Lời Giới Thiệu: Chu Lynh, sinh năm 1945 tại miền Bắc. Di cư: 1954; Sĩ quan QLVNCH. Định cư tại Mỹ: 1995. Đồng sáng lập Vietnam Film Club với Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tháng 9 năm 2010. Sở thích: Làm phim tài liệu về những biến cố khúc quanh của lịch sử từ 1945 đến nay. Không phải là nhà văn nhưng thích viết truyện ngắn về quê hương.

“Em phải sống” là truyện mới nhất của anh, lần đầu tiên góp mặt với Trẻ.

Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Ðại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25.9. Hôm nay là ngày giỗ thứ hai mươi của anh.

Bỗng tôi thấy anh nhìn tôi bằng cặp mắt kỳ lạ. Mọi thứ chung quanh như mờ dần. Mắt tôi chao đi, đôi mắt anh từ từ sáng lên. Không còn hoài nghi gì nữa, đôi mắt của anh trong ngày về phép cuối cùng đang trở về trên bức hình này. Tôi rùng mình. Có phải anh Lân muốn nói với tôi điều gì?

Tôi với tay lấy tờ báo đầy tro trên bàn thờ. Tờ đặc san Cảm Thông của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận phát hành năm 1970. Tất cả những gì tôi còn giữ của anh là tấm ảnh này, chụp trong chuyến đi Nha Trang năm 1969 và tờ Cảm Thông có được từ gia đình anh tại Sài Gòn mấy ngày trước khi tôi vượt biên.

Ngồi xuống ghế, tôi mở tờ báo ra. “Chiến trường Ðức Lập, ai sẽ sống sót” bài viết cuối cùng của anh về những ngày khốc liệt tại mặt trận Ðức Lập.  Trong bài viết, anh mô tả xác bạn xác thù nằm chồng lên nhau là tấm ảnh tiêu biểu nhất của chiến tranh Việt Nam.

Hôm nay đọc lại bài viết, những hình ảnh quá khứ như vừa trở về đâu đây, đang dẫn tôi về lại những nơi hai đứa đã đến, từng bước chân hai đứa đã đi trên những nẻo đường thành phố cao nguyên. Bài viết như là hình ảnh thu nhỏ về cuộc chiến anh tham dự. Anh mỗi ngày đối mặt kẻ thù ngoài mặt trận. Tôi hằng giờ thấp thỏm chờ tin ở hậu phương.

“Chiến trường Ðức Lập, ai sẽ sống sót”. Thân xác anh đã về với tro bụi, nhưng hơn ai hết tôi biết anh đang sống bên hai mẹ con tôi. Những đồng đội một thời binh lửa với anh chắc khó mà quên được người chỉ huy sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận.

Tôi nhìn lên bàn thờ lần nữa, đôi mắt như một lời nhắn hãy theo anh về lại mảnh đất miền Nam vấy máu, và một cuộc tình vỡ tan bởi mảnh pháo trên ngực người lính hai mươi năm trước…

Thắm Nguyễn

oOo

Ngoại ô Ban Mê Thuột. Năm 1967.

Ðang đẩy chiếc xe đạp lên bậc thềm, tôi nghe tiếng xe jeep trước cổng nhà. Anh Hai bước xuống xe. Dặn dò gì đó với tài xế rồi anh bước vào nhà. Thấy tôi, anh reo lên:

– Anh đang cần em đây.

– Có chuyện gì vậy anh?

– Chị Hai đã ra phi trường đón chú Khang. Vy đi với anh đến câu lạc bộ sĩ quan.

– Chỗ lính tráng em đến làm gì?

– Không có chuyện gì, chỉ là đi ăn thôi.

– Không có chị Hai mới nghĩ đến em phải không?

– Bậy nà.

Từ nhỏ đến giờ tôi ít khi từ chối anh điều gì, nhưng vẫn tìm cách thoái thác.

– Nhưng em đâu có áo quần đi ăn, chẳng lẽ mặc áo dài trắng?

– Vy mặc đầm của chị Hai cũng vừa mà.

Tôi đành làm thinh. Vắng chị Hai, căn nhà trống trải.

– Anh có người bạn vừa về hậu cứ. Anh mời ăn cơm tối nay ở câu lạc bộ. Bạn cùng khóa rất thân. Vy đi với anh.

Cái lối xưng tên em gái làm tôi dễ xiêu lòng. Chợt nghĩ tôi có khi nào lạc vào rừng gươm của người lính, nghe nói họ nổi tiếng táo bạo, tán tỉnh bất kể chữ nghĩa. Có anh Hai bên cạnh, tôi cứ thử một lần cho biết lính tráng có gì ghê gớm không.

Nhìn vào kiếng tôi thấy khuôn mặt nữ sinh ngây ngô của mình ửng đỏ. Chưa có người yêu, chưa biết vẽ vời, vậy mà hôm nay tôi có một cảm giác là lạ. Chiếc váy hồng nhạt của chị Hai cũng vừa thân hình. Bắt chước chị Hai, tôi cũng tô chút son môi hồng.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Ðứng trước mặt anh Hai, tôi hơi lúng túng trong chiếc váy. Anh như giám khảo đang ngắm nghía thí sinh trước khi chấm điểm.

– Em lớn hồi nào anh không hay. Từ hôm nay anh phải để mắt đến em mới được.

– Em còn ở tuổi học trò mà. Hay anh bày đặt tán tỉnh giùm ai đây?

Chú tài xế trở lại đón chúng tôi.

Câu lạc bộ sĩ quan nằm cạnh Tiểu khu quen thuộc với tôi vì thỉnh thoảng ra phố thường đi qua con đường Thống Nhất này, nhưng lần đầu tiên tôi bước vào bên trong. Anh Hai cho biết câu lạc bộ dành cho sĩ quan, có nấu cơm tháng, cuối tuần có ca nhạc và nhảy đầm. Bước vào cửa tôi thấy những chiếc bàn vuông có nhiều sĩ quan đang ăn cơm. Anh Hai đảo mắt về phía quầy rồi đưa tay chào người nào đó.

Vừa ngồi xuống, thì một sĩ quan mang cấp bậc trung uý tiến lại gần. Anh Hai bắt tay rồi nhìn tôi giới thiệu:

– Ðây là anh Lân, cùng khoá với anh mới về từ Ðức Lập. Còn đây là em gái tao, Thụy Vy.

Anh Lân gật đầu chào tôi, nét mặt buồn buồn. Anh Hai gọi thức ăn, bia lạnh và một ly đá chanh cho tôi. Tôi lặng lẽ quan sát hai người nói chuyện. Suốt bữa ăn, anh Lân chỉ hỏi tôi vài câu về chuyện học hành, xem ra đầu óc để đâu đâu, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi rất nhanh rồi lại tiếp tục câu chuyện của hai người lính.

Thì ra họ là bạn cùng trường Quốc Học ngoài Huế, thi Tú Tài II xong là rủ nhau vào trường Võ Bị Ðà Lạt.  Hai người lính xưng hô mầy tao như hai cậu học trò thân thiết ngày xưa. Tôi ngồi im làm quen với chữ nghĩa của lính đánh giặc, bao lâu nay không có cơ hội biết đến.

Nhìn kỹ mới thấy anh Lân phong sương hơn anh Hai nhiều, có lẽ là lính ngoài mặt trận trong khi anh Hai đã về hậu cứ, thong dong hơn những năm trước đây lăn lóc nơi các tiền đồn ở Quảng Ðức.

– Mầy về nhà tao chơi một lát rồi đi đâu thì đi. Bà xã tao có hỏi dạo này không thấy mầy với Diễm ghé nhà.

Anh Lân vẫn làm thinh. Ăn xong, anh biểu tài xế lái một vòng phố Ban Mê Thuột. Anh Lân yêu cầu tài xế lái thật chậm khi qua đường Quang Trung. Nơi đây có một dãy quán bar dành cho lính Mỹ. Ðèn quán vừa bật sáng. Tôi liếc thấy bên trái tên bảng hiệu Kim Bar kết đèn màu. Anh Lân cũng nhìn bảng tên này thật lâu, nhưng không có vẻ gì muốn tài xế ngừng xe lại. Tôi lạ lẫm về dãy quán này, cũng lạ lẫm về thái độ của hai người lính.

Về đến nhà, đã thấy chị Hai đang sửa soạn cơm tối. Chị cho biết chú Khang đã vào Châu Sơn ở lại với ba mẹ. Anh Hai bảo tôi ở lại, đằng nào ba mẹ cũng biết, vì cuối tuần tôi thường ra đây dọn dẹp nhà cửa cho anh chị rồi ngủ lại.

Sau bữa cơm, chị Hai chợt hỏi anh Lân:

– Sao hôm nay Diễm không đi theo?

Anh Lân không trả lời ngay, một lúc sau mới nói từng tiếng một:

– Chuyện buồn về Diễm.

Anh Hai ngạc nhiên hỏi.

– Diễm có chuyện gì?

– Mầy nhớ con Thu làm chung với Diễm ở Kim Bar đường Quang Trung? Nó nhờ người ở Truyền Tin gọi cho tao.

– Nhớ. Nhưng có chuyện gì?

Anh Lân lặng đi một lúc rồi nghẹn lại

– Diễm mất rồi. Tao vừa ghé thăm mộ.

Anh Hai biến sắc. Chị Hai sửng sốt la lên. Anh Lân chùng xuống. Ðang dọn dẹp phòng khách, tôi bỗng quay nhìn anh Lân thật kỹ. Cô Diễm nào đó là người con gái quan trọng của đời anh đã mất. Tôi nhớ lại khuôn mặt anh Lân buồn buồn tại câu lạc bộ, và mắt anh nhìn thật lâu vào quán Kim Bar khi qua đường Quang Trung.

– Diễm bị ung thư mà không biết. Hay Diễm biết nhưng không nói ra, kể cả gia đình. Tao cũng không biết. Chỉ thấy Diễm yêu đời hơn, sống những ngày hạnh phúc trọn vẹn mỗi lần tao về thăm.

Tôi cứ đứng đó lặng người nghe anh Lân nói về Diễm. Cái chết của Diễm thật bất ngờ, chỉ hai ngày sau khi nhập viện vì ung thư phổi. Tự nhiên tôi thấy thương cô gái xa lạ ấy. Mà sao anh Lân lại yêu một cô gái bán Bar, và anh chị Hai lại quan tâm đến cô gái này?

Xem thêm:   Tự thú

Sau nầy tôi được chị Hai kể về mối tình của họ với lòng thương mến đặc biệt. Không phải mối tình của người lính ngang tàng với cô gái buông thả. Họ yêu nhau từ tuổi học trò ở Nha Trang, lạc mất nhau vì chiến tranh, gặp lại nhau trên đường phố Ban Mê Thuột. Thỉnh thoảng, họ đến thăm anh chị Hai, coi nhau như người thân trong gia đình. Ðêm đó, không hiểu sao tôi cứ trằn trọc nghĩ đến anh Lân.

Sáng sớm, tôi quyết định theo anh Hai vào phi trường L19 tiễn anh Lân lên trực thăng về đơn vị. Trên xe anh Lân ngồi với tôi ở băng ghế sau, có vẻ chú ý đến tôi chứ không lạnh lùng như hôm qua. Nét mặt vẫn thế, buồn, trầm lặng nhưng bình tĩnh hơn.

Tôi làm một việc mà sau này nhớ lại thấy mình đi quá nhanh, nhưng tôi không hối tiếc. Tôi xin địa chỉ đơn vị anh Lân.

Lá thư đầu tiên tôi gởi đi sau mấy tuần lễ đắn đo. Tôi nhận thơ anh khoảng hai tuần sau đó. Anh cám ơn tôi đã tiễn anh lên máy bay, chúc tôi học hành chăm chỉ. Chỉ thế thôi.

Tôi trở lại lớp học với chút vấn vương như làn khói nhẹ lững lờ trong đầu.

Rồi những lá thư tiếp theo tôi viết về cảm xúc của đứa con gái hậu phương mỗi khi thấy một toán lính đi qua khung cửa sổ. Tôi bắt đầu nghe tin tức chiến sự chị Hai đọc trên đài phát thanh, thích nghe những bản nhạc về lính, và các chương trình tiền tuyến hậu phương. Anh Lân khuyên tôi chỉ nên quan tâm việc học hành, chuyện chiến sự là chuyện của người lính.

Xem ra lời anh khuyên chẳng tác dụng, vì tôi đã thành người lớn rồi, biết nghĩ tại sao tôi được tung tăng vào lớp học. Như có ai đã mở trí óc tôi ra. Tôi thương anh Hai nhiều hơn, thường xúc động khi nhìn những người lính lầm lũi trong mưa đi qua nhà tôi.

Tôi không xao lãng việc học, ngược lại càng chăm chỉ hơn. Cả lớp ngạc nhiên về sự thay đổi của tôi, không còn nghịch phá đám con trai, không còn nhiều chuyện với đám con gái. Anh chị Hai hài lòng, ba mẹ tôi vui, mấy đứa em có người chị nghiêm nghị hơn trước.

Những lá thư đều đặn qua lại, có chút lo lắng, có chút quan tâm, nhiều thứ dặn dò lẫn nhau đẩy tôi lại gần anh hơn. Tôi cảm thấy những lá thư ngầm chứa một thứ tình cảm khác thường vừa nẩy mầm. Ði lễ, tôi cầu nguyện cho anh được bình yên trong các cuộc hành quân. Tôi hẹn ngày Giáng Sinh anh về đi lễ với tôi, sẽ quỳ thật lâu bên hang đá cầu nguyện khi không còn ai trong nhà thờ. Tôi tìm nghe những bản nhạc về Giáng Sinh nói về tình yêu người con gái hậu phương dành cho người lính tiền tuyến xem tình yêu quê hương lớn hơn mọi thứ. Gần như mọi bài hát đều không có đoạn kết “tay trong tay khi đất nước thanh bình”, mà hầu hết người lính đều nằm xuống ngoài chiến trường. Có phải đó là số phận của người con gái hậu phương trong thời chiến. Những đoạn kết chia ly ấy dường như đã vận vào đời tôi.

Tôi không biết đã yêu anh từ lúc nào, từ những lá thư qua lại thường xuyên, từ nỗi buồn chiến tranh của anh, từ hình ảnh người lính xông pha nơi chiến trường, hay vì định mệnh đã đưa chúng tôi đến với nhau?

Chuyện buồn về cô Diễm không hề nghe anh nhắc đến lần nào, nhưng tôi tin anh đã để vào một góc kín nào đó trong tim. Tôi cũng kín đáo tôn trọng nỗi buồn của anh.

Ngồi trên hàng ghế cuối lớp học, tôi nhớ anh da diết, biết không thể sống xa anh được. “Anh Lân, em đã yêu anh”.

oOo

Ðó là buổi chiều se lạnh, mưa lất phất, bầu trời quen thuộc của thành phố “buồn muôn thuở”. Tôi đến hậu cứ Trung đoàn của anh Hai để nói chuyện với anh Lân qua máy vô tuyến. Những lá thư không đủ cho tôi vơi bớt nỗi nhớ anh.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Chiến trường nào đó tôi không biết, chỉ biết anh sống giữa bom đạn, hầm hố và hỏa châu. Ðã ba năm yêu nhau, anh vẫn không cho tôi đến nơi đóng quân của anh. Suốt tháng nay, tôi không một tin tức về anh ngoài vài lần nghe anh Hai nói anh vẫn bình yên.

Tôi run run cầm ống nghe. Anh Lân đang ăn cơm chiều với binh sĩ dưới hầm phòng thủ. Tôi xúc động khi nghe anh mô tả bữa ăn với gạo sấy và lương khô. Toán lính gõ loạn vào nồi niêu chào mừng người yêu của lính. Họ cười vang, lại còn trêu chọc tôi mít ướt. Tôi bắt anh kể chuyện tiền đồn, chuyện những người lính của anh sống như thế nào giữa núi rừng.

Qua điện thoại, giọng anh nghe khác lạ, nhưng lại ấm áp, hơi thở như phà vào tai tôi. Thỉnh thoảng có tiếng gió rít xen vào khó nghe. Hình như có tiếng một người lính hỏi tôi có em gái nào chịu viết thư cho lính không.

Trong một giây, không ngăn được lòng mình, tôi nói thật chậm “Anh Lân, em yêu anh”. Nói xong, nước mắt tôi lăn dài trên má. Anh Hai ngồi kế bên cười tủm tỉm.

– Sao bây giờ mới chịu nói?

Tôi nguýt anh Hai một cái dài:

– Tại em muốn… để dành chứ bộ.

Ðó là khoảnh khắc tôi nhớ suốt đời. Vâng, em yêu anh và không bao giờ hối tiếc đã xin địa chỉ lính của anh khi chưa biết anh là ai.

Bao nhiêu người tìm cách an thân thì anh Lân cứ miệt mài với những trận đánh. Ðơn vị anh hành quân liên miên, hết quy mô đến lẻ tẻ, đụng độ du kích đến lính chính quy. Anh nói không thể tin được tụi lính Bắc chỉ là những đứa trẻ non choẹt đáng lẽ đến trường thì lại xung phong vào Nam đánh Mỹ cứu nước. Có một lần, anh Hai đùa với anh Lân:

– Mầy cẩn thận nhìn cho kỹ mấy đứa cháu tao ở Bắc Ninh vào mà tha cho tụi nó.

Anh thường nói về số phận đáng quý nhưng lại bọt bèo của người lính ngoài chiến trường. Anh rất hiền khi về phép, nóng tính ngoài mặt trận, nhưng rất thương lính, quan tâm vợ con họ trong trại gia binh. Tôi nghĩ khó mà làm anh thoát ra khỏi nỗi buồn chiến tranh. Những lá thơ của anh thường viết về hai điều. Chuyện về người lính trận và chuyện tình yêu của chúng tôi. Ðây là một đoạn:

“Người Việt đang giết người Việt. Vì đâu ra nông nổi này? Miền Nam bình yên không cần ai đến đây. Sao lại có cộng sản trên mảnh đất sung túc của chúng ta rồi phất cờ giải phóng dân tộc? Sao lại có quân viễn chinh đến đây? Họ tạo ra cuộc chiến để bán vũ khí, để đạt tham vọng, nhưng lại nhân danh bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do.

Người Việt sinh ra giữa cơn gió đồng nội, hài lòng với đám trẻ quê mùa ê a trong lớp học, hạnh phúc giữa tiếng pháo giao thừa trong xóm nghèo. Người Việt được nuôi sống và tồn tại bởi hơi thở của tổ tiên. Có quá nhiều hình ảnh đau thương ngoài chiến trường hay ở hậu phương vẫn không làm thế giới thổn thức.

“Trước mắt, anh phải đưa tay bóp cò súng loại trừ kẻ thù để sống sót. Biết rằng ngày nào đó mình sẽ ngã xuống. Trước khi ngã xuống, người lính phải hiểu rằng họ hy sinh không phải cho một chế độ, cho một số người, mà cho mảnh đất đã sinh ra mình, đã nuôi nấng mình thành người Việt Nam”.

oOo

Ban Mê Thuột, 1970.

Tan học, tôi không về nhà mà đến nhà anh Hai vì cảm nặng ngay trong lớp, có lẽ tôi đã đi bộ dưới mưa ngày hôm trước. Anh Hai đã vào Trung đoàn từ sáng sớm, chị Hai thì có chương trình ở đài phát thanh Ðắc Lắc. Tôi thành bệnh nhân không ai chăm sóc nằm mê man trên giường.

Khi thức giấc, tôi mờ mờ thấy một người đàn ông ngồi bên giường. Tôi giật mình nhận ra chiếc áo trận quen thuộc. Anh Lân.

(còn tiếp 1 kỳ)