PIERRE BELLEMARE
Đào Duy Hòa phỏng dịch

Westhill, ngày 17 tháng 04 năm 1991, Brian Redford đang dùng bữa trưa một mình trong ngôi nhà ở ngoại ô Westhill, một thành phố nhỏ ở phía Nam Dakota, Hoa Kỳ. Gương mặt mệt mỏi, nước da xanh xao, mái tóc muối tiêu… trông Brian già hơn nhiều so với tuổi ngoài sáu mươi của ông. Ðiều đó không có gì lạ bởi ông đang trong giai đoạn hồi sức sau lần nhồi máu cơ tim khá nặng phải nằm viện ba tháng. Hiện tại ông cảm thấy khỏe hơn, nhưng bác sĩ cảnh báo ông rằng chứng bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Brian Redford chậm rãi dùng bữa trưa với vài món ăn nhẹ sau khi đã nốc gần chục viên thuốc mà ông phải uống mỗi ngày. Buổi trưa, Westhill thật yên tĩnh, rất thích hợp cho người bệnh hồi phục sức khỏe.

Bất chợt ông buông chiếc muỗng đang cầm trong tay, miệng thốt lên tiếng kêu. Ông cảm nhận đầu đau nhói, dấu hiệu của cơn tai biến tái phát. Những người hàng xóm đều đi vắng nên ông không thể trông nhờ vào họ. Cơ may duy nhất của ông là máy điện thoại nhưng ông phải hành động nhanh chóng trước khi cơ thể ông bị tê liệt hoàn toàn hay bất tỉnh.

Brian cố đứng dậy một cách khó khăn, tay tựa bàn ăn, chậm chạp bước đến kệ đặt điện thoại. Nhấc máy lên bằng tay trái, ông dùng tay phải để bấm số nhưng ông không tài nào điều khiển tay phải theo ý muốn. Ông buộc phải dùng tay trái bấm tám số gọi vào cơ quan của vợ ông. Ðó là cách tốt nhất…

Patricia Redford làm việc cho một hãng bảo hiểm lớn của thành phố. Ðồng hồ chỉ 13h30. Giờ này hẳn là Patricia vừa về văn phòng sau bữa ăn trưa. Tiếng điện thoại reo vang trong văn phòng của Patricia. Brian đau đớn bấu lấy máy điện thoại chờ.

Patricia Redford có vóc dáng cao to, mái tóc vàng… trông khá thời trang. Tuy đã ngoài 45 tuổi, nhưng Patricia rất thích các show trình diễn mốt và thường xuyên đọc tạp chí thời trang. Ngay sau bữa trưa, Patricia đến phòng đồng nghiệp Betty Jones để xem tạp chí thời trang số mới nhất.

Thắm Nguyễn

Pitricia nháy mắt khi nhìn ảnh người mẫu mà Betty chỉ trong tạp chí:

-Không, mình không mấy thích cô người mẫu này. Ðể mình chỉ cho bạn xem người mẫu mình chuộng nhé.

Patricia cầm lấy tạp chí và lật tiếp những trang sau. Betty ra dấu cho Patricia dừng lại:

– Có tiếng điện thoại reo kìa. Có phải trong phòng bạn không?

Patricia ngóng tai nghe:

– Chắc là vậy.

– Chị không đi nghe sao?

– Ðợi chút đã. Dù sao bây giờ cũng là giờ nghỉ ăn trưa mà.

– Có lẽ chồng chị đấy?

– Ừ để mình đi xem sao.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Patricia đứng lên đi về phòng mình…

Ôm chặt chiếc điện thoại, Brian chịu đựng cơn đau đầu ngày càng dữ dội. Cánh tay phải co giật ngoài tầm kiểm soát. Hơi thở hổn hển, dồn dập. Thế mà Patricia không có trong phòng! Nghĩ rằng Patricia chưa dùng bữa xong, Brian gác máy xuống.

Nhưng Brian không có nhiều thời gian trước khi quá muộn. Mắt ông mờ dần, suy nghĩ hỗn độn. Phải hành động gấp! May thay, cuốn danh bạ ở kế bên điện thoại. Phải tìm số cảnh sát. Ông tự trách mình sao không viết sẵn số điện thoại này ra giấy hoặc học thuộc lòng để phòng khi hữu sự. Sự lo xa đôi khi là yếu tố có thể cứu được mạng sống. Nhưng dù sao thì cũng đã lỡ làng rồi, có hối tiếc cũng không thay đổi được…

Tay phải không còn điều khiển được nữa, tay trái ông nhấc máy lên và cũng bằng tay trái lật những trang danh bạ. Ôi, Chúa ơi! Sao mà khó thế này? Có lẽ nên đọc kinh sám hối thì hơn. Nhưng không! Mình chưa chết cơ mà! Mình vẫn còn cơ hội sống dù chỉ là hy vọng mong manh… Nào hãy cố lên! C… Ca… Cảnh sát…

Trong cơ quan, Patricia quay lại phòng bạn đồng nghiệp Betty Jones.

– Ai thế Patricia?

– Mình không biết. Chuông điện thoại ngừng reo ngay khi mình vừa đến.

– Nhỡ chồng bạn gọi thì sao? Với căn bệnh nguy hiểm vừa xảy ra….

– Không đâu. Mình đã gọi lại nhưng máy bận. Nếu Brian gọi điện được thì không việc gì đâu. Mình sẽ gọi lại…  À cô người mẫu này bạn có thích không?

oOo

Peter Smithson đang nhấm nháp ly cà phê. Ðã một giờ ba mươi chiều. Bầu trời Westhill nắng đẹp, mây xanh trong vắt. Qua khung kính cửa sổ, Peter Smithson đưa mắt nhìn đường phố vắng tanh. Giờ này mọi người đang dùng bữa trưa trong cơ quan hoặc ở nhà.

Peter Smithson về nhận nhiệm vụ tại phòng cảnh sát Westhill được ba tháng. Ðó là một chàng trai mười chín tuổi, da màu ngăm đen như Michael Jackson. Ngồi gần bên Peter Smithson là Hardy, trung sĩ cảnh sát già. Ở tuổi 58, Hardy đang nghĩ đến ngày về hưu.

– Trung sĩ đang nghĩ gì vậy?

– Ừ, thêm một ngày nữa đang trôi đi. Và chưa đầy hai năm nữa, tôi sẽ ngồi câu cá hồi bên dòng suối.

Peter Smithson nhún vai, thở dài. Trung sĩ Hardy cười mỉa mai:

– Anh bạn trẻ hy vọng gì khi vào làm việc ngành cảnh sát? Ngăn chặn một thảm họa? Bắt bọn giết người hay một tên trùm ma túy? Ở Westhill thì không có chuyện đó đâu. Muốn làm điều đó thì bạn nên đến đầu quân ở New York hay Los Angeles…

– Nhưng ít ra tôi cũng làm được điều có ích nào đó chứ!

Xem thêm:   Tự thú

– Ðúng vậy, bạn có thể tóm vài tên say rượu về đồn. Còn giao thông ở Westhill ư? Nó vẫn thông suốt mà không cần sự can thiệp của cảnh sát.

– Tôi không nói đến điều đó. Ý tôi là trở thành người hữu ích thật sự cho xã hội.

– Ðược thôi, anh bạn trẻ, chúc anh may mắn. Giờ thì rót cho tôi thêm ly cà phê nữa nào!

“May mắn thay điện thoại của mình là loại dùng phím chứ không quay số ”, Brian Redford nghĩ thầm. Việc bấm phím số khá đơn giản và khả thi, chứ nếu là số quay thì chưa chắc ông thực hiện được. Thế mà Brian đã phải bấm mấy lần mới gọi được cảnh sát. Chuông điện thoại reo vang và có người nhấc máy.

– Cảnh sát Westhill đây, tôi xin nghe.

Dù đau đớn và lo âu, tiếng trả lời bên kia đầu dây khiến Brian cảm nhận như vừa được giải thoát. Mình đã thành công! Cảnh sát sẽ đến và mình sẽ được cứu sống! Brian định mở miệng giải thích tình cảnh của mình nhưng than ôi, nỗi sợ hãi lại ập đến, lần này nguy cấp gấp mười, một trăm lần so với trước…

Brian định mở miệng nói, nhưng miệng ông méo lệch sang bên, lưỡi thì đớ ra khiến Brian không thể phát âm dù một chữ! Brian cố gắng lần nữa với tất cả sức lực nhưng vô ích, chẳng một âm thanh hay tiếng rên nào thoát ra. Tai biến lần này khiến ông bị câm mất rồi!

– A lô! Cảnh sát Westhill đây. Tôi là Smithson, tôi nghe đây…

Từ đầu dây, giọng nói trẻ lặp lại:

– Tôi cảnh sát Smithson nghe đây…

Im lặng kéo dài trong giây lát. Tuy thất vọng vì không thể nói được nhưng Brian có thể nghe rõ ràng và hoàn toàn tỉnh táo. Giọng nói của Smithson lại vang lên bên kia đầu dây.

– Có chuyện gì xảy ra thế?

Tay vẫn cầm lấy điện thoại, Peter Smithson nói với trung sĩ Hardy:

– Không biết điều gì đang xảy ra. Không một câu trả lời nào cả….

Rồi Peter nói tiếp qua điện thọai:

– A lô, có ai ở đầu dây không?

Bên kia đầu dây vẫn im lặng. Hardy lên tiếng:

-Anh đừng quan tâm quá vào những cuộc gọi như thế. Chỉ là trò đùa thôi. Thỉnh thoảng một tên gàn dở, ăn không ngồi rồi, nhấc điện thoại lên, bấm số phá chơi. Anh nên gác máy thì hơn.

– Nhưng nếu xảy ra chuyện quan trọng thì sao?

– Nếu là việc quan trọng thì họ sẽ báo ngay thôi.

– Có thể người gọi không nói được… A lô? Có phải ông không thể nói chuyện được không?

Brian cảm thấy đầu óc và mắt choáng váng. Nhưng ông quyết không phó mặc cho số phận. Brian nhớ đến một phim truyện ông đã xem “Chiến đấu với thần chết”. Trong phim có cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa một viên cảnh sát và một người mất khả năng nói chuyện như ông hiện tại. Viên cảnh sát nói và người kia chỉ việc trả lời bằng cách gõ một tiếng đồng nghĩa với “Yes” và gõ hai tiếng là “No”. Thế là với ngón áp út của tay trái mang nhẫn cưới, ông gõ lên máy điện thoại một cái. Bên kia đầu dây giọng nói Peter vang lên:

Xem thêm:   Món nợ năm xưa

– Một gõ có nghĩa là “Yes”?

Brian lại gõ một cái vào máy và cuộc đối thoại tiếp diễn…

Peter Smithson giữ bình tĩnh trước tình huống trầm trọng đang diễn ra. Nhận ra tầm quan trọng của sự việc, Trung sĩ Hardy theo dõi sát cuộc đối thoại.

– Ông có nghe tôi nói không?

Brian gõ một gõ.

– Ông có bị bệnh không?

Một gõ.

-Nhồi máu cơ tim?

Một gõ.

-Tốt lắm. Ông đừng lo lắng, hãy bình tĩnh. Chúng tôi sẽ đến tiếp cứu. Ông gọi từ Westhill phải không?

Một gõ.

– Ông đang ở nhà?

Một gõ.

– Vậy thì chúng tôi có thể tìm địa chỉ nhà ông trong danh bạ nếu biết tên. Tên ông bắt đầu bằng mẫu tự A?

Hai gõ.

– Mẫu tự B?

Ðến đây thì cuộc đối thoại không diễn ra với một gõ hoặc hai gõ nữa. Peter nghe một loạt tiếng gõ vào máy nối tiếp nhau. Peter hiểu ý người đối thoại: nếu từng mẫu tự một sẽ mất nhiều thời gian có thể nguy hiểm đến tính mạng.

– OK. Ý kiến ông rất hợp lý. Tôi sẽ đọc liên tiếp nhưng chậm từng mẫu tự, ông sẽ gõ một gõ vào mẫu tự phù hợp…. A B C D E F G H I J K L M N O P Q R…

Một gõ.

– Vậy tên ông bắt đầu bằng mẫu tự R. Tôi đọc tiếp đây… A B C D E…

Một gõ.

– Re… Tôi hiểu rồi. Tôi đọc tiếp… A B C D …

Một gõ. Peter ghi tiếp vào quyển tập trước mặt: Red…  Và cũng bằng cách đối thoại đặc biệt này, chẳng bao lâu sau Peter ghi nhận được tên đầy đủ của Redford.

– Ok, vậy ông tên là Redford. Trong quyển danh bạ có khá nhiều tên Redford. Tôi bắt đầu bằng người đầu tiên nhé. Brian Redford?

Một gõ.

– Ðịa chỉ: số 2034, đường 16 Ouest?

Một gõ.

– Ông cố gắng cầm cự nhé, ông Redford! Chúng tôi ở rất gần nhà ông và sẽ đến ngay thôi.

Năm phút sau Peter Smithson và Trung sĩ Hardy có mặt tại nhà Brian Redford và năm phút sau nữa, Brian Redford được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện Westhill…

Thế là Brian Redford được cứu sống lần thứ hai. Vài hôm sau, Peter Smithson đến bệnh viện thăm Brian Redford. Ðáp lại lời cám ơn chân thành của Brian, Peter Smithson cười khiêm nhường:

– Ðó là lý do khiến tôi gia nhập vào ngành cảnh sát!

ĐDH

Phỏng dịch từ nguyên tác “Un coup pour oui”