Chú cho cháu bao nhiêu cũng được. Cháu chỉ cần chú giúp cháu mở hàng.”

Giọng nói nhỏ nhẹ, mỏng mềm như trượt về từ một không gian xa lơ lắc. Tôi ngần ngừ, nhìn quanh. Một ngày mới thênh thang trước mặt. Nắng mới lên, vắt vẻo ngọn me già.

Okay chú nhé!” Vẫn cái giọng mỏng mềm. Tôi mỉm cười, nhìn xuống chân mình. Ðôi giầy hôm trước lần mò cái ngõ hẻm lầy lội tìm người quen cũng lấm lem lắm rồi. Và cái chuyện mở hàng đượm nét dị đoan của chú bé mặt mũi ngây ngô thế kia gợi cho tôi sự tò mò. Cả đời tôi chưa bao giờ ngồi gác chân lên trước mặt ai. Dọa treo cổ tôi, tôi cũng không đưa chân mình cho người khác rửa. Nhưng thằng bé này làm tôi xiêu lòng.

Thấy tôi ngập ngừng, nó nhanh nhảu đẩy cái ghế cỏn con vào sát chân tôi, “Chú ngồi đỡ cái ghế này nhé.”

Cái ghế nhựa màu xanh có bốn chân ngắn ngủn, tôi lóng cóng khom mình ngồi xuống, thấy hụt hẫng như sắp ngã. Thằng bé trải tờ báo xuống nền xi măng, trịnh trọng tuột từng chiếc giầy ra khỏi hai bàn chân tôi. Tôi ngượng nghịu nhìn xuống khung hình cô gái chải chuốt trên tờ báo trải trên nền xi măng lề đường. Hoa Hậu Lộ Hàng. Chưa kịp đọc hết hàng chữ lớn thì thằng bé đã đặt đôi giầy của tôi lên ngay khuôn mặt có cặp môi đỏ chót của cô hoa hậu.

“Chú gác chân lên đây cho sạch.”

Nó đỡ hai chân tôi, đặt lên tấm khăn bông hình chữ nhật. Tôi áy náy. Hai bàn chân sần sượng như củi mục làm sao có thể sạch hơn cái khuôn trăng mặt hoa da phấn trên trang báo. Nhưng thôi, chuyện nhỏ mắc mớ gì phải bận tâm.

Một con chó lững thững đi qua, ngừng lại hít hà quanh chỗ tôi ngồi. Thằng bé đưa tay xua nó đi. Con chó nghếch mõm lên nhìn tôi bằng con mắt màu nâu, nhìn qua thằng bé, rồi mới chịu cúi đầu lủi thủi bước đi.

Tôi tò mò nhìn cái hộp gỗ vuông. Trên mặt hộp dán đầy những miếng stickers đủ màu sắc, đủ hình dạng. Trong đám hình ấy tôi nhận ra khuôn mặt của vài ca sĩ Mỹ nổi danh lẫn với hình những diễn viên Hàn (Hyu, Park, Moon, Kim, Huyn…) hay Hán (Lương, Chu, Tần…) nào đó có những con mắt to tròn.

Thằng bé mở nắp cái hộp gỗ, lấy ra một chai thủy tinh trong vắt. Qua động tác lắc nhẹ của cánh tay, chất lỏng bên trong chai đặc sóng sánh.

“Trước hết, cháu phải lau một lớp thuốc làm mềm da cái đã.”

“Thuốc làm mềm da à?” Tôi hỏi cho có chuyện.

“Vâng, làm mềm da, chú ạ.”

Tôi không biết gì về nghề đánh giầy. Nhưng tôi nghĩ là thằng bé nói đúng. Dù sao về cái công việc đang làm này, nó cũng có khả năng chuyên môn và kinh nghiệm nhiều hơn tôi. Hơn nữa, trước khi lau sạch những vết dơ bám trên da giầy thì làm cho da mềm lại là điều hợp lý.

“Thuốc này siêu hiếm chú ạ. Chỉ dùng cho những giầy da thật mới đáng.” Thằng bé vừa nói vừa thận trọng mở nắp chai.

Thắm Nguyễn

Tôi tò mò theo dõi từng cử chỉ của thằng bé. Nó chăm chú như người y tá chăm sóc vết mổ chưa cắt chỉ của bệnh nhân. Mỗi lúc nghiêng chai cho nước sánh ra miệng, thấm vào miếng bông gòn nắm chắc ở hai đầu ngón tay, thằng bé thận trọng nhìn chất lỏng sóng sánh bên trong. Cách nhìn của nó khiến tôi liên tưởng đến cách nhìn của người tín đồ trân trọng chai nước thánh. Nó ngồi dưới thấp, cái đầu lại cúi xuống nên tôi không thấy được đôi mắt nó nhưng mỗi lúc nó ngẩng lên, tôi bắt gặp vẻ mừng rỡ, tở mở trong ánh nhìn. Nước thánh này sẽ tẩy rửa mọi vết thương; sẽ làm cho những tế bào bị tổn thương lành lặn trở lại, sẽ làm cho lớp da giầy sần sùi vì thời tiết mùa đông khô quắt, mùa thu ẩm ướt, mùa hè bong da, mùa xuân lầy lội… của xứ sở tôi định cư, được mềm và dẻo như lúc vừa ra khỏi tiệm đóng giầy.

Một người đàn ông da trắng dừng lại nhìn chúng tôi, mỉm cười, gật nhẹ cái đầu có mớ tóc vàng sậm, rồi đưa máy ảnh lên chụp. Tôi bối rối nhìn những ngón tay thô cứng đè lên cái nút bấm chiếc máy hình Nikon, tôi nhìn lướt qua khuôn mặt có những vệt tàn nhang trên trán ông ta, cố nặn một nụ cười. Ðầu ngón tay bấm lia lịa một loạt hình xong, cái đầu người đàn ông gật gật, cái miệng nói cảm ơn, những sợi tóc vàng vật vờ trước vầng trán cao. Tôi mỉm cười thay cho câu trả lời. Và người đàn ông da trắng chìm vào dòng người đang hong chút dịu mát sắp tan vào cái nóng sớm mai.

Giữa những người đi đường tất bật, con chó ban nãy lại trở lại. Nó đứng cách chỗ chúng tôi hai bước chân. Nó nhìn tôi. Tôi nhìn nó. Hai cái nhìn cùng lạ lẫm trong mắt nhau. Con chó lông trắng có những vằn đen viền quanh bụng. Những viền đen quấn quanh cái thân tròn, vắt lên cái nền trắng của lớp lông xù khiến nó trông giống con gấu nhỏ. Dưới bụng nó, có chỗ lông thưa thớt như bị rụng. Phố bắt đầu đông người. Nhưng con chó không để ý đến ai, cứ lảng vảng quanh chỗ chúng tôi. Nó mon men lại gần sát bên chân tôi. Nó làm tôi nhớ đến đám chó của cảnh sát ở những phi trường quốc tế. Lúc thằng bé bỏ miếng bông gòn xuống mặt cái khay nhựa, con chó hếch mũi ngửi. Rồi gầm gừ. Chắc cái mùi làm nó khó chịu.

“Con chó này, cút đi, muốn vào nồi à!” Thằng bé đánh giầy mắng con chó.

Con chó không để ý đến câu nói của thằng người. Hẳn nó đã quen với những quát mắng hằn học của đời sống.

“Làm rựa mận mày đấy, con ạ.”

Câu dọa làm tôi bật cười. Ai đó mới đây viết trên mạng rằng một năm dân Việt tiêu thụ năm triệu con chó. Một hình thức tiêu diệt chủng loại khác. Phải như tôi nói được cho con chó nghe điều đó nhỉ. Thằng bé đưa từng chiếc giầy lên ngang tầm mắt, xoay mũi giầy rồi tới gót giầy về phía nó, nghiêng đầu ngắm nghía.

“Ðôi giầy siêu tốt,” nó xuýt xoa. “Cháu nghĩ chỉ có bọn I-ta-lia mới làm được loại giầy như thế này.”

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Tôi không trả lời. Ðôi giầy này Denize mua tặng tôi trong chuyến về thăm nhà ở Brasil. Tấm hình chụp bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số tôi mua tặng dịp sinh nhật Denize cho thấy cảnh nàng đứng trước tiệm giầy trên con phố chính đô thị Rio de Janeiro còn in đậm trong trí nhớ tôi. Hàng chữ Made in Brazil in nổi trên lớp da đệm trong lòng hai chiếc giầy. Thành ra tôi thấy không cần nhắc thằng bé này rằng giầy của tôi không chế tạo tại Italy. Và dù sao thì cả Brasil lẫn Italy đều cùng nổi tiếng về môn đóng giầy. Thằng bé kẹp lớp da phía gót giầy giữa hai ngón tay. Một chân chống, một chân quỳ bên chiếc ghế tôi đang ngồi. Nó xoa xoa đầu ngón tay trỏ lên lớp da.

“Da của tụi nó siêu mỏng mà lại siêu bền, chú nhỉ.”

Denize cũng nói thế với tôi lúc tíu tít kể về cảm giác đầu tiên lúc xoa những đầu ngón tay lên lớp da giầy mềm mại. Vừa chạm vào lớp da mỏng của nó là em nghĩ phải mua nó về cho anh ngay. Hai bàn chân anh lao động cày cuốc lâu năm, bây giờ chúng nó phải được chút phần thưởng chứ.

“Cháu tên gì?”

Tôi xô tôi ra khỏi khung kỷ niệm và cắt ngang dòng suy tưởng của thằng bé đánh giầy mơ mộng. Nó giật mình, đờ người ra vài giây, nhìn tôi, ngơ ngác như kẻ vừa bị lôi ra khỏi giấc chiêm bao. Rồi nó bừng tỉnh, nói một cái tên con trai rất phổ biến. Một cái tên quen thuộc.

Và tới phiên tôi sựng lại, ngẩn ngơ nhìn nó.

“Thật không?”

“Thật không gì chú.”

Tôi cười, “Hai chú cháu mình xài cùng một tên.”

“Ơ vậy à. Chú cùng tên với cháu à. Hay nhỉ.”

Tôi hân hoan chìa bàn tay ra. Nó đặt vội chiếc giầy xuống – dù vội nhưng vẫn rất thận trọng như người ta đặt một quả trứng gà xuống nền xi măng – chùi vội hai bàn tay vào vạt áo sơ mi cũ, và nhanh nhẹn nắm lấy tay tôi bằng cả hai bàn tay xương xẩu.

“Sự tình cờ thú vị đấy nhá,” tôi gật gù.

“Chuẩn không cần chỉnh đó chú.”

Câu nói của thằng bé đánh giầy làm tôi buồn cười. Bỗng dưng tôi muốn cúi xuống ôm choàng lấy cái kẻ trùng tên với tôi. Từ chiếc ghế tôi ngồi, nhìn xuống, cái đầu thằng bé đánh giầy như lệch méo qua một bên. Ơ cái thằng đầu méo. Chắc ngày trước mẹ nó sơ ý thế nào để con nằm nghiêng mãi một bên nên bây giờ cái đầu méo như trái xoài.

Tôi nhìn những lọn tóc dính bết vào nhau thành từng cụm. Chắc nó đã nhúng bàn tay vào bồn nước trong một nhà vệ sinh hay một vòi nước công cộng nào đó, rồi đứng trước tấm gương ố vuốt vội lên mái tóc lởm chởm những sợi đen lẫn những sợi nâu cháy nắng. Tôi biết, bởi ngày xưa tôi cũng hay làm thế. Năm ngón tay nhúng nước, vuốt vội lên mái tóc. Và tung tăng hẹn hò dài những con phố quen tên chốn này. Những con phố bây giờ đã mất tên.

Thế là chúng tôi đã vượt qua được ranh giới của sự ngại ngần. Cũng nhờ cái sự trùng tên. Nó vừa chăm chú gỡ một vệt kẹo gum dính dưới gót chiếc giầy của chân bên phải vừa phỏng vấn tôi như tay nhà báo chuyên nghiệp.

“Giầy này bạn gái chú tặng chú phải không?”

“À, ư…” Tôi ậm ừ.

“Cháu biết bạn gái chú tặng chú.”

“Sao cháu biết?”

“Cháu cũng chẳng biết vì sao,” nó đưa chiếc giầy lên vạt nắng, nghiêng đầu ngắm nghía. “Nhưng cháu biết.”

Tôi cười. Cười để khỏi phải trả lời.

“Cháu đoán; đoán thôi nhé… Hai người chia tay rồi phải không nào?”

Tim tôi hụt mất một nhịp. Denize của tôi đã là kỷ niệm. Dẫu có một thời chúng tôi yêu nhau đến điên cuồng.

“Cháu làm nghề thầy bói nữa mới đúng.” Tôi nhún vai, gượng gạo một khóe cười.

“Chia tay rồi chú mới về Việt Nam một mình được như thế này.”

Tôi phì cười. Thằng nhỏ làm tôi nhớ Denize. Bao nhiêu lần hứa đưa Denize đi thăm Việt Nam mà đâu có thành. Tôi nhớ lọn tóc đen nhánh lượn lờ trước trán và lúm đồng tiền trên má Denize. Tôi nhớ cả tiếng cười mềm như tơ lụa của Denize mỗi khi nghe tôi kể chuyện khôi hài.

“Nhưng cháu đoán sai rồi. Chú với người yêu chú vẫn còn…”

Tôi nói dối, bởi tôi tin vào chuyện hàn gắn.

“Ô, sorry chú.” Thằng bé cười. Khoe những chiếc răng lởm chởm.

Thằng bé không tò mò chuyện tình cảm của tôi nữa. Nhưng nó tra vấn tôi về tình yêu. Làm như tôi là chuyên viên về tình ái. Không là chuyên viên làm sao chinh phục được một nhan sắc mượt mà vùng biển ấm Nam Bán Cầu. Không là chuyên viên làm sao cuốn hút được cánh chim hiếm quý từ Rio de Janeiro, về tận Bắc Mỹ. Thằng bé đánh giầy phục tôi sát đất. Nó đâu biết Denize đã vuột khỏi vòng tay tôi, như cánh chim nhớ khung cảnh núi rừng Amazon hùng vĩ, đã chắp cánh bay xa. Thằng bé đánh giầy tra vấn tôi. Nó muốn biết thế nào là tình yêu đích thực. Bỗng dưng tôi thành nhà tâm lý học, say sưa thuyết giảng. Nó gật gù tán thưởng từng câu từng chữ tôi nói ra. Dần dà, nó kể cho tôi nghe về tình yêu của nó.

“Nó chia sẻ với cháu mọi thứ; thế có phải là tình yêu chưa nào? Nói chú đừng cười, nhưng ngay cả cái quý nhất của đời con gái – cái ấy đó chú – nó cũng không ngại ngần.”

Tôi toan hỏi sao cháu biết cái ấy là cái quý nhất của cô ta (tôi đoán “người kia” của nó là một cô gái, dù vào cái thời trắng đen nhập nhòe này nhiều khi tưởng như thế nhưng lại không phải là như thế), nhưng suy nghĩ một giây, tôi bỏ qua. Tôi sợ thằng bé không hiểu ý tôi rồi tôi lại mất công giải thích.

Với người này, cái quý nhất của người kia chỉ là thứ bỏ đi.

“Nó mua cho cháu chai thuốc đánh giầy này đấy chứ. Quý lắm đấy.”

Thằng bé vừa nói vừa gõ nhẹ những đầu ngón tay lên cái chai thuỷ tinh. Móng tay dài viền đen gõ lạch cạch lên thành cái chai đựng chất thuốc hiếm quý.

“Như vậy mình có thể nói là nó không thấy xấu hổ khi có người yêu đi đánh giầy, phải không chú?”

Tôi gật gù, “Ðúng rồi.”

Thắm Nguyễn

Cái thời kỳ kinh tế suy thoái, hãng tôi sa thải bớt nhân công, tôi mất việc làm, phải đi giao báo qua ngày, Denize của tôi đã mua cho tôi cái túi vải khoác trên vai để khỏi mất công ôm chồng báo quảng cáo. Tôi ngần ngừ cầm cái túi vải mát lạnh trên tay, lòng chùng xuống. Cảm xúc tràn lan. Cô gái không thấy xấu hổ khi có người yêu là kẻ đi giao báo quảng cáo. Dù gì đi nữa người ta cũng không nỡ bỏ nhau.

Xem thêm:   Bị chôn sống

“Ðúng rồi,” Tôi gật gù nói ra cái ý nghĩ – thuở ấy – trong đầu. “Khi đã yêu nhau thì dù gì đi nữa người ta cũng không bỏ nhau.”

“Vậy tại sao…” Thằng bé ngừng tay xát bàn chải. “Vậy thì tại sao nó không bao giờ đi cùng với cháu ra ngoài phố. Nó không bao giờ đi shopping, đi xem phim, đi dạo phố với cháu. Nó sợ đi bên cháu, sợ cầm tay cháu… như thể cầm vào tay cháu thì mất trinh không bằng.”

Tôi cắn môi, ngập ngừng.

“Mà có còn trinh đâu mà sợ mất!” Thằng bé buông ra cái giọng chua cay.

Không, không nên như thế. Lòng tôi dằn vặt và áy náy vì cái nhận xét độc địa. Không nên nghĩ thế. Trinh tiết của tâm hồn mới là điều đáng nói. Nhưng làm cách nào giải thích cho thằng bé lớn lên ở lề đường – mà lại là lề đường của đất nước Việt Nam khốn khổ – để nó có thể hiểu được trinh tiết của tâm hồn mới là cái ngàn vàng. Tôi nhìn mớ tóc rối trên cái đầu méo của thằng bé đánh giầy. Thiên hạ đi qua đi lại trên đường phố. Chẳng ai để ý đến chúng tôi. Tiếng còi xe inh tai không làm gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi. Màu nắng làm tôi nhớ Denize. Những ngày đông giá đầy tuyết trắng ở Bắc Mỹ, Denize cứ than là nhớ nắng Rio.

“Thường thì phụ nữ mơ có một người đàn ông có công ăn việc làm vững chãi,” tôi nói.

“Cháu cũng có xin cái job bảo vệ đấy chứ, nhưng mà…”

Tôi nhìn những ngón tay xương xẩu. Cặp xương đòn gánh nhô ra hai bên cái cổ dài ngoằng. Tướng tá thế này thì bảo vệ cho ai đây. Tôi nghĩ nhưng không nói ra ý nghĩ của mình.

“Dạo này xin làm bảo vệ là dễ nhất. Chỗ nào cũng cần. Nhà hàng, tiệm mát-xa, nhà nghỉ, ca-si-nô. Nhà riêng của đại gia. Ngay cả nhà chùa cũng cần bảo vệ. Chú biết không?”

Ừ thì tôi biết. Không muốn biết cũng phải biết bởi cứ ra phố, nhìn ngang nhìn ngửa là thấy ngay. Thanh thiếu niên đứng ngồi đầy những con phố, những cửa tiệm. Nam thì làm bảo vệ, nữ thì son phấn đậm màu rồi khoác vài mảnh vải lên người, ngồi trước những cửa quán, chen chúc nhau dạt cả xuống lề đường. Ðể làm gì, ai mà biết được.

Thằng nhỏ nghịch ngợm búng đầu ngón tay vào những ngón chân tôi, “Chú đã đi mát-xa chân chưa. Chú nên đi mát-xa bây giờ. Mai mốt có bạn gái đi cùng, bạn gái sẽ không cho chú đi mát-xa đâu.”

“Sao lại không cho?” Tôi hỏi.

“Tại mấy đứa mát-xa hot girl lắm đấy. À, nhưng mà chú chẳng nên đi mát-xa một mình. Yêu nhau thì vui buồn sướng khổ gì cũng phải có nhau, phải không nào?”

Tim tôi hụt đi một nhịp. Có phải tôi đã kéo được tin yêu trở về trong lòng kẻ vừa đánh mất tin yêu?

Thằng bé nghịch ngợm bóp mạnh đầu ngón chân cái của tôi. “Bọn hot girl bây giờ mát-xa đỉnh lắm.”

Tôi nhìn bàn tay nó. Những móng tay viền đen. Ô, vậy là không được rồi. Dơ bẩn như thế làm sao những đứa con gái chịu cho cầm tay. Ngước lên, bắt gặp cái nhìn của tôi, hay chợt nhận ra những móng tay viền đen, thằng nhỏ bỏ chiếc giầy xuống, xoa hai bàn tay vào nhau ngượng ngùng.

“Tới giờ nghỉ cháu mới rửa tay.”

Nó nhìn chăm chú vào hai bàn tay đang xòe rộng. Những ngón dài với những cục xương gồ lên ở đốt.

“Tay này tụi girl chúng nó chê là phải.” Thằng bé lẩm bẩm rồi chùi hai bàn tay vào vạt áo.

“Thế cháu với cô bạn gái có còn…”

“Nó chảnh như con cá cảnh, ai mà chịu nổi, chú ơi!” Thằng bé ngắt lời tôi.

“Cho nó một cơ hội nữa đi. Yêu là phải biết tha thứ cho nhau những chuyện nhỏ. Những chuyện lặt vặt.” Tôi lên mặt dạy đời, như một lần kia tôi cũng đã dạy tôi như thế.

Hai con mắt rời chiếc giầy, ngước nhìn tôi. Giọng nói mềm, tẩm đầy cảm xúc, “Cháu thương nó thật đấy chứ.”

“Hãy cho tình yêu một cơ hội, bởi vì tình yêu có thật.” Tôi nói, chắc như đinh đóng cột.

Thằng bé lại ngước nhìn tôi. Lặng im một thoáng, rồi nở nụ cười hiền. Tôi thấy trong nụ cười ấy, hình ảnh đôi trẻ nắm tay nhau, tung tăng trên đường phố, những buổi chiều nắng vàng phản chiếu từ những khung cửa kính cao ốc, nhạt nhòa trên tóc.

Tiếng còi xe trộn lẫn vào nhau. Thành phố cuồn cuộn tràn xuống lòng đường. Người đi qua đi lại nườm nượp hai bên đường. Chẳng ai để mắt đến chúng tôi. Ai cũng vội vàng, hấp tấp. Chỉ có chúng tôi là nhàn hạ, nói toàn những chuyện không đâu. Con chó ban nãy luồn ra khỏi đám đông, mon men đi về phía chúng tôi. Nó dừng lại khi cách chúng tôi một bước chân. Hai con mắt nâu hiền. Cái mõm dài nghếch lên, chờ đợi.

“Lại mày nữa đấy à!” Vừa loay hoay với miếng bông gòn, thằng bé vừa nói. “Bọn ăn trộm chó chúng nó mà trông thấy mày là mày toi đấy!”

Con chó không hiểu. Nó dợm bước lại gần. Thằng bé nhặt viên sỏi ném con chó. Con chó tuông chạy, cách xa chỗ chúng tôi một khoảng, ngừng lại tiếp tục xốc mũi ngửi những mảnh thức ăn vụn quăng trên lề đường. Rồi lại lân la đến chỗ chúng tôi. Một lát, nó lủi lại sát bên chân tôi, hít hà một cách nồng nhiệt như khám phá ra điều gì lạ lẫm. Con chó lại làm tôi nhớ lũ chó của cảnh sát, siêng năng đánh hơi tìm bạch phiến hành khách giấu trong người ở những phi trường quốc tế.

Thằng bé vẫn say sưa kể cho tôi nghe về cái lần nó yêu cô bạn gái trong phòng ngủ của bố mẹ cô, lúc hai ông bà đi sinh. Tôi hỏi đi sinh là đi đâu. Nó ngớ ra, nhìn tôi một giây rồi phì cười, “Chú là người nước ngoài có khác. Ði Sinh là đi Sin-ga-po đấy.”

Xem thêm:   Bài học đầu đời

Bàn tay cầm bàn chải thoăn thoắt lướt trên da giầy càng lúc càng nhanh, như động tác thân thể đứa con trai đang dồn dập trên cái tròn trịa thân thể gây gây mùi thiếu nữ.

Bất chợt, cái lưỡi mềm mại của con chó chạm vào lưng bàn chân tôi. Tôi giật mình co chân lại, gạt chai nước đổ nghiêng. Chất lỏng đánh bóng trào ra, loang vũng trên mặt xi măng lở lói. Thằng bé bừng tỉnh. Ðứa con trai bị giật ra khỏi cơn mê đắm xác thịt. Mắt nó long lên. Cái giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào bỗng tẩm đầy nét cộc cằn, hung bạo, “Chết con mẹ mày. Ðéo mẹ con chó khốn nạn này!”

Những ngón tay cuống cuồng vồ lấy cái chai nước thánh. Nhưng muộn mất rồi. Nước thánh đã loang một vũng nhỏ trên mặt đường và len lỏi vằn vèo theo những kẽ nứt của gạch đá như những con cuốn chiếu tìm nơi ẩn náu.

Thằng bé nắm chặt cái chai trong lòng bàn tay. Nó đứng bật dậy đuổi theo con chó. Con chó vừa sủa vang vừa cong đuôi chạy. Lẫn vào đám người tất bật trên đường phố. Thằng bé luồn lách giữa những người qua đường một lúc rồi lủi thủi trở lại chỗ tôi ngồi. Từ tuốt đàng xa, con chó đứng lại, cụp đuôi, vênh vang sủa như thách thức. Chất thuốc trong chai của thằng bé đánh giầy chắc có mùi gì đó làm con chó khó chịu.

Thằng bé không ngừng lẩm bẩm nguyền rủa con chó. Tôi nhìn đôi giầy loang lổ chất thuốc làm mềm da. Những vệt thuốc làm lớp da giầy dộp lên, như thể sắp bong ra. Hệt như những đốm lang ben trên khuôn mặt thiếu niên dậy thì. Làm sao bây giờ đây. Chẳng lẽ bắt đền thằng nhỏ. Nó nghèo mạt lấy tiền đâu ra mà bồi thường.

Chợt thằng nhỏ bật người lên mừng rỡ, “Xong rồi. Ðể cháu chạy qua góc đường, hỏi xin thằng bạn…”

Nó ngần ngừ nhìn tôi. Tôi cũng ngần ngừ nhìn nó. Rồi nó nhanh nhảu, “Chú chờ cháu ở đây. Cháu gửi thùng đồ nghề lại đây chú coi giùm cháu. Cái thuốc này phải tẩy ngay mới được. Chú chờ cháu nhé.”

Nó cầm đôi giầy, thoăn thoắt bước đi. Cái tung tăng trẻ thơ làm lòng tôi mềm lại. Tôi nhìn theo cái bóng mảnh khảnh của đứa thiếu niên đang nhòe dần vào tảng màu loè loẹt của hàng trăm bóng người trên đường phố.

Tôi ngồi trơ ra đó. Hai bàn chân trắng bệch, trần trụi, trơ trẽn. Bây giờ khách qua đường mới nhìn tôi. Tôi co những ngón chân, cố giấu những móng dài lười cắt. Thiệt tình. Khi không lại tháo bít tất bỏ ở nhà trọ. Dù trời có nóng cách mấy đi nữa thì cũng đâu đến nỗi phải đi giầy không vớ. Con chó ban nãy lân la trở lại. Hít hà một cách say sưa chỗ lề đường ẩm ướt. Nhất định cái chất lỏng kia có mùi gì đó lôi cuốn nó.

Và cái thằng bé đánh giầy này, đi đâu sao mà lâu lắc.

Tôi ngồi hoài như thế tới khi mặt trời đã xuyên nghiêng những mái nhà cao ốc phía bên kia đường, quăng xuống lề đường phía tôi ngồi những vệt nắng lam nham. Cổ họng chợt ngứa, tôi cất tiếng ho khan. Ngóng trước, trông sau, tìm cái hình ảnh quen thuộc. Cho đến khi có tiếng người đàn bà quét đường đánh thức tôi, “Chờ ai dzậy anh Hai?”

Ðứa bất lương không trở về nữa rồi. Tôi tò mò mở hộp đồ nghề của nó. Hai cái bàn chải cùn. Một hộp xi trầy trụa có chữ Kiwi vàng óng và hình con thú ăn kiến lưng gù, còn sót lại từ thế kỷ trước. Cái hộp xi hiếm hoi. Làm cách nào nó còn giữ được cái hộp xi đánh giầy từ thời tôi còn là đứa bé, chưa biết đi giầy; cái thời bố tôi vẫn quẹt cái bàn chải lên mặt lớp xi đen rồi phất lên chiếc giầy Gia Ðịnh. Bố đánh giầy nhẹ như phủi bụi mà lớp da bóng lên như gương. Tôi hay cúi mặt sát chiếc giầy của bố để nhìn khuôn mặt mình vênh vẹo như hình vẽ trong tranh hí họa.

Tôi lắc đầu, hất những hồi tưởng quá khứ sang một bên. Tôi ngóng nhìn hai đầu đường. Người đàn bà quẩy quang gánh. Cái lưng cong oằn. Tiếng rao lảnh lót. Ai ăn tàu hủ hôn. Tôi nheo mắt cho bớt chói. Chút gió ve vẩy cái dịu nhẹ xế trưa. Vậy là chắc chắn đứa bất lương không trở về nữa rồi. Nó lấy đi của tôi chứng tích của những ngày tình yêu nồng cháy. Tôi thở dài, kềm giữ câu chửi thề. Mà đúng ra bây giờ tôi cũng chẳng muốn giữ làm gì nữa. Ðến người cũng không còn giữ được, tiếc làm chi đôi giầy. Sau cái mất mát lớn nhất đời người kia tôi chẳng còn gì để mất hay chẳng còn gì đáng mất. Nó lấy của tôi như vậy mà lại hay, bởi tôi không thể tự mình quăng đi cái kỷ niệm ấm cúng. Tiếc là cái thằng trộm cắp cùng tên với tôi ấy không biết rằng tôi đã đưa cho nó viên thuốc nhiệm màu giả hiệu. Viên thuốc dạy nó hãy tin tưởng vào Tình Yêu. Hãy cho Tình Yêu một cơ hội bởi Tình Yêu có thật. Viên thuốc giả mà bao nhiêu kẻ đã hí hửng nuốt vào để cầu xin phép lạ. Ðứa bất lương ấy đang lấp ló ở khúc quanh con hẻm nào đó hí hửng với món đồ cướp được, rạng rỡ với tin vui rằng Tình Yêu có thật.

Thằng nhỏ bất lương chỉ ăn cắp của tôi đôi giầy nhưng nó lầm to. Trong lúc kể cho nó nghe về tình yêu, tôi chỉ kể cho nó nghe cái phần rạng rỡ; tôi giấu đi cái khoảng âm u. Chính cái khoảng âm u kia mới kèm theo những lời cảnh giác, giúp nó tránh được những hang hố chết người.

Những con người trân quý Tình Yêu may ra trên thế gian này còn sót lại vài mạng. Với tỷ lệ quá nhỏ ấy, tôi có thể nói một cách mạnh miệng rằng trên thế gian này làm quái gì có Tình Yêu chân thực. Những gì tôi nói với thằng bé bất lương kia từ sáng đến giờ toàn là chuyện nhảm hết. Chuyện nhảm cho một sớm mai vô tích sự.

Ðời mày tàn rồi, đứa bất lương ơi. Hãy tin tao đi, bởi trên thế gian này làm quái gì có Tình Yêu. Tất cả chỉ là sự hiểu lầm.

Tất cả chỉ là ngộ nhận.

HC