Cái thứ nước giải khát thơm tho mùi xá xị, mùi cam, mùi bạc hà trong cái chai nước ngọt hiệu con cọp hấp dẫn trẻ con đến mức có thể mang ra dụ khị chúng. Sự thèm thuồng đó lúc nào cũng đầy tràn trong đầu óc trẻ thơ cho đến khi trưởng thành, và cả lúc đầu đã hai thứ tóc nó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức.

Hãng B.G.I chuyên sản xuất bia lade, đến khoảng 1950 bắt đầu sản xuất nước ngọt con cọp bán ra thị trường (Ảnh: Internet)
Nước ngọt con cọp quảng cáo khắp nơi qua hai câu thơ: “Nước ngọt con cọp ở đâu / Đó là khoẻ mạnh sống lâu yêu đời”. Có lẽ vì thế mà cả người bệnh cảm mạo cũng thích nhấm nháp vài ngụm nước ngọt xá xị hay coca để không lạt miệng. Nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi lần tôi bị cảm mạo, má tôi cho uống thuốc bắc Ông Già. Thứ thuốc bột này khó uống, đắng đến mức có thể chưa qua cổ họng thì trào ngược trở ra. Thế là mỗi lần cho tôi uống thuốc là má kèm theo một ly xá xị. Nhìn ly nước ngọt bốc ga toả ra mùi thơm quyến rũ, thuốc khó uống cỡ nào cũng đều trôi qua cổ họng.
Thời tiết oi bức, cuộc sống ngột ngạt trong khu lao động dễ sinh bệnh. Đám anh em chúng tôi thỉnh thoảng trong năm không đứa này cảm mạo thì đứa kia cũng ho hen nhức đầu, đau bụng. Cứ mỗi lần anh em tôi bị bệnh thì trên kệ góc bếp vỏ chai nước ngọt con cọp được bổ sung thêm nhiều. Má tôi nói, sẵn mua nước ngọt, cất lại vỏ chai để khi Tết đến mang ra đi đổi. Đi đổi nước ngọt là nhiệm vụ của tôi vào ngày Hăm Chín. Tôi hăm hở gom hết vỏ chai cẩn thận dựng đứng trong cái giỏ nhựa đi chợ mang ra quán chú Hai đầu ngõ để đổi lấy những chai xá xị, bạc hà. Tiếng vỏ chai đựng thứ nước màu nâu cánh gián, màu xanh lanh canh trong giỏ chạm vào nhau phát ra thứ âm thanh tươi vui của ngày Tết.
Nước ngọt con cọp có hai mùi vị là xá xị và bạc hà. Tôi nhớ vị bạc hà xuất hiện trên thị trường sau xá xị. Tuy vậy, xá xị vẫn luôn là thứ nước giải khát được người tiêu dùng yêu thích nhiều hơn. Tôi nghĩ có lẽ cái màu nước ngọt và hương vị của nó làm cho người ta có sự so sánh. Xá xị có mùi quế, hồi nồng ấm hơm mùi bạc hà the the lạnh mát và màu xanh lá cây cũng không quyến rũ bằng thứ nước màu nâu nằm trong tiềm thức người tiêu dùng từ lâu.

Quảng cáo nước ngọt con cọp trên báo chí (Ảnh: Internet)
Nước ngọt chai có mặt tại Sài Gòn từ năm 1952 do nhà máy Usine Belgique sản xuất. Nhà máy này thuộc hãng B.G.I sản xuất bia, nước đá cây và nước ngọt từ năm 1927 khi hãng bia Larue sát nhập vào hệ thống nhà máy B.G.I của Pháp. Trong bài viết về bia La-de, tôi có nhắc chi tiết này. Hãng B.G.I có sản xuất nước ngọt nhưng với thương hiệu nào thì ít có tài liệu nào nhắc tới.
Trong tài liệu về thức uống ở Sài Gòn ngày xưa của tác giả Phạm Công Luận ghi nhận: “Khoảng năm 1934, ở Sài Gòn có bán một loại nước uống giải khát độc đáo, được quảng cáo nhiều trên các tờ nhật báo có tiếng ở Sài Gòn lúc đó như nhật báo Sài Gòn, nhật báo Công Luận cho đến năm 1938. Đó là một loại nước giải khát có tên Tây là Antésite của nhà bào chế Normale. Đây là thức uống công nghiệp.
Thứ nước uống này được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, không có cồn, thơm ngon, làm toàn bằng tinh chất của các vị cam thảo, Thạch long đởm và các cây có hương liệu. Người dùng mua về nhỏ vài giọt hoặc múc một muỗng cà phê tinh chất này cho vào ly chứa một lít nước là có một loại nước được đánh giá là rất bổ, giúp cho sự tiêu hóa, trị các chứng sốt rét, thích hợp cho các xứ thuộc địa và đã được dùng ở Algerie, Tunisie, Maroc… Loại nước cô đặc này đựng trong hộp nhỏ, pha được từ 30 đến 80 lít nước, bán ở các tiệm tạp hóa, nhà bào chế, tiệm bán thực phẩm. Có thể mua qua bưu điện nếu gửi 5 quan đến nhà bào chế tận bên Pháp sẽ nhận được nước tinh chất pha được 30 đến 40 lít nước giải khát mà không tốn cước. Trước đó, trên Hà Thành Ngọ Báo ở xứ Bắc từ năm 1932 đã có quảng cáo loại nước này, giới thiệu chi tiết hơn là nước pha ra có màu vàng trong như rượu bia, không dùng màu hoá học có 4 mùi chanh, bạc hà, hồi và cam. Rải rác trên Thanh Nghệ Tĩnh tân văn năm 1934 có thấy giới thiệu bán ở Vinh và Nha Trang”.

Trên phố phường Sài Gòn ngày trước rất dễ tìm thấy một xe bán nước ngọt con cọp (Ảnh: LIFE)
Loại nước cô đặc pha với vài ba chục lít nước vào thời Pháp hồi đó uống vào có ngon như nước ngọt pha trong mấy bình kim loại to chễm chệ trên xe đẩy của những quán nước người Hoa trong Chợ Lớn vào thập niên 1960. Hình ảnh chiếc bình mạ đồng sáng loáng có cái bụng tròn phần dưới, phần trên là cổ bình có cái nắp thông với một sợi dây nhựa (chắc dùng để bơm hơi ga CO2). Phần dưới bình có cái vòi “phông tên”. Tôi nhớ có lần ba tôi dẫn tôi đi thăm người bà con ở cầu Cây Gõ, đi bộ ngang qua chợ thấy tôi nhìn miệng mấy đứa nhỏ đứng quanh chiếc xe nước ngọt của ông già Tàu một cách thèm thuồng, ba bảo: “Thứ nước ngọt này không tốt, phẩm màu pha với nước, uống vào lâu ngày sinh bệnh”. Nghe thì nghe vậy chứ thi thoảng tôi vẫn lén uống ly nước ngọt bạc hà hay nước cam từ chiếc thùng inox sáng loáng của quán nước gần cổng trường tiểu học Chí Hoà. Đi học buổi trưa 1 giờ nắng gắt, nước ngọt tươm hơi lạnh đọng ngoài vỏ bình to trước mắt hấp dẫn quá đi thôi!
Thuở đó, đâu chỉ có nước ngọt pha sẵn trong bình có hơi ga thu hút đám học trò, nước si-rô đá bào cũng hấp dẫn không kém. Bọn học trò chúng tôi có đứa không đủ tiền mua ly nước ngọt trong bình đành mua ly si-rô đá bào liếm láp. Nước đá bào được nhận nén trong ly vun tròn, người bán lấy chai si-rô có cái vòi cong cong đổ ra trên đó. Thứ nước đặc sệt này có hương vị và đủ màu sắc xanh, vàng, tím, đỏ. Ba má tôi vẫn luôn dặn chừng chúng tôi đi học đừng bao giờ uống. Uống nước thì đã có cái bình tông bằng nhựa đựng nước lọc đã nấu chín mang theo. Dạ dạ cho xong, chứ cái màu sặc sỡ của thứ nước si-rô hấp dẫn như thế làm sao chúng tôi cưỡng lại. Cầm ly si-rô liếm láp cho đến khi chỉ còn cục đá bào nhạt trắng.
Giữa thập niên 1960, bên cạnh nước ngọt Con Cọp có mặt trên thị trường, nước ngọt Phương Toàn hiệu Con Nai trong Chợ Lớn bỗng xuất hiện cạnh tranh. Nước ngọt Phương Toàn cũng có mấy vị: xá xị (có mùi của vị nước ngọt Pepsi nhiều hơn), bạc hà (có thêm mùi cam thảo), nước cam có ga (có màu vàng cam). Sau đó vài năm, các hãng nước ngọt của nước ngoài cũng tham gia thị trường tại miền Nam VN. Pepsi và Coca-Cola. Cuộc cạnh tranh của các thương hiệu nước ngọt ngày càng khốc liệt để chiếm thị phần.

Chiếc xe quảng cáo của hãng Cocacola, SaiGon 1965 (ảnh: Brian Wickham)
Nước ngọt Pepsi cạnh tranh không lại với hãng Phương Toàn do những quy định ràng buộc sản xuất “bắt chẹt” vào lúc đó. Hằng năm Pepsi chỉ được nhập một số lượng vỏ chai nhất định dùng vào sản xuất, việc thu hồi vỏ chai cũ để tái sử dụng bị hãng Phương Toàn trả giá cao hơn cho người thu mua ve chai để mua lại và cho đập bỏ. Pepsi thiếu hụt vỏ chai sản xuất nên đành sập tiệm. Riêng Coca-Cola giữ vững được thị phần của mình nhờ ưu thế nước cam vàng Birley’s. Nước cam không có ga, mùi vị cam tươi và có màu vàng. Phụ nữ rất thích loại nước cam này.
Sau năm 1975, các hãng nước ngọt nước ngoài rút ra khỏi thị trường, hãng Phương Toàn cũng ngưng hoạt động. Duy chỉ còn hãng nước ngọt Con Cọp được đổi thành hãng nước ngọt Chương Dương. Xá xị Chương Dương vẫn là sản phẩm chính được dân chúng yêu thích. Người ta cho rằng hai tiếng “xá xị” do phiên âm từ tiếng Anh Sarsi, người Hoa đọc là Sá thị Việt hoá thành “xá xị”. Mùi vị xá xị được chiết xuất từ loại thực vật có tên là Quế vị. Đây là một loại rau rừng thân mềm dùng để ăn bánh xèo hay bánh tráng phơi sương làm tăng thêm hương vị món ăn hoặc ăn kèm rau sống.
Tuy nhiên, có một lần tôi đi rừng theo một vài người bạn ở Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng, thấy cây đại thụ thân gỗ bị đốn hạ còn một phần ba thân toả ra mùi đúng mùi hương xá xị không phải loại Quế vị chỉ mang một mùi hương nhẹ nhàng. Người bạn am hiểu loài thực vật cho biết đó là cây xá xị, người ta dùng vỏ và thân để chiết xuất tinh dầu trong công nghiệp tạo mùi cho nước giải khát.
TN