Nghề vú em có từ khi nào?
Có thể nói, vú em là nghề có tuổi đời rất xa xưa, và thịnh hành hầu hết ở tất cả các quốc gia, không phân biệt châu lục hay màu da. Trong các gia đình tầng lớp giàu có, trẻ em gia chủ được giao cho các nữ nô lệ khỏe mạnh và có sữa tốt cho trẻ bú mớm, săn sóc. Thời phong kiến, các gia đình hoàng tộc và phú hào mở cuộc thi tuyển vú em (nhũ mẫu) cho con họ ngay từ khi đứa trẻ vẫn còn là bào thai, và tuyển một lúc hai, ba người vú chớ không phải chỉ một người. Vú em phải là người phụ nữ trẻ vừa mang con đầu lòng, khỏe mạnh, nước da sáng, dung mạo phúc hậu đẹp đẽ, tánh nết hiền từ, cử chỉ đoan trang, ăn nói mềm mỏng nhẹ nhàng. Người xưa quan niệm đứa trẻ bú sữa ai thì tánh tình sẽ giống người đó nên tuyển vú em rất kỹ lưỡng. Người trúng tuyển được trả công hậu hĩnh, sau đó phải vô sống hẳn trong nhà gia chủ, được gia chủ cho ăn đồ bổ, mặc đẹp, không cần phải làm công việc nặng nhọc mà chỉ bầu bạn với thai phụ chủ nhà. Vú em không được liên lạc với người nhà. Gia chủ luôn cố gắng làm vú em hài lòng, vui vẻ, vì người xưa quan niệm vú em mà cau có, buồn rầu thì sữa ít và phẩm chất sữa không tốt. Ba năm sau vú em mới được trở về nhà mình, nên con ruột của vú em vì thiếu sữa mẹ mà chết yểu thường xảy ra.
Thời xưa chưa có công nghiệp sữa hộp, đứa trẻ sanh ra chỉ trông cậy vô sữa mẹ. Những người đàn ông không may mất vợ phải bồng con ngày ngày đi quanh xóm xin các bà mẹ đang nuôi con cho con mình bú sữa ké, gọi là “bú thép.” “Con tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép tôi (ngày) rày mang ơn.” (Ca dao)
Phụ nữ quý tộc, phú hào xưa thường bị thiếu sữa nuôi con do họ kém sức khỏe. Vẻ đẹp đúng tiêu chuẩn sang trọng thời đó phải là “gót sen yểu điệu, mình liễu thướt tha,” “xiêm y phấp phới, vòng ngọc leng keng” mà phải nuôi đứa trẻ sơ sinh thì bất tiện đủ đường. Gặp gia chủ tánh tình rộng rãi, phóng khoáng, có khi nhũ mẫu đem cả con ruột, cả chồng vô ở luôn trong nhà gia chủ, vì đứa trẻ con gia chủ không chịu rời xa nhũ mẫu.
Ngoài làm vú em cho trẻ nhỏ, thời xưa cũng có những trường hợp làm vú em cho các ông bà lão đã móm hết răng không thể ăn được thức ăn. Người vú em vắt sữa mình vô chén cho các cụ uống. Vào thế kỷ 17, danh họa Peter Paul Rubens (1577 – 1640) đã vẽ bức tranh sơn dầu “Con gái cho cha bú trong khám tử hình” gây chấn động thế giới hội họa châu Âu. Bức tranh này hiện nay được trưng bày trong viện bảo tàng Hermitage, Nga. Trong sách Nhị Thập Tứ Hiếu của Trung Hoa đời nhà Nguyên có kể câu chuyện một gia đình nghèo, bà mẹ bệnh, rụng hết răng, nhà không có thức ăn trong khi con dâu vừa sinh con nên con dâu đã cho mẹ chồng uống sữa của mình để giúp bà sớm khỏe lại. Mặc dù sách Nhị Thập Tứ Hiếu được người Trung Hoa dùng giảng dạy về lòng hiếu thảo cho trẻ em suốt từ xưa tới nay, nhưng bức tượng con dâu cho mẹ chồng bú sữa dựng ở công viên khu du lịch tỉnh Chiết Giang lại bị nhiều người phản đối vì “nhìn quá dung tục.” Ở Việt Nam thì có tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố kể chuyện chị Dậu làm vú em để cung cấp sữa cho cụ Cố móm hết răng.
Vú em thời nay
Thời hiện đại, người ta không dùng chữ vú em “kém sang trọng” nữa, mà xài từ “bảo mẫu,” “babysitter,” hoặc “nanny,” để gọi người giữ trẻ tại nhà riêng. Nam giới cũng có thể làm công việc “babysitter,” nhưng “nanny” thì dùng để gọi bảo mẫu là nữ giới. Bảo mẫu ngày nay không cần phải có sữa cho trẻ em bú, mà chủ yếu là săn sóc và cho em bé bú bằng sữa hộp.
Cái gì cũng có mặt trái của nó, người thì kêu than “nanny nhà tôi quá chảnh, suốt ngày nằm trong phòng bấm điện thoại, nấu ăn cũng không biết nấu,” “suốt ngày gọi video call cho ông nào đó ở Việt Nam.” Người thì nói “giữ con nít mà 24/7 thì tuy không phải là công việc lao động nặng nhưng không nghỉ ngơi được, mệt mỏi lắm, trả có hai ngàn một tháng ai mà làm nổi.” Có người nói “Con họ tự kỷ nó khó dàng trời mây, hở ra là khóc, là quậy, được chính phủ trả tiền chăm sóc sáu ngàn một tháng mà mướn nanny trả hai ngàn ai giữ nó cho nổi.”
Thật ra, làm nanny trước hết là phải có tánh yêu thích trẻ con, không thích trẻ con thì không thể chơi với các bé lâu dài được, nếu cố gắng ép mình giữ trẻ thì lâu ngày sinh ra ẩn ức, bực bội, cáu gắt, làm cho đứa trẻ sợ nanny mà chính nanny không thấy thoải mái khi làm việc.
Người Việt làm nanny thường không có bằng cấp đào tạo nghề, phần lớn chỉ lấy kinh nghiệm nuôi con, nuôi cháu mình để nuôi con trẻ của gia chủ. Nếu những “kinh nghiệm” ấy thuộc về kiểu “nhà tôi ba đời gia truyền” phản khoa học mà gặp gia chủ có hiểu biết về chăm sóc sức khỏe thì tránh sao khỏi có sự xung đột giữa nanny và người chủ. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, trời nóng bức muốn chết mà bà ngoại tôi cứ bắt bọn tôi phải mặc quần rộng áo dài tay trong khi con nhà hàng xóm được mặc quần đùi áo ba lỗ thoải mái. Mẹ tôi cởi đồ dài ra thì bà ngoại cứ cằn nhằn suốt rằng “Nó ốm yếu coi chừng cảm lạnh, mặc như vậy đề phòng trước.”
Có bà nanny “cổ lỗ sĩ” nhứt quyết không chịu giặt đồ trẻ em bằng máy giặt, chê giặt máy không sạch, bà cặm cụi ngồi giặt tay quần áo trẻ cả ngày.
Người Việt có thói quen làm việc “tình cảm” không đòi hỏi ký giấy tờ, hợp đồng đàng hoàng. Vì vậy, khi gặp chuyện thì không biết làm cách nào bảo vệ quyền lợi cho mình. Đơn cử như đi ăn ngoài quán lúc nào tôi cũng đòi chủ quán đưa receipt, mà phải là receipt có in rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của quán, nếu không thì tôi không vô quán đó nữa. Bạn tôi hỏi lấy receipt làm gì rồi cũng liệng bỏ? Tôi nói giữ trong túi vài bữa phòng khi trúng thực thì có chỗ mà níu lưng.
Một người khác than phiền lúc mướn nanny thì nói nghe tử tế lắm, kêu người ta bay từ tiểu bang này qua tiểu bang kia làm cho mình. Xong được vài bữa đùng đùng cho nanny nghỉ việc ngang, đuổi ra khỏi nhà, bỏ nanny bơ vơ giữa nơi xa lạ. Có ý kiến nói gia chủ làm vậy là đúng, khi không hài lòng thì “sợ nanny làm hại con mình nên không thể báo trước.” “Các công ty cho nhân viên nghỉ việc bằng cách gởi email tới lúc nửa đêm.” Trường hợp này nanny không được ký hợp đồng lao động nên phải chịu thiệt thòi, còn nhân viên công ty bị cho nghỉ việc bất ngờ thì nhân viên được công ty bồi thường hợp đồng lao động rõ ràng.
Tôi đã từng thấm thía cảnh sống trong nhà gia chủ, bất kể ngày đêm, công việc lớn nhỏ gì cũng tới tay tôi, đến một giấc ngủ cũng không yên. Bây giờ nghe ai kêu làm việc mà “bao chỗ ở trong nhà chủ không tốn tiền share phòng” thì tôi “lạnh gáy.” Thoạt nghe tưởng người làm được lợi, nhưng nhà chủ đang đùng đùng, kêu réo nhờ vả, mình làm sao đóng kín cửa nghỉ ngơi được. Trước đây có người kêu tôi nói “Học mà làm gì, học bao giờ mới xong. Qua Texas ở nhà tôi chăm sóc người bị liệt, trả hai ngàn/tháng, bao ăn ở luôn trong nhà.” Tôi từ chối ngay lập tức vì sợ. Hổng biết quý vị có sợ giống tôi không?
TPT