Ai đó đã nói “Hôn nhân là một con thuyền đã tách bến để đi vào bão tố”.
Tôi cho rằng người nói ra câu đó chắc đã gặp một tình cảnh u ám lắm trong hôn nhân nên mới đem kinh nghiệm của mình ra hù thiên hạ. Nếu nghe câu này thì ai đang chuẩn bị lên xe hoa hẳn phải khựng lại để cân nhắc xem có nên liều lĩnh giương buồm để vượt bão tố hay không! Nhưng cuộc đời lạ lắm, có những người thích mạo hiểm trong nhiều lãnh vực, còn trong tình yêu khi nghĩ đến “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” thì như phép màu khiến tâm hồn nở hoa, ai nỡ lòng nào mà từ chối khi chàng nắm tay nàng thành khẩn cầu hôn sau thời gian yêu đương thắm thiết, nên dù được nhắc “Hôn nhân là ngục tù chung thân khổ sai” còn không nhằm nhò gì, huống chi ví như con thuyền trong bão, bão cấp mấy mới là quan trọng, khi đã yêu mà không muốn mất người yêu chỉ còn cách là kết hôn, vậy thì dù bão cấp đại học còn không ngán, nói gì bão cấp 1 hoặc cấp 2!
Tôi đang tìm hiểu về hạnh phúc gia đình, à không! Phải nói rằng “Tôi đang học cách làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc gia đình” trước khi quyết định về dinh của ai đó nếu họ có nhã ý muốn rước tôi. Đó là lý do tôi hay la cà đến nhà bạn bè của tôi để xem cách họ đối xử với nhau đặng mà rút kinh nghiệm. Người khách không mời mà đến là tôi cứ bất thình lình đột kích vào nhà bạn bè. Hôm đó tôi tới nhà Hiền vợ của Hậu, tôi thấy gì? Một cục sưng trên vầng trán rộng mà Hiền luôn tuyên bố chứa những tư tưởng không ai có, tôi hốt hoảng hỏi:
– Sao vậy? Mày té vô đâu hả?
Hiền hất hàm về phía Hậu:
– Thằng chả đánh tao!
Hậu phân bua:
– Tại vì bà thách tui có dám đánh bà không? Đi làm về đã mệt mà còn bị bả càm ràm gây chuyện… ghen tuông!
Tôi bèn lý sự:
– Người phụ nữ khôn ngoan không bao giờ thách chồng “Có giỏi thì đánh đi”. Hiền nên nhớ ai mà chả thích được khen giỏi! Cho nên một cánh tay vung lên không có gì lạ. Hãy trách mình hơn là trách kẻ chỉ vì muốn chứng tỏ mình giỏi nhé…
Hiền trợn mắt nhìn tôi:
– Mày biết gì mà bênh ổng như thế? Nếu không phải hẹn hò với ả nào sao ngày nào cũng về trễ…
Hiểu ra vấn đề, tôi bèn quay sang phê bình Hậu:
– Ra là vậy! Anh phải biết vợ yêu vợ mới ghen, nếu không có lửa thì sao có khói!? Vậy mà anh còn vũ phu đánh vợ…
Hậu xua tay ra hướng cửa:
– Cô ba phải vừa thôi! Làm ơn đi về cho, cô xía vô một lúc thì có chiến tranh tại đây thật!
Tôi cũng biết khi hai người đang đấu với nhau, mình đứng gần không khéo bị lạc đạn nên rút lui cho ổn, ngồi nán thêm chắc chắn tôi sẽ phơi thây giữa sa trường, không có đường lui. Tôi tiếp tục tới nhà Hạnh, vợ của Phúc, họ đang bàn tính việc xây nhà, tôi cũng được họ bảo góp ý. Nhưng cuộc bàn luận không đơn giản vì mỗi người một ý, chồng nói cửa gỗ mới sang, vợ nói cửa nhôm cho bền, còn tôi nói:
– Vợ thích cửa nhôm, chồng thích cửa gỗ thì cứ làm tầng trên cửa gỗ, tầng dưới cửa nhôm!
Khi nói về màu sơn, họ lại trái ý nhau. Chồng nói màu xanh…nhà quê, vợ nói màu trắng mau cũ, thế là cãi nhau:
-Anh đang nói chuyện với vợ của anh đó, tui nhà quê sao anh lấy tui!
Phúc bốp chát lại:
– Còn em đang nói chuyện với chồng của em đó! Mà chồng thì phải có quyền quyết định chính!
– Ối! Cái giọng gia trưởng ghê chưa kìa!
Tôi chen vô giảng hòa:
– Tầng trên màu trắng, tầng dưới màu xanh, vậy là đồng đều…
Tôi chưa nói dứt câu, Phúc bèn quay sang trút bực dọc vào tôi:
– Cô làm ơn đừng góp ý nữa, nói một lúc cái nhà tương lai của tôi chẳng ra cái giống gì!
Không thích nghe tôi góp ý nữa thì tôi về, còn thiếu chi nhà cho tôi tới mà phải ngồi lại. Tôi ngẫm nghĩ từ những việc tôi thấy thì hình như nhà ai cũng có lúc mâu thuẫn không nhiều thì ít dù họ vẫn nắm tay nhau đi trên con đường tráng nhựa, vậy mới có câu “Chén trong sóng còn khua”.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng cãi nhau rồi thôi, có một cặp vợ chồng không còn trẻ nữa, cũng không nghèo nhưng họ suốt ngày căng thẳng vì chữ “ăn”. Lúc còn trẻ ông chồng “ăn nên làm ra” nên bà vợ được “ăn không ngồi rồi”, hiện nay tình hình xã hội khó khăn chung, không còn như xưa nữa nhưng bà quen “ăn to xài lớn” không biết cân bằng cuộc sống mà vẫn “ăn xài thỏa thích” khiến tiền của vơi cạn. Ông chồng bèn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay cho bà “ăn đòn” miệng thì quát bà là đồ “ăn hại”, bà vợ chẳng phải loại “ăn nói tế nhị” nên đáp trả kiểu “ăn miếng trả miếng” hai bên cứ thế “ăn thua đủ”. Tình cảm theo thời gian nhạt nhòa, ông hết chịu nổi bà vợ «ăn đàng sóng, nói đàng gió” bèn đòi ly dị, bà vợ không “ăn năn” còn nói:
– Lạc Long Quân và Âu Cơ còn ly dị chia con, tôi với ông là cái thá gì! Muốn ly thì ly…
Sau khi họ đôi ngả chia ly thì xóm làng yên ổn vì không còn nghe cãi nhau nữa. Tôi chợt chán chuyện hôn nhân vì thấy cảnh thiếu hạnh phúc của người ta! Mãi lâu sau tôi mới làm khách không mời mà đến nhà Hòa, vợ của Thuận, tại đây tôi như người vô hình vì họ có vẻ chỉ thấy nhau thôi. Họ chuyện trò tâm đắc vui vẻ lắm, đúng là mới cưới có khác:
– Anh biết em đã tốn rất nhiều thời gian để nấu món này nên anh thấy rất ngon, cám ơn vợ yêu…
Vừa gắp miếng “rất ngon” cho vào miệng, có lẽ cục Adam ở cổ chận lại nên Thuận phải rướn cổ lên nuốt. Hòa nhắc khẽ:
– Từ từ ăn đi anh, còn cả nồi dưới bếp đó!
– Ừ phải! Nhưng cứ để dành đó, hôm nay chúng ta ra tiệm ăn em nhé, anh biết có một quán mới khai trương đang đại hạ giá! (Thuận bỏ đũa chờ đợi ý kiến của Hòa)
Đề nghị của Thuận được Hòa vỗ tay hưởng ứng:
– Chồng nói là thánh chỉ! Chúng ta ra tiệm đó ngay. Anh chờ em thay đồ…
Khi Hòa vui vẻ lui vào trong để chuẩn bị, thì Thuận nói với tôi:
– Cô ấy không biết nấu ăn, tôi không vội mà sẽ chờ cô ấy từ từ học hỏi để biết nấu cho gia đình những bữa ngon. Nếu vì một miếng ăn không vừa miệng mà nặng lời thì chả khác nào mình không thông cảm cho cô ấy đã mất thời gian làm nó. Sự bất đồng lớn thường xảy ra từ nhiều việc rất nhỏ, tôi không dại tạo ra điều không vui, bởi vì khi hai người là một chẳng phải nỗi buồn của cô ấy cũng là nỗi buồn của tôi. Hơn nữa không thể nhìn một điểm thiếu sót mà phủ nhận tất cả điểm tốt của cô ấy, Hòa là một người hồn nhiên nhưng hiểu chuyện…
Nghe xong là tôi ngạc nhiên toàn phần luôn, tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc thật sự, nhưng cách xử sự của Thuận có thể là nền tảng tạo nên hạnh phúc. Nếu người thật sự yêu quý ta, tự họ sẽ dành cho ta một vị trí trong lòng họ không đòi hỏi ở ta điều tuyệt đối. Tôi tin rằng đây là gia đình đáng cho tôi học hỏi, thế là tôi thay đổi cách nhìn. Mỗi nhà mỗi cảnh, Nhưng cảnh nhà của Hòa và Thuận khiến tôi nôn nao nghĩ về một mái ấm gia đình.
Nhưng tôi vốn là người cẩn thận nên tôi soạn sẵn văn bản “Hợp đồng hôn nhân” qua những việc tôi đúc kết khi chứng kiến ở các cặp vợ chồng, trong đó tôi có ghi rõ các điều khoản:
- Tan sở phải về nhà ngay không được la cà bất cứ chỗ nào. Vợ gây sự vì ghen cũng không được đánh vợ dù bằng một cành hoa.
- Khi bàn luận việc xây nhà, phải nhường vợ việc chọn vật liệu xây dựng.
- Khi vợ hăm he ly dị thì phải năn nỉkhông được ký giấy đồng ý. Luôn biết “Ăn năn hối cải” trước vợ.
- Vợ nấu ăn dở không được chê mà phải rủ vợ ra quán khai trương đại hạ giá mà ăn.
Và một số điều nữa!…
Với bản hợp đồng như vậy, khi tôi trưng ra cho các chàng đọc thì kết quả là tôi “thu hoạch” được … một rổ dép khi họ tới nhà tìm hiểu tôi, để rồi bao nhiêu ngày tháng trôi qua tôi cứ nghe câu “…kìa nhà ai có ông rể quý …”, còn nhà tôi chỉ có một… rổ dép, mà không hiểu tại sao anh nào tới chưa kịp đọc hết bản hợp đồng đã xanh mặt chạy bay ra cửa, có anh rớt dép lại mà tôi chờ mãi không thấy ai quay lại để lượm!?
Tình ơi!… “…nhiều Đông lắm Hạ nối tiếp đi qua…” tình ở phương nào?
HTMH