi, các con tôi, các cháu tôi. Tôi gặp vợ tôi ở thành phố này, có con, có cháu ở đây. Tôi mang ơn Houston nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã cho tôi cuộc sống tự do. Tôi đã biết tự do quan trọng thế nào cho một đời người; nhưng trong chuyến trở về Việt Nam năm 2013 để thăm người chị ruột nhà tôi đang ốm nặng, khi gặp lại những thân nhân, bằng hữu mình đã xa cách từ ngày miền Nam đổi chủ, tôi mới rõ thêm giá trị đích thực của Tự Do.

Nếu mỗi thế hệ được định nghĩa là những người được sinh ra đời trong khoảng thời gian 20 năm liên tục thì kể từ ngày người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ, đã có 2.5 thế hệ sinh ra tại xứ này. Những hậu duệ của người tỵ nạn hiểu rõ cha mẹ họ đã chấp nhận bao hiểm nguy để họ được sống đời tự do, và bước đến tương lai trên con đường tự chọn. Họ đã tiếp nhận và đã sống với giá trị tự do theo kiểu lời phát biểu của nhà văn Evelyn Beatrice Hall: “Tôi không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu cho đến chết để bảo vệ quyền được nói của bạn.”

Ngày hôm nay, đa số người chủ gia đình đưa được vợ con đến bến bờ tự do ở nửa thế kỷ trước đã về thế giới bên kia. Những người còn sống nếu lúc đó 40 tuổi thì nay đã 90 và cũng sắp ra đi. Họ chính là những người đã khai sinh ra cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, trong đó có cộng đồng Houston. Mong rằng các thế hệ gốc Việt tương lai ở thành phố này sẽ dựng nên một đài tưởng niệm dành cho những người chủ gia đình ấy, bên cạnh đài tưởng niệm chiến sĩ Mỹ-Việt và đài tưởng niệm thuyền nhân đang sừng sững tọa lạc trên đường Bellaire. Họ xứng đáng để chúng ta, và những thế hệ gốc Việt mai sau ở thành phố này, ghi nhớ, mang ơn, và kính trọng.

Cuối tháng 8 năm 1963, mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng Tôi Có Một Giấc Mơ (I Have a Dream) ở bậc thềm đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln tại Hoa Thịnh Đốn để trình bày giấc mơ của ông về tương lai nước Mỹ, khi người da trắng và da đen có thể sống chung hoà thuận như những người bình đẳng. Ngày hôm nay tôi cũng có một giấc mơ!

Tôi mơ một ngày mai, Việt Nam sẽ có tự do dân chủ, được lãnh đạo bởi những vị chiếm được lòng tin của người dân cả trong lẫn ngoài nước. Lúc ấy, người Việt hải ngoại sẽ xúm lại cùng người quốc nội để xây dựng đất nước. Với kiến thức thu thập được từ những quốc gia tiên tiến trên thế giới trong đủ mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, thương mại, tài chánh v.v. khối người ở hải ngoại, trong đó có cư dân thành phố Houston, sẽ là nguồn lực quan trọng để vực Việt Nam dậy, sánh bước cùng cộng đồng những quốc gia phát triển. Tôi mơ sẽ có ngày đồng bào tôi chứng kiến được những lời tiên tri trong ca khúc Hải Ngoại Thương Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ hơn 6 thập niên trước biến thành sự thật: “Người về đây giữa non sông này, hội trùng dương hát câu sum vầy, về cho thấy con thuyền nước Nam, đi vào mùa Xuân mới sang, xa rồi ngày ấy ly tan,” và “Tôi đi giữa trời bồi hồi, cờ bay phất phới tôi quên chuyện ngày xưa, mong sao nước Việt đời đời, anh dũng oai hùng chen chân thế giới…” Tôi mơ những con đường ở các tỉnh thành Việt Nam rồi sẽ giống như con đường Bellaire của Houston hôm nay, nhộn nhịp những người là người, với khuôn mặt ánh ngời hạnh phúc vì đang được sống cuộc đời phơi phới tự do.

Tôi sống ở nước Mỹ, là một công dân tốt, đóng thuế đầy đủ suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, không ai đánh thuế được giấc mơ của tôi.

NNB