Một trong những nhà thờ để lại nhiều dấu ấn nhất cho người Công giáo nói riêng và người Sài Gòn nói chung, là nhà thờ Huyện Sỹ. Ngôi giáo đường này toạ lạc tại góc đường Nguyễn Trãi (thời Pháp là Frère Louis) và đường Tôn Thất Tùng (Frère Louis) thuộc họ đạo Chợ Đũi. Nhà thờ Huyện Sỹ chẳng qua là do người đời quen gọi theo chức, hàm, danh của người bỏ tiền của xây dựng nhà thờ, tức là ông Lê Phát Đạt, tên thật là Lê Phát Sỹ. Do trong thời gian tu học ở chủng viện Pénang (Malaysia), ông Sỹ trùng tên với một thầy dòng, nên được đổi thành Đạt. Sau này, không ngờ cái tên Lê Phát Đạt đã đưa ông thành một trong những tứ đại gia giàu có nhất xứ Nam kỳ.

nha-tho-huyen-sy3

Nhà thờ Huyện Sỹ trong lúc xây dựng tháp chuông năm 1904 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Nhất Sỹ (Ðạt), Nhì Phương (Tổng đốc Phương), Tam Xường (Bá hộ Xường – Lý Tường Quan), Tứ Ðịnh (Bá hộ Trần Ðịnh), là bốn đại gia giàu có nhất xứ Nam kỳ lục tỉnh. Sự giàu có được dân gian “xếp hạng” theo kiểu truyền miệng này khi xưa rất phổ biến, chứ kỳ thật thời buổi đó Nam kỳ lục tỉnh còn có rất nhiều người giàu có, ruộng đất cò bay thẳng cánh. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, ngoài Bắc xuất hiện một nhà giàu có làm ăn nghề vận chuyển đường thuỷ. Ðó là ông Bạch Thái Bưởi. Từ thời gian này, trong dân gian cả ba xứ Bắc, Trung, Nam đều ghi nhận Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Bưởi đủ cho thấy, sự giàu có của Huyện Sỹ đã không còn giới hạn tại đất Nam Kỳ.

Huyện Sỹ cũng không phải là chức danh thật của ông Lê Phát Ðạt. Ðó chỉ là Huyện hàm, giống như chức Ðốc (phủ) hàm do người Pháp dành cho những người giàu có với mục đích suy tôn những người này làm đại diện tiếng nói của người dân trong vùng, góp ý với chính quyền sở tại về những vấn đề xã hội.

nha-tho-huyen-sy1

Tượng ông Lê Phát Đạt bằng cẩm thạch trong nhà thờ (Nguồn: Internet)

Ông Huyện Sỹ giàu có chỉ xảy ra sau này khi ông làm thông ngôn cho Sở hạt Tân An (Long An), quê nhà của ông. Trong thời gian tu học tại chủng viện Pénang, ông thành thạo tiếng La tinh, Pháp, Bồ Ðào Nha, chữ quốc ngữ. Ông nguyện theo ý Chúa để trở thành linh mục nhưng đến khi tốt nghiệp, Lê Phát Ðạt không được ơn kêu gọi của Chúa để làm tu sĩ hay linh mục nên đã phải trở về nước làm thông ngôn cho chính quyền Pháp. Lại gặp ngay thời Tây mới qua, dân còn tản mác nên người Pháp đã cho phát mại ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người mua. Pháp đề nghị ông thu mua ruộng đất. Lúc đó ông đã dành dụm được ít tiền lương và vay thêm tiền từ bạn bè làm vốn mua liền mấy chục ngàn mẫu ruộng hoang. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng liên tiếp mấy năm liền, không mấy chốc, Lê Phát Ðạt trở nên giàu có.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Theo ghi nhận của học giả Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa thì việc phất lên nhanh chóng của ông Lê Phát Ðạt có không ít yếu tố may mắn. Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mại ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đấu giá. Bấy giờ, những chủ cũ đều đồng hè bỏ đất, không nhìn nhận, vì nhận e nỗi quan và triều đình Huế khép tội theo Pháp, vả lại cũng ước ao một ngày kia Tây bại trận rút lui. Chừng đó ai về chỗ nấy, hấp tấp làm chi cho mang tội… Không dè bởi đất không ai nhìn, nên Pháp lập Hội đồng Thành phố, Ủy ban Ðiền thổ rồi đưa nhau đi khám xét từng vùng. Ðến chỗ nào địa thế tốt, thì những ủy viên bản xứ nhận là của mình: “Ùy” một tiếng! Ðến chỗ nào nẻ địa thì lắc đầu, tiếp theo nói “Nông” cũng một tiếng!

nha-tho-huyen-sy2

Nhà thờ sau khi hoàn tất và khánh thành năm 1905 Nguồn: Manhhaiflicks

Không ngờ ruộng đất mấy chục ngàn mẫu từ Gò Vấp, sang Long An, đến tận Tiền Giang ở khu vực Ngã Ba Giòng của ông Lê Phát Ðạt trúng mùa làm ông giàu có. Ông Lê Phát Ðạt xin từ quan không làm công chức nữa, về nhà quản lý ruột đất và bắt đầu nghĩ tới những việc công ích xã hội, xây nhà thờ, trường học, bệnh viện, viện tế bần. Vốn là họ đạo dòng, từ đời cha ông tổ tiên, nên khi Huyện Sỹ đã giàu có và dư thừa tiền bạc, ông bỏ tiền mua đất ở khu Chợ Ðũi. Ðó là miếng đất diện tích mấy mẫu ở nơi đã xử ông cố của ông tức ông Lê Văn Gẫm tử đạo năm 1857, chỗ cây Ða, để xây một nhà thờ. Ngôi nhà thờ này dài 40 thước, rộng 18 thước ngang, tháp chuông chính cao 57 mét và cất theo kiến trúc Gothic rất đẹp, phía trên tháp chuông có hoa gió cùng hình tượng con gà trống, một mô típ phổ biến trong kiến trúc châu Âu. Chi phí xây dựng 30 ngàn đồng tiền Ðông Dương. Nhà thờ Huyện Sỹ chỉ kém nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn về quy mô đồ sộ mà thôi. Khi nhà thờ này được hoàn tất năm 1905 đã được gọi tên là Giáo xứ họ Chợ Ðũi, nhưng dân gian gọi là nhà thờ Huyện Sỹ. Hiện nay trước sân nhà thờ Chợ Ðũi có để một tượng của Mathieu Lê Văn Gẫm.

Xem thêm:   Đông dược

Theo một tài liệu về Nhà thờ Huyện Sỹ của linh mục Phan Phát Huồn, ghi nhận vào năm 1907, Giám mục Mossard (có tên Việt là Mão) gặp chuyện không hay với chính quyền Pháp (nhóm Tam Ðiểm – Thệ phản – Franc- maçonnerie) vì chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ đòi lấy lại nhà thờ Ðức Bà để họ làm Viện Bảo Tàng Sài Gòn, khi đó nhà thờ Ðức Bà chưa xây dựng lớn như hiện nay. Lo ngại nhà thờ Ðức Bà sẽ bị lấy làm Viện Bảo Tàng nên Giám mục Mossard đã dự định sẽ chọn nhà thờ Chợ Ðũi (Huyện Sỹ) làm nhà thờ Chính Toà của địa phận Sài Gòn. Nhưng sau việc rắc rối cũng qua đi, vì nhờ có ba người là thẩm phán người Pháp là ông Napard, ông bác sĩ Angier và thương gia Lacaze đã đi thuyết phục được một số Pháp kiều ở Sài Gòn đừng phản bội Hội Thánh Công giáo, nhưng bỏ phiếu chống lại nhóm Tam Ðiểm. Kết quả cuộc bỏ phiếu, nhóm Tam Ðiểm thiểu số nên số phận Nhà thờ Ðức Bà đã thắng và không bị lấy đi. Ngoài việc cúng đất và xây nhà thờ Chợ Ðũi, Huyện Sỹ còn dâng cúng 600 hecta đất ở vùng Chí Hoà để xây cất dưỡng đường cho các Cha bổn quốc người Việt già, ốm về hưu và xây dựng nhà thờ Chí Hoà.

nha-tho-huyen-sy

Cuộc chiến năm Mậu Thân tàn phá vùng Chợ Đũi (Nguồn: Manhhaifilcks)

Huyện Sỹ khi đã trở nên giàu có, vào hàng triệu phú đã cùng gia đình con cháu xin nhập quốc tịch Tây. Huyện Sỹ cùng với vợ là bà Huỳnh Thị Tài sanh được bốn người con. Lê Phát An, Lê Thị Bình, Lê Phát Vĩnh và Lê Phát Thanh. Người con Lê Thị Bình kết hôn cùng doanh nhân Pierre Nguyễn Hữu Hào sinh được hai người con gái trong đó, cô con gái út tên khai sinh Việt Nam là Nguyễn Hữu Thị Lan, tên quốc tịch Pháp là Jeanne Mariette Thérèse. Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vua Bảo Ðại năm 1934 và được phong làm Hoàng hậu Nam Phương. Thật không may, ông Lê Phát Ðạt từ trần quá sớm (1900), trước khi ý nguyện Nhà thờ Chợ Ðũi được xây cất và không nhìn thấy đứa cháu ngoại trở thành bà Hoàng Hậu cuối đời triều Nguyễn. Năm 1968, cuộc tấn công của VC vào dịp Tết Mậu Thân tại khu vực Chợ Ðũi rất mãnh liệt, súng đạn tàn phá nhiều khu dân cư quanh nhà thờ Huyện Sỹ, thế nhưng như có phép màu nhiệm nhà thờ và khu dân cư lân cận không hề hấn gì, vẫn còn nguyên hiện trạng, cho đến năm 1974, dưới thời Linh mục Dương Hoàng Thanh, nhà thờ xây thêm tượng chuộc tội rất lớn phía bên phải khuôn viên.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ðây là một giáo đường tôi may mắn được người bạn vốn là con chiên của nhà thờ dẫn tôi đến thăm vào thời mới bước chân ra đời đi làm. Hình ảnh mấy chục năm qua rồi, tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu về pho tượng nằm của ông Lê Phát Ðạt. Pho tượng bằng đá cẩm thạch của người bỏ tiền của xây dựng nhà thờ nằm trên mộ trông rất thanh thản như đang ngủ. Ðầu đội khăn đóng, mặc áo dài hai tay để lên ngực cầm thánh giá. Phía sau Cung Thánh là phần mộ của hai vợ chồng ông Lê Phát Ðạt và bà Huỳnh Thị Tài và cùng vài con cháu có công giúp xây dựng nhà thờ được an táng tại đây. Lúc đương thời, ông Lê Phát Ðạt vẫn dạy con cháu, dù có giàu có vẫn phải tiết kiệm, tiền bạc làm ra, giúp ích cho đời, cho lương dân. “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách / Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”. Con cháu của ông, ai nấy đều thành đạt, giữ được cơ đồ sản nghiệp. Theo gương ông, người con trai trưởng Lê Phát An và vợ là Trần Thị Thơ cũng bỏ tiền xây cất nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp.

TN

Arlington, TX