Cái thị trấn tôi ở lúc ấy đã không còn mang dáng dấp đặc thù truyền thống Âu châu dầu vẫn còn giữ được một số lâu đài của các lãnh chúa cai trị vùng này từ thời Trung Cổ. Và đâu đó dẫu vẫn còn dăm ngôi nhà thờ, dăm lâu đài cổ, hay cái đập thủy điện bằng gỗ bên dòng suối vòng quanh thị trấn có từ hàng trăm năm trước vẫn còn được sử dụng, nhưng có lẽ đã bị những dinh thự có lối kiến trúc tân kỳ xây dựng sau thế chiến thứ hai lấn áp. Dân số nơi ấy thuộc loại khá ít so với những vùng có diện tích tương tự. Tuy nhiên cái thị trấn rất nổi tiếng và được nhiều người biết đến, vì ngoài cái bệnh viện trị lao phổi lớn nhất nước Ðức, nó còn là nơi quy tụ một số người giàu có của xứ sở này.

Chị tôi không chịu gọi đó là thị trấn mà bảo là cái “Dorf”; làng. Còn tôi thì hay dùng chữ của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, “một nơi ai cũng quen nhau” để nói về nó. Thật vậy. Ở đó, gần như mọi hàng quán, rạp ciné, tiệm tùng, trạm xăng, trạm y tế, thậm chí các văn phòng hành chánh, cộng đồng và cả nhà thờ cũng đều tập trung trên con đường chính dẫn ra nhà ga, nên khó có thể nói là không biết nhau. Nhất là tại quán ăn của chúng tôi, một quán Á châu hiếm hoi. Thực khách tới lui ngần ấy người, biết rõ nhau làm nghề gì, ở đâu, là chủ của “Firma” – công ty – nào… Họ có thể gọi nhau bằng tên mà không cần gọi họ, dùng đại danh từ “du” thân mật mà không là “Sie”. (*)

Ông và bà gặp nhau hai tuần một lần. Ăn tối với nhau tại quán của chúng tôi. Lần nào bà cũng đến sớm hơn ông khoảng nửa đến một tiếng. Ðặt hai đĩa thức ăn “giống như lần trước”, nhưng lúc nào cũng dặn phải chờ ông đến mới mang ra. Và vì ngồi chờ rất lâu, nên lúc nào bà cũng giữ lại cái thực đơn để coi tới coi lui dẫu chúng tôi không bán nhiều món. Có khi bà uống một ly nước suối, có khi không. Cho tới lúc ông đến thì hai người sẽ uống chung một chai rượu trắng, là loại… hệt như xưa nay. Cả hai người đều không bao giờ thay đổi khẩu vị. Những hôm ông tới muộn, bà sẽ ngồi gật gà gật gù như ngủ gục, tuy nhiên chưa bao giờ thấy bà bỏ cuộc. Kể cả những lần ông không đến, bà vẫn cứ ngồi chờ như vậy cho tới lúc quán sắp đóng cửa, sau đó sẽ trả tiền món ăn đã đặt dầu không ăn và cũng không muốn đem về.

Nếu chúng tôi không chịu lấy tiền, bà vẫn cứ để lại trên bàn. Có thể nói từ thời khóa biểu cho đến thói quen của họ, hầu như trong quán chúng tôi ai cũng biết. Chị tôi nói họ không phải là vợ chồng mà là tình nhân. Tôi hỏi sao chị biết. Chị chỉ vào sổ đặt bàn, bảo hai cái họ không giống nhau. Tôi đáp:- Có nhiều người phụ nữ kết hôn xong vẫn còn giữ họ của mình thì đâu thể kết luận họ không là vợ chồng. Chị tôi khẳng định:- Bà vợ ông ấy có đến nhà hàng mình vài lần trước khi em sang đây. Chị được giới thiệu với bà ấy. Tôi không hoàn toàn tin lời chị tôi. Bởi vì như vậy là quá lạ lùng ở phương Tây. Ở một cái xứ sở không dung túng cho người vừa có vợ vừa có tình nhân công khai trước mặt mọi người như thế.

Xem thêm:   Lời tạ lỗi

Nhưng mà tình nhân gì chớ! Tôi nghĩ vậy. Bởi vì khi so sánh giữa hai người, là có thể nhìn thấy sự khập khễnh. Bà cao hơn ông gần cả cái đầu, khá “lỏng khỏng” và lại trông già hơn ông rất nhiều. Tôi không dám chê bà xấu, nhưng có muốn khen một người có vẻ mặt lúc nào cũng quạu quọ, nhăn nhó, và nụ cười hiếm hoi lắm mới nở ra như thế cũng rất khó. Ðã vậy bà còn khó chịu. Gần như chẳng bao giờ bà muốn thử một món ăn mới vì nói không biết mùi vị chúng ra sao, mà ngay cả cái món bà vẫn chọn ấy, cũng chẳng hề tỏ vẻ thích thú hay khen ngon bao giờ. Ông thì ngược lại. Tuy thấp, hơi đậm người nhưng mặt mày sáng láng với nụ cười rất rạng rỡ. Lại vui tính, hay đùa. Tôi nghĩ có lẽ lúc còn trẻ ông là người rất hấp dẫn đối với phụ nữ. Con người này, với chúng tôi, chắc chỉ mỗi “tội” là hơi kẹo. Lần nào trả tiền, ông cũng nói nhà hàng chúng tôi đắt hơn nhà hàng Tàu, và thỉnh thoảng lại còn kỳ kèo… trả giá chai rượu, một kiểu hiếm khi thấy xảy ra với người da trắng.

Bảo Huân

Hai người thường ngồi ở dãy bàn hơi tối. Cái bàn nằm ở vị trí tuy không khuất, nhưng không được khách ưa chuộng vì cạnh cửa sổ mà quanh năm chỉ có thể nhìn thấy một bụi cây đầy gai nhọn ra hoa mầu đỏ bầm vào mùa Hè và một gốc thông già xấu xí. Nhiều lần chúng tôi muốn chặt đi nhưng không được phép vì chúng thuộc về mảnh đất của “Gemeinde” – gọi nôm na là cộng đồng thị trấn. Nếu khách ngồi ở bàn đó, quay ra cửa chính sẽ bị một tấm màn cửa bằng nhung nâu sẫm tối và dày như tấm thảm lót sàn nhà án ngữ ngang tầm mắt. Còn ngồi ngược lại ở hướng đối diện, sẽ bị thấy phía xấu nhất của cái bar rượu và sẽ bị chạm mắt trên hai cánh cửa đi vào nhà vệ sinh. Tôi ghét tấm màn, nhưng chị tôi bảo nó dày, cản được hơi lạnh lùa vào quán những hôm trời trở rét, và khen nó sẫm màu như thế sẽ ít thấy bẩn nên không chịu thay tấm mới. Và nhà vệ sinh thì tôi không thể bàn tới bàn lui vì chẳng lẽ nhà hàng không có… nhà vệ sinh!

Tôi đùa với chị tôi, tình nhân mà cứ ngồi hoài ở cái bàn ấy, hai người có lãng mạn đến đâu đi nữa cũng sẽ chuyển qua lãng xẹt. Mà nghĩ tới nghĩ lui cũng không thể nào tin ông bà là tình nhân. Ông thường đến muộn, không biết có xin lỗi bà hay không nhưng chẳng bao giờ thấy hai người ôm vai nhau, hay cầm tay nhau một cái gọi là. Cũng chẳng cả một cái nhìn âu yếm ngọt ngào nói gì tới hôn nhau. Trông họ giống hệt như partner đang làm business. Nhiều lúc còn thấy hai người có vẻ như đang tranh cãi về một vấn đề nào đó, có khi ông lại soạn giấy tờ ra bàn, chỉ trỏ cho bà một cách vô cùng nghiêm trang.

Xem thêm:   20 & 21

Nhà hàng của chúng tôi ở thị trấn ấy, lúc ấy, được xem như chỗ dành cho người có “tầng lớp”. Hầu như ai đến cũng ăn mặc đẹp đẽ, thanh tú. Ông là chủ của một cái hãng khá lớn. Chế tạo cơ khí. Tôi không rõ là ngành nào. Lúc nào cũng thấy ông complet cà vạt, còn bà thì váy áo đắt tiền, thỉnh thoảng lại còn đội mũ lông ngỗng, có lưới che mặt rất điệu. Thành thật mà nói, một quán ăn có được những người khách đến đều đặn như thời khoá biểu là… khỏe. Hai người lại không bao giờ nề hà chỗ ngồi đẹp xấu, không than phiền về thức ăn và cho tiền típ người phục vụ dù không nhiều lắm nhưng cũng không đến nỗi tệ.

Tuy nhiên không hiểu sao chúng tôi cứ thấy có điều gì đó trúc trắc. Nhiều đứa trong quán, kể cả tôi, vẫn thường tìm cách để tránh tiếp bàn của bà. Tôi, với cặp mắt chẻ sợ tóc làm tư làm tám, quan sát hai người nhiều lần, nói thấy bà hơi… quê quê. Chị tôi cười, trả lời một câu khá… trớt quớt: – Áo không làm nên thầy tu. Nhưng sau đó chị lại ậm ừ, bảo có lẽ bà không xuất phát từ tầng lớp thượng lưu, giàu có, nên khó có thể thấy được nét quý phái cho dẫu ăn mặc giống như họ. Và vì tò mò, nên hai chị em tôi “lượm” tin tức từ những người quen biết ngày xưa với bà; nghe kể lại bà là thư ký của ông, nhưng đã nghỉ hưu trong khi ông vẫn còn làm việc.

Chúng tôi đoán già đoán non, phê bình phê hũ, với nhan sắc như thế, lại không trẻ hơn bao nhiêu mà đánh gục được ông chủ, gục luôn cho đến tận lúc về chiều thì quả là đáng… ngưỡng mộ. Tôi đã không tin người đàn bà ấy là tình nhân của ông. Về sau qua một người biết rất rõ về hai người, kể bà là mối tình đầu, là người con gái đầu tiên đến trong cuộc đời ông, tôi càng ngạc nhiên hơn. Người ấy bảo chuyện tình hai người giống hệt như tiểu thuyết. Ông và bà cùng lớn lên một thời, học chung với nhau một vài năm tiểu học, yêu nhau khi lên trung học, và nhiều năm dài, nhưng gia đình ông đã không bằng lòng cho ông cưới cô gái Ba Lan được quân đội đồng minh cứu khỏi trại tập trung, và lớn lên trong trại mồ côi ấy. Rồi cho đến lúc bị gia đình ép cưới vợ, cậu công tử con nhà giàu không dám đấu tranh cho tình yêu, nên về sau cứ sống vật vờ, không biết hạnh phúc là gì.

Xem thêm:   Những con bài

Nhưng sự lưỡng lự, không cương quyết này của ông đã kéo đời bà chìm theo. Ðiều khiến người con gái nặng lòng và gần như mang ơn suốt cuộc đời mình chỉ vì ông là cậu học sinh đầu tiên dám đến làm quen, dám gần gũi, dám chơi thân với bà suốt thời niên thiếu, và là người yêu của bà. Nhưng về sau còn oan nghiệt hơn, là do tình cờ bà lại phải thành thư ký của ông khi gia đình ông mua lại công ty bà đang làm bị phá sản. Với sự thoả thuận giữa hai bên, gia đình ông phải giữ lại một số nhân viên cũ, trong đó có bà. Lẽ ra bà đã từ chối vì không muốn làm việc cho gia đình ông, nhưng căn bịnh nan y của ông đã níu chân bà lại.Người đàn bà ấy đã ở bên cạnh ông, làm việc cho ông, chăm sóc cho ông nhiều năm dài. Cho đến tận khi vợ ông qua đời họ mới chính thức trở thành tình nhân lần nữa. Và cách đối xử của ông với bà như tôi thấy có lẽ là do thói quen trong nhiều năm làm việc với nhau…

Bẵng đi một thời gian, chúng tôi không thấy ông bà đến quán. Lúc đầu không ai để ý, nhưng về sau cái bàn bị chê ấy càng ít có người ngồi nên chị em tôi mới nhận ra. Chị tôi hỏi không biết có người nào trong quán làm ông bà phật ý hay không. Tôi đáp bà khó tính có lẽ chẳng đứa nào dám làm phật ý.

Mãi một hôm, chị tôi đi chợ về, bảo mới gặp bà ở shop bán trái cây. Với giọng bùi ngùi, chị tôi kể bà mặc áo đen, đội mũ đen, thấy chị, bà tiến đến, nắm tay chị và bật khóc, bảo ông mất rồi. Và nói thêm không dám tới quán chúng tôi vì sợ nhớ ông. Lần cuối chúng tôi gặp bà là ngày bà đi viếng mộ ông về.

Ngày Valentine, bà đến quán với một bó hoa hồng đỏ, ngồi chờ các con ông đến ăn chung. Tôi ra chia buồn với bà. Bà nắm tay tôi, mỉm cười với giọt nước mắt rưng rưng, bảo từ lúc yêu nhau cho đến trước khi mãn phần, Valentine năm nào ông cũng gửi tặng cho bà một bó hoa. Rồi bà quay khẽ ra phía có những bụi gai màu đỏ, mắt vẫn rưng lệ, bà nói nhỏ:

– Bắt đầu từ năm nay, tôi đã phải tự mua…

HN

(*) Trong xưng hô, người Đức dùng hai đại danh từ: “Sie”, viết hoa, là cách gọi trang trọng, hay nghi thức, hoặc dùng cho người không quen biết; và “du” cho người thân, hoặc phải được người đối diện cho phép.