Nhiều năm nay ông Nghĩa luôn giữ liên lạc với mấy người em đồng hương hẻm Xóm Chùa thuộc phường Tân Ðịnh. Rất vui là gia đình ông và mấy người em đó đều sống quanh quẩn phía bắc tiểu bang Florida. Vợ chồng ông Nghĩa ở Mulberry. Vợ chồng anh Thành ở Orlando. Vợ chồng anh Nhân và vợ chồng cô Hồng ở Lake Land. Minh Ú – thằng em nhỏ tuổi nhứt mới liên lạc được – đang ở Tampa. Cũng nhờ ở gần mà hàng năm các đồng hương Xóm Chùa đều họp mặt “Mừng Xuân – Ðón Tết” tại nhà của một đồng hương, luân phiên nhau, vào ngày thứ Bảy đầu năm Âm lịch có thể là Mùng 2, Mùng 3 hay Mùng 4, Mùng 5 của tháng Giêng, miễn còn mùng là được.

Năm nay anh em đồng hương hẻm Xóm Chùa họp mặt “Mừng Xuân – Ðón Tết” tại nhà ông Nghĩa, người lớn tuổi nhứt, vào ngày thứ Bảy, mùng 2 Tết. Các cuộc gọi của ông Nghĩa đã được xác nhận: “Mọi người sẽ có mặt lúc 3 giờ chiều, vợ chồng con cái đầy đủ, kèm theo một ít món ăn chơi”.

Mấy ngày trước ông bà Nghĩa đã đi chợ Việt Nam, đi siêu thị Publix mua thịt bò, thịt heo và các món cần thiết để nấu nướng đãi tiệc. Mấy đứa nhỏ con của ông bà Nghĩa có vợ có chồng ở xa, không tiện “mời” vì tụi nó có công ăn việc làm cả.

– Mới 2 giờ. Mọi người chắc đang trên đường đến – ông Nghĩa xem đồng hồ nghĩ bụng – Từ Orlando xuống đây 1 tiếng lái xe, dưới Tampa lên khoảng 45 phút, bên Lake Land qua chừng 30 phút…

Xứ Mỹ tháng Hai còn trong mùa Ðông lạnh giá nhưng ở Florida hôm nay trời dịu mát.

Nhìn lò than sau vườn lửa vừa bén, hai thau thịt một bò một heo, hai thùng bia chai trong thùng xốp ướp lạnh, ông Nghĩa mỉm cười coi như xong chỉ chờ đỏ than là nướng.

Trong bếp, nồi nước lèo bún riêu bự “chà bá” giữ lửa liu riu, nồi điện nấu cơm tấm vừa bật nút, xửng chả hấp và dĩa bì đã xếp xong. Bún, vợ chồng Thành đem tới. Rau, vợ chồng Hồng lo.

– Chuẩn bị vậy là đủ rồi. Bà Nghĩa nói.

– Vui là chính. Ăn uống bao nhiêu! Nghĩ vậy nhưng vợ chồng ông Nghĩa cũng tính sao cho có dư, chớ để thiếu mất vui. Năm ngoái họp mặt tại nhà anh Nhân bên Lake Land, giờ chót hết bún. May mà chợ ở gần bên, Nhân lái xe đi mua bún trong vòng hai chục phút là có.

– Khách tới ông ơi! Bà Nghĩa kêu. Vợ chồng cô Hồng tới sớm nhứt. Hồng lấy chồng bên này, có hai con. Hồi còn ở hẻm Xóm Chùa, nhà Hồng bán tạp hóa, cô thường đi chùa Phước Thọ cuối con hẻm, sát rạch nước đen. Năm nay Hồng sắp năm mươi, hai đứa con, đứa lớn mười lăm, đứa nhỏ mười hai. Chắc sanh trễ?

Bảo Huân

Sau vợ chồng cô Hồng là vợ chồng Nhân, rồi vợ chồng Thành tới. Mấy vị đồng hương tóc màu muối tiêu cả rồi. Con cháu họ làm quen nhau lẹ lắm, nhỏ thì chạy chơi khắp vườn nhà, lớn chút ngồi im, ôm iPad, iPhone.

Minh Ú đến sau cùng với vợ và con gái khoảng mười tuổi. Minh Ú mập mạp, tướng tá tròn quay như hồi còn nhỏ. Chào anh em đồng hương xong, Minh Ú ra sau vườn giành nướng thịt. “Nghề em mà đại ca”. Minh lẹ làng lắm. Hồi ở Xóm Chùa, nhà Minh là quán cơm bình dân, tuy mới mười tuổi nhưng Minh được giao cầm quạt đứng bên lò than nướng thịt, khói và mùi thịt chín bay khắp xóm.

Bà Nghĩa lăng xăng bày thức ăn ra bàn. Vợ anh Nhân cắt chả, cô Hồng lặt rau, vợ anh Thành bóc bún chia ra ba dĩa. Hai thùng nước ngọt, một thùng rau câu và trái cây là “món ăn chơi” của mấy em đồng hương đem tới.

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Hình như thiếu món ăn ngày Tết?

– Có đây các chị ơi! Bánh tét, dưa món – Vợ Minh Ú, tên Sương, khoe cặp bánh tét và keo dưa món. Bà Nghĩa cười nói nhà cũng có một nồi thịt kho tàu:

– Bên này thịt mỡ, trứng gà kho với nước Coco đóng lon chớ không có trứng vịt nha. Có canh khổ qua dồn thịt nữa đây. Ðúng hương vị Tết xứ mình chưa?

Cánh đàn ông ráp lại khiêng bàn, bày ghế ngồi sau vườn. Chén dĩa toàn đồ giấy cho tiện. Thịt heo nướng tươm mỡ sẽ ưu tiên chuyển ra nhà trước cho đám nhỏ ăn với cơm tấm.

Ông Nghĩa thay áo, kêu mọi người vô bàn:

– Quen hết khỏi giới thiệu nhe. À, chồng cô Hồng là Thắng. Năm ngoái gặp rồi hén? Năm nay có thêm Minh Ú. À mầy bao nhiêu rồi Ú?

– Bốn chín “đại ca”!

– Sao con mầy nhỏ xíu vậy?

– Tập hai á. Minh cười, hai mắt híp lại.

Ông Nghĩa nói vài câu chúc Tết “đồng hương Xóm Chùa” và mời mọi người cầm dao nĩa. Beefsteak tự cắt, ăn tới đâu cắt tới đó…

– Khui bia đi anh em. Vừa ăn uống vừa nói chuyện Tết Tây, Tết Ta nhe. Nói chuyện Xóm Chùa xưa và nay đi…

Qua một tuần bia “lấy trớn”, ông Nghĩa mở lời:

– Nghe nói Xóm Chùa bây giờ sung lắm? Rạch Nhiêu Lộc nước đen cũng bớt dơ…

Thành về Việt Nam cuối Hè năm ngoái, nói hơn chục năm rồi vợ chồng Thành mới về, tính từ ngày anh về quê cưới vợ. Xóm Chùa nhiều thay đổi. Rạch Nhiêu Lộc giải tỏa xóm nhà sàn đã lâu, sau này được vét, xây bờ kè nên thấy sạch sẽ. Xóm Chùa cũng “đổi mới”, chùa Phước Thọ xây lại khá đẹp. “Bến nước” sát bên chùa có cây đa già lúc này con nít tắm rạch, đùa giỡn mỗi chiều.

– Ông thầy trụ trì không la mấy đứa nhỏ như hồi đó la anh em mình – Thành nói mà cười nhẹ –  Ông này còn trẻ, chắc ở trển mới “đổi về”?

Nhân uống cạn bia trong chai lên tiếng:

– Anh Thành nói ông trụ trì như là công chức, cán bộ tuyên giáo vậy hà!

– Thì sư… quốc doanh mà! – Ông Nghĩa mỉa mai – Có Giáo hội nào cắt cử đâu?

– Trước ngày em “hô biến” thì con Linh Quy, con rùa sáu bảy chục tuổi nghe kinh kệ chùa Phước Thọ, cũng bỏ đi đâu mất. Hổng lẽ nó “vượt biên” giống em hả anh Nghĩa? – Nhân nói làm cả bàn rộn tiếng cười.

Con rùa và sư ông chùa Phước Thọ quấn quít như đôi bạn, ai ở Xóm Chùa đều biết.

Người này nhắc cô Ba, dì Sáu; người kia nhắc chú Tám, anh Tư; nhắc mấy ngày cúng rằm tháng Giêng tại chùa, mùa Vu Lan cúng cô hồn trong xóm, và vài kỷ niệm thời trẻ trong đó nhắc lại “chân dung” Minh Ú lúc nướng thịt mặt mày mồ hôi, bụi than lem luốc ai thấy cũng cười.

Cô Hồng thưởng thức xong tô bún riêu bước ra sau vườn “thăm chừng” chồng mình mà cũng là chào hỏi đồng hương Xóm Chùa. Cô nói Thắng chồng cô là dân Xóm Chuối, thuộc đường Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Ðịnh. Dân trong hẻm Xóm Chuối chuyên giú khí đá chuối xanh dưới Cái Bè chở lên, rồi bán lẻ hay bỏ mối chợ Tân Ðịnh, chợ Ða Kao. Anh Tư của Thắng mướn một góc chùa Phước Thọ làm xưởng mộc Quế Lâm, sản xuất đồ chơi bằng gỗ. Thắng thường vô xóm nên quen Hồng. Thắng nhắc ông Hai thợ mộc rất khéo tay và nói có biết anh Hùng cựu lính kỹ thuật không quân vừa bán cà phê vợt, vừa đạp xích lô.

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Ông Nghĩa nghe nhắc Hùng thì cười:

– Thằng đó cái bụng bự quá chừng. Nó đạp xích lô để lấy eo mà cái bụng vẫn bự.

Sau chai bia thứ hai, ông Nghĩa có ý vầy:

– Bây giờ anh em mình nói nghe coi, mùa Xuân nào là mùa Xuân xa mẹ, xa nhà đầu tiên tính từ… cái ngày ấy! Hôm qua tôi nghe bài hát Xuân này con không về nên có ý vậy. Minh Ú ưu tiên nói trước.

– Dạ để em “ship” dĩa thịt nướng vô nhà đã. Mấy đứa nhỏ khoái món cơm tấm “xà bì chưởng” lắm đó.

Minh Ú bưng dĩa thịt nướng đi lẹ. Anh Nhân nhìn theo cười:

– Minh Ú nói cơm tấm “xà bì chưởng” là cơm tấm “sườn bì chả” chị Nghĩa nấu đó. Ðúng là méo mó nghề nghiệp!

Thành nhịp bàn hát nho nhỏ bài Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân: “Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…”.

Minh Ú uống chưa hết chai bia thì ông Nghĩa đã nhắc hỏi Xuân nào Minh không về? Minh nuốt lẹ ngụm bia trả lời:

– Năm 12 tuổi là năm đầu tiên em xa mẹ. Em xa mẹ, mẹ em mừng mà em nhớ mẹ khóc chớ không buồn. Sao các anh biết không? Mùa Xuân đó em qua tới Bidong bên Mã Lai rồi.

– À “vọt” rồi hả? – Thành hỏi – Năm đó không ai nướng thịt?

– Tết trong trại vui lắm mấy anh. Em với anh Bình ăn 2 cái Tết trong trại, có quà cứu trợ, có văn nghệ mừng Xuân nữa – Minh Ú cười híp mắt – “Nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm. Quán cơm sườn không người quạt than …”. Mới đó mà 37 năm rồi các anh. Mẹ em mất, em không về được!

Không khí như trầm xuống sau câu nói của Minh. Ở đây Thành mất mẹ từ nhỏ. Nhân xa mẹ, lúc mẹ mất cũng không về được. Những năm tám mươi, chưa có chuyến bay về Việt Nam.

– Tui nhận điện tín nghe mẹ mất thì lặng người đi – Nhân thở dài – Mùa Ðông Bắc Mỹ buốt giá, tê cả người. “Xuân nầy con không về” mà cũng không biết Xuân nào con về được? Cho tới năm chín mươi hai, tui mới về Xóm Chùa giỗ mẹ.

Ông Nghĩa nói để giảm đi cái nỗi buồn xa mẹ, mất mẹ của mọi người:

– Ðó là những mùa Xuân chia ly cách biệt xảy ra sau mùa Xuân năm 1975. Ba tôi, Thiếu tá Quân nhu, đi “cải tạo”, coi như Xuân năm bảy sáu không về. Sau đó, ở phường vận động gia đình tôi đi kinh tế mới ở Sông Bé nhằm “tạo điều kiện” cho ba tôi về sớm. Gia đình chia hai. Má tôi, anh Hai, chị Ba đi kinh tế mới. Tôi và thằng Út ở lại giữ nhà. Vậy là thêm một mùa Xuân nữa gia đình chia cách.

Ông Nghĩa hớp bia, cắt một lát thịt beefsteak nhai chầm chậm.

– Gia đình em cũng được “vận động” đi kinh tế mới – Nhân cười nói – nhưng ba má em không đi đâu hết mà cho em “hồi hương” về Sóc Trăng rồi vượt biên. May mà đi lọt.

– Một năm sau má tôi chịu không nổi khổ cực nên bỏ kinh tế mới về lại Xóm Chùa – Ông Nghĩa kể tiếp – Tôi đi “bán chợ trời thuốc Tây” Tân Ðịnh, em tôi ráng đi học được một năm thì nghỉ. Anh Hai tôi làm thợ mộc trong chùa Phước Thọ. Chị Ba đi “buôn chuyến” miền Tây. Má tôi ôm bệnh sốt rét nằm nhà. Phường khóm lại tới vận động: “Ðể ba tôi về sớm, gia đình bỏ kinh tế mới về thì phải có ai đó đi nghĩa vụ quân sự thế vô”. Vậy là tôi đi!

Xem thêm:   Sống sót

Anh Nghĩa Xóm Chùa “trúng tuyển nghĩa vụ” được đưa qua chiến trường Campuchia sau ba tháng huấn luyện ở Long Giao.

– Tôi và một số anh em Sài Gòn được bổ sung vô Sư đoàn 5 – Ông Nghĩa cười nhẹ – Năm đó tôi hăm hai tuổi. Tết tới, đơn vị đóng quân ở Mimot, tôi ca bài Xuân nầy con không về là bài ca của lính cộng hòa có trước năm 1975. Anh em trong trung đội phần đông là dân miền Nam, dân Sài Gòn ai nghe cũng thấm. Có anh Tân, cán bộ trung đội là dân Bắc “hai nút” nghe xong ảnh nói “Tớ nghe cậu hát mà nhớ mẹ quá. Có hơn mười năm tớ chưa được về Bắc thăm mẹ. Mẹ tớ già lắm rồi”.

Ông Nghĩa nhận xét dù là lính bên nào đi nữa thì bài hát đó cũng đi vào lòng người, nhứt là những người lính xa mẹ, xa quê. Anh lính Bắc đi “giải phóng miền Nam”, thằng thanh niên Sài Gòn đi “nghĩa vụ” đều có gia đình, đều có mẹ. “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm?”. Mẹ buồn mà mấy đứa con xa mẹ có vui đâu!

– Sau cái hôm anh Tân trung đội phó nghe bài hát, tôi thấy ảnh buồn lắm – Ông Nghĩa  thở ra – Một tuần sau thì ảnh chết vì mìn Pôn Pôt. Vậy là con mãi mãi không về.

Thành nhận xét:

– Xứ mình chiến tranh dai dẳng, chết chóc nhiều. Vừa êm cuộc chiến Bắc Nam thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới. Lại đánh nhau, lại hy sinh, mất mát. Khổ nhứt là những bà mẹ. Mẹ cứ mãi trông chờ các con trong vô vọng. Mẹ liệt sĩ hay mẹ tử sĩ đều là mẹ. Nếu không có chiến tranh, không có thù hận thì…

– Thì không xảy ra bi kịch đau đớn kéo dài. “Ông thiếu tá” ba tôi không đi “cải tạo” tới 6 năm trời – Ông Nghĩa hướng tia nhìn ra xa – Nhưng qua cái thời đau đớn đó thì mọi người như lớn lên, quyết tâm làm lại cuộc đời, cố gắng vui để mà sống. Gia đình tôi may mắn được qua Mỹ theo diện H.O. Ba tôi nói lúc đó gia đình sống lạc lõng coi như mất phương hướng rồi, có quê hương mà như đã mất. Thì đi thôi!

Nói vậy chớ hình bóng quê hương vẫn còn mãi trong lòng “ông bà Thiếu tá” và các con. Sống trên đất Mỹ, quê hương là những gì họ luôn nghĩ tới, là chỗ dựa tinh thần vững chãi vô cùng. Mấy anh em đồng hương ngồi đây cũng vậy, ít gì thì những kỷ niệm, những năm sống ở đất Sài Gòn, trong con hẻm Xóm Chùa không thể nào phai mờ trong tâm trí họ. Cho nên lúc có dịp họ vẫn về Việt Nam, về Sài Gòn và về thăm hẻm Xóm Chùa một thời tuổi trẻ của họ.

Năm nay thì không!

“Xuân này con không về” là điều chắc chắn vì dịch cúm Vũ Hán đang lan rộng trên đất Mỹ. Các chuyến bay về Việt Nam hết sức hạn chế. Ở quê nhà con virus đó cũng đang bùng phát. Lũ học trò xa quê, những mảnh đời lưu lạc mưu sinh trên đất Sài Gòn năm nay chỉ biết lặng lẽ đón Xuân trong nhà trọ với hình bóng mẹ, với nỗi nhớ quê nhà miền Trung, miền Bắc đang rất xa xôi. Có lẽ cũng có ai đó hát: “Nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm. Mái tranh nghèo không người sửa sang… Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”.

DHP

Florida 2- 2021