Theo lịch sử, giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người có công lập ra hệ thống chữ Việt xưa bằng ký tự Latinh. Ông đã tập hợp từ ngữ của dân bản địa lập thành cuốn tự điển Việt-Bồ-La để các giáo sĩ thuận lợi học tiếng Việt khi đến truyền đạo Gia Tô (Công giáo) tại nước ta.

Cha Alexandre de Rhodes, người đặt nền móng cho tiếng Việt cách nay hơn 400 trăm năm (Ảnh: Internet)   

Ngày đó cương giới nước Việt chỉ đến tỉnh Ninh Thuận. Ðến nay đã hơn 400 năm nhưng trong lòng dân chúng Sài Gòn vẫn còn nhớ đến ông qua con đường Alexandre de Rhodes chạy dọc theo công viên cây xanh nằm bên phải trước Dinh Ðộc Lập. Hồi thời Pháp thuộc khởi đầu con đường này được đặt tên là Paracels nhưng sau vài tháng lại đổi thành Colombert. Và kể từ khi miền Nam được độc lập năm 1954, chính quyền cho đổi tên đường thành Alexandre de Rhodes để ghi nhớ công lao người đặt nền móng cho chữ quốc ngữ hiện đại. Tuy vậy, đến năm 1985 thì chính quyền cộng sản đổi tên thành Thái Văn Lung, và sau đó mười năm vì lý do nào đó tên đường được phục hồi là Alexandre de Rhodes như cũ cho đến hiện nay.

Việc trả lại tên đường Alexandre de Rhodes có lịch sử hình thành hơn trăm năm là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa con đường còn có ý nghĩa rất lớn mang tên của người đã hệ thống chữ Nôm qua ký tự tiếng Latinh để cho dễ đọc dễ viết như ngày nay. Và con đường càng có ý nghĩa hơn sau khi người Pháp trao trả nền độc lập cho miền Nam khi chính phủ bấy giờ đặt tên Alexandre de Rhodes gần đường Hàn Thuyên (chạy dọc theo bên trái công viên trước Dinh Ðộc Lập) vị quan vào thời Trần, được xem như người có công biến đổi chữ Hán sang chữ Nôm để hình thành tiếng Việt sơ khai vào thuở đó.

Trong lịch sử Công giáo, Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng ghi nhận: “Chính Ngài Ðắc Lộ là người có công đã sửa, chữa lại sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Ðào, Ý và Tây Ban Nha trước đó. Nhưng rồi, Cha Ðắc-Lộ không được ở mãi nơi quê hương Việt Nam, năm 1645, Cha bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Tuy ở Rome, nhưng Ngài vẫn tiếp tục công việc hoàn thiện những công trình văn hoá của mình. Ngài đã thêm bớt và quy định thành  bộ chữ tiếng Việt hoàn toàn. Và chính Ngài là người đầu tiên đã in sách bằng chữ Quốc ngữ. Quyển Yếu lý đạo Công giáo (Catéchisme) bằng tiếng Latinh và Annam, Ngài đã soạn ra và đứng trông coi nhà in Bộ Truyền Giáo Roma đúc chữ Quốc ngữ và in ra vào năm 1651. Quyển Tự điển Việt-Bồ-La cũng do nhà in ấy xuất bản dưới quyền Ngài kiểm soát”.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Vậy chữ quốc ngữ viết ra sao trước khi được ngài Ðắc Lộ hiệu chỉnh lại? Tôi xin tóm lược lại một tài liệu của báo Thần Chung xuất bản năm 1952 qua bài viết không ghi tên tác giả nói về một vở hài kịch được thuật lại trong cuốn hồi ký của giáo sĩ Buzomi, người đã sang nước Việt truyền đạo trước cả khi Alexande de Rhodes phụng mệnh Toà Thánh Vatican sang Ðà Nẵng (có tài liệu nói là Thanh Hoá) truyền giáo. Chính giáo sĩ Buzomi khi xem diễn hài kịch này phải thừa nhận lối trào phúng của người Nam là sâu sắc, cay đắng, có nhiều ý vị sâu xa. Khéo tìm cách chế nhạo nhưng sự châm biếm vẫn không mất phần thanh nhã.

Quyển Tự điển Việt-Bồ-La do Alexandre de Rhodes biên soạn (Ảnh: Internet)

Như chúng ta đã biết, cách đây hơn 300 năm, nghĩa là vào thế kỷ 16 các giáo sĩ đã có mặt ở nước Nam rồi. Họ lo đi truyền đạo Gia Tô ở Ðàng Ngoài (đời vua Lê chúa Trịnh) cũng như ở Ðàng Trong (đất của chúa Nguyễn). Giáo sĩ là người Tây phương tuy học rộng, tài hay nhưng nói tiếng Việt không thể nào rành rẽ được. Các giáo sĩ bắt đầu học nói tiếng Nam nên không nói đúng giọng, hoặc không đúng theo câu nói của người mình. Thật chẳng khác nào như người không học, nói tiếng bồi vậy. Người Nam thấy vậy tìm cách châm biếm. Bọn hát phường chèo liền nghĩ ra một vở hài kịch để mỉa mai việc giáo sĩ giảng dụ người Nam theo đạo mà nói không rành rẽ nên hoá ra một sự hiểu lầm giữa đôi bên.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Anh kép đóng vai một giáo sĩ, làm điệu bộ như cố đạo hỏi chị đàn bà bồng đứa con nhỏ: “Con gnoo muón bau lom la-om Hoa Laom chi a?” (nghĩa là: Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoà Lan chăng?).

Nên biết đây là thứ chữ quốc ngữ đầu tiên của các cố đạo đặt ra, âm theo giọng tiếng Nam; sau này mới biến đổi dần dần như thứ chữ quốc ngữ đã thông dụng ngày nay. Buổi ấy, người mình gọi đạo Gia Tô là đạo Hoà Lan vì những giáo sĩ đầu tiên đến nước Nam hầu hết là người Hoà Lan.

Người đàn bà liền đáp: “Có!”. Tức thì người đàn bà ẵm đứa con nhỏ đem lại, ra bộ tịch, thồn đứa con nhỏ vào cái bụng của ông cố đạo và nói: “Ðó, có muốn cho con nhỏ vào trong lòng Hoà Lan chăng thì tôi cho nó vào đây này!”. Lời nói và hành động này được lặp đi lặp lại vài lần khiến người xem cười ầm lên.

Giáo sĩ Buzomi mục kích cuộc diễn trò này mới hiểu là lâu nay các cố đạo đã nói không đúng tiếng Việt trong lúc giảng đạo. Về sau nhờ xem vở hài kịch này, các giáo sĩ phương Tây mới sửa đổi câu hỏi lại là: “Bon gnoo muón bau dao Christian chia?” (nghĩa là: Con nhỏ muốn vào đạo Christian không?).

Chữ Việt sơ khai thuở đó nhờ Cha Alexandre de Rhodes sửa chữa và hệ thống lại. Tuy chưa hoàn chỉnh như hiện giờ nhưng đã đóng góp phần lớn những lỗi gây hiểu lầm khi viết. Chẳng hạn: blời (trời), dôi blá (dối trá), bua (vua), ai (vai)… Và chữ Việt liên tục được cải tiến để hoàn thiện như ngày nay cũng nhờ những giám mục khác đến nước Nam sau đó như Pierre Joseph Georges Pigneau (Bá Ða Lộc) và Jeans Louis Taberd dựa theo tự điển Việt-Bồ-La để soạn cuốn Tự vị Nam Việt-Dương Hiệp vào năm 1838, làm thành chữ quốc ngữ hiện đại hơn trong thời Pháp thuộc.

Đường Alexandre de Rhodes được trả lại như cũ vào năm 1995 (Ảnh: Internet)

Ðể tỏ lòng biết ơn Cha Alexandre de Rhodes, ông Ngô Tử Hạ Hội trưởng Hội Trí Tri và là Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ cùng các nhân sĩ và sĩ quan quân đội Pháp đã cất công kêu gọi quyên góp tiền bạc nhằm dựng tấm bia kỷ niệm Cha Ðắc Lộ đặt kế bên Ðền Bà Kiệu, gần đền Ngọc Sơn. Tấm bia dựng dưới mái phương đình theo lối kiến trúc Ðông phương. Ðài kỷ niệm Cha A Lịch Sơn Ðắc Lộ được khánh thành vào ngày 29/5/1941 tại Hà Nội.

Xem thêm:   Hang gấu

Theo lịch sử Công giáo Việt Nam ghi nhận: “Cái bia dựng đây có ý ghi chép cái sự nghiệp cụ Ðắc-lộ đối với việc truyền bá chữ Quốc ngữ trong buổi sơ khai và cũng là để tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa”. Thế nhưng, một thời gian sau ngày khánh thành, số phận của tấm bia đã hoàn toàn khác với cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay! Tấm bia đá đến năm 1957 bị gỡ bỏ và mất tích đến năm 1992 thì mới tìm lại được.

Không biết ai đã phá bỏ tấm bia này? Tấm bia đã từng làm đe ghè của mấy anh thợ khoá rồi làm bàn của bà bán nước chè chén, rồi lang thang phiêu bạt ra tận bờ sông Hồng. Không biết độ chính xác đến đâu, nhưng chúng ta cũng có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về tấm bia. Ðêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến nơi bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra ngoài đê sông Hồng. Tấm bia nằm đó không lâu thì một ông xích lô ở ngõ Pháo Ðài phát hiện ra tấm đá to lại bằng phẳng liền gọi vợ con lại và nhờ đám bạn xích lô mang về lát chỗ rửa rau vo gạo”.

Cuộc phiêu lưu của tấm bia kỷ niệm còn qua nhiều gian truân nữa không biết trôi dạt về đâu. Theo thông tin cách nay chừng 20 năm, thì tấm bia này đã được mang về Sở Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch Hà Nội cất giữ. Nhưng vừa qua, báo Trẻ có nhận được một thông tin mới về tấm bia này qua một cộng tác viên của báo, người nhận được tấm ảnh và dòng chú thích “thấy cái bia nằm trong garage một cơ quan chung với thùng rác này kia, thật đau lòng” của anh Nguyễn Vinh Sơn chụp cách nay ba năm.

Ðây là tài sản của bảo tàng, cần được trân trọng và lưu giữ.

Tấm bia kỷ niệm A Lịch Sơn Đắc Lộ được Nguyễn Vinh Sơn chụp cách nay 3 năm tại đâu đó

TN