Hai thập niên cuối thế kỷ 19, khi người Pháp thay thế chính quyền quân sự bằng chính quyền dân sự, ngành in ấn tư nhân bắt đầu tham gia vào thương trường, tập trung trên đường Catinat (Tự Do sau này). Trong đó phải kể đến các chủ nhà in của người Việt là các ông Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Văn Của.

Di ảnh ông Nguyễn Văn Của, chủ nhà in L’Imprimerie de I’Union (Đồng Hiệp ấn thư cuộc) (Ảnh: Cháu cố của ông Nguyễn Văn Của cung cấp cho Tim Doling’s)   

Thị trường ngành in ấn thật sự nở rộ sau khi Văn phòng in ấn Ðông Dương của chính phủ đóng cửa nhằm tiết kiệm kinh phí và vì hoạt động không hiệu quả khi các nhà in tư nhân của người Pháp, người Hoa và người Việt bắt đầu xuất hiện.

Sài Gòn, bấy giờ chỉ nằm gọn trong 3 km vuông như thuở mới bắt tay vào công cuộc quy hoạch một thủ phủ của Ðông Dương, những con kinh quanh thành phố được lấp, trở thành những con đường để rồi mọc lên các tiệm buôn, nhà hàng, nhà in, các toà soạn báo. Ngành in tư nhân ra đời, đáp ứng nhu cầu in sách, tạp chí, tài liệu… không chỉ cho dân chúng mà còn phục vụ cho chính quyền thực dân trên toàn cõi Việt Nam.

Trong Niên giám Ðông Dương năm 1909 ghi địa chỉ 55-57 rue d’Ormay (Nguyễn Văn Thinh, ngay góc Tự Do tức Mạc Thị Bưởi và Ðồng Khởi sau 1975) là nhà in và đóng sách của ông Ðinh Thái Sơn. Ðây là nhà in đầu tiên do người Việt làm chủ.

Tác giả Thượng Hồng nhận xét về các chủ nhà in là đều xuất thân từ thợ phụ trong nhà in. Ðinh Thái Sơn, người gốc Nghệ An, tha phương mưu sinh vào Sài Gòn từ tuổi thiếu niên. Nhờ theo đạo Thiên Chúa, nên ông xin được chân học việc ở nhà in thuộc nhà thờ Tân Ðịnh. Nghề dạy nghề, ông may mắn được Trương Vĩnh Ký, một học giả đang rất được nhiều người kính nể, và nhất là các chức sắc tôn giáo quản lý nhà in chú ý giúp đỡ, giới thiệu lãnh thầu một số công việc thuộc ngành in, trong đó có dịch vụ đóng sách. Dịch vụ này lúc đó thu nhập khá cao, nên chỉ một thời gian làm ăn, ông Ðinh Thái Sơn đã phất lên dần. Và may mắn hơn nữa, ông được ông chủ nhà in Câu Toán ở đường d’Ormay thương tình, gả con gái cho.

Nhà in của ông Nguyễn Văn Của cất năm 1924 nay vẫn còn trên đường Nguyễn Du (Ảnh: Tim Doling’s)

Nhà in Câu Toán nguyên do ông Nguyễn Văn Toán làm chủ tại địa chỉ 55-57 rue d’Ormay từ nhiều năm trước đó, tức văn phòng ấn quán về sau do ông Ðinh Thái Sơn điều hành và lấy tên Phát Toán (có nghĩa là phát triển sự nghiệp của ông Toán). Niên giám 1910 ghi “55 et 57. Phat-Toan, imprimerie”. Ðây là thời gian ông Sơn cùng vợ ra riêng, tạo dựng sự nghiệp khi được cha vợ nhường hẳn cho cơ ngơi, biến nhà in nhỏ thành một nhà in bề thế. Từ đó, việc làm ăn của ông Ðinh Thái Sơn lên rất nhanh nhờ việc in ấn sách báo Việt ngữ bắt đầu phát triển. Rồi từ cơ ngơi đường d’Ormay, ông Sơn mua thêm căn nhà 157 đường Catinat (Tự Do) khai trương ấn quán mới, lấy tên là L’Imprimerie de I’Union (Ðồng Hiệp ấn thư cuộc). Lúc này có thêm ông Nguyễn Văn Viết, một người bạn lúc hàn vi của Sơn cùng tham gia.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Hai người bạn đồng hướng, cùng có tay nghề khá và có tài kinh doanh, nên chỉ một thời gian sau, nhóm nhà in Union của họ đã có uy tín tại Sài Gòn, hầu như không một công việc in ấn nào không qua tay họ. Lúc đó cũng là thời điểm Sài Gòn văn minh hơn… Có thể nói, nếu ông Ðinh Thái Sơn là người đặt viên đá đầu tiên cho ngành in ấn thương mãi tại Sài Gòn thì ông Nguyễn Văn Viết lại là người phát triển nó mạnh lên. Lúc bấy giờ tên tuổi hai người này thường được nhắc đến trong giới công thương kỹ nghệ gia, và tiếp tục thế độc tôn ngành in sách báo của mình.

Tiếp bước hai vị trên, người thứ ba nổi lên từ đầu thế kỷ 20, đó là ông Nguyễn Văn Của. Ông này về sau còn được gọi là Huyện Của  (hàm- chức vị được chính quyền Pháp phong tặng)

Ông Của thuở thiếu thời rất nghèo, sống cơ cực trong một xóm ổ chuột, ban ngày phải làm lụng vất vả, đêm đến lại phải xách đèn lồng theo người chị gái đi bán chè, rong ruổi khắp thành phố. Mỗi khi đi qua trà đình tửu quán, nhìn thấy cảnh thiên hạ ăn chơi, ông không hề động lòng mà chỉ có một ham muốn cháy bỏng là làm sao có tiền để giúp đỡ gia đình… Có lẽ đó là động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy ông quyết tâm học một cái nghề cho tương lai. Và nghề đó chính là nghề in ấn.

Lục Tỉnh Tân Văn về tay ông Nguyễn Văn Của trở thành nhật báo (Ảnh: internet)

Ý chí biến thành sự thật phải qua thời gian dài và gặp biết bao trở lực, nhưng cậu bé Của đã kiên trì vượt qua… Ðầu tiên, ông xin vào làm thợ ở nhà in của ông Ðinh Thái Sơn và Nguyễn Văn Viết. Tại đây, Của được hai ông này nhận ra khả năng, nên được nâng đỡ và giao cho vai trò chính yếu trong nhà in. Cuối cùng, vào thập niên 10 của thế kỷ 20, Nguyễn Văn Của đã chính thức cùng với Ðinh Thái Sơn và Nguyễn Văn Viết trở thành 3 trong số 10 nhà in giàu có nhất tại Sài Gòn.

Xem thêm:   Lừa đảo online

Tuy nhiên, vào những năm 1920, một trong những doanh nghiệp in ấn nổi tiếng và thành công nhất là Nguyễn Văn Của. Imprimerie de L’Union, có thêm hai trụ sở mới tại số 13 và số 57 Rue Lucien Mossard (Nguyễn Du). Nhà in Nguyễn Văn Của in các ấn phẩm của báo L’écho Annamite: Organe de défense des intérêts franco-annamites, l’Eveil économique de l’drochine, Revue Judiciaire Franco-Annamite và một loạt các ấn phẩm của chính quyền thành phố và các tỉnh. Công ty cũng đã tiếp quản việc in Lục tỉnh Tân văn (thành lập năm 1907), một trong những tờ báo đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ.

Năm 1919, nhiều tờ báo và cơ sở thương mại ở Bắc và Nam kỳ do ông Schneider làm chủ. Do tuổi già sức yếu, ông về Pháp sống những năm cuối đời và bán lại các cơ sở thương mại cho chính phủ. Ông Nguyễn Văn Của điều đình mua lại tờ Lục tỉnh Tân văn (LTTV) và tiếp tục in tại ấn quán của mình. Số 727, ra ngày Thứ Sáu 30-1-1920, trên măng-xét của tờ LTTV chỉ còn tên ông Nguyễn Văn Của là Adm. Gérant (chủ nhiệm). Vì là chủ nhà in / nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Của quen biết giới thương gia nhiều (nhờ đó số thu về quảng cáo ngày càng nhiều). Ông lại giao thiệp rộng với giới công chức nên tờ LTTV phát triển rất mạnh, số độc giả tăng lên rất nhiều. Một phần nữa là do một số tờ báo khác ở Nam kỳ đình bản, sự cạnh tranh thương mại với tờ LTTV ngày càng giảm. Ông Nguyễn Văn Của nhìn thấy cơ hội phát triển mạnh hơn cho tờ LTTV, và với lợi thế được in tại nhà in riêng, ông đã có một quyết định lịch sử: biến tờ LTTV thành nhựt báo. Toà soạn LTTV dời về số 157 Catinat và trở thành nhật báo duy nhất tại Nam kỳ lúc bấy giờ.

Pháp Viện Báo ấn phẩm của nhà nước thuộc địa được Đồng Hiệp ấn thư cuộc xuất bản (Ảnh Internet)

Trong thời gian làm chủ Ðồng Hiệp ấn thư cuộc, ông Của được mang quốc tịch Pháp và được bầu làm uỷ viên Hội đồng thuộc địa. Ông tham gia đầu tư đất đai trở thành điền chủ sở hữu 288 hécta trồng cao su ở Long Thành và là thành viên tích cực của Hiệp hội trồng cây cao su Ðông Dương.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Với thanh thế và địa vị của một điền chủ, chủ nhà in, chủ nhiệm nhật báo LTTV, ông Của tham gia và đóng góp rất nhiều cho các hoạt động xã hội. Năm 1925, ông Của là người có công kêu gọi gây quỹ dựng tượng đài Pétrus Ký và ông đã tặng 90,000 franc vào chi phí xây dựng, lắp đặt tượng đài. Ông cũng là thành viên tích cực của Hội Nghiên cứu Ðông Dương (Société des études Indochinoise) gây quỹ tổ chức thành công cuộc triển lãm những tác phẩm nghệ thuật của Tiến sĩ Victor-Thomas Holbé, sĩ quan Hải quân, nhân buổi khai trương Musée Blanchard de la Brosse vào năm 1929 (Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn).

Tháng 5/1941, ông Nguyễn Văn Của qua đời. Ðám tang của ông được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều quan chức thuộc địa cao cấp. Trong điếu văn đăng trên báo Écho Annamite, Chủ tịch Phòng Nông Nghiệp J. Mariani trân trọng tôn vinh ông là một hình mẫu điển hình của người từ tay trắng lập nên sự nghiệp và là công dân gương mẫu của đại Pháp và các nước thuộc địa.

Con trai cả của ông là Nguyễn Văn Xuân học tiểu học tại trường Chasseloup-Laubat (Lê Quý Ðôn) rồi sang Pháp học trung học và đại học Bách khoa Paris và cũng thành công trong sự nghiệp quân đội Pháp mang cấp bậc Trung tá Công binh.

TN