Khi Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn kinh lý miền Nam, xác lập chủ quyền cương thổ của Việt Nam ở vùng đất mới thì Gò Vấp đã có tên trong sổ bộ, thôn, xã thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định.
Theo sách Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức thì vào triều Gia Long năm 1818, vùng đất mang tên Gò Vấp khá rộng, nằm trong địa phận các tổng Bình Trị Hạ, Bình Trị Thượng và Dương Hòa Thượng. Nhìn qua bản đồ xưa, vùng đất của Gò Vấp bấy giờ rất lớn (bao gồm: Thị Nghè, Phú Nhuận, Tân Bình, một phần Bình Chánh, Bình Thạnh, Củ Chi và Q.12 ngày nay). Ðây cũng là vùng đất có người Việt (dân Ngũ Quảng) di cư vào Nam sống từ rất xưa, trước khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Gia Ðịnh. Sau khi chiếm Nam kỳ, người Pháp xây dựng thành phố Sài Gòn, lập mạng lưới giao thông xe điện, xe lửa kết nối vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Ðịnh đã khiến vùng đất Gia Ðịnh cụ thể là Gò Vấp phát triển thêm ra, nhất là khi xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất vào năm 1930.
Theo sử liệu, nguồn gốc của tên gọi Gò Vấp là do ở nơi gò cao này có một rừng cây vắp bao phủ. Ðất gò có một rừng vắp, người xưa ghép nối lại thành Gò Vắp, lâu ngày nói trại thành Gò Vấp. Nhưng ngày nay, nơi này chẳng còn cây vắp nào.
Nhà văn Sơn Nam giải thích “vắp” là âm gốc từ tiếng Khmer (Kompăp), là một loại danh mộc, cây cao, gỗ cứng chắc. Vậy thì, cây vắp hình dáng ra sao? Tại sao biến mất khỏi Gò Vấp mà không để lại một dấu tích? Chú thích trong Gia Ðịnh hoài cổ vịnh ghi: “Cây váp (vắp), lá như lá khế, thân cao xõng, cứng chắc, sắc tím đen, muốn dùng làm đồ xài thì dùng mới đốn còn tươi, để lâu thì dao búa đẽo cũng không vào, chịu đựng được nước mưa, đốt làm than để nấu đồng sắt, rất cần cho việc quốc gia”.
Tôi đọc được trên báo bài viết của anh Sơn Trần, cư dân quận Gò Vấp, quyết tâm đi tìm cây vắp. Hỏi thăm chẳng ai biết cây vắp ra sao, còn người cố cựu bảo do đô thị hoá, cây vắp đã biến khỏi Gò Vấp. Có người chỉ vào sở thú, may mắn gặp được anh quản lý thảm thực vật. Lật sổ lưu chép, thảo cầm viên có trồng hai cây vắp. Thế là niềm mong mỏi của anh thành hiện thực, mặc dù anh là cư dân của quận Gò Vấp mới được 35 năm. Tình cảm đối với vùng đất nơi mình ở thật đẹp biết bao!
Cũng tình cờ tôi biết đến một ấn phẩm Làng cũ người xưa của ông Tiền Vĩnh Lạc, một cư dân của làng An Nhơn định cư ở nước ngoài viết lại những cảm xúc, những câu chuyện theo trí nhớ lúc tuổi già; ghi lại những hình ảnh phong tục, sinh hoạt, làng nghề xưa cũ thuở ông còn sống ở An Nhơn. Ông giải thích trong phần giới thiệu, đây không phải là hồi ký mà chỉ là những hồi ức ghi chép lại để con cháu có thể đọc được, biết rõ hơn về mảnh đất ông cha lớn lên qua bao cuộc bể dâu.
Tôi cũng vậy, làng hoa Gò Vấp là nơi tôi đến cư ngụ trong một thời gian ngắn khi làng hoa dần bị xoá tên, thay vào đó là những ngôi nhà và đường sá. Nhờ vậy mà tôi biết thêm nhiều điều về vùng đất này và lại nhớ nơi này rất rõ để có thể dẫn các bạn đi thăm một vòng Gò Vấp.
Nhớ nơi này, chẳng qua đó là vị trí thuận tiện, từ nhà tôi có thể đi các chợ trong quận Gò Vấp mà không nhất thiết phải loanh quanh một chợ gần nhà. Chợ là nơi buôn bán hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, thức ăn đồ uống như nhau. Có chăng là thứ tình cảm của người bán và người mua được thiết lập vì đã là khách hàng quen thuộc lâu ngày.
Chợ Gò Vấp là một trong những ngôi chợ xa xưa nhất trên đất Sài Gòn xây cất vào năm 1897. Ngôi chợ mang địa danh cả một vùng đất lớn, có tên trên bản đồ từ năm 1815 do Trần Văn Học vẽ, cho thấy con kinh Gò Vấp chảy qua địa phận làng Bình Hoà tỉnh Gia Ðịnh. Cũng như tôi khi nhìn lại những hình ảnh tài liệu chợ Gò Vấp vào khoảng thập niên 1930, lòng bồi hồi nhớ dọc con đường từ làng ra chợ là những cây vắp cuối cùng còn sót lại trước khi những ngôi nhà tranh mái lá, nhà gỗ xưa được thay thế bằng những ngôi nhà gạch mái ngói hoặc bê tông khang trang. Con đường này ngày trước mang tên tỉnh lộ 15, và là Nguyễn Văn Nghi ngày nay.
Ngay đầu đường Nguyễn Văn Nghi là đường Nguyễn Oanh. Ngày xưa là đường xe điện từ An Nhơn đi Gò Vấp, Lái Thiêu. Vùng đất này nằm trên gò cao mỗi lần xe điện leo dốc phải ì à ì ạch. Năm 1954, khi người Bắc di cư vào Nam sinh sống ở vùng Ngã Năm Chuồng Chó đã san lấp gò đất cao lấy đất đắp nền nhà.
Từ Ngã Năm Chuồng Chó (xưa là nơi huấn luyện quân khuyển từ thời Pháp sang thời VNCH) theo đường Quang Trung sẽ gặp đường Tân Sơn (bên hông phi trường Tân Sơn Nhất), quẹo ra đường Phạm Văn Bạch mới mở sau này, gặp ngay cái chợ tự phát mọc lên khoảng cuối thập niên 1980. Khu chợ này khá nhếch nhác, lều, quầy sạp chiếm cả con đường mới mở còn tươi đất mới, trời mưa thì lầy lội, vào chợ một vòng đi ra cứ tưởng người đi làm ruộng mới về.
Lui trở ra, hướng về phía trước bạn sẽ gặp chợ Hạnh Thông Tây, cái tên nghe rất đỗi xa xưa còn giữ đến giờ. Chợ cách nhà tôi chừng cây số. Phía sau chợ giáp con mương hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất, nơi có một thời gian tôi thường ghé quán ông Năm nhâm nhi ly cà phê nhìn ngắm máy bay lên xuống phi trường.
Từ Làng hoa Gò Vấp đến chợ Thạch Ðà chừng năm ba phút. Cái tên Thạch Ðà nghe thật lạ lẫm với người cố cựu từng ở Gò Vấp ngày xưa. Ðây cũng là ngôi chợ mới mọc sau này vì trước 1975 vùng đất nay là ao trũng trồng rau muống của người miền Bắc di cư năm 1954 (hầu hết từ tỉnh Bắc Ninh vào Sài Gòn lập nghiệp, năm 1956 giáo xứ Thạch Ðà được thành lập). Bây giờ ở vùng này, ngoại trừ mấy công ty may mặc và làm giày da, nhà cửa chi chít nối tiếp nhau ra tận Xa lộ Ðại Hàn.
Cũng như khu giáo xứ Thạch Ðà, khu Xóm Mới hình thành sớm hơn một chút trong đợt di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Xóm Mới tất nhiên do mới hình thành, cùng lúc chợ Xóm Mới xuất hiện ngay từ lúc người di cư mới đến. Chợ này nổi tiếng bán thuốc rê (thuốc Gò) nổi tiếng Nam kỳ Lục tỉnh, thuốc lào ba số 333 hoặc ba số 555. Trong khi Xóm Thuốc đã hình thành từ xa xưa, là nơi trồng cây thuốc lá cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thuốc lá Bastos, Mélia của Pháp ở Vĩnh Hội, Sài Gòn. Trước 1975, Xóm Thuốc vẫn còn trồng cây thuốc lá. Có một tục lệ cúng Ông Trốt (gió lốc) của người trồng thuốc. Mỗi khi phơi lá thuốc trên sân, người dân bày mâm cỗ cúng Ông Trốt cầu mong cho gió đừng nổi cơn thịnh nộ.
Ngày nay, hiếm người lớn tuổi Sài Gòn còn quấn thuốc rê. Thuốc lào thì dành cho các bác mê điếu cày nhớ cố hương mua thuốc lào từ miền Bắc vào để kéo, chứ Xóm Thuốc chẳng còn trồng thuốc lá nữa.
Xóm Gà (nơi nuôi gà bán), xóm Thơm (chắc trồng thơm), xóm Lư (làm lư đồng ở làng An Hội), xóm Hố (do địa hình Gò Vấp vùng đất cao, lại có một vùng trũng rộng lớn giống như cái hố). Vùng này có một cây cầu cũng tên Hố, bắc qua một con suối cạn, bên trái có mộ của ông Diệp Văn Cương mất năm 1918. Ông là một chí sĩ yêu nước, từng làm chủ nhiệm Phan Yên báo và là chồng bà Công Nữ Thiện Niệm, con gái Thoại Thái Vương, tức bà Thiện Niệm là cô ruột vua Thành Thái.
TN