Năm 1973, nghệ sĩ Thanh Nga tạm xa sân khấu để sinh em bé. Ông bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương đã mời nghệ sĩ Kim Tuyến về đoàn để thay thế vai đào chánh. Sau một thời gian tập dợt, gánh hát Dạ Lý Hương tưng bừng khai trương vở tuồng hương xa “Huyền thoại Bạch Trân Nương”, do hai soạn giả Nhị Kiều và Thế Châu phóng tác cải lương dựa trên tích truyện “Thanh Xà và Bạch Xà”. Tờ “flyer” của vở tuồng được in ấn mỹ thuật, đẹp mắt gồm hai màu mực, khổ giấy to hơn nửa trang báo Chính Luận, một mặt đăng hình ảnh các nghệ sĩ tham gia vở tuồng rõ nét và sắc sảo, còn mặt kia dành trọn vẹn phần quảng cáo cho thương hiệu bột giặt Tico của ông bầu Xuân kiêm thương gia Diệp Nam Thắng.

Nghệ sĩ Kim Tuyến, 1975  

Hôm đó, khán giả quần là áo lượt đến xem xuất hát chiều Chủ Nhật đông đúc như một ngày hội. Thằng bé 10 tuổi lần bước đến cửa soát vé và cất tiếng hỏi:

– Dì ơi, cho con dzô coi hát!

Người phụ nữ trang điểm đậm nét có đôi mắt vẽ xếch lên một chút mà Tám hay gọi là “bà tướng cướp Bạch Hải Đường” hất hàm nhìn nó và nói:

– Dzé của mày đâu? Không có dzé thì đưa đây 5 chục!

Tám ngần ngại vài giây và bước thụt lùi. Nó đưa mắt nhìn lên tranh ảnh nghệ sĩ treo đầy trên vách rạp và ngó qua khung cửa lưới sắt của phòng bán vé, mấy xấp vé vào cửa mời mọc, thèm thuồng. Bước ra khỏi rạp, Tám ngước nhìn những tấm “panneaux” rực rỡ vẽ lại chân dung các nghệ sĩ được treo trên cao và đối diện rạp là tấm “banderole” kẻ chữ nổi thật to với sắc màu sặc sỡ. Hai chữ “Kim Tuyến” gợi cho nó một niềm say mê đắm đuối.

Xem thêm:   Nhỏ mà có võ

Khi quay trở vào rạp lần nữa, Tám chỉ còn thấy một người đàn ông trung niên đang ngồi nơi cửa ra vào. Khán giả đã vào hết bên trong, tiếng nhạc từ trong khán phòng vọng ra và hình như, xuất hát đã được mở màn. Lấy hết can đảm, Tám mon men đến gần lối vào và lên tiếng:

– Chú ơi, cho con dzô coi hát!

Ông nhìn nó với ánh mắt bao dung và nói:

– Mày lên lầu coi và không được xuống dưới nhà nghe chưa!

Tám mừng vui như khi được lãnh bảng danh dự ngày cuối niên học và chân bước thật nhanh trên tấm thảm đỏ rực trải trên lối đi lên lầu. Khán phòng tối thui. Hai cánh màn nhung đã mở và các nghệ sĩ đang ca diễn trên sân khấu. Nhờ vào ánh đèn vàng mờ nhạt trên vách núp sau cái mặt nạ cười, khóc mà Tám thấy được những bậc thang và đến được những hàng ghế chót hãy còn trống chỗ.

Tám thương cô Bạch Trân Nương tài sắc nhưng lận đận trong tình duyên, gặp nhiều trái ngang trong cuộc sống. Mỗi khi xuất hiện, cô Nương ca hay, diễn giỏi và đẹp lộng lẫy như một nàng tiên.

Sau đó, Tám biết thêm qua trang báo kịch trường, nghệ sĩ Kim Tuyến còn góp mặt cùng các đồng nghiệp trong những vở tuồng tình cảm xã hội như “Tâm sự người cha”, “Con khác mẹ” của soạn giả “ông cò” Nguyễn Huỳnh. Tình hình chiến sự căng thẳng, đất nước chao đảo. Từ dạo đó, Tám không còn biết được một tin tức nào về nàng tiên Bạch Trân Nương xinh đẹp nữa!

Cải lương bằng hình trên nhật báo Tia Sáng, 1973

-oOo-

Xem thêm:   Chuyến tàu hoàng hôn

Ở một nơi xa không phải là chốn cũ, những xuất hát cải lương ở rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh dường như đã chìm sâu trong cõi nhớ!

Năm 1996, theo cái địa chỉ in trên bìa cuốn băng nhạc “Tình thiên thu”, Tám gửi đến chị Kim Tuyến một trang thư để nhắc lại chuyện đi coi hát “cọp” ngày xưa. Cánh nhạn hồi âm là 4 trang thư A5 viết nắn nót bằng tay với những tình cảm trang trọng và quý báu. Chị cũng gửi kèm theo một cuốn “tape” thu lại những bài ca tân, cổ nhạc làm quà văn nghệ cho cậu em khán giả phương xa.

Thời gian phôi phai, ai nấy cũng phải lo toan cho cuộc sống. Hai chị em lạc nhau thêm một lần nữa!

Năm 2006, nhờ chị Trúc Mai bắc một nhịp cầu văn nghệ, hai chị em đã được tin nhau và cái tình thân ái đó được nuôi dưỡng cho đến bây giờ. Hai chị em đã nhiều lần hứa hẹn với nhau, khi có dịp gặp gỡ sẽ cùng nhau rong chơi cho bỏ xa những ngày cách mặt!

Trong dịp đến California để tham dự reunion với các bạn học cũ, cuối cùng Tám cũng được dịp giáp mặt nàng tiên Bạch Trân Nương của ngày xưa. Vẫn gương mặt diễm lệ ngày đó, vẫn với nụ cười hiền lành và hai cái “đồng điếu” xinh duyên, trên sân khấu cũng như trong cuộc sống đời thường, chị Kim Tuyến vẫn đẹp lộng lẫy và rực rỡ như bao giờ.

Xem thêm:   Anh em nhà Ruffner

Mười mấy năm qua, hai chị em đã có nhiều dịp tâm sự nên lần gặp gỡ này chỉ ngồi bên nhau cũng nghe thấy niềm thương, nỗi nhớ ngập lòng. Chị nói:

– Tám là đứa mà chị thương yêu và tâm sự nhiều nhất!

Ngày Tám đặt chân đến California là ngày chị phải vào bệnh viện để giải phẫu khớp xương đầu gối bị thoái hóa. Vì vậy những cuộc hẹn hò “outdoor” đành gác lại. Dù sao mặc lòng, những giây phút bên nhau, hai chị em cũng đủ vui, cảm thấy được hạnh phúc và ấm lòng chiến sĩ. Cuộc vui nào cũng phai tàn, hợp tan là lẽ thường của tạo hoá. Chia tay nhau mà không ngăn được dòng xúc cảm. Hai chị em hẹn nhau lần nữa, nơi miền California nắng ấm hay bất cứ nơi nào ở các xứ sở tự do trên quả địa cầu này, nếu như mình vẫn còn duyên, để kể lể nhau nghe chuyện đời và chia sớt cùng nhau những buồn vui trong cuộc sống.

TV