Viết về Sài Gòn xưa, không thể không nhắc đến khoảng thời gian ngắn khi Nhật chiếm đóng Đông Dương (10/1940 – 9/1945). Nhưng thật tiếc, ít có tài liệu nói đến sự ảnh hưởng lớn nào của người Nhật trong không gian của một đô thị từng chịu ảnh hưởng văn minh của người Pháp. Có chăng là những bài viết của miền Bắc lên án tội ác của lính Nhật trong tình hình dân chúng cả nước phải chịu ách một cổ hai tròng với các chính sách vơ vét của Pháp và Nhật dành cho nhu cầu chiến tranh.

Quân đội Nhật tiến vào Sài Gòn năm 1941 (Manhhaiflickr)   

Lúc sinh thời, má tôi thỉnh thoảng kể vài ba câu chuyện lính Nhật trong thời gian chiếm Nam Kỳ cho con cháu nghe cho biết. Nào là nạn đói xảy ra ở Bắc Kỳ năm Ất Dậu làm chết cả triệu người. Nào là lính Nhật ác hơn cả lính Pháp, người mang tội ăn cắp, bắt được không cần bỏ tù, xử ngay rút kiếm chặt tay tại chỗ, tóm được Việt Minh cột chân cột tay thả trôi sông. Nào là cấm vận chuyển lương thực ra miền Bắc (theo thoả thuận Kato-Darlan ký tại thành phố Vichy tháng 7/1941 chia ra: miền Bắc do Pháp đảm trách về an ninh, quân sự và ở miền Nam thì do Nhật nắm. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam bị chia cắt Nam – Bắc theo một thỏa thuận quốc tế ký kết tại châu Âu), ép nông dân bán rẻ lúa gạo, bắt bỏ ruộng lúa trồng đay để làm vải bố và các chính sách sưu cao thuế nặng khiến cuộc sống người nông dân nghèo khó càng thêm cùng cực.

Tất cả những việc làm của người Nhật trong thời gian chiếm đóng Ðông Dương đều được sử sách ghi lại và đem vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa trung học. Tuy nhiên, thuở nhỏ khi nghe má tôi kể, tôi thấy những câu chuyện đó thật sống động. Bởi bà là người tận mắt thấy những gì xảy ra nơi mình sống ở miền Nam, nghe những tin chấn động ở miền Bắc xa xôi qua báo chí. Bà ít học nhưng thích đọc báo, biết phân biệt được trắng đen, ác thiện và cũng như bao người dân khác, bà ghét thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật chiếm đóng nước ta.

Lính Nhật thuộc sư đoàn 5 tại Sài Gòn chờ điều quân sang Singapore (Nguồn: Manhhaiflickr)

Sau này ra đời đi làm, tôi có dịp quen biết với ông Ba Thiện khi gia đình tôi dọn về Gò Vấp. Thuở đó Gò Vấp còn vắng vẻ lắm, nhiều nơi còn là ruộng rẫy hoa màu. Nay ông Ba Thiện mất lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ nhiều câu chuyện ông kể về người Nhật trong khoảng thời gian ông làm tài xế riêng cho viên thiếu tá Nhật (tôi không còn nhớ tên), sĩ quan cố vấn văn hoá làm việc tại Hội Truyền bá Nhật ngữ Sài Gòn. Công việc của ông Ba Thiện là đưa đón ông sĩ quan đi làm mỗi ngày, có khi theo ông chủ đi công tác các tỉnh hoặc đến các trường Nhật ngữ quanh Sài Gòn làm lễ khai giảng hay bế giảng các khoá học thông ngôn. Căn nhà mặt tiền rộng lớn trên đường Quang Trung ngày nay gần Ngã Năm Chuồng Chó, nguyên là mảnh đất của viên thiếu tá tặng cho ông trước khi quân đồng minh Anh quốc vào Sài Gòn giải giáp quân Nhật.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Ông kể, khi đó người Nhật không xem Việt Nam là một chiến trường chủ yếu. Nhật đến Việt Nam chẳng qua là mượn đường đưa quân sang đánh Mã Lai, Singapore, hay Miến Ðiện… Mặc dù cái cớ là vậy, thực chất bên trong trên bàn cờ chính trị, đường lối chính sách thực thi phải có lợi cho kẻ mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tiên khi lính Nhật vào Sài Gòn là nhanh chóng mở các lớp Nhật ngữ kêu gọi thanh niên tham gia để đào tạo ra lớp thông ngôn, bất kể đó là người Pháp hay người Việt đều được ghi danh theo học. Mặt trận văn hoá này quan trọng không thua gì chính sách vơ vét kinh tế để nuôi guồng máy chiến tranh.

Chuyện làm tài xế cho viên thiếu tá phụ trách văn hoá Nhật Bản là một cơ may đến với ông trong buổi lễ tốt nghiệp khoá tiếng Nhật đầu tiên mở vào năm 1942 tại trường Des filles Françaises, trưng dụng làm trung tâm dạy Nhật ngữ. Ông Ba Thiện khi đó là một thanh niên 20 tuổi đã học xong bằng Thành Chung biết khá tiếng Pháp, từ Rạch Giá lên Sài Gòn vào đầu năm 1940 theo học một trường dạy lái xe chở khách kiếm một cái nghề mưu sinh. Thuở bấy giờ nghề tài xế xe đò kiếm được tiền khá lắm. Cũng vào năm này, người Nhật vào Ðông Dương qua ngõ Hải Phòng, rồi đến tháng 7 năm 1941, quân Nhật đã có mặt tại Nam Kỳ. Tình hình đời sống kinh tế Nam Kỳ nói chung, Sài Gòn nói riêng bỗng dưng chựng lại, dân chúng tiết kiệm không dám tiêu xài, công việc hãng xưởng giảm sút. Lấy được giấy phép lái xe, Ba Thiện nán lại ở Sài Gòn ghi danh theo học miễn phí khoá tiếng Nhật 6 tháng. Có khiếu học ngoại ngữ, Ba Thiện tốt nghiệp loại giỏi. Trong buổi lễ phát chứng chỉ, viên thiếu tá hỏi han biết ông có bằng lái xe nên đề nghị ông về làm tài xế riêng cho mình.

Máy bay đồng minh ném bom các căn cứ quân sự Nhật tại Sài Gòn tháng 8/1945 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Việc truyền bá Nhật ngữ trong giai đoạn đầu khi Nhật đến Sài Gòn được ký giả Oya Kusio của Hãng Thông tấn Domei Tsushinsa (Ðồng Minh Thông tấn xã) ghi nhận: “Hoàn toàn không thấy ảnh hưởng của tiếng Nhật”. Nhưng sang năm 1942, những thương nhân người Việt Nam và người Ấn Ðộ trên đường Catinat (nay là đường Ðồng Khởi), xuất phát từ nhu cầu giao tiếp trong buôn bán, đã nhận thức được sự cần thiết của việc học tiếng Nhật và họ đã bắt đầu học tiếng Nhật một cách tự phát”.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Theo tài liệu Hoạt động giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam thời kỳ Nhật – Pháp cộng trị của tác giả Võ Minh Vũ ghi nhận, ngày 22/5/1939, nghĩa là trước khi quân đội Nhật tiến vào Ðông Dương, Lãnh sự Nhật Bản tại Sài Gòn là Suzuki Rokuro (Linh Mộc Lục Lang) gửi điện báo cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Arita Hachiro (Hũu Ðiền Bát Lang) rằng: “Theo chỗ tờ báo địa phương Trung Bắc Tân Văn đưa tin, gần đây có lệnh của Toàn quyền bắt các cơ quan hành chánh địa phương cử 1 thư ký người bản địa đến Hà Nội học tiếng Nhật. Những người có nguyện vọng học cần biết về chữ Hán, thời gian học là 3 tháng và học về hội thoại, đọc sách và những người này sẽ được chi trả thêm một phần trợ cấp nhất định”.

Như vậy, chính quyền thực dân Pháp cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Nhật để trao đổi giao tiếp trong thế cờ quân Nhật lớn mạnh mở rộng chiến trường sang các nước Ðông Nam Á và tình hình suy yếu của quân đội Pháp trong Ðệ Nhị Thế chiến. Việc học tiếng Nhật đầu tiên là do chính quyền thực dân Pháp chủ trương chứ không phải từ phía chính quyền Nhật Bản. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3/1942, công tác phổ biến truyền bá Nhật ngữ mới được Ðại sứ quán Nhật Bản tại Nam Kỳ tổ chức bài bản và do người Nhật quản lý và điều hành. Bộ phận Tuyên truyền Nhật ngữ khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn ra đời. Số trường dạy tiếng Nhật bắt đầu tăng lên và số học sinh theo học càng đông. Tháng 4/1943, Hội Truyền Bá Nhật ngữ Nam Kỳ chính thức thành lập, đặt trụ sở tại Sài Gòn. Hội này không trực tiếp điều hành các trường tiếng Nhật mà chủ yếu giữ vai trò liên lạc giữa các trường tiếng Nhật, biên soạn, phân phát các tài liệu cần thiết trong giảng dạy tiếng Nhật. Ðến thời điểm này, tài Sài Gòn – Chợ Lớn có 7 trung tâm dạy tiếng Nhật bao gồm luôn cả trường Lycée Chasseloup Laubat. Số học sinh theo học tiếng Nhật lên đến 1000 người.

Sĩ quan Nhật trao kiếm đầu hàng quân Anh vào Sài Gòn giải giáp (Nguồn: Manhhaiflickr)

Bên cạnh truyền bá Nhật ngữ, nhiều hoạt động văn hoá truyền thống Nhật Bản như Ikebana, Trà đạo, lễ hội búp bê Hina, sinh hoạt thể dục thể thao được Hội Truyền bá Nhật ngữ lồng vào các chương trình sinh hoạt để thu hút người theo học. Các lễ tốt nghiệp khoá học được tổ chức rình rang khoa trương với mục đích khác là tuyên truyền về khu vực Thịnh vượng chung Ðại Ðông Á. Cùng với việc truyền bá Nhật ngữ,và văn hóa đối với Ðông Dương của Nhật bắt đầu từ năm 1941, nguyên tắc cơ bản của nó là: Trao đổi giáo sư, trao đổi tạp chí, ấn phẩm, phát hành ấn phẩm dành riêng cho Ðông Dương, trao đổi hiện vật trưng bày, tổ chức triển lãm lưu động tại Ðông Dương, chiếu phim tuyên truyền thể hiện sức mạnh quân sự của Nhật. Tuy vậy, bộ phim “Hải chiến vịnh Hawaii và vịnh Malay”, tái hiện cuộc chiến Trân Châu Cảng lại không thu hút được công chúng Sài Gòn.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, trong thời gian quân đội Nhật chiếm Ðông Dương cho đến khi Nhật đầu hàng đồng minh, chính quyền Nhật ở Sài Gòn không để lại một dấu ấn nào khác ngoài việc truyền bá tiếng Nhật và thu vét lúa gạo tại Nam kỳ phục vụ chiến tranh.

TN

(Fort Worth, TX)