Cách đây nhiều năm, Campuchia cho biết sẽ phát triển một căn cứ phòng không và mở rộng hệ thống radar tại Công viên Quốc gia Ream gần căn cứ hải quân ở tỉnh Sihanoukville. Mỹ cho biết căn cứ hải quân này đang phát triển để trở thành căn cứ quân sự ở nước ngoài thứ hai của Trung Quốc, ngoài căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti ở Đông Phi vào năm 2017.
Thủ tướng Hun Sen đã giao 157 mẫu đất cho Bộ Quốc phòng vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 để phát triển “sở chỉ huy và tổng hành dinh phòng không”. Thêm 30 mẫu khác để lập một “hệ thống radar hải quân.” Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia “khẳng định” sẽ không có sự tài trợ, hỗ trợ hay hiện diện nào của Trung Quốc tại các cơ sở này.
Một chuyên viên quân sự Úc cho biết “Chỗ này không phải là nơi để đặt căn cứ hải quân. Cảng nhỏ, nước cạn và nó dễ dàng bị triệt tiêu. Nếu dùng để thâu thập thông tin tình báo các nước láng giềng thì hợp lý hơn”.
Ream, cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30 km, và khu vực dễ dàng tiếp cận và “quan sát” Mã Lai, Việt Nam, Thái Lan, Phillipines và biển Đông, ngoài ra là phi trường lý tưởng cho các phi cơ quân sự của Trung Quốc, vì theo nhà nghiên cứu quân sự Hunter Marston cho biết Campuchia chẳng có mối đe dọa nào từ bên ngoài nên việc nâng cấp quân sự này khá bí ẩn vì nó hoàn toàn chưa cần thiết.
Trước nghi vấn này, Mỹ đã tiếp cận Việt Nam để bàn chuyện “nâng cấp phòng thủ”, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hôm 30-3-2023 có cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc để nói về việc tăng cường mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt là nâng cấp “hợp tác” quân sự vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an ninh. Tuy nhiên, nội dung này được Việt Nam giấu kín, chỉ tuyên bố chung chung trên truyền thông rằng CSVN sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước. Nếu kế hoạch hợp tác này có kết quả, Việt Nam sẽ dễ dàng đối phó với sự tung hoành của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới khi căn cứ hải quân Ream tấp nập phi cơ, tàu chiến của Trung Quốc theo hợp đồng 30 năm với Hun Sen.
Hạnh Dung (tổng hợp)