Cách đây hơn 12 năm, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyên Minh trong quán café đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận. Hôm ấy, có Nguyễn Hòa VCV, nhà văn Sâm Thương, anh chị Trương Văn Dân và Elena, ngay lập tức tôi nhận ra một nhà văn miền Nam có tâm hồn tự do, hồn hậu với dáng dấp của một Peter Pan không bao giờ lớn, người luôn dành cả tuổi thơ và cuộc đời để dấn thân vào những chuyến phiêu lưu thăng trầm của chữ nghĩa. Các anh đang bàn về việc thành lập tập san Quán Văn làm sân chơi cho riêng mình và mời tôi tham gia viết bài.

Quán Văn ra mắt số 100  

Quán văn 001 chính thức ra đời vào tháng 10.2011 do NXB Thanh Niên ấn hành 1,000 cuốn. Đặc san văn học Quán Văn số đầu tiên gồm 178 trang, với 10 mục lục:

1. Sống và viết: gồm 5 bài của Nguyên Minh, Vũ Lập Nhật, Nguyễn Hòa VCV, Khuất Đẩu, Ban Mai.

2. Hội Họa: nhận định “họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội” của họa sĩ Đinh Cường.

3. Nhạc: giới thiệu tác phẩm “Đà Lạt trăng mờ”, thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Trương Thìn.

4. Dịch Thuật: “Cuộc cá cược lạ kỳ” của Anton Pavlovich Chekhov do Hiếu Tân dịch.

5. Truyện cực ngắn: giới thiệu 3 truyện của nhà văn Nguyễn Phan Thịnh.

6.Truyện ngắn: giới thiệu tác phẩm của 6 tác giả Trần Hoài Thư, Lê Văn Thiện, Lê Tạ Bích Đào, Lữ Kiều, Phạm Văn Nhàn, Trương Văn Dân.

7.Thơ: gồm tác phẩm của 13 tác giả Võ Tấn Khanh, Phan Duy Nhân, Lê Văn Trung, Lê Ký Thương, Phạm Ngọc Lư, Lữ Quỳnh, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Man Nhiên, Từ Sâm, Trần Hồ Thúy Hằng, Du Nguyên, Nguyễn Minh Nữu, Đoàn Văn Khánh.

8. Điện ảnh: Một cái nhìn về “người hùng” của tác giả Sâm Thương.

9.Tiểu luận: giới thiệu bài phê bình truyện ngắn Chinh Ba của tác giả Huỳnh Như Phương.

10. Tư liệu văn học: giới thiệu truyện ngắn: “Bài thơ trên xương cụt” của tác giả Chinh Ba. Như vậy Đặc san văn học Quán Văn số 001 ra đời với 31 tác giả gồm 29 nam và 2 nữ (Ban Mai và Trần Hồ Thúy Hằng).

Những năm đầu tiên phát hành 3 tháng 1 số, sau đó mỗi tháng 1 số, sau Tết Nguyên Đán được nghỉ 2 tháng.

Để hiểu quyết tâm của chủ biên Nguyên Minh khi tự mình đứng ra thành lập Đặc san Văn học Nghệ thuật, nhằm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, gìn giữ lại nền văn chương nước nhà, nhất là những tác phẩm miền Nam đã từng bị quên lãng vì thời cuộc, chúng ta phải nhìn lại tình hình văn học nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài những năm 2010 khó khăn như thế nào. Chưa kể đến việc kiểm duyệt bài viết trước khi xuất bản của một tạp chí văn học tư nhân là một nhiêu khê, không cần nói  ai cũng biết “Cái nước mình nó vậy”. Thì đây còn là thời đại của không gian mạng, thời đại bùng nổ của internet, báo giấy lần lượt đình bản, các tạp chí gần như phá sản. Kể cả trong nước và ngoài nước tình hình in ấn, sách báo đìu hiu. Tạp chí, báo mạng online lên ngôi, giới trẻ hầu như không còn mê say đọc sách như ngày xưa nữa.

Trong bối cảnh ấy, việc một mình đứng ra thành lập tập san thuần túy văn chương bằng tiền túi của mình, không nhận quảng cáo, không nhận tài trợ của bất cứ một tổ chức nào, để được tự do viết theo ý mình, làm theo ý mình, không theo chỉ thị của ai với tôi là một hành động “liều mạng”, với nhiều người là điều không tưởng, và hầu như ai cũng nghi ngại, có lẽ sẽ vài số cho vui rồi ngừng bản. Thế nhưng, một việc tưởng rằng không thể lại có thể đến ngoạn mục.

Những tác giả số Quán Văn đầu tiên 001

Trải qua 12 năm, với 100 số báo. Từ con số 31 tác giả cộng tác đầu tiên  đến nay Quán Văn có gần 300 cộng tác viên gửi bài.

Tập san Quán Văn cũng phải thay đổi nhiều nhà xuất bản để được in ấn, từ NXB Thanh Niên, đến NXB Hồng Đức, NXB Hội Nhà Văn. Từ chi nhánh NXB Hội Nhà Văn ở Sài Gòn, chuyển đến chi nhánh NXB Hội Nhà Văn ở Bến Tre, rồi đến chi nhánh NXB Hội Nhà Văn ở Đà Nẵng, sau đó lại chuyển qua chi nhánh NXB Hội Nhà Văn ở Hà Nội. Khó khăn bủa vây từ việc xuất bản đến việc kiểm duyệt, nhưng khó khăn kinh khủng nhất là khó khăn về tài chánh. Bao nhiêu tờ báo, tạp chí được tài trợ của nhà nước còn đình bản thì với một tập san văn học tư nhân, của một nhà văn Miền Nam nghèo như anh Nguyên Minh lại là một khủng hoảng. Khủng hoảng liên tục từ số đầu tiên 001 đến số 100, một tháng 1 số báo xoay qua rất nhanh, Quán văn 100 số là 100 lần anh Nguyên Minh xoay tiền chóng mặt. Anh kể, có lần gần đến ngày in mà chưa có tiền, anh vét hết mọi chỗ có thể, đến mức anh phải đập con heo đất mượn đỡ tiền lì xì để dành của cháu. Ấy vậy mà anh vẫn trụ được, 12 năm qua là một nỗ lực phi thường. Chỉ có một tình yêu văn chương không vụ lợi như anh mới hy sinh được như vậy.

Ngày xưa khi đọc những bộ tiểu thuyết kinh điển của Văn học Trung Quốc từ Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử … tôi đã rất thích hình ảnh 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am. Với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc là nơi tụ họp của những trang hảo hán đầy tài năng, mỗi người một tính cách đa dạng làm tôi say mê từ thuở thiếu thời.

Nếu như Tống Giang là vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc hào hiệp, nổi tiếng là người tốt, hay giúp đỡ nhiều người nên được anh hùng các nơi vị nể, tôn kính trong tác phẩm Thủy Hử, thì tập san Quán Văn với chủ biên Nguyên Minh sẵn sàng hy sinh tất cả để làm nghệ thuật bất vụ lợi trong một xã hội nhiễu nhương ngày nay là hiện tượng văn chương đáng khâm phục, đáng trân trọng. Chính nhân cách và tâm huyết của người chủ biên sẵn sàng đứng mũi chịu sào trước kiểm duyệt này đã thu hút tất cả các văn nghệ sĩ mọi miền mọi lứa tuổi tụ họp về đây.

12 năm nay Quán Văn trở thành sân chơi chung của các nhà văn trong nước và hải ngoại. Từ các nhà văn miền Bắc đến miền Nam, các nhà văn cũ từ trước 1975 đến những nhà văn trẻ lứa tuổi 9x đều có mặt ở nơi này. 100 số báo là 100 lần ra mắt sách, giới thiệu cho quý độc giả ở mọi miền đất nước từ Sài Gòn, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hoà, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội …đó là một cố gắng phi thường, và là một nét văn hóa đẹp được chủ biên Nguyên Minh duy trì đều đặn của văn học miền Nam xưa.

Chính từ nơi đây tôi đã tìm lại một thời đã qua, gặp lại những người muôn năm cũ. Được đọc lại các trang sách của những nhà văn miền Nam trước 1975 sau khi kết thúc chiến tranh đã một thời bị bôi xóa, trong các chuyên đề chân dung văn học như Nguyễn Mộng Giác, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ- Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phạm Thiên Thư, Trần Thị NgH, Nguyễn Bắc Sơn, Mường Mán, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tất Nhiên …

Quán Văn với chúng tôi là một gia đình, có lẽ đây là nơi duy nhất không quan tâm địa vị chức tước, học hàm học vị, không phân biệt chiếu trên chiếu dưới như các hội đoàn văn nghệ quốc doanh nhan nhản mà tôi thường thấy ở xứ này.

Nơi đây chỉ xem trọng chữ tình, xem trọng tài năng và nhân cách. Tài năng thể hiện qua tác phẩm, nhân cách thể hiện trong đối nhân xử thế với mọi người.

Tại sao Quán Văn tồn tại? Theo tôi vì nó là tiếng lòng, tiếng lòng của những con người đồng điệu sau những năm tháng khô hạn cằn cỗi đã tìm được suối nguồn tưới mát tâm hồn họ.

Anh Đặng Châu Long, một nhà văn thân thiết của Quán Văn từng thổ lộ: “Quán Văn như một nơi hội ngộ của những người đơn sơ, không diễn lễ hội hóa trang và cũng chẳng tán dương ai…Từng người về. Từng người về gặp lại, thấy nhau tuôn trào dòng chảy để soi cùng nhau trong dòng nhỏ an bình. Không phải là nhà, chỉ là quán. Một quán văn bé nhỏ khiêm nhường không cần ai nhớ ai thương. Chỉ có một gia đình đông thành viên ái ngại nhìn nhau dậy tuổi thu tàn. Những mảnh vụn đời riêng khơi gợi niềm chung”

Đúng vậy, với tôi chính tình bạn, tình yêu văn chương nước Việt là cái neo đã níu giữ tôi ở lại  Quán Văn suốt 12 năm qua. Tôi hạnh phúc và may mắn trong vòng tay bạn bè, hạnh phúc vì biết rằng mình có được những anh chị em yêu thương như một gia đình.

Quán Văn – có một nơi như thế.

BM

Quy Nhơn, 17.12.2023