PIERRE BELLEMARE
Đào Duy Hòa phỏng dịch

Hải cảng Massouah của thành phố Érythrées, ngày 21.04.1951. Ðoàn người gồm một đàn ông, 3 phụ nữ và  18 đứa trẻ cùng 2 con lạc đà chất đầy hành lý chậm rãi tiến vào hải cảng nằm bên bờ biển Ðỏ thuộc miền Ðông Châu Phi. Họ đang trên đường hành hương đến thánh địa Mecca. Cảnh tượng trên diễn ra hàng ngày tại thành phố này bởi muốn đến Mecca, người ta phải đi ngang qua đây.

Mahmoud Housseni, người đàn ông dẫn đầu khoảng ngoài 40 tuổi trông khá vạm vỡ trong bộ áo thụng, đầu đội mũ sêsia truyền thống Tây Phi. Anh gật đầu chào những người đi ngang qua và đưa tay xin của bố thí:

–   Làm phước vì đức Ala…!

Mahmoud Housseni, người Nigeria, là chồng của 3  bà vợ và bố của 18 đứa con. Là một gia đình giàu có, họ đang thực hiện chuyến hành hương đến Mecca mà theo truyền thống, mỗi người Hồi giáo đều phải đến ít nhất một lần trong đời. Theo luật Hồi giáo, trên đường đến thánh địa, họ chỉ sống bằng những gì xin được của người qua đường. Ðó là lý do tại sao họ phải xin của bố thí dù những người qua đường nghèo hơn họ thấy rõ. Người xin và kẻ cho đều vì Thánh Ala !

Nói đến tiền thì Mahmoud Housseni có đầy ắp trong những túi xách trên lưng lạc đà. Họ không chỉ có tiền mà còn có nhiều của cải quý giá khác, đặc biệt là da dê. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ được dùng đến trong trường hợp thật cần thiết. Ví dụ như trả tiền thuê người hướng dẫn…

Silma Moussalem đi bên cạnh Mahmoud Housseni. Là sinh viên ở thành phố Khartoum, Silma kiếm tiền thêm bằng nghề hướng dẫn khách hành hương trên đường đến Mecca. Xuất thân từ một gia đình du mục, anh hiểu biết khá rõ về vùng đất này. Và đó cũng là cách duy nhất giúp anh có thu nhập trang trải học phí.

Hình ảnh của Silma Moussalem khá tương phản với vị khách. Ðó là một chàng trai hai mươi lăm tuổi, dáng dấp nhỏ gọn, thanh tú pha lẫn nét quý phái của cư dân du mục. Từ lúc xuất hành từ Khartoum đến giờ, Silma và Mahmoud chỉ trò chuyện rất ít. Người hành hương không được nói nhiều, vả lại giữa họ cũng chẳng có gì để trao đổi nhiều.

Họ vừa đến cảng Massouah bên bờ biển Ðỏ. Silma đề nghị Mahmoud và vợ con đứng chờ, anh đi ra cảng liên hệ thuê thuyền buồm vượt biển Ðỏ đến Ả Rập…

Mười lăm phút sau, Silma quay về đoàn hành hương cùng với một người gầy ốm, bộ râu bạc trắng, nước da đen vì nắng gió. Silma giới thiệu:

–   Ông Omar Allasi đây đồng ý đưa cả gia đình mình vượt biển với giá trọn gói 10 đồng bảng Anh.

Omar nghiêng mình chào đoàn khách hành hương, miệng nở nụ cười để lộ hàm răng sún gần hết.

–   Chỉ 10 đồng bảng Anh thôi… Thuyền của tôi rất chắc chắn.

Thắm Nguyễn

Mười đồng bảng Anh quả là số tiền hợp lý… Mahmoud ra hiệu cho đứa con trai lấy trong bị da trả cho Omar. Vài phút sau, chiếc thuyền nhổ neo, buồm căng gió mang theo đoàn người hành hương giàu có.

Xem thêm:   Vợ cũ

Mệt mỏi sau cuộc hành trình trên bộ, Mahmoud Housseni, 3 bà vợ cùng 18 đứa con trai lăn ra nằm nghỉ trên boong tàu. Họ đã vượt qua đoạn đường mệt nhọc nhất của chuyến hành hương. Giờ thì họ chỉ việc nằm nghỉ mà không cần phải lo nghĩ điều gì khác. Chiếc thuyền sẽ cặp bến tại một cảng gần thánh địa Mecca.

Người hướng dẫn, Silma Moussalem, ngồi gần bên chủ thuyền đang cầm lái con tàu. Họ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ địa phương mà những người hành hương không hiểu được.

–   Sao tôi không thấy thành viên nào trong thủy đoàn cả vậy ?

Omar gục gặc đầu, nhe hàm răng để lộ mấy chiếc còn lại màu vàng…

–   Chúng ta không cần thủy thủ nào cả bởi chúng ta sẽ không đi xa…

Silma thót đứng dậy:

–   Chúng tôi trả tiền để đi đến Mecca. Ông phải đưa chúng tôi đến đó !

–   Hãy ngồi yên và đừng lớn tiếng, nếu không họ sẽ biết chuyện. Nghe này…

Chưa hết thắc mắc, nhưng Silma ngồi xuống. Omar tiếp tục nói bằng giọng thuyết phục:

–   Họ rất giàu phải không? Tao tin có rất nhiều tiền, vàng… trong những túi xách hành lý của họ. Người hành hương đến từ Nigeria thường mang theo những tấm da dê tuyệt hảo nhất…

Silma không trả lời. Omar nhìn thẳng vào mặt người đối thoại:

–   Mầy thấy đấy, tao thì ốm tong teo, nghèo khó. Mầy cũng thế. Tao tin chắc nếu không có những đoàn hành hương như thế này, mầy cũng đói meo phải không? Bây giờ hãy nhìn kỹ họ đi. Trông họ phốp pháp, tròn trịa ra phết. Mầy có thấy một ông chủ mà có những 3 bà vợ?…

Silma vẫn giữ im lặng, lắng nghe. Silma nghĩ  Omar là người xấu nhưng anh không thể làm gì khác hơn là ngồi nghe Omar phô bày kế hoạch hành động:

–   Trước khi trời tối, chúng ta sẽ đến đảo Ladhu, một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi. Chúng ta sẽ bảo họ xuống hòn đảo để nghỉ qua đêm. Và khi họ rời tàu, chúng ta sẽ lui thuyền… cùng với hành lý !

Silma phản ứng:

–   Nhưng người ta sẽ tìm thấy họ, họ sẽ chết khát mất!

Omar mỉm cười nham hiểm:

–   Không, họ sẽ không bao giờ được tìm thấy cả. Hãy tin tao đi…

Thuyền đã đi khá xa cảng. Cánh buồm hình tam giác căng gió lướt tới. Silma Moussalem nêu câu hỏi cuối cùng:

–   Nhưng tại sao lại chọn hòn đảo này mà không hòn đảo kia ?

–   Mầy sẽ biết điều bí mật đó thôi… Bây giờ mầy quyết định thế nào?

Silma nhìn những thành viên gia đình hành hương tràn đầy sức sống… đưa mắt sang những chiếc túi căng phồng chất chồng lên nhau, rồi lại nghĩ đến cuộc sống bấp bênh ở Khartoum. Hắn phải chạy ngược xuôi Khartoum và Mecca… để có tiền đắp đổi qua ngày và theo đuổi việc học. Silma đáp:

–   Ðồng ý… Mình chia nhau tài sản thu được.

Omar Allasi nháy mắt chấp thuận.

Ðã gần 7 giờ chiều. Mặt trời xuống nhanh nơi chân trời. Omar ra hiệu cho Silma sắp tới giờ hành động. Hắn đưa tay chỉ hòn đảo bên phải mạn thuyền. Silma đứng lên đến bên đoàn người hành hương. Hắn giải thích ngắn gọn rằng tàu không chạy ban đêm mà phải cặp hòn đảo nghỉ qua đêm. Nghĩ rằng đó là chuyện bình thường nên Mahmoud Housseni đồng ý ngay.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Ðảo Ladhu nằm ngay giữa một quần đảo. Ladhu có chiều dài không quá 1 km. Từ thuyền nhìn lên, Ladhu trông khá đẹp với bãi cát trắng thoai thoải dốc, Trên đảo không có cây to, chỉ vài cây con mọc rải rác đó đây. Vào lúc mặt trời lặn, hòn đảo có vẻ mát mẻ nhưng giữa trưa nắng hẳn là nóng như lửa đốt vì không một bóng cây!

Mahmoud Housseni rời thuyền theo sau là 3 bà vợ và 18 đứa con…Omar Allasi vội lui thuyền và quay mũi ra biển khơi… bất chấp những tiếng hét to từ trên bờ. Mahmoud Housseni giận dữ chửi:

–   Quay lại đồ chó má! Quay lại ngay…!

Cánh buồm căng gió đẩy thuyền mỗi lúc một xa hòn đảo. Tiếng chửi bới, van xin nhỏ dần. Mahmoud Housseni lấy sức hét theo lần cuối:

–   Nhân danh Thánh Ala, hãy quay lại…!

Vài phút sau, chiếc tàu nhỏ dần và chỉ còn là một chấm đen, vầng thái dương mất dần dưới đường chân trời. Khi tàu chạy ngang qua một hòn đảo khác, Silma khiếp sợ la lên:

–   Nhìn… kia!

Ngồi cầm lái, Omar Allasi thản nhiên nhún vai:

–   Tao đã nói với mầy rồi, họ không chết khát đâu. Bây giờ tốt nhất mầy nên mở những túi xách kia ra xem chúng chứa những gì…

Silma Moussalem như không nghe Omar đang nói gì bởi hắn đang hoảng sợ trước cảnh tượng hiện ra trước mắt, trên đảo. Mười phút sau, Silma lại đứng dậy. Tàu chạy ngang một hòn đảo khác và cảnh tượng ban nãy lại hiện ra: hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn… con cua rời khỏi sóng biển, nối tiếp nhau bò lên đảo. Những con cua biển khổng lồ, thân có đường kính chừng 30 cm, 2 càng to tướng cực khỏe…

Vẫn thản nhiên cầm lái, Omar giải thích cảnh tượng làm cho Silma khiếp sợ:

–   Ðàn cua rời biển lên đảo vào lúc mặt trời lặn. Ðảo có diện tích nhỏ như Ladhu thì chúng bao phủ hoàn toàn mặt đảo! Chúng qua đêm trên đảo và tất nhiên xơi tái tất cả sinh vật trên đảo, chỉ chừa lại xương và quần áo. Khi các bộ xương bị phát hiện ra thì giả thiết hợp lý nhất là nạn nhân của một vụ đắm tàu… Lúc đó thì bọn mình đã cao bay xa chạy…

Silma há hốc miệng ngồi nghe. Mọi việc giờ đã quá muộn màng…

Ngày hôm sau, 22.04.1951, một chiếc thuyền buồm, giống kiểu như chiếc của Omar, chở khách hành hương từ Mecca quay về…chẳng may bị hư bánh lái gần đảo Ladhu. Ðể sửa chữa, chủ tàu cặp vào đảo tình cờ đúng vào vị trí tàu của Omar ghé hôm trước. Trong lúc tạm lên bờ đợi, khách hành hương cùng thủy thủ nhìn thấy xa xa nhiều hình thù quái lạ. Họ tiến đến gần và phát giác nhiều bộ quần áo nằm rải rác mà bên trong là bộ xương người… Một cảnh tượng khó tin hiện ra trước mắt họ: 3 phụ nữ và 3 đứa bé sống sót đang đứng trên chỏm một tảng đá duy nhất trên đảo! Tay bế 3 đứa trẻ, 3 người phụ nữ tựa lưng vào nhau để giữ thăng bằng.

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Những người mới đến dìu họ xuống và hỏi chuyện nhưng họ không nói được lời nào bởi họ đã kiệt sức và không biết tiếng địa phương.

Ngày hôm sau, thông qua thông dịch viên, một trong 3 người vợ của Mahmoud Housseni khai trước trưởng đồn cảnh sát cảng Massouah. Bà vợ nạn nhân khốn khổ đã thuật lại sự việc, sự đồng lõa sát hại người cướp của của tên chủ tàu và hướng dẫn viên. Bà ta mô tả  chân dung, hình dạng hai kẻ giết người. Mọi người không khỏi rùng mình sợ hãi khi nghe nạn nhân sống sót kể lúc những con cua biển tấn công:

–   Lúc đầu chúng tôi không biết họ bỏ chúng tôi trên đảo nhằm mục đích gì? Bỗng chúng tôi cảm thấy cát trên đảo như chuyển động… Một đứa con của tôi bước tới thì lập tức nó bị bao vây bởi vô số cua biển khổng lồ và nó không thể nào thoát khỏi vòng vây…

Bà ta im lặng như hồi nhớ lại giây phút kinh hoàng trên đảo. Sau đó bà kể tiếp:

–   Chúng tôi chạy về phía trước nhưng hòn đảo quá nhỏ bé. Chúng tôi đến bờ bên kia và lại chạm trán với lũ cua… Chúng tôi chạy vào giữa đảo. Tại đây chỉ có duy nhất một tảng đá nhỏ… vừa đủ 3 người leo lên… Chồng chúng tôi quát chúng tôi lên trên tảng đá cùng với 3 đứa con nhỏ nhất. Ông ta cùng mấy đứa còn lại đứng bao quanh tảng đá…

Bà vợ nhìn trưởng đồn cảnh sát với cặp mắt còn sợ hãi:

–   Tức thì lũ cua bao vây… Chồng tôi và mấy đứa con ném đá vào lũ cua nhưng không ăn thua gì. Thế là họ đọc kinh sám hối…

Có sự trùng hợp là ngày hôm sau, một chiếc thuyền khác lại cặp bến đảo Ladhu và họ đã được cứu sống… Hai tên giết người chủ quan cho rằng cả gia đình hành hương đều bị cua ăn thịt nên vẫn nhởn nhơ quanh cảng Massouah. Nhờ vào sự mô tả của bà vợ, Silma và Omar bị bắt khẩn cấp.

Ngay ngày hôm sau, tòa mở phiên xét xử. Trước sự cáo buộc của 3 bà vợ và các nhân chứng, Silma và Omar chỉ biết cúi mặt nhận tội mà không có một lời bào chữa. Nhưng khi tòa tuyên án phạt thì hai bị cáo cùng những người tham dự đồng loạt “ồ” lên vì sợ hãi: “Hình phạt dành cho Silma và Omar là họ sẽ nếm cái chết giống như những nạn nhân mà họ đã sát hại. Trước khi mặt trời lặn, cả hai sẽ bị đưa lên đảo Ladhu. Ðể họ không thể leo lên tảng đá như những nạn nhân đã chết, họ sẽ bị buộc tay ra sau lưng. Nếu sáng hôm sau họ vẫn còn sống thì đó là ý muốn của đức Ala và họ sẽ được trả tự do…

Đào Duy Hòa (Sydney)

(Phóng tác từ nguyên tác “En route pour Mecca” của Pierre Bellemare)