“Chừng nào cầu quay nọ thôi quay 

Thì qua với bậu mới đứt dây cương thường”.

Cầu Quay quay ngang ở đầu vàm rạch Bến Nghé hồi thập niên 1920 (Nguồn: Manhjaiflickr) 

Câu ca dao thề non hẹn biển của đôi lứa yêu nhau thuở người Pháp xây dựng những cây cầu sắt có thể quay ngang hoặc nâng thẳng lên cho tàu bè qua lại trên các con sông huyết mạch giao thông. Dân xứ mình hồi đó không hiểu nguyên lý vận hành của nó nên gọi chung chung là cầu quay cho tiện. Cứ nghĩ những cây cầu sắt của công ty Eiffle xây dựng tồn tại mãi theo thời gian nên câu ca dao trên xuất hiện từ dân thương hồ sống rày đây mai đó, dùng để minh chứng cho lòng thuỷ chung sắt son.

Cầu quay nọ là cầu nào? Cầu Quay Khánh Hội hay một cây cầu quay nào khác? Vì vậy, trước khi tìm hiểu Cầu Quay Khánh Hội, tôi muốn dẫn các bạn về miền Tây tìm đến Cầu Quay ở thành phố Mỹ Tho. Mỹ Tho ngày xưa khi còn là làng Mỹ Chánh cũng có cây cầu như vậy trên sông Bảo Ðịnh thay thế bến đò Ðiều Hoà đã không kham nổi lượng khách bộ hành và xe cộ (xe ngựa, xe bò). Năm 1890, chính quyền Pháp cho xây cây cầu sắt theo kiểu của công ty Eiffle, riêng nhịp giữa, nhờ một trục quay kéo dây cáp ở hai đầu, được nâng lên cao khi có tàu lớn qua lại, nên người dân gọi là Cầu Quay. Ðúng ra phải gọi nó là “Cầu Nâng” (pont livis) mới hợp lý. Cây cầu này bị sập hồi năm 1938, người Pháp cho xây lại cầu bê tông cốt thép cho phù hợp với hệ thống giao thông đường bộ thuở ấy.

Tôi nghĩ, ngày xưa cây cầu này chắc có một cái tên tiếng Pháp nhưng tìm hiểu đến giờ vẫn chưa tỏ tường. Cái tên Cầu Quay xuất hiện ngay từ lúc nó được xây dựng, mặc dầu cho đến ngày nay nó không còn nâng lên nữa và được xây lại vài lần nhưng dân chúng già trẻ lớn bé ở vùng này vẫn gọi là Cầu Quay. Cách nay khoảng 30 năm, có lần tôi về Mỹ Tho bằng xe đò, anh lơ xe đứng đánh đu ở cửa, hô to: “Trạm Cầu Quay, Ngã tư Giếng Nước xuống xe nha bà con”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Cầu Quay ở vùng Khánh Hội, Sài Gòn bắc qua đầu vàm rạch Arroyo Chinois người Việt gọi là Bến Nghé, người Triều Châu gọi là kênh Tàu Khậu phát âm thành “thổ khố” (khu nhà gạch), đọc trại âm thành Tàu Hủ, người Pháp cho xây chiếc cầu Le Pont Tournant và được dân chúng gọi đúng cái tên theo nghĩa của nó. Dân địa phương gọi là Cầu Khánh Hội hay Cầu Quay Khánh Hội vì vị trí của nó là cửa ngõ bước vào vùng đất Khánh Hội thuộc huyện Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh (nay là Quận 4).

Cầu Quay sửa lại thành nhịp cố định, sau lưng là Cầu Mống (Nguồn: Manhhaiflickr)

Khi Pháp chiếm Gia Ðịnh, vùng đất này ngoài khu nhà gạch của người Tàu làm nghề buôn bán ra, phần đất còn lại là đồng không mông quạnh, sông rạch chằng chịt. Phía ngoài đầu vàm là vài kho chứa gạo hoặc ngũ cốc làm bằng gỗ, trữ hàng xuất cảng theo sông Sài Gòn ra biển. Các Thống đốc quân sự Pháp nhanh chóng cho xây khu thương cảng Sài Gòn (Port de Commerce de Saigon) để làm đầu mối thông thương với quốc tế. Việc xây dựng cảng được giao cho hãng vận tải biển Messageries Impériales. Các bến cảng đầu tiên được xây dựng tại Bến Thành, gần hải quân công xưởng Sài Gòn (Arsenal de Saigon hay Ba Son), trong thời gian gần một năm.

Ðể tiện việc quản lý thương cảng, ngày 4 tháng 3 năm 1863, tòa nhà trụ sở của hãng Messageries Impériales cũng được xây dựng để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Năm 1871 Messageries Impériales đổi tên thành Messageries Maritimes. Khu thương cảng ngày càng được mở rộng cho đến đầu thế kỷ 20 các bến cảng và nhà kho vẫn còn cất bằng gỗ, cho đến năm 1930 mới được thay bằng bê tông cốt thép, mái fibro tường gạch kiên cố.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Trước khi có Cầu Quay thì đã có một cây cầu do Pháp xây dựng bắc qua rạch Bến Nghé, bên kia là Bến Vân Ðồn thuộc khu Vĩnh Hội. Ðó là cầu Messagies Maritimes. Cầu này được coi là một trong những cây cầu cổ xưa nhất tại Sài Gòn, do công ty vận tải biển Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894. Cầu xây một nhịp theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là Cầu Mống, có nhiệm vụ nối cảng với thành phố.

Cầu Quay hồi thập niên 1950 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðến đây, tôi tự hỏi: “Tại sao đã có cầu Messagies Maritimes cách không xa vàm Bến Nghé nhưng người Pháp vẫn thêm xây cầu Pont Tournant (Cầu Quay)”?

Cầu Messagies Maritimes kiểu dáng rất đẹp, đường cong mềm mại nhưng lại khá cao. Ðây là một trở ngại lớn với các tài xế xe kiếng, xe song mã. Họ phàn nàn đường dốc cao gây nguy hiểm cho ngựa và hành khách trên xe.

Thật ra, kế hoạch xây cầu Pont Tournant có từ năm 1895, không phải vì chính quyền nhận quá nhiều phàn nàn từ những tài xế xe ngựa qua Cầu Mống mà vì lợi ích từ việc vận chuyển hàng hoá bằng các toa xe hàng sử dụng đường ray xe lửa từ cảng về ga xe lửa Sài Gòn. Tuy nhiên, kế hoạch xây cầu lại gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các chủ tàu buôn ở Chợ Lớn. Họ sợ khi cây cầu hoàn thành sẽ làm giảm nhu cầu vận chuyển bằng phương tiện tàu bè, thiệt hại đến lợi ích của họ. Kế hoạch xây cầu đành đình trệ đến năm 1902.

Quân Nhật vào Sài Gòn từ Cảng Sài Gòn đi xe đạp qua Cầu Quay năm 1941 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nhà nghiên cứu Ðông Dương Jean Baptiste Paul Beau, ghi nhận kế hoạch việc xây Cầu Quay trong Situation de l’Indo-Chine de 1902 à 1907 (1908) như sau: “Cầu quay trên Arroyo-Chinois ở Sài Gòn được đưa vào chương trình làm việc theo nghị định ngày 12/11/1900 nhằm cải thiện thương cảng Sài Gòn. Công ty Société de constructions de Levallois-Perret xây dựng theo các điều khoản của hợp đồng đã được phê duyệt vào ngày 06/07/1901. Cầu được xây dựng cao hơn mặt đường (đương nhiên), cầu kết nối thành phố với cảng, dành cho tuyến đường sắt, vận tải và người đi bộ với một nhịp quay dài 49.20m, có trục xoay vòng theo chiều ngang trên một trụ cột trung tâm. Cầu rộng 7.10m, gồm một đường rộng 5.10m, hai bên có hai làn đường dành cho người đi bộ rộng 1m. Công trình bắt đầu vào tháng Giêng năm 1902 và được hoàn thành vào tháng 7 năm 1903. Chi tiêu lên tới 382,755.12 francs cho chiếc  cầu và 11,166.12 francs cho các phần liên quan…”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Cầu quay xây trong một năm thì hoàn thành. Năm 1904 được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên chục năm sau đó, chính quyền nhận được nhiều chỉ trích, khiếu nại do chân cầu quay quá tệ và rất nguy hiểm để điều hướng và con kênh ở hai bên nó quá hẹp để cho số lượng lớn các tàu ra vào. Do sức ép từ các chủ tàu ghe và nhiều bài viết phê bình từ báo chí, năm 1930, họ phải chi ra 4,100 đồng bạc Ðông Dương để chuyển nhịp cầu quay thành nhịp cố định. Còn việc lắp đặt tuyến đường sắt vào bến cảng trên cầu đến năm 1940 mới thực hiện được, do khối lượng hàng hoá xuất nhập cảng ngày một nhiều hơn.

Sau khi Pháp rút quân năm 1954, Cầu Quay được đổi tên là cầu Bắc Bình Vương. Ðến năm 1961, nó bị phá bỏ và thay thế bằng bê tông cốt thép gọi là Cầu Khánh Hội. Vào năm 2006, để xây dựng đường hầm sông Sài Gòn, cầu Khánh Hội lại bị phá dỡ để xây mới cao hơn như hiện nay. Cầu mới có chiều dài 167m với 4 nhịp, rộng 22m, đáp ứng bốn làn xe lưu thông và được đưa vào sử dụng từ ngày 24/01/2009.

TN