Sáng nay tôi cần đi nhà băng rút tiền, thay quần áo xong tôi đứng ngần ngừ  trước mấy cái túi  xách tay hàng hiệu để ngay ngắn trong closet mà tôi chẳng có nhiều dịp xài tới, các túi xách này để không chúng cũng sẽ cũ đi và lỗi thời theo thời gian. Đó là món quà tặng Birth Day của con gởi cho tôi, con tặng tới cái túi xách thứ ba thì tôi phải nhắc nhở con stop đừng tặng mẹ túi xách nữa, bây nhiêu đủ cho mẹ xài cả đời rồi.

Chồng đi vào thấy vậy đoán hiểu:

– Chỉ ra nhà băng rút mấy đồng lương hưu quèn hàng tháng mà bà muốn mang túi hàng hiệu này đi lấy le hả? Coi chừng cướp!

– Ở Mỹ mà anh cứ làm như ở Việt Nam bước chân ra đường là phải coi chừng kẻ cướp, chúng giật túi xách tay, giật điện thoại, giật dây chuyền đeo cổ.

– Ở đâu cũng có kẻ bất lương. Đối tượng phụ nữ, già lù khù như bà lại là người Châu Á, là mồi ngon cho chúng, bà mang túi xách hàng hiệu càng bị lọt trong tầm ngắm của chúng nhiều hơn.

– Vậy em sẽ không mang túi hàng hiệu mà mang túi xách hàng giả.

Và tôi làm bộ ngây thơ:

– Ủa cướp cũng phân biệt chủng tộc hả anh? Chúng ghét Châu Á hở anh?

– Các bà già Châu Á, nhất là người Việt Nam trong bóp lúc nào chẳng có mớ tiền mặt, có khi rất nhiều tiền mặt vì giấu con giấu cháu để gởi về Việt Nam cho họ hàng gần xa.

Tuy cãi chồng thế nhưng tôi vẫn hiểu ở Mỹ cũng phải đề cao cảnh giác, đã có những tên cướp theo dõi người vào ngân hàng, ra chỗ parking chúng rút súng hay gí dao cướp số tiền mặt ngon lành mà nạn nhân không dám kêu la kẻo chúng cho một phát đạn thì mất mạng, Thôi đành để của đi thay người.

Tôi đã sắm cái túi xách rẻ tiền hàng nhái có quai đeo chéo qua vai cho thuận tiện, túi xách dính trên người thế là chắc ăn, không sợ để quên, không sợ bị cướp giật.

Có hai nhà băng Chase gần nhà tôi, Chase ở con đường lớn E. Pioneer Pkwy lúc nào ngoài đường cũng đông xe cộ ngược xuôi, bên trong thì đông khách hàng chộn rộn. Còn Chase ở đường Border là một con đường nhỏ êm đềm mà khách hàng ra vào cũng thưa vắng hẳn so với bên Chase kia. Tôi luôn chọn nhà băng Chase ở đường Border vì nơi đây cảnh đẹp, mặt tiền nhà băng có lối đi hoa nở theo mùa, đối diện một con đường vắng, mặt sau nhà băng còn vắng vẻ hơn vì có một nghĩa trang đã cũ không còn hoạt động nữa và nay thuộc về thành phố trông coi. Những ngôi mộ già tuổi đời nằm nghe hàng cây cao gió thổi vào mùa Hè và mùa Thu bao nhiêu là lá vàng đã bay qua đây hỏi thăm từng nấm mộ hình như đã bị đời lãng quên.

Xem thêm:   Trở về

Chồng từng cằn nhằn:

– Tôi biết mà, giữa hai con đường cùng đến một nơi, một con đường đông vui, một con đường vắng buồn thì bao giờ bà cũng chọn con đường buồn, đã nhút nhát sợ ma nhưng bà luôn chọn nơi im vắng. Mộng mơ làm chi, có ngày bị cướp cho bà hết mộng mơ luôn …

Bảo Huân

-oOo-

Tôi thong thả lái xe từ nhà qua những con đường vắng quen thuộc để đến nhà băng Chase, mải nghĩ lung tung bây giờ tôi mới để ý thấy nãy giờ luôn có một chiếc xe truck chạy theo sau xe tôi, tôi đã chạy chậm mà “nó” cũng chậm như tôi suốt mấy đoạn đường dài. Cái xe truck to kềnh kia thì tài xế phải là đàn ông, biết đâu một gã bất lương hung dữ đang bám theo sau tôi với ý đồ xấu? Không lẽ chồng tôi linh tính đúng, ra đường coi chừng cướp!

Đi hết con đường Mitchell tôi quẹo phải ra tới đường lớn Collin hy vọng xe truck  sẽ đi hướng khác. Nhưng lạ chưa nó cũng quẹo theo tôi và tiếp tục bám theo sau. Ông xe truck kia ơi đường bao nhiêu ngả sao cứ làm “bạn đường” với tôi hoài vậy?

Từ đường lớn Collin đi một đoạn sẽ quẹo trái vào đường Border, nhà băng Chase nằm ở đây. Tới đường Border là thử thách sau cùng, nếu “nó” vẫn quẹo theo tôi thì đúng là kẻ cướp rồi. Tôi hồi hộp quẹo trái và giật mình khi xe truck cũng đồng hành phía sau.

Tôi run run lái xe vào parking phía trước nhà băng và tìm chỗ đậu, xe truch cũng đậu cách tôi vài xe. Ở đời luôn có kẻ xấu, có ý đồ điên khùng. Chắc hắn đã theo dõi tôi từ nhà và bám theo tôi dù không biết tôi đi đâu, khi nào tôi xuống xe nếu chỗ thuận tiện hắn sẽ ra tay uy hiếp hãm hại tôi hay hành động cướp của? Thật “hên” cho hắn tôi lại đến nhà băng và một nơi êm đềm vắng lặng như chốn này.

Xem thêm:   "Neil đã về trại chưa?"

Vì làm gì có sự tình cờ ngẫu nhiên hai kẻ xa lạ đi cùng một con đường dài, mấy lần quẹo phải quẹo trái đến cùng một ngân hàng? Chồng tôi nói đúng tôi đang là mụ già Châu Á, miếng mồi ngon béo bở cho hắn đây, vì tôi không xài credit card nên trong cái túi xách tàng tàng đeo trên người tôi lúc nào cũng có một hai trăm tiền mặt, chốc nữa vào nhà băng tôi lại rút ra hàng ngàn đồng nữa. Hắn sẽ ngồi đợi trong xe và ra tay cướp tiền tôi ngay khi tôi từ nhà băng ra? Chắc hắn ta đang phóng tầm mắt sang bên tôi và tính toán kế hoạch đen tối của hắn?

Tôi cũng ngồi im trong xe và tính toán kế hoạch của tôi, liếc nhìn sang phía xe truck chưa thấy động đậy gì. Tôi cố nén căng thẳng lo âu, cố trấn tĩnh suy nghĩ. Hay là tôi gọi 911 báo đang có kẻ theo dõi tôi để cướp của? Hay tôi gọi cho chồng lái xe đến đây gấp để… cứu tôi?

Tôi quyết định không gọi 911 vì đã có dấu hiệu gì cụ thể nguy hiểm đến tôi đâu, chắc chắn cảnh sát sẽ không dư thì giờ mà đến. Tôi liền gọi cho chồng, bấm số lia lịa mấy lần nhưng mà trời ơi anh ta bận rộn gì mà không chịu bắt máy chứ?

Không lẽ tôi cứ ngồi đây mà thi gan với “tên cướp” kia, May quá vừa lúc có một khách hàng từ trong nhà băng bước ra, tôi liền vội vàng mở cửa xe bước ra ngoài và chốc nữa rút tiền xong tôi cũng sẽ nhanh chân đi theo ai đó ra parking thì “tên cướp” sẽ không dám hành động.

Nhưng tôi chợt đứng khựng lại khi thấy bên xe truck… hắc ám kia cũng vừa mở cửa và một ông Mỹ già to béo ì ạch, lục đục khó khăn bước xuống với một chiếc gậy chống chân.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vừa trút xong một gánh lo âu và cảm thấy xấu hổ vì nãy giờ đã tưởng tượng và nghi ngờ toàn những điều ghê gớm xấu xa cho ông Mỹ già yếu kia. Tôi vẫy tay chào ông Mỹ và mỉm cười để chuộc lỗi:

– Chào ông buổi sáng.

– Chào bà…

Tôi chậm rãi bước đi, ông Mỹ chống gậy cũng chậm rãi bước phía sau tôi, y như lúc nãy suốt trên đường đến nhà băng, tôi đã chạy chậm ông cũng lái xe cẩn thận chậm rãi chạy sau xe tôi. Chỉ là một sự tình cờ mà tôi thì quá nhiều tưởng tượng.

Xem thêm:   Ngày xưa nhà ấy có vườn hoa hồng

Trước cửa nhà băng có mấy bậc thềm, tôi ái ngại hỏi ông:

– Ông có cần tôi giúp không?

Ông vui vẻ mỉm cười:

– Tôi có thể tự đi được những bậc thềm này. Cám ơn bà.

Tôi vẫn còn mặc cảm có lỗi, chỉ lí nhí:

– Không có chi.

Tôi vào chỗ teller rút tiền xong thấy ông Mỹ chống gậy đứng nói chuyện rôm rả với bà manager nhà băng. Những lúc rảnh rang bà manager hay đứng loanh quanh chào đón khách hàng ra vào, có vẻ ông Mỹ rất quen thuộc với nhà băng này. Tôi xã giao nói với cô bank teller:

– Sáng nay không khí ở đây thật thú vị. Xem kìa họ đang chuyện trò vui vẻ làm tôi cũng vui theo.

Cô teller hiểu ý tôi đang nói về ông Mỹ chống gậy và bà manager:

– Ồ, ông ấy từng là giám đốc chi nhánh nhà băng Chase này, ông đã về hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn đến thăm bạn cũ, nhân viên cũ.

Một người tốt tính như vậy mà suýt nữa tôi gọi 911 để tố cáo ông ta là “kẻ cướp”.

Vừa bước ra khỏi nhà băng thì phone tôi reo lên. Chồng gọi, giọng hớt ha hớt hải:

– Trời… trời… bà sao rồi? Lúc nãy tôi đã miss mấy cú gọi khẩn cấp của bà… Nếu bà có bề gì thì tôi ân hận suốt đời…

– Em đang bình yên trở về nhà. Yêu cầu anh lần sau đừng hù dọa em “Coi chừng cướp” nữa nhé kẻo em nhìn đâu cũng thấy kẻ cướp đấy.

NTTD

(October 12, 2024)

Nguyễn Thị Thanh Dương

Vĩnh biệt anh 

(Viết cho chị Hồng Thủy. tang lễ anh Bùi Cửu Viên).

 

Em mở cửa sân trước

Chẳng thấy bóng anh đâu

Em mở cửa sân sau

Đóa hoa sầu mới nở.

 

Tưởng anh đi đâu đó

Chốc nữa sẽ trở về

Xe anh đậu trước cửa

Rồi anh bước vào nhà.

 

Tưởng anh ra vườn sau

Mùa đang thay hoa lá

Tách cà phê có nhau

Em đợi chờ anh nhé.

 

Tìm anh từ trong nhà

Tìm anh ra ngoài phố

Em nghe trong nắng gió

Ru hời tiếng cầu kinh.

 

Em đã gọi tên anh

Cả trăm lần thương nhớ

Không một tiếng hồi âm

Chỉ tiếng em nức nở.

 

Anh đã đi xa lắm

Anh bỏ cả người thương

Mc Donald đường vắng

Gaithersburg phố buồn.

 

Em khóc bên ngọn nến

Lung linh bóng hình anh

Quan tài vòng hoa trắng

Vĩnh biệt người trăm năm.

 

NTTD