Nhà văn Thế Uyên qua đời ngày 11 tháng 6 năm 2013. Tháng 6 này là đúng 9 năm. Đánh máy lại truyện ngắn nổi tiếng của ông cho ngày giỗ kỵ thứ chín. Nỗi Chết Không Rời do Nguyễn Đình Vượng xuất bản vào năm 1966, gồm một số truyện của Thế Uyên và Duy Lam viết riêng nhưng in chung, Văn Uyển tái bản 1969. [Trần Vũ]

Tôi ra quầy trả tiền. Ngoài trời mưa dữ dội. Sang quán có khiêu vũ chọn một góc tối ngồi uống bia nhìn thiên hạ nhảy? Về nhà ngủ, trời mưa và đám lau sậy ở sau nhà xào xạc. Tôi mặc áo mưa, đi về phía hội trường. Cửa chính đầy học trò, tóc tôi ướt đẫm, những giọt nước chảy vào cổ lạnh buốt, tôi theo hành lang vắng vào cửa bên. Sân khấu đầy người chạy ngang dọc. Văn lại gần, vỗ vai: “Tớ biết thế nào cụ cũng đến. Ðợi mãi. Ngồi ghế này quan sát về phía kia cho bớt vẻ lính tráng đi!”. Phía dưới bên trong toán vũ đang bỏ áo dài, quấn xiêm kiểu Thái, một bên vai để trần tới đường bắt đầu căng phồng của ngực. Một cô gái cầm búp phấn đập nhẹ lên cổ, lên cánh tay trần. Văn cười: “Thầy Dư chịu các trò chưa? Tại sao tôi biết chắc cụ đến hôm nay? Sao mà không biết, tối qua lúc trò Phi xuống rạp ngồi trên bục ban nhạc, cụ ngắm nó quá trời!”. Văn nói đúng, tôi đã nhìn cô bé ấy, thật gọn trong chiếc áo dài hồng và chiếc áo len trắng ngồi trên bực thềm xuống ban nhạc. Ánh sáng hắt từ dưới lên mái tóc úp vai, đường mũi xuống môi, tất cả như có một đường viền vàng óng ả. Tôi đã nhìn lâu, thật lâu và cả ngày hôm nay, ngày Chủ Nhật, tôi không muốn nhớ lại, cố không muốn nhớ. Tôi ngồi im trên ghế dài học trò, ngoài sân khấu một màn đồng ca, trước mặt một học sinh đang kẻ râu cho bạn. Tôi ngồi đó, hút thuốc liên tiếp, nhìn ngắm tất cả đường nét hình bóng chung quanh. Tôi chờ đợi. Tôi chỉ muốn chờ đợi. Người con gái dừng trước mặt tôi, chiếc robe màu tím, màu trắng của áo len, đôi chân trong một thứ săng-đan cao gót. Tôi ngửng lên, mái tóc úp vào cổ vào gáy, đôi mắt như có nước, hàng mi dài, nụ cười rụt rè. Tôi nói: “Ngồi xuống đây, Phi”. Cô gái chậm chạp như sợ hãi ngồi xuống bên. “Phi năm nay học đệ nhị phải không?”. Tôi châm một điếu thuốc, khói tỏa ra phủ mặt thiếu nữ. Nàng bất động, đôi môi mấp máy nói, nhạc quá lớn, tôi cúi nghiêng gần sát nghe. “Hôm qua em xuống rạp tìm thầy sau vở kịch. Thầy ngồi đâu em không thấy?” “Tôi có thấy em ngồi ở bục xuống ban nhạc. Em bao nhiêu tuổi? Mười sáu? Bằng nửa tuổi tôi… Lát nữa em đừng khóc lớn trong micro. Vang lớn quá mất bi thảm!”. Phi mười sáu tuổi, cô bé này mới có mười sáu tuổi. Tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ già dặn giả tạo của vai trò trong kịch đêm qua. Tôi ngồi thẳng dậy. Thiếu nữ chịu đựng cái nhìn soi mói cân nhắc của tôi bằng cả đôi mắt mở lớn giữa vùng tóc bao quanh, thân hình thu trên ghế, đầu gối trắng một khối tròn xuôi dần xuống sàn. Tôi ngửng đầu, một nam sinh cười cúi đầu: “Thầy còn nhớ em không?”. Tôi ngắm thân hình mới phát triển kềnh càng sức mạnh, da mặt lấm tấm rỗ hoa. “Chú Mai phải không? Chú nghịch nhất và bị tôi phạt hoài!”. Các học trò cũ lại vây quanh, và khi đã tản mác chuẩn bị màn trình diễn, một học sinh đứng im từ lâu bên cạnh tôi bắt đầu nói: “Chiến tranh tàn nhẫn lắm phải không?”. Tôi ngửng đầu nhìn. “Quê em ở Ba-Xuyên. Cả nhà chết hết. Ba em làm Hội-đồng Xã, cộng giết. Má và các em bị pháo binh bắn lầm, chết cả…”. Hắn nói một hơi rồi đứng im, mắt nhìn thẳng ra sân khấu, hai tay buông thõng theo thân hình. Tôi nói: “Bây giờ em làm sao học tiếp?”. “Dì em mang lên trên này nuôi. Em ở đây bốn năm rồi. Nghỉ hè vừa rồi em không dám về quê thăm mộ, sợ bị cộng lôi vào khu làm du kích. Em vừa nhận được giấy gọi đi quân dịch, thầy!”. Hắn vụt bỏ đi vào phía cuối sân khấu. Tôi quay lại thiếu nữ, đôi môi mấp máy. “Bắt được sĩ quan họ moi mắt?… Em nghe thấy nói thế!”. Tôi ngồi thẳng lên, hút thuốc. “Thầy đã đi những nơi nào…”. Tôi bắt đầu nói, bắt đầu kể. Tiếng nhạc ồn ào làm tôi phải cúi gần sát mái tóc. Những đồn xa, những đồi rừng thưa, những đồi rậm, những ruộng lầy. Ðột nhiên tôi ngừng lại, tôi thấy tôi đã dại dột. Không nên nhắc lại, không nên nghĩ tới mới phải! “Ðừng nên hỏi tôi về chiến tranh nữa em!”. Giọng tôi gắt gỏng. Một học sinh đưa Phi một chai nước ngọt, một ống hút. Phi đưa: “Thầy uống đi!” “Cám ơn, tôi không khát”. Phi cúi đầu nhìn bàn chân đặt trên sàn. “Sắp đến vở kịch của em chưa?” “Còn bốn màn nữa thầy!”. Tôi thấy khô cổ, nhiều thuốc lá quá ngày hôm nay. Tôi cầm chai nước ngọt: “Thôi em uống chung với tôi”. Tôi ngậm ống hút, uống một hơi dài. Một bàn tay ấm khẽ úp lên mấy ngón tay tôi, thiếu nữ lấy lại chai, ngần ngừ rồi đưa lên miệng. Tôi im lặng, thiếu nữ im lặng. Một cái gì đã xảy ra. Tôi không biết rõ. Nhưng chắc chắn tôi biết có một cái gì đã thay đổi từ khi cô bé ngậm ống hút tôi vừa uống… Tôi lắng nghe xúc động chớm bùng ra bên trong cùng lo ngại, một ngần ngại. Tại sao tôi lại nói về chiến tranh với một cô bé mười sáu tuổi. Tại sao… “Xin phép thầy em phải thay quần áo. Còn màn vũ nữa đến kịch”. Tôi nhìn theo Phi ôm gói quần áo xuống sàn trang điểm phía dưới, ánh đèn chói sáng. Tôi muốn quay đi, ông thầy cũ muốn quay đi, tôi mỉm cười, tiếp tục nhìn bàn tay cởi chiếc áo len khoác ngoài. Một bên vai đã lộ ra, đột nhiên Phi ngửng lên nhìn mắt tôi, một nụ cười ngượng nghịu và a tòng. Nàng cúi xuống, cầm quần áo đi lên, tiến sang bên kia sân khấu, khuất sau một tấm phông, tôi tiếp tục hút thuốc và bây giờ tôi xúc động, hối hả chờ đợi. Phi nhìn tôi im lặng trước khi gục đầu vào tay trên bàn ngoài sân khấu. Văn đẩy tôi sang một bên kéo chiếc micro lại gần, mở máy ghi âm. Hai cuộn băng nhựa quay từ từ, tôi ngửng lên. Phi bắt đầu khóc mê sảng, đôi vai rung lên, bên ngoài sân khấu phía trước những đầu người nhấp nhô như cỏ mờ dần về cuối rạp. Mái tóc rung động, thân thể oằn oại: “Không! Không. Buông ra. Trời ơi là trời”. Thiếu nữ vùng dậy, má ướt nước, các diễn viên khác kế tiếp xuất hiện bu quanh chiếc bàn. Tôi đứng im sau bức phông ngang, hút thuốc, hút hoài, không thể làm gì khác, tôi không thể làm gì khác ngoài việc hút thuốc và gắn liền tâm hồn vào Phi di chuyển, nói, khóc trước mặt. “Tuổi lên mười cũng đẹp chú ạ. Nhìn ai cũng thấy tốt, nhìn ai cũng thấy đẹp. Tất cả đều là những bà tiên trong các truyện cổ tích. Vào năm mười lăm thì đã khác đi rồi. Con bé đã dại dột để lọt vào trong mắt những ý nghĩ vẩn vơ, những thèm muốn vô danh và vẩn đục”. Tôi muốn nhìn thấy mắt Phi, không đúng, tôi muốn nàng nhìn tôi. Nhìn tôi, Phi! Thiếu nữ ngửng đầu, đôi mắt long lanh dừng trên mắt tôi. Ðừng quay đi vội, đừng quay đi vội Phi. Thiếu nữ phá lên cười. “Cháu xấu, cháu bẩn, cháu khốn nạn thế này thì ai mà thương cháu được cơ chứ”, cái gương đập mạnh xuống sàn, một mảnh bắn vụt ngang sân khấu phản chiếu lấp loáng ánh đèn. Ðứng sững, tay buông thõng, Phi nhìn tôi. “Thưa thầy, thế nào là tốt? Thế nào là xấu? Sự xấu, sự tốt phải chăng chỉ là ảo tưởng của từng người”. Tôi ngậm nguyên điếu thuốc trên môi. Ðường nét, hình dáng Phi mờ đi, khói thuốc hay cái gì khác. Em hỏi tôi phải không Phi? Tôi không trả lời được, tôi không thể trả lời được… Tôi vùng ném mạnh điếu thuốc xuống chân, nhìn Phi kia, nhìn Phi kia. Thiếu nữ ngồi trên ghế, tay siết chặt chiếc khăn, người như muốn lao vào khoảng trống trước mặt, giọng thất vọng: “Cuối cùng, lời giảng dạy của các ông thầy trở nên nhạt nhẽo, buồn tẻ, và chúng nó chỉ còn biết nhìn công trình xây dựng các thầy bằng đôi mắt thương hại như nhìn công trình xây cất của lũ dã tràng ngoài biển cả”. Ðôi mắt bất động mở lớn trên đùi tôi, mái tóc bết bùn và máu, hắn chết rồi, chết rồi, chết rồi. Một con cua nhỏ từ bọt nước đục ngầu ngoi lên, leo lên đầu gối tôi, nó giơ càng bé xíu quờ quạng. Vụt túm lấy mái tóc, nó đu sang chui vào giữa, mất dạng trong những sợi tóc bết máu và bùn, đôi mắt vẫn mở lớn, hắn chết rồi, chết rồi. Thiếu nữ ngã vật người lên thành ghế, la lớn: Thôi thầy im đi, im đi.

Thế Uyên và Phạm Phú Minh, California 1998.

Thế Uyên và Nguyễn Tường Giang, Maryland 1997

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Người đàn ông đứng dậy che khuất Phi, bàn chân trắng duỗi trên mặt sàn. “Thôi, thôi. Ðừng nói nữa. Mặc tôi. Thầy hãy đi đi…đi đi…”. Tôi không thể đi được khỏi dù chỉ một phân bức phông này. Phải đứng đây, chỉ có thể đứng lại đây, như thế. Phi, khi màn hạ, đừng nhìn tôi, hãy đứng dậy đi về phía bên kia sân khấu! “Ai cho cô làm việc ấy! Ai cho cô cái quyền ấy? Trả lời đi, trả lời ngay đi… À, cô không trả lời được. Bởi vì không ai trả lời được hết. Ðược rồi, cô có gan giết bào thai con cô, cô có gan giết người, vậy cô hãy thử bóp chết con mèo này đi! Bóp chết nó đi…bóp chết nó đi. À, tại sao cô không dám làm? Cô giết mình được, giết con được, cô bóp chết được một linh hồn nhỏ nhoi vô tội do cô sáng tạo ra. Vậy mà cô run sợ trước con vật vô nghĩa này”. Thân thể oằn oại về phía sau, tôi siết chặt hơn nữa, thân thể vụt trở nên mềm như một khối nhão, tôi kinh tởm buông ra. Thân thể đổ vật xuống. Tôi buồn nôn, tôi muốn nôn. Một bóng đen vụt hiện đến bên. Tôi thì thào: “Nó chết rồi, dẫn trung đội 1 lên mặt này. Mau! Có lệnh tôi hãy bắn cho chắc ăn”. Tôi loạng choạng lao về phía trước, chân tôi vừa giẫm lên bụng thân thể ấy. “Bắn! Bắn! Lựu đạn! Mau, đồ gà chết cả lũ!”. Bàn tay Phi buông thõng về phía sau, một bên mái tóc đẫm nước lóng lánh. Em khóc thật, Phi? Em mới mười sáu tuổi, khi màn buông, em mới mười sáu tuổi, hãy đứng lên, đừng nhìn tôi, đi về phía bên kia sân khấu, em hãy còn mười sáu tuổi, đừng nhìn tôi, đi về phía bên kia sân khấu để tôi có thể trở về một mình như một khối đá đen, như cuộc chiến tranh này, như thân thể oằn oại vụt trở nên mềm nhũn rũ xuống cỏ. Không, tôi không muốn, em mới mười sáu tuổi, tôi đá đen và cuộc chiến, và con cua giơ càng quờ quạng túm những sợi tóc bết máu. Không, tôi không muốn. Thiếu nữ vùng gục xuống đùi, rung động như một thân cây bị chặt gốc đổ rụp. “Không không…tôi không còn biết gì nữa, tôi không còn biết phải làm gì nữa!”. Màn vụt buông xuống ngăn cách những đầu người nhấp nhô, người đồng diễn giơ hai tay lên thoải mái. Phi, ngửng đầu lên nhìn tôi, đứng dậy tiến lại, tôi không thể rời đôi mắt mở lớn, tôi không thể rời. Bàn tay nhỏ đặt lên cánh tay tôi và một nụ cười. Văn chạy đến: “Ðóng khá quá. Khóc thật đấy à? Chịu em thật. Ðứng nhìn em gục đầu xuống đùi đập trán vào micro, thấy ớn quá! Có chảy máu không, thuốc đỏ ở hộp cứu thương cuối phòng. Ông ra lấy bôi cho Phi đi”. Bàn tay rời khỏi cánh tay tôi, đôi mắt như hớn hở. “Thầy đợi em thay quần áo”. Tôi có cảm tưởng như tất cả rạp xao động nhìn tôi và Phi. Những hàng ghế dầy đặc. “Hay lên ban công phía cuối ngồi?” Mái tóc lắc lư. “Thôi ra ngoài hiên vậy”. Tôi mở cửa bên, đưa Phi ra ngoài, hành lang đầy bóng tối, trời mưa lớn, nước lấp lánh kéo dài, những ánh đèn cột điện bên kia hàng cây. Gió lạnh, những giọt nhỏ hắt lấm tấm trên da mặt. Tôi tìm bàn tay thiếu nữ, bàn tay nóng, rụt rè lồng những ngón tay vào nhau. Hành lang dài, tận cùng bằng vùng ánh sáng cửa rạp. “Có lúc em cuống, tưởng tìm nhìn thầy sẽ lấy lại bình tĩnh. Nhưng…thầy! Nhìn thêm lần nữa, chắc em không thể tiếp tục diễn xuất được nữa”. Khuôn mặt Phi vào vùng ánh sáng, một học sinh đi vào, tôi tựa vào vách nhường lối. Cổng trường trước rạp mờ hẳn dưới mưa. “Phi! Lội mưa đi uống cà-phê? Tôi vào lấy áo cho Phi…” Thiếu nữ lắc đầu, tránh không nhìn tôi, không nhìn mưa, không nhìn gì cả. “Ði trở lại Phi, vào bóng tối, từ mấy tiếng, Phi đã ở trong ánh sáng của mọi người”. Thiếu nữ dừng bên cạnh chiếc cột, nhìn mưa, những ánh đèn qua mưa, qua lá cây lốm đốm rung rinh trên vải áo. Tôi cầm bàn tay đưa lên môi hôn. “Thầy…” “Ðừng gọi tôi là thầy nữa. Chiến tranh đã giết chết ông thầy cũ rồi, chỉ còn một người lính”. Tôi luồn trong mái tóc, úp bàn tay lên gáy Phi, tôi muốn hôn, tôi phải hôn lên đôi mày xanh mướt của dĩ vãng, của những thời gian và cuộc đời cũ. “Ngửng lên nhìn tôi…” Tôi cúi xuống, lớp lông mịn như một vết buồn trên môi. “Nhìn tôi, anh muốn nhìn thấy mắt em”. Ðôi môi nhỏ di chuyển, lẩn trốn. “Em sợ!” Tôi vùng vòng tay qua vai, lớp len ướt nước mưa hắt, “cầm lấy tay anh, thật chặt”. Cổ họng khô, giọng khàn, tôi thấy khát nước, khát nước vô cùng. Giơ bàn tay ra hứng nước mưa trên mái, tôi cúi xuống. Tôi ngửng lên, một bàn tay nhỏ giơ lên, những giọt nước mưa bắn tung tóe. “Phi hết sợ rồi sao?” Bàn tay kia của tôi chịu một siết chặt hơn như một nụ cười. “Có lần hành quân, trời mưa lớn như thế này, dừng chân dưới mái tranh một nhà dân, anh giơ tay hứng nước mưa uống, bà cụ chủ nhà, già lắm, tóc bạc và da nhăn nheo như trái khô, nói: “Ngày trước ở vùng này, khi người con gái uống nước mưa trong bàn tay người con trai là tỏ ý thương nhau”. Tôi giơ ngửa bàn tay, giữ nước đọng lại “Uống đi Phi”. Vũng nước óng lên trong khoảng ánh đèn, đôi môi ghé xuống, đầu chiếc lưỡi nhỏ của một con mèo thu nước từng giọt. “Trong miệng em, chỉ còn nước mưa. Ðừng uống hết, ngửng đầu lên, em”. Ðôi mắt mở rộng, đôi môi mở dần gọn ghẽ trong miệng tôi, những cử động mấp máy xuất hiện rụt rè, vụt biến đi, rời khỏi. Tôi giữ chặt Phi trong hai bàn tay, nâng lên, hình như có một người, nhiều người vụt đi qua phía sau, tôi cúi hôn, hàng mi hạ xuống, những vệt buồn trên làn da. Tôi sững sờ ngửng lên quay lại, một bóng người rụt rè: “Thưa thầy, thầy An xin cho chị Phi trở lại sân khấu!”. Tôi thu bàn tay còn trên vai thiếu nữ, cho vào túi lấy bao thuốc. Người con gái cúi xuống, cài lại quai giày bị sút, những ngón tay vội vã. Tôi cúi xuống. “Ðừng, đừng…”. Tôi đứng lên châm thuốc. Cửa ngách vào rạp đã mở, trong khoảng ánh sáng, nhiều người lố nhố, Phi lướt qua tôi, tiến đến khung cửa sáng. Tôi đi theo, lo âu đột nhiên tới cùng tức giận. Tôi đang đưa con bé này vào tay bầy thú dữ. Ðúng thế, chỉ là thế. Giáo sư trưởng ban văn nghệ, cúi xuống nói liên tiếp, thiếu nữ ngồi thu nhỏ trên ghế chịu đựng. Tất cả những cặp mắt sau sân khấu tập trung lại góc này, người giáo sư và cô bé cúi đầu và tôi ngồi tựa tường trước mặt. Tôi hút thuốc lá liên tiếp, không ngửng nhìn. Ðôi vai nhỏ thu lại thêm, hàng mi hạ xuống mấp máy, tôi không nghe thấy người đàn ông nói, âm nhạc ồn ào, nhưng tôi có thể đoán dễ dàng: Tại sao trò lại cư xử như thế! Thầy Dư là thầy dạy cũ. Làm như thế là trái đạo… Không, anh chàng này có vẻ thông minh, chắc hắn nói: Yêu ai là quyền của các trò. Nhưng đêm nay tôi chịu trách nhiệm ở đây, trò nghĩ sao nếu ba má biết chuyện này và trách cứ tôi? Hắn chắc nói thế, mái tóc Phi đã rũ xuống che một bên má, tôi bực tức nôn nao trong cơ thể. Ðối với tôi, chỉ chuyện một người đàn ông hôn một người con gái, nhưng, đúng thế, tất cả dư luận phán xét không nghĩa lý gì, không một ảnh hưởng nào tới tôi, cục đá đen lăn lóc. Nhưng người đàn ông đang cúi đầu trách cứ, những cặp mắt tứ phía long lanh như mắt mèo đổ dồn lại góc này như gào thét.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Tôi siết chặt tay vào thành ghế, người căng lên đầy sức mạnh nóng nảy. Tôi ngồi đây như thế, tôi không sợ gì cả, tôi không sợ bất cứ đe dọa nào – cho tôi, nhưng chiếc ghế bên kia, thiếu nữ thu hẳn người lại, ẩn núp. Tôi không thể làm gì được, ngoại trừ ngồi góc này chờ đợi. Tôi biết tôi bất lực, hoàn toàn bất lực. Ðoàn xe tiếp tục chạy, chiếc thiết giáp hộ tống xuất hiện ở một khúc quanh trước mặt, tài xế nói: Thiếu úy cho xin điếu thuốc! Tôi kẹp bản đồ vào đùi, đưa tay vào túi. Thế nào cũng bị phục kích, tôi biết rõ như thế từ lúc nhận lệnh trong phòng hành quân sư đoàn, tôi đã cố sắp xếp đoàn xe cho vững nhất, tôi đã kiểm soát hệ thống truyền tin, đã phát hỏa châu đỏ, bây giờ tôi chỉ còn một việc để làm: chấm tọa độ liên tục để khi bị phục kích, gọi phi cơ tiếp viện dễ dàng. Binh sĩ sẽ không trở về tất cả, tôi không thể làm gì hơn là bấm ngón tay liên tiếp trên bản đồ để xác định vị trí đoàn xe. Tôi châm thuốc, Văn lại gần xoa tay cười: “Còn ba màn nữa là xong… Có chuyện gì đấy?”. Tôi mỉm cười: “…và thiên hạ đang xài xể con bé”. Văn nhìn sang ghế bên, quay lại nhìn tôi: “Toi, professeur!”. Tôi tức giận, hết sức tức giận. Văn vụt cười bước đi, tôi không nói gì cả. Tôi có một mình ngồi đây riêng một góc với tiếng nhạc vang động. Ðột nhiên tôi nghe tiếng động cơ ù ù. Chiếc xe bị mìn máy vẫn còn chạy. Tôi lại gần, bên dưới, một chiếc đùi nằm chơ vơ. Cách đó, một đống ruột kèm lá gan nằm trên mặt nhựa. Tôi đếm: một chân, hai chân, một người chết. Binh sĩ cận vệ cãi: Hai người… Nhiều chân tay thế này. Tôi đi dọc rãnh, coi các vết thương, nhặt những khẩu súng không người sử dụng. Bây giờ tôi bắt đầu nghe thấy các tiếng rên la, tôi nói đi nói lại một câu: Ráng lên! Trực thăng sắp tới bây giờ. Một binh sĩ gẫy hết răng cửa, giơ tay đầy máu và nước bọt lên. Tôi nắm lấy, ráng lên, ráng lên… Tôi ngồi trên vệ đường, quay lưng lại những tiếng kêu, một đống súng bê bết bùn và máu để trước mặt. Tiếng khu trục lượn vòng trên cao. “Thiếu úy! Em đau quá!”. Ráng lên, ráng lên, trực thăng tới bây giờ. Tôi không ngoảnh đầu lại, tôi làm gì được cho họ. Y tá chết, đồ cứu thương không có, tôi đã chia hết bao thuốc lá còn lại cho những người còn hút được. Tôi đột nhiên tức giận, hết sức tức giận. Tôi chạy lại chiếc xe bị mìn, nhắm đầu đen-cô bắn, một tiếng nổ, một chuỗi tiếng nổ. Máy vẫn chạy ù ù. Tôi nguyền rủa. Phi ngửng đầu lên, tất cả quay lại nhìn tôi. Má Phi ướt đẫm nước. Tôi đứng dậy, thật thẳng, tiến lại. Tôi cúi xuống, đặt tay lên cánh tay Phi, nói: “Em chưa làm điều gì xấu hết. Bất cứ ai trách cứ, bảo tại tôi, tại tôi cả”. Ðôi mắt Phi mở lớn nhìn, im lặng. Tôi quay đi, xuống mấy bực gỗ. Ngoài trời mưa lớn, tôi đi vào con đường không đèn lầy lội, nước lạnh chảy dọc thân hình. Tôi tiếp tục bước, giày ngâm sâu trong bùn, tôi không hiểu cái nhìn sau cùng của Phi, trách cứ? Chịu đựng? Tôi không biết, không thể biết, sáng mai tôi rời khỏi nơi này. Tôi muốn nói với tôi: Sau cùng, nào có gì đâu, sau cùng, mãi mãi tới khi chết, có lẽ chỉ còn những giọt nước mưa cao nguyên uống trong lòng bàn tay. Nhưng tôi không nghe thấy tôi, tất cả câm nín. Có tiếng động cơ ù ù? Không, chỉ có tiếng mưa đập trên áo mưa. Ðột nhiên tôi mong hết sức ngày mai Chi ra đón ở phi trường, tôi sẽ ôm Chi để không còn nghe thấy gì cả, hoàn toàn không còn nghe thấy gì cả./.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

TU (1966)

Trần Vũ đánh máy lại từ trang 95 đến 115 theo bản in trong tập Nỗi Chết Không Rời, tập truyện ngắn của Duy-Lam và Thế-Uyên, mẫu bìa của Đằng Giao, tranh bìa của Duy-Thanh, do Nguyễn Đình Vượng xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Nhà xuất bản, in xong ngày 10 tháng 8 năm 1966.

Đính chánh

Trong số trước, phần Tiểu sử Thế Uyên, sách đã xuất bản,  có sự nhầm lẫn” về tác phẩm

Hồi Chuông Tắt Lửa (truyện dài, 1964) tác giả là Thế Nguyên, không phải Thế Uyên.

Trẻ xin chân thành cáo lỗi cùng độc giả sự sai sót này.