Nhiều gia đình sinh sống gần nhau tạo thành khu xóm. Tuỳ theo đặc điểm chung của xóm mà tên xóm được đặt ra như xóm đình, xóm chùa, xóm chợ, xóm gà, xóm vườn tre, xóm bàn cờ, xóm chiếu, xóm củi… Từ những xóm lớn này lại chia ra thêm thành những xóm nhỏ, thấp nhất là liên gia.

Sinh hoạt của trẻ con trong một xóm lao động ở Sài Gòn giữa tiếng ồn ào máy cưa (Nguồn: Internet) 

Xóm lao động bình dân ở Sài Gòn xuất hiện rõ nét từ đầu những năm 1950, cũng có một vài xóm bắt đầu hình thành trước đó do nhu cầu của người dân lao động kiếm sống tại trung tâm thành phố. Trong cuốn sách Sài Gòn trăm năm, tác giả Phạm Công Luận có nhắc đến quyển sách mỏng (không rõ tác giả) “Những xóm bình dân trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn” xuất bản tại Sài Gòn năm 1953 viết về những xóm xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại. Không kể vùng Gia Ðịnh giáp ranh Ðô thành, Sài Gòn – Chợ Lớn thuở đó có chừng hơn 20 tên xóm được ghi nhận. Ðặc biệt xóm Cầu Muối là một xóm lớn, có diện tích khoảng 50 ngàn mét vuông. Nhà cửa chen chúc độ ngàn nóc gia, cất lộn xộn không theo thứ tự. Có nhiều hẻm ngoằn ngoèo, lối đi độ một mét bề ngang. Buổi tối cả xóm dùng đèn dầu lửa. Nước thì dùng nước máy, lấy ở vòi nước công cộng.

Ngoài xóm Cầu Muối, xóm Chí Hoà hay xóm Hoà Hưng nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng là xóm có dân cư đông đúc, hình thành từ thuở thành lập quận 3 (1920). Cái xóm thân thuộc từ xa xưa ấy như thể nào tôi đã viết trong bài Xóm Hoà Hưng và đình Chí Hoà. Từ khi tôi bắt đầu hiểu chuyện, lân la đầu trên xóm dưới khám phá hẻm xóm nơi mình ở đã để lại trong trí óc của một thằng bé thuở tiểu học một hình ảnh không thể nào quên. Ðến giờ, mỗi khi nhắc đến, tôi lại mường tượng ra từng con hẻm lớn nhỏ, từng ngôi nhà ở khu xóm trên hay khu xóm dưới hình dáng ra sao, từng cây mít, cây xoài hay cây mận tôi từng hái trộm, nhớ những trận banh nhựa với đám bạn nhà bên, những trò chơi trẻ con nhẹ nhàng cũng có, mạnh bạo cũng có và cả những trận cãi vã, ẩu đả với bạn bè trong xóm vì tranh giành một vật cỏn con.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Nhà cửa trong xóm tôi khá nhỏ bé chừng bốn, năm mươi mét vuông có gác lửng, phân chia theo từng dãy đâu lưng với nhau, khung gỗ, mái lợp fibro được cất lên khoảng 1954, sau một trận hoả hoạn (nên có thêm tên gọi xóm nhà cháy). Trước đó thì sao? Nghe người lớn trong xóm kể, ở đây nguyên là một khu nhà lá tuềnh toàng không ngay hàng thẳng lối, vài chỗ mồ mả vô chủ không ai hương khói. Nước sinh hoạt hằng ngày thì dùng nước giếng, ban đêm le lói ánh đèn dầu. Từ xóm tôi tiếp tục gặp những con hẻm sâu hun hút bề ngang hẹp chừng hơn mét nối liền nhau từ xóm này sang xóm khác. Khu xóm này có nhiều nhà nhỏ bé và nghèo khó hơn. Một số căn có diện tích chừng hai mươi mét vuông, khung gỗ, mái lá, nền đất nện. Cứ thế, những con hẻm nối tiếp nhau thông ra những con đường cái trong một khu vực rộng lớn cả cây số vuông, khách lạ lạc lối vào đây khó tìm được đường ra.

Nét hồn nhiên của trẻ con trong một xóm nghèo (Nguồn: Manhhaiflick)

Có xóm tức có hẻm. Hẻm xóm có thể do quy định của chủ đất phân chia phần đất làm lối đi chung khi một vài người dân đầu tiên đến mua lô đất nhỏ cất nhà trên cuộc đất lớn. Và hẻm xóm cũng có thể do Phòng Phát triển Gia cư địa phương hoạch định khi xây dựng một khu dân cư mới. Tuy vậy, việc quản lý trật tự xây dựng của cấp chính quyền địa phương cấp phường xã vào thời gian trước 1954 gần như hoàn toàn bỏ trống. Dân chúng khắp nơi nhập cư về Sài Gòn ngày càng nhiều, hầu hết trong số họ là những người nghèo, tìm vào những khu xóm nhỏ, những con hẻm nhỏ hẹp thuê mướn nhà hay mua đất cất căn nhà đơn sơ tạo thành những khu xóm mới. Và tương tự ở những vùng ven kênh rạch, cuộc định cư của dân nghèo khắp nơi đổ về đô thành kiếm sống càng sôi động, họ tìm đến khu vực ven kênh rạch phù hợp với túi tiền định cư và biến nơi đây thành những khu nhà ổ chuột tạm bợ nối kết với nhau bằng những hẻm cầu ván chông chênh. Thống kê cho thấy trước 1975, nhà ổ chuột ven kênh rạch Sài Gòn-Chợ Lớn lên đến hơn 30,000 gia đình.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Ðiều này dễ nhận ra một vài xóm trong cuốn sách “Những xóm bình dân trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn” khi tác giả ghi nhận xóm tiếp tục được mở rộng qua vùng ven quanh Sài Gòn trước năm 1953.

Xóm Eyriaud Des Vergnes, thường được gọi là xóm Vẹc trên đường Lê Văn Sỹ hiện nay, hay còn gọi là xóm “Ai-vô rờ-quẹt” (theo Bình Nguyên Lộc). Có ô tô buýt xanh đậu ở trạm chính Aviateur Garros. Trước 1954 thành phố Sài Gòn chỉ tới cầu Trương Minh Giảng. Bên kia cầu là vùng đất lầy lội chỉ có xóm nhà nhỏ của dân mò cua bắt ốc và trộm cắp, là vùng ngoại ô, mất an ninh. Sau 1954, người miền Bắc di cư vào sống ở khu này rất đông, lập ra nhiều nhà thờ và chùa. Hay Xóm Chiếu trước là những thửa ruộng bỏ không với những hồ ao. Nhà tụ về đây để ở tạm, muốn vào xóm phải qua những cái cầu hay men theo các bờ đê nhỏ. Nhà trong xóm rộng hơn nhà làm ở hai bên cầu. Nhà nào lớn thì ba căn, một gian bếp. Các khóm nhà gồm hai ba căn, có ao hồ bọc chung quanh. Nước ao hồ dùng giặt quần áo, rửa chén dĩa và thả gà vịt. Nước uống thì mua nước ghe cung cấp với giá 2 đồng một đôi nước hoặc dùng nước mưa. Hoặc như Xóm Củi xưa kia là vùng đất hoang, sình lầy, là bến lên củi và vựa chứa củi từ ghe thuyền miền Tây chuyển về Chợ Lớn.

Đá gà trong xóm luôn là một sinh hoạt náo nhiệt thu hút trẻ em và người lớn trong xóm (Nguồn: Manhhaiflick)

Việc mở rộng xóm định cư cho dân chúng lao động bình dân nghèo trong thời buổi loạn ly khó có thể định hình quy hoạch các khu dân cư một cách bài bản và thật sự không thể nào kiểm soát nổi vào thời điểm đầu thập niên 60. Hầu hết xóm phát triển một cách tự phát. Và rồi những con hẻm cũng tự định hình theo sự tự phát đó tuỳ theo diện tích cuộc đất được phân chia thành bao nhiêu căn nhà. Thậm chí xẻo đất thừa rộng năm mười mét vuông cũng có thể trở thành một túp lều tuềnh toàng che mưa che nắng cho người lao động nghèo từ nơi khác đến định cư.

Trong bài viết Hẻm Sài Gòn, tôi có đưa thêm nhận xét hẻm của xóm là hai khái niệm khác nhau về hình thái văn hoá và điều kiện sống và nó cũng gây ra sự phức tạp về mặt an ninh xã hội. Tất nhiên trong hẻm xóm có những hẻm khá hiền hoà, có những hẻm quanh năm bốn mùa nước đọng, có những hẻm nghe tên lại không dám vào. Thậm chí có những con hẻm nổi tiếng dành cho dân ham vui phải treo biển cảnh báo “Khu Vực Cấm Quân nhân”trên đường Lê Văn Duyệt (hẻm số 2) hoặc Pétrus Ký (hẻm Cây Ðiệp xóm Bình Khang). Nhưng dù cho sinh hoạt có như thế nào chăng nữa thì người dân sống ở đó xem ra sống thật vô tư với thế sự cuộc đời. Mặc cho tiếng ồn ào náo nhiệt của một trận đá gà, âm thanh rát tai phát ra từ chiếc máy cưa bàn của nhà thợ mộc, của những chiếc radio vọng lên câu vọng cổ não nuột hay vang lên bài tân nhạc với giai điệu bolero mộc mạc và đây đó những thanh niên không nghề nghiệp cởi trần tụm năm tụm ba nói chuyện trên trời dưới đất, của những phụ nữ rỗi việc ngồi nhỏ to tám chuyện bà con thiên hạ, của những đứa trẻ thoải mái la ó chơi đùa đủ trò trong xóm nhỏ.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Ðó là hình ảnh sinh hoạt ban ngày của người dân sống trong hẻm xóm ta vẫn thường thấy ở xóm này hay xóm kia. Nó chất chứa bao hỉ nộ ái ố trong nhịp sống hằng ngày. Xóm chỉ yên tĩnh khi màn đêm buông xuống, đó là quãng lặng dành cho cả xóm, dành cho những con người lao động sau một ngày làm việc trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình dưới ánh đèn hiu hắt. Hình ảnh này hẳn mang nhiều cảm xúc cho nhạc sĩ Phạm Ðình Chương viết lên ca khúc Xóm đêm: Ðường về canh thâu / Ðêm khuya ngõ sâu như không màu / Qua phên vênh có bao mái đầu / Hắt hiu vàng ánh điện câu”. Hẻm xóm nghèo ở Sài Gòn tuy không là một bức tranh nghệ thuật nhưng luôn là nguồn cảm xúc vô tận của nhiều nhạc sĩ và nhà thơ, nhà văn khác nữa. Ðó là đời sống thực của đại bộ phận dân Sài Gòn.

May mắn thay, vào những năm cuối thập niên 1960, nhờ sự viện trợ của quốc tế, chính quyền thực hiện một phần trong chương trình chỉnh trang đô thị dành cho cư dân nghèo sống trong hẻm xóm. Tôn fibro, xi măng phát không cho người dân để tân trang cái nhà, tráng lại con hẻm nước đọng quanh năm. Nhiều hẻm xóm nhìn khang trang hơn lúc trước. Nhưng cuộc nhập cư vẫn cứ tiếp diễn ra trên khắp Sài Gòn và cứ thế các xóm mới lại được hình thành.

Trẻ con trong xóm chợ đang chờ … trong lễ cúng cô hồn (Nguồn: Manhhaiflkick)

TN