Từ xa xưa, chợ búa hình thành một cách tự nhiên để tiện việc trao đổi mua bán. Thường những chợ được người dân địa phương gọi tên theo đặc điểm vùng đó có loại cây gì, nghe rất đỗi dân dã và gần gũi. Tiếc thay, những ngôi chợ đó ngày nay không còn nữa.

Chợ hình thành một cách tự nhiên và mọc lên san sát để tiện việc đi lại trao đổi mua bán ở Sài Gòna ngày xưa (Ảnh: Internet)  

Ðầu tiên, tôi xin nhắc lại chuyện xưa, chợ Cây Da Còm. Sách Gia Ðịnh Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Ðức ghi chép về chợ Cây Da (Khung Dung thị): “Phía nam trấn, dưới chân thành về phía hữu có cây da nhánh rễ rằng ni, bóng lá xum xuê nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Lúc đầu canh tư người ta đã đi chợ đèn đuốc sáng trưng, kẻ đội người gánh những đưa bí rau cải đến nhóm tại đầu chợ phía tây, có người mua sỉ ngồi bán lại; đến sáng đầu chợ phía đông cá thịt và vật hàng mới bày bán” (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo).

Nếu có dịp đi trên đường Lý Tự Trọng (Gia Long ngày trước), đoạn giữa hai ngã tư Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), bạn sẽ thấy một cây da nhiều thân vươn cao trong Công viên Bách Tùng Diệp. Ðây là một trong những cây da cổ nhất trên đất Sài Gòn, gắn liền với chợ Cây Da Còm nhắc đến ở trên.

Ðây có lẽ là một trong số ít chợ nhóm họp sớm nhất Sài Gòn, để lại nhiều dấu ấn đối với các nhà nghiên cứu văn hoá ở đất Sài Gòn – Gia Ðịnh cũng như nhiều người cố cựu sống tại quận 1, trung tâm Sài Gòn từ thời Pháp thuộc. Riêng khu vực Sài Gòn thuở đó không có nhiều chợ mang cái tên gắn liền đặc điểm cây cối toả bóng mát làm nơi họp chợ. Sau khi chiếm được thành Gia Ðịnh, người Pháp đã nhanh chóng tiến hành thay đổi bộ mặt thành phố vốn nhiều kênh rạch chằng chịt mà người dân sở tại vẫn sử dụng ghe thuyền làm phương tiện giao thông và đi bộ là cách di chuyển thuận tiện nhất.

Trong khi đó, những vùng quanh Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Ðịnh thì chợ mọc lên nhiều hơn. Gò Vấp là một trong những quận có nhiều chợ mà sau này khi phân chia lại địa giới thuộc địa phận của quận Bình Thạnh. Chẳng hạn, chợ Cây Thị, chợ Cây Quéo, chợ Cây Ðiệp ngày trước thuộc địa phận Gò Vấp. Do đó, khi tôi hỏi ông bạn cư ngụ gần chợ Cây Thị thì ông khẳng định rằng chợ “Cây thị rớt bị bà già” nằm ở quận Gò Vấp.

Chợ bán cá ở bên Xóm Củi ngày xưa (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Chợ Cây Thị (đường Phan Văn Trị), Cây Quéo (đường Hoàng Hoa Thám), Cây Ðiệp (đường Chu Văn An) đều thuộc Bình Thạnh. Khu vực này trước kia nằm giữa làng Bình Hoà là một vùng đất chuyên trồng rau. Trước năm 1975, nơi đây còn là vùng quê, với vô số đường làng quanh co, gần như không thay đổi đến bây giờ. Chỉ có khác là mặt đường ngày nay tráng nhựa, nhỏ hẹp nên người từ xa đến tìm bạn bè bà con sống ở vùng này không khác gì bước vào mê hồn trận.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Sở dĩ tôi nói “mê hồn trận” là vì có lần tôi từ Gò Vấp đi chợ Cây Thị để xem chơi cho biết vì nghe nhiều người nói chợ này có bán đủ các loại hải sản tươi ngon. Ðến chợ Cây Thị theo đường Phan Văn Trị thì dễ dàng nhưng tôi lại đi từ chợ Cây Quéo đến chợ Cây Thị với chủ tâm tìm hiểu thêm những con đường mới mở sau này. Từ hướng Phan Ðăng Lưu vào đường Hoàng Hoa Thám là đến chợ Cây Quéo chẳng may đường bị kẹt xe. Không còn lối nào đi, đành lủi xe vào những con hẻm nhỏ. Chạy vòng chạy vèo, vòng qua vòng lại vẫn trở về con đường hẻm vừa mới chạy vô, chẳng khác nào lọt vô trận mê hồn khiến người ta chẳng còn cảm giác không gian lẫn thời gian. Cuối cùng phải nhờ người địa phương chỉ dẫn mới đến được chợ Cây Quéo bây giờ chỉ còn lưa thưa vài sạp bán trái cây phía ngoài lề đường. Hỏi chị bán hàng mới hay chợ đã bị giải toả hồi mấy năm trước.

Cây Quéo là một loại xoài rừng trái nhỏ hoặc bằng ngón chân cái người lớn. Vùng này, nghe người lớn tuổi kể lại, hồi xưa có nhiều cây quéo mọc thành cụm. Chợ theo đó mà hình thành. Tuy là một chợ nhỏ nhưng tuổi đời đến nay dễ có đến trăm năm. Việc mất đi một ngôi chợ mang cái tên dân dã gắn liền với cây cối trên vùng đất xưa dễ làm ta luyến tiếc. Nhưng suy cho cùng, Bình Thạnh sau này là một trong những quận có nhiều chợ nhất thành phố do người dân từ khắp nơi đổ về định cư sinh sống nhờ đất ven đô còn dồi dào lại sát với khu trung tâm thành phố, băng qua Cầu Bông là đến quận 1.

Chợ cá ở Chợ Lớn, nay là bưu điện quận 5 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Chợ Cây Thị có tuổi đời không thua chợ Cây Quéo. Theo ông bạn kể, từ thuở ông còn nhỏ thì chưa bao giờ thấy bóng cây thị ở chợ được dân gian gán cho cái tên chợ Cây Thị. Có thể nơi họp chợ này có cây thị từ thời xa xưa nhưng sau đó không còn nữa. Chợ Cây Thị chính thức giải toả vào năm 2005 để làm công viên cây xanh cho khu vực có quá đông người cư ngụ. Chợ không còn nhưng các người buôn bán, thuê mặt bằng hoặc người dân tự mở tiệm, sạp bán buôn trong nhà. Ðường sá chật hẹp, xe cộ nối đuôi, ồn ào khói bụi, ngày nào cũng kẹt xe khiến người qua đường ngán ngẩm.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Riêng chợ Cây Ðiệp không có tài liệu nào xác định được tuổi đời của chợ. Tên Cây Ðiệp nghe rất đỗi bình dị của vùng đất Sài Gòn trước đây có khá nhiều cây điệp mọc khắp nơi, nhất là những khu vực quân sự. Ở Ða Kao, quận 1 cũng có con hẻm mang tên Cây Ðiệp. Không biết chợ Cây Ðiệp ở Bình Thạnh có cây điệp nào không, ông bạn tôi dám tuyên bố rằng chẳng bói ra một cây làm thuốc. Chợ này thực ra có trước năm 1975 vài năm, buôn bán lưa thưa vài ba sạp rau trái cho khách qua đường. Khu vực chợ Cây Ðiệp có những con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào “làng ma” (thuộc P.12) là hàng trăm nóc gia xây dựng trên một nền đất nghĩa địa. Hầu hết dân chúng sống ở đây không phải người cố cựu mà từ các nơi khác về đây mua đại mảnh đất nhỏ cắm dùi. Cùng thời gian, dân chúng kéo về sinh sống, chợ mở rộng kẻ mua người bán. Cũng như chợ Cây Quéo, chợ Cây Thị đều gây ra tình trạng mất trật tự giao thông, chính quyền buộc phải giải toả.

Ngược về cửa ngõ đi miền Tây, còn có một chợ mang tên chợ Cây Da Sà, ngày xưa ở ngã tư Bà Hom và đường Lục Tỉnh, quận 6. Theo dân cố cựu thì cây da tuổi hơn trăm năm, rễ mọc sà thẳng xuống đất, tàn cây rộng mấy chục mét, bên dưới có ngôi miếu nhỏ, làm nơi họp chợ bán buôn. Ở đấy có bến xe ngựa chở hàng hoá. Vào thời ông Diệm, cây da này đột nhiên chết và ngôi chợ không còn chỗ tồn tại. Mãi đến sau này, người ta mới dựng nên một ngôi chợ mang tên Cây Da Sà Mới nằm trên đường số 6, khi tách một phần quận 6 chuyển về cho quận Bình Tân.

Vùng Phú Lâm ngày trước có chợ bên cây da sà, nay không còn nữa (Ảnh: Philip Cumming)

Từ đây đi ngược vô Chợ Lớn, qua Bùng binh Cây Gõ (nay bùng binh và tượng đài đã bị giải toả để xây cầu vượt) là đến đường Minh Phụng có ngôi chợ Minh Phụng nguyên trước là chợ Cây Gõ. Trong bài Gia Ðịnh phú có câu: “Trong làng Cây Gõ, nhà bền rường cột / Ngoài chợ Cây Vông, chất đống chông gai”. Xem ra ngoài chợ Cây Gõ, còn có chợ Cây Vông nhưng chẳng thấy tài liệu nào nhắc tới. Cây Gõ chỉ tên làng, còn Minh Phụng chỉ tên xã. Xã Minh Phụng ngày xưa nằm ở vùng Bình Tiên, tương truyền đây là nơi ở của người Miên trên đất Sài Gòn. Vùng này hồi xưa có nhiều cây gõ – một loại danh mộc có vân gỗ đẹp dùng để làm bàn ghế và cột nhà. Tôi nhớ hồi còn bé, ở đầu chợ Cây Gõ có bà già chiên bánh tai yến nước dừa rất ngon. Lần nào ba tôi dẫn tôi đi thăm người bà con bên kia cầu Cây Gõ, ba tôi đều mua một bịch bánh to.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Ði vòng qua đường Chu Văn Liêm gặp bưu điện quận 5, nơi này ngày xưa là chợ cá (Marche aux Poissons), bên trong chợ bán cá nhưng bên ngoài chợ lại bán đủ thứ trên đời.

Cuối cùng, có một ngôi chợ nhưng không phải chợ mà dân Sài Gòn ai ai hầu như cũng biết và cũng chẳng thiết tha muốn đến ngoài chuyện chẳng đặng đừng khi bệnh hoạn. Ðó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện này nguyên nằm trên phần đất hơn 5 hécta của vùng trồng rau cải của người Hoa Chợ Lớn cung cấp cho dân chúng Sài Gòn cách nay trăm năm. Ban đầu Pháp trưng dụng xây bệnh viện mang tên Hôpital Indigene de Cochinchine, đến năm 1957 đổi tên thành Bệnh viện Chợ Rẫy cho đến ngày nay.

TN