Phố là dãy nhà mặt tiền đường lớn, sau lưng phố có thể là phố mà cũng có thể là những con hẻm to nhỏ. Ở Sài Gòn-Chợ Lớn, hẻm hình thành từ đầu thế kỷ 20 tập trung ở các quận trung tâm hoặc ở quận 5. Còn hẻm của xóm hình thành muộn hơn khi chiến tranh diễn ra liên miên, dân tứ xứ đổ dồn về đô thị kiếm sống ngày càng nhiều.

Hẻm ở những quận trung tâm Sài Gòn ngày xưa thật yên tĩnh và nhẹ nhàng (Ảnh Getty)  

Năm 1936, Sài Gòn chỉ có khoảng 260,000 người nhưng đến năm 1951 dân số tăng lên 1.5 triệu, tức tăng gấp 6 lần trong vòng 15 năm. Tốc độ dân số tăng chóng mặt khiến một đô thị quy hoạch cho nửa triệu dân thời Pháp thuộc bị phá vỡ. Ngoài hẻm đã định hình từ trước trong quy hoạch chung nhà phố dành cho công chức hoặc người dân có điều kiện tài chánh mua được ngôi nhà trong hẻm, phần đông còn lại là dân lao động nghèo trôi nổi lên Sài Gòn tự định hình những khu xóm lớn nhỏ, khi các quận mới bắt đầu hình thành từ đầu thập niên 1950 và ngày càng mở rộng cho đến 1975. Và việc hình thành hẻm không bao giờ dừng lại khi thành phố cứ tiếp tục mở rộng mà không có luật xây dựng can thiệp buộc theo đúng quy hoạch khu dân cư đô thị.

Xóm từ năm 1951 tại Sài Gòn mọc lên rất nhiều, đâu đâu cũng có xóm lớn nhỏ tuỳ theo cách gọi của dân chúng sống tại đó. Chẳng hạn xóm Hoà Hưng của tôi. Hoà Hưng nguyên thuỷ là một làng lớn và dân cư ngụ ở đây gọi là xóm Hoà Hưng một cách chung chung để chỉ địa điểm, hoặc cụ thể hơn bằng nhiều tên xóm khác như xóm nhà lá, xóm đình, xóm nhà cháy, xóm ve chai… Nhớ hồi còn bé, khi người lớn hỏi nhà ở đâu, tôi vẫn thường ngập ngừng, không biết nên nói là ở xóm nhà lá hay xóm nhà cháy, chẳng qua là hai tên xóm này cũng chỉ là một. Riêng cái tên xóm nhà cháy thì ở Sài Gòn có rất nhiều. Lý do, thuở đó có thể nhà cất bằng vật liệu dễ bắt lửa như mái lá vách ván, đốt đèn dầu sơ ý gây cháy và cũng có thể do ai đó phóng hoả để giải toả một khu xóm nhếch nhác, mất vệ sinh, mất trật tự nhằm xây dựng mới lại khu dân cư đàng hoàng, văn minh đô thị hơn.

Hẻm Hào Sĩ phường ở Chợ Lớn vẫn còn nét nguyên sơ (Ảnh: internet)

Hẻm của xóm có lớn có nhỏ, thường thông với nhau từ hẻm này sang hẻm khác, tạo thành ma trận cho khách lạ từ nơi khác đến. Và nó cũng gây ra sự phức tạp về mặt an ninh xã hội. Hẻm trong thành phố thì lại khác, thường là hẻm cụt trong đó chừng mười đến hai chục nóc gia, nhà lớn hơn, cất bằg vật liệu bền chắc thường thấy ở trung tâm thành thị, bên ngoài có cổng sắt. Còn ở Chợ Lớn thì hẻm là một quần thể gia cư khép kín hai bên và có cầu thang bên ngoài để lên các nhà tầng trên, quanh một sân thông thiên khá rộng, bên ngoài có cổng tam quan xây gạch. Hào Sĩ phường ở đường Trần Hưng Ðạo là một trong những hẻm đến nay vẫn còn giữ được một phần nét đẹp nguyên sơ.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Tôi nói điều này để phân biệt hẻm trong thành phố và hẻm của xóm có sự khác nhau về mặt văn hoá và điều kiện sống. Khái niệm này nói ra rất dài dòng vì thoạt nghe thì giống nhau nhưng lại có sự khác biệt rất nhiều. Mà vấn đề này lại thuộc phạm vi của văn hoá, quy hoạch phát triển đô thị nên dành cho các nhà chuyên môn. Tôi sẽ nói về hẻm của xóm ở một bài viết khác. Trong bài viết này, tôi chỉ đưa ra cái nhìn riêng của mình khi nghĩ về các con hẻm của Sài Gòn nhân một lần đi dạo phố cổ French Quarter ở New Orleans. Chuyện này có nét tương đồng với khu phố trung tâm của Sài Gòn thời Pháp thuộc. Và liệu những con hẻm Sài Gòn trong tương lai có mất đi do việc phát triển một thành phố hiện đại bằng những toà nhà cao vài ba chục tầng?

Một căn nhà trên tầng hai của Hào Sĩ phường (Ảnh: Internet)

Hẻm là xu thế chung phát triển đô thị với các ô phố có quy hoạch theo kiểu của người Pháp nói riêng và của các nước Châu Âu nói chung. Nhưng chẳng vì thế mà sẽ mất đi những ngõ hẻm đã hình thành nên nhiều giá trị nhân văn, đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết, xét từ khía cạnh văn minh đô thị. Vậy thì câu hỏi được đặt ra cho các nhà làm công việc quy hoạch chỉnh trang đô thị là hẻm có nên tồn tại hay không, trong tương lai? Rất may, tôi và bạn tôi có chung quan điểm là tuy hẻm không mang giá trị kiến trúc thẩm mỹ nhưng không thể biến mất vì đấy là chứng tích lịch sử phát triển của thành phố.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Tôi nói suy nghĩ của mình cốt để trả lời câu hỏi của một người quen sống nhiều năm ở New Orleans, đi mòn gót giày trên khu phố Pháp (French Quarter) nhưng tròn mắt ngạc nhiên khi tôi dừng lại chụp vài tấm ảnh các ngõ hẻm khắp khu phố cổ. Anh nói: “Ôi cha, tôi là dân địa phương thế mà chẳng biết khu phố Pháp có những con hẻm hẹp bé và dễ thương đến vậy. Từ nào giờ tôi không để ý mỗi khi đi phố. Chẳng qua khu phố Pháp vui chỉ về đêm, âm nhạc đường phố lúc nào cũng rộn ràng trỗi dậy, thu hút du khách tụ về bước chân qua phố. Nhìn xem những dãy phố xưa, kiến trúc Tây, ăn uống, cà phê cà pháo, chứ ai đi tìm những con hẻm đóng cổng im lìm”. (Hẻm ở khu French Quarter đều có cổng sắt đóng kín, bên ngoài cổng có hộp thư, bên trong thường có chừng sáu bảy nóc gia, nhà cất rất đẹp).

Chuyện bình thường. Có phố tức có hẻm. Chẳng qua ta không lưu tâm vì nó không làm ta lưu luyến. Thành phố văn minh, kiến trúc nhà ở khác hẳn Sài Gòn hay bất kỳ thành phố nào khác ở quê nhà. Bên này kiếm được cái nhà yên tĩnh, đèn nhà ai nấy tỏ, có công ăn việc làm, cứ thế trôi theo dòng đời, hơi đâu hoài niệm làm chi con hẻm của ngày xưa ồn ào và gần như chìm vào quên lãng do cuộc sống bộn bề. Phần khác bởi trong đầu vẫn đinh ninh, phố Tây chỉ khác về phần kiến trúc san sát kiểu cách với những khu nhà nơi mình ở, làm gì có hẻm mà tìm.

Hẻm ở Sài Gòn nay thay hình đổi dạng vì cuộc sống (Ảnh: Internet)

Còn những ngõ hẻm của  trung tâm Sài Gòn hay hẻm của xóm ven đô từ lúc nào thầm in dấu ấn trong ký ức của người đi xa. Ðôi lúc những con hẻm nơi ta cư ngụ, đưa ta trở về tuổi thơ; con hẻm ngày xưa ấy từng giữ những bước chân bé nhỏ hồn nhiên nhảy nhót vui đùa, nghịch ngợm với lũ trẻ con cùng xóm, âu cũng là kỷ niệm của nhiều người từng sống trong hẻm. Tất cả rồi cũng đi qua nhường chỗ cho sự cách xa. Ta xa rời những con hẻm nhỏ để bước vào cuộc mưu sinh. Và dòng đời đẩy trôi ta đi về những bến mới, nơi có những đại lộ rộng lớn thênh thang, phồn hoa. Nhưng rồi giữa những phồn hoa ấy, có đôi lần ta lại nhớ về con hẻm nhỏ của mình, da diết ngóng chờ một ngày về lại. Có thể là không nhiều, nhưng đôi khi vẫn thế, ta vẫn nhớ để thấy mình bớt chút lạc lõng giữa những con người không cùng màu da, không cùng tiếng nói.

Xem thêm:   Bluebonnet Festival 2024

Bạn hẳn đồng ý với tôi rằng, cái cần phải bảo tồn ở một phố cổ, không phải là những ngôi nhà mà là nếp sống của cư dân ở đó. Có thể nhiều người phản bác nhưng tôi thiên về lối sống nhiều hơn là chăm chút phần kiến trúc mỹ thuật của những ngôi nhà phố có tuổi đời hơn trăm năm. Ngôi nhà có bảo tồn dù bằng cách nào, một trăm năm, hai trăm năm rồi cũng sẽ hư hao và chính những thế hệ sau sống trong căn nhà đó sẽ tự tìm cách phục chế một cách sáng tạo bằng vật liệu mới. Như thế hồn phố xá chắc chắn “hồn xiêu phách lạc”. Ngoại trừ một số ít công trình mang đặc thù của một kiểu kiến trúc cần trùng tu và giữ gìn theo cách làm của bảo tàng. Nói chung bộ mặt phố cổ sẽ phải thích nghi với các yếu tố môi trường và xã hội tác động để có thể tồn tại theo thời gian. Phần hồn còn lại chính là lối sống của cư dân trong phố. Ðó là bản sắc riêng của văn hoá phố thị. Tiếc thay lối sống của cư dân gọi là bản sắc riêng nay cũng dần mất đi!

Ngõ hẻm ngày nay vẫn còn tại Sài Gòn và sẽ có thêm những hẻm mới khác khi thành phố tiếp tục mở rộng. Tuy vậy, những con hẻm cũ ngày xưa với những biệt thự nho nhỏ yên tĩnh nên thơ hay các dãy nhà song lập mái ngói hầu hết trở thành cơ sở kinh doanh, quán ăn, quán cà phê lớn nhỏ do tác động của cuộc sống. Ðiều này nên vui hay buồn?

TN