Hồi xưa khi muốn nói chuyện với người đã khuất, người ta có trò chơi “Cầu cơ”.
Dùng một miếng gỗ (lấy từ quan tài?), đẽo thành hình quả tim, gọi là “cơ”. Sau đó lấy một tờ giấy viết các mẫu tự lên trên. Người tham dự để ngón tay trỏ lên miếng gỗ. Người khác lâm râm khấn vái hồn người muốn gặp, nhập vô miếng gỗ, để xin được nói chuyện. Thân nhân có thể hỏi con ma bất cứ điều gì muốn hỏi.
Tất cả người không còn sống, dù gọi bằng bất kỳ chữ gì: người đã khuất hay vong người chết, đều gọi là “ma”.
Dĩ nhiên ma không nói được, nó sẽ gởi lời nói bằng cách cho miếng gỗ chạy, đỉnh của quả tim sẽ chỉ vào các mẫu chữ. Ráp lại để biết ma nói gì!
Tôi chưa hề chơi cầu cơ, chỉ nghe kể mọi người tham dự, ai nói cũng nổi da gà khi thấy cái cơ chạy, tức là con ma đang hiện diện đâu đây(?).
Bây giờ tôi không biết có còn trò chơi cầu cơ không, nhưng lên đồng, lên bóng, cầu cô, cầu cậu. Cũng là một dạng “ma nhập” tràn lan bên VN. Mỗi buổi cầu như vậy, tổ chức rất xôm tụ om sòm. Ngoại trừ việc sắm sửa nhang đèn trái cây, còn may sắm đủ thứ quần áo cho “show diễn”: chèo thuyền, lên núi… mỗi màn thay quần áo khác nhau.
Ngoài diễn viên chính, còn có dàn nhạc sống phụ hoạ. Những người đánh đàn thổi kèn phải dẻo miệng vừa hát vừa nói “nheo nhẻo”: “lạy cô, lạy cậu, lạy thánh vạn lạy…” ngày xưa mẹ la khi “nói đớt”, tức là giọng nói không nghiêm chỉnh, ban nhạc toàn nói đớt, nhẽo giọng lạy cô ạ, lạy cậu ạ.
Mỗi lần diễn xong một màn (múa kiếm, đi thuyền) người ngồi xem (chầu rìa) được đồng phát lộc.

Bảo Huân
Ngày xưa nhà tôi ở gần đền Sòng Sơn, nên tha hồ xem lên đồng.
Trẻ con thường được cho trái cây hay oản, thỉnh thoảng mới được cho tiền, loại tiền lẻ 1 đồng. Người lớn được cho loại 5 hay 10 đồng.
Mỗi buổi lễ như vậy tốn rất nhiều (cả chục ngàn đô), bởi vậy ai mê lên đồng, cũng tán gia bại sản y như mê cờ bạc.
Dù lúc đó còn nhỏ, tôi vẫn thấy có cái gì kỳ kỳ (tiếu lâm) khi thấy đồng cô, đồng cậu nhảy nhót, quơ tay múa chân. Mặt mày tô son trét phấn như hát bội, có khi lắc lư có khi gầm gừ.
Tôi thấy rõ ràng cô (cậu) đồng nhảy múa loạn xạ, vừa nhảy vừa uống rượu, đến khi mệt quá ngã lăn đùng, nằm thẳng cẳng trên chiếu (là phải rồi). Vậy mà mọi người hò reo: Cậu thăng, Cô đi rồi. Thăng là con ma biến rồi. Dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi vẫn không tin có “con ma”.
Trước khi bắt đầu, cô hay cậu đồng bôi son trét phấn loè loẹt như đào kép hát bội, phủ mặt bằng tấm vải đỏ, ngồi im lìm một lúc, tới khi bắt đầu lắc lư, mọi người hùa theo: Cậu về, Cô nhập, tấm khăn che mặt bỏ xuống, con đồng đứng lên múa may quay cuồng diễn trò.
Nếu người lên đồng không biết múa, thì Cô làm giùm. Sao kỳ vậy, về hỏi, thì mẹ chép miệng “mua pháo nhờ người đốt”!
Gọi là cô, nhưng đó là người đàn ông ở đền, miệng ăn trầu bỏm bẻm cả ngày, tuyền mặc quần áo bà ba vải nâu. Vì ở cùng xóm thấy ông hàng ngày, nên tôi không sợ, người rõ ràng mà bảo ma. Tôi nói với mấy đứa trong xóm, dù nhỏ tôi vẫn không tin có hồn ma dám về giữa ban ngày ban mặt, mẹ tôi bảo thế. Ma chỉ hiện hình trong bóng đêm.
Tôi tin người có linh hồn, nhưng không tin linh hồn nhập vào miếng gỗ.
Ðạo Phật tin có luân hồi. Sau 49 ngày linh hồn đó đã đầu thai thành người khác rồi. Nếu không đầu thai được, thì hồn lảng vảng thành ma đói (cô hồn), không ai cúng giỗ.
Chữ ma luôn hàm nghĩa xấu: ma mãnh, ma bùn, ma le, ma cà bông.
Ấy vậy mà bây giờ người ta lại thích nói chuyện với “ma” mới kỳ.
Không dùng miệng, không dùng miếng cơ, mà dùng ngón tay bấm vô keyboard ráp chữ, có khác chơi cơ đâu.
Có điều nói chuyện với ma thời a còng, đâu có ai nổi da gà, mà trái lại còn cười vui khoái chí.
Rõ ràng bây giờ chúng ta tiếp xúc với ma hàng ngày đó chứ.
Chat trong FB. Gọi điện thoại không ai bắt, người máy nhắn lại.
Không phải người thật nói đâu bà ơi!
Cháu tôi đã nói với mẹ tôi, lời nhắn trong các máy đều là người giả. Mẹ tôi không thể hiểu nổi, rõ ràng là tiếng người, mà không phải người.
Như vậy machine (ma) không phải người thì là ma. Không có nhóm thứ ba.
Hồi xưa thấy người nào vừa đi vừa nói lảm nhảm một mình, chúng ta bảo người ấy khùng, nói chuyện với ma. Bây giờ người lảm nhảm nói một mình đầy đường. Không phải họ nói một mình đâu, họ đang nói chuyện điện thoại với các thiết bị điện tử nhỏ xíu gắn vào tai.
Charlie Chaplin làm phim nói về những chuyện trớ trêu của dây chuyền sản xuất, dịch là Thời đại tân kỳ.
Chỉ có vậy mà tân kỳ cái gì, bây giờ mới là “tân kỳ”. Chẳng cần làm đám cưới lôi thôi, vẫn có vợ, có chồng (robot).
Khỏi cần mướn người dọn dẹp nhà cửa, mọi thứ vẫn sạch boong (robot). Không phải cô tiên bước ra từ tranh treo trên tường.
Tất cả đều dùng ma (machine).
Hồi xưa các cụ nói “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, sai bét. Tay không làm, miệng vẫn có đồ ăn nhai như thường.
Cây đèn thần trong truyện cổ tích, rờ vào sẽ có thứ mình muốn hiện ra. Cái credit card bây giờ cũng là một thứ “cây đèn thần” hiện đại đó chứ. Cũng rờ rờ xoa xoa, có điều món mình muốn không hiện ra ngay, mà phải chờ delivery.
Ngay cả người mình gọi để order cũng là ma (machine) luôn. Vậy người thiệt bây giờ làm cái gì?
Người để trị ma.
Con người có thể làm ra được tất cả, ngoại trừ ngăn ngừa thiên tai “thiên cơ bất khả lậu”. Không biết thiên tai giáng xuống lúc nào.
Bởi vậy hy vọng cuối cùng vẫn là “Trời cứu”!
Nếu con ma có năng lực khuất phục được thiên nhiên, thì lúc đó con người mới thôi ngừng tìm kiếm, người không thể thua ma.
LTM