Năm 74, phần thưởng lên đệ lục cho tôi là thiết giáp hạm Yamato mua ở thương xá Tax. Suốt tuần lễ tôi loay hoay ráp rồi sơn và dán kỳ hiệu. Tôi sung sướng vô cùng đây tàu chiến to nhất thế giới. Tôi vừa đọc xong bản dịch của Nguyễn Nhược Nghiễm nên ôm con tàu vào lòng giống đang hải hành cùng với nó. Gần nửa thế kỷ sau ngồi đánh máy hiệu đính lại những trang cuối, kỷ niệm của tuổi hoa niên trở về trên từng dòng chữ. Nhưng đã chương kết, đành chia tay với Hara và trả ông về lại Thái Bình Dương. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Bỗng nhiên tôi thấy cánh tay khổng lồ buông tôi ra. Tôi lại chòi đạp. Quanh tôi bao phủ một màu đen sẫm, nhưng có vẻ nhợt nhạt dần. Sau đó, trước mặt tôi những luồng bọt nước thấp thoáng trồi lên. Ðó là không khí còn sót lại trong quần áo và buồng phổi của tôi. Ðau đớn vì nghẹt thở, tôi há miệng và nuốt một bụng nước biển, nhưng thình lình đầu tôi trồi lên khỏi mặt nước. Tôi thở liên hồi, đầu óc trống rỗng. Trong cơn choáng váng, tôi không biết phải làm gì, tôi thả trôi bập bềnh.

Dần dần mắt tôi nhìn rõ trở lại, và tôi biết lúc đó là vào giữa ban ngày. Một âm thanh lao xao do tiếng nói của nhiều người gây ra. Nhìn quanh, tôi thấy nhiều cái đầu nổi trên mặt nước, và tất cả đều màu đen. Trong trạng thái mê hoảng, tôi có cảm giác đây là bãi tắm của những người da đen, và tôi đang bơi lội với họ. Trí não của tôi hồi tỉnh chậm chạp.

Tôi vẫn còn ngơ ngác. Mệt mỏi và căng thẳng của trận đánh, tiếp theo là sự đổ vỡ và xúc động, tất cả đã vượt sức chịu đựng. Bây giờ tôi nghe tiếng gọi: “Hara, anh bình yên chứ? Hara! Anh nghe tiếng tôi không?”

Tôi thả trôi về hướng phát ra tiếng nói. Một người có khuôn mặt đen thui đang vẫy gọi. Tôi nhận ra Ðề đốc Komura. Khuôn mặt sạm nắng của ông, và ngay cả khi dầu bám đầy, tôi cũng có thể nhận ra ở khoảng cách 10m.

“Tôi bình yên, Komura.” Tôi đáp và hỏi: “ Còn Ðề đốc thì sao?”

“Tôi bình yên.”

Trần Vũ đứng giữa anh Cả và chị Cả với thiết giáp hạm Yamato 

Những người da đen chung quanh tôi chính là các thủy thủ của tôi. Tôi vuốt mặt và cảm thấy mặt tôi dính đầy dầu nhớt. Mặt nước cũng bao phủ dầu do chiếc Yahagi tuôn ra. Nhiều thủy thủ bám vào những mảnh ván vụn, điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì tôi đã nghĩ là toàn thể thủy thủ của tôi đã chết.

Khi mắt tôi nhìn rõ trở lại, tôi tìm kiếm chiếc Yamato. Chiếc tàu vẫn vĩ đại và hấp dẫn cho dù cách tôi đến 6 dặm, và đang bị một số phi cơ địch đông như đàn muỗi bu quanh.

Trong lúc thả trôi dập dềnh, không biết số phận ra sao, tay tôi bỗng chạm một khúc gỗ trôi ngang qua. Tôi bám ngay lấy và tạm yên lòng để suy nghĩ phải làm gì để thoát thân.

“Ê, xê ra, nhường một chỗ coi!” Tiếng nói vang lên phía sau tôi. Một thủy thủ trẻ đang cố bơi về phía khúc gỗ. Tôi bám vào một đầu và nhường đầu kia cho hắn. Sau khi bám được, hắn nhìn tôi vẻ biết ơn.

“Anh là ai? Tên gì?” Hắn hỏi sau khi lấy hơi thở.

“Tên tôi là Hara. Tôi ở trên tuần dương hạm Yahagi.” Người láng giềng mới của tôi há hốc miệng, nhìn tôi trừng trừng một lát rồi ấp úng nói: “Xin Ðại tá thứ lỗi cho sự vô lễ của tôi. Tôi là binh nhất Daiwa… Tốt hơn là tôi nên đi tìm một khúc gỗ khác. Khúc gỗ này nhỏ không đủ sức cho 2 người bám vào.”

Hắn nhìn quanh một cách lo lắng. Tôi nói: “Ðừng có điên! Hãy bám vào cho chắc. Cả hai chúng ta có thể tạm dùng được. Anh bị thương phải không?”

“Dạ không, không có một vết trầy nào cả, thưa Ðại tá. Asamo và tôi quyết định chết theo Yahagi. Chúng tôi lẻn vào kho đạn số 3 và cùng nằm ở đó để đợi phút tan tành, nhưng Trung sỹ Yamada đến ra lịnh cho chúng tôi lên sàn tàu. Ông ta nói: “Ðây là chỗ của tôi!” rồi làm hùng làm hổ khiến chúng tôi phải nhảy lên cầu thang. Tôi trặc chân và trẹo xương mắt cá, nhưng không ăn nhằm gì. Tôi không biết tính mạng của họ ra sao…”

“Ðừng lo lắng nữa, Daiwa. Bây giờ chỉ nghĩ đến sống sót mà thôi. Anh sẽ thoát khỏi tình cảnh này nếu anh không bỏ cuộc.”

Chúng tôi nhìn quanh, nhận thấy soái hạm Yamato vẫn còn hoạt động. Thình lình khói trắng tuôn ra ngang mực nước của thân tàu. Và cả hai chúng tôi đều kêu to lên khi khói trắng càng lúc càng tuôn ra như sóng cuộn cho đến khi bao phủ toàn thể chiếc thiết giáp hạm khổng lồ, trông giống như là đỉnh tuyết của ngọn Phú Sĩ. Kế đó là khói đen lẫn lộn với khói trắng, tạo thành hình một chiếc nấm vĩ đại, cao đến 2,000m. Khi chiếc nấm này tan dần, chúng tôi nhìn mặt biển, không còn thấy gì nữa. Yamato đã biến mất. Những tiếng nổ khủng khiếp vào lúc 14g23 của ngày 7 tháng 4 đó đã chấm dứt biểu tượng “Không bao giờ chìm” của Hải quân Hoàng Gia.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy buốt lạnh. Lúc ấy trời đang mưa. Khi nghĩ đến Yamato, nước mắt của tôi hòa lẫn với nước mưa và nước biển.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Sau chiến tranh, Ðề đốc Morishita, một trong số 269 người của Yamato còn sống sót, đã kể cho tôi nghe các chi tiết xảy ra vào những giây phút cuối cùng của thiết giáp hạm vĩ đại này.

Vào lúc 12g40, Yamato lĩnh nhiều quả bom trực tiếp đầu tiên, và một quả ngư lôi ở mạn trái 10 phút sau đó. Tính ra, mạn trái của chiếc tàu trúng 10 quả ngư lôi và mạn phải trúng hai quả tất cả.

Ðại tá Jiro Nomura, hạm phó của Yamato, vào lúc 14g05 đã xác định rằng công việc sửa chữa cấp thời không thể nào xúc tiến. Do đó, Phó Ðô đốc Ito, đứng trên đài chỉ huy suốt trận đánh, đã đình chỉ cuộc hành quân và ra lịnh: “Bỏ tàu.”

Khu trục hạm Fuyutsuki được gọi đến để đảm trách việc di tản, nhưng chiếc tàu này khó có thể chạy nhanh hơn sức chìm của Yamato. Trung tá Hidechika Sakuma, hạm trưởng của Fuyutsuki, sợ chiếc tàu nhỏ bé của mình bị chiếc tàu khổng lồ lôi theo xuống đáy biển nên không dám tiến lại gần.

Ito bắt tay các sỹ quan hiện diện trên đài chỉ huy và lui vào phòng riêng để chết theo tàu. Hạm trưởng của Yamato, Ðề đốc Aruga, tự trói vào đài chỉ huy. Ðề đốc Morishita, tham mưu trưởng của Ito, phải tranh luận sôi nổi với các sỹ quan trên đài chỉ huy muốn chết theo Ito và Aruga, để cuối cùng ông thuyết phục được họ cùng với ông bỏ tàu. Ðộ nghiêng về mạn trái của chiếc Yamato gia tăng nhanh chóng khi trúng quả ngư lôi cuối cùng vào lúc 14g17 phút. Ba phút sau, độ nghiêng lên đến 20 độ, và những tiếng nổ xảy ra từ hầm đạn đã nhận chìm chiếc tàu xuống đáy biển cấp tốc. Những tiếng nổ này đã cứu Morishita và những người khác, đẩy họ văng ra khỏi tàu.

Vẫn bám vào khúc gỗ, nhiều phút sau khi chiếc Yamato chìm, tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Tuần dương hạm của tôi chìm, tôi buồn bã, nhưng nỗi buồn này không bằng phân nửa đối với sự mất mát chiếc thiết giáp hạm lớn nhứt thế giới. Nhìn quanh, tôi không còn thấy bóng dáng Ðề đốc Komura đâu nữa, và ở đầu bên kia khúc gỗ, anh bạn trẻ Daiwa cũng mất tăm. Quanh tôi không còn một người nào. Hình như tôi đang ở trên một dòng nước đẩy tôi ra xa những người khác. Như vậy là tôi sẽ chết một cách cô độc? Bây giờ tôi nghe nhiều tiếng hát, lẩn quất đâu đây.

Tôi nhớ lại huấn lịnh dành cho những người sống sót và trôi nổi trên đại dương: không nên la hét, mà phải bất động để gìn giữ năng lượng. Những người đang ca hát này, có thể, đã cho rằng họ không mong gì được tiếp cứu, và cũng có thể, họ muốn vực dậy tinh thần qua tiếng hát. Thêm nhiều người kết hợp, tiếng hát càng mạnh mẽ hơn. Ðó là những câu hát phỏng theo bài Chiến Sỹ Ca, bài ca nằm lòng của các chiến binh Nhựt từ nhiều thế kỷ.

Nếu tôi rời xa biển cả,

Tôi sẽ trở về như xác chết nổi trôi

Nếu nhiệm vụ gọi tôi lên núi,

Ðồng cỏ xanh sẽ là áo khoác thân tôi

Vì đã nguyền hiến thân cho Thiên hoàng,

Tôi sẽ không chết bình yên giữa thê nhi yên ấm. 

Khi bài ca lặp lại, chính tôi cũng bị lôi cuốn vào. Thỉnh thoảng, xen vào âm thanh bi tráng này, là những tiếng la to “Tenno heika, Banzai!” (Thiên hoàng vạn tuế!). Chứng tỏ có một số người đang hát bị thương nặng hoặc kiệt lực nên đành bỏ dở giữa chừng bài hợp xướng, và xuôi tay vĩnh viễn. Tôi nhắm mắt. Tiếng hát chỉ còn phảng phất bên tai.

Tôi biết mình cũng đang đi dần vào cõi chết. Bây giờ âm điệu tiếng hát trở thành du dương mơ hồ, như tiếng hát ru con, mang tôi trở lại ấu thời với tiếng ru của mẹ tôi, và lần lượt hiện lên hình ảnh ông nội tôi, những ngày đi học, những ngày ở Hàn Lâm Viện, chuyến đi vòng quanh thế giới, lúc tôi bước chân vào một thương xá ở New York, những ngày mới ra trường của một sỹ quan trẻ, thời gian dính líu tình cảm giữa tôi và một cô Geisha. Chiếc kính vạn hoa này lại chuyển sang hình ảnh sống động của mẹ tôi, thoáng qua hình ảnh của vợ tôi, và kế đó là chân dung lúc tôi đã trở thành một sỹ quan chín chắn, và cuối cùng là gương mặt của đám con tôi.

Ảo ảnh tan biến trước mắt tôi với những dòng nước mắt chảy dài xuống má. Tôi nghĩ đến lần nghỉ phép cuối cùng tại nhà, đúng 4 tháng qua, và tôi nghĩ đến vợ con. Tôi thấy trước những gian nan vất vả mà vợ con tôi sẽ gặp một khi tôi ra đi vĩnh viễn. Tôi muốn tất cả hãy quên tôi, và cố gắng hiểu hoàn cảnh của tôi. Ðối với Chizu, tôi là một kẻ ích kỷ, kết hôn với tôi, nàng đã xa rời hẳn đời sống yên ấm của thời thiếu nữ. Bây giờ tôi không bao giờ về lại với vợ và 3 đứa con thơ. “Hãy quên anh, Chizu!”

Tiếng hát im bặt hẳn. Nước bỗng nhiên lạnh lẽo hơn. Tôi rùng mình, cảm thấy thân thể giá buốt. Ðôi tay tôi dần dần tê liệt, bám giữ khúc gỗ một cách khó khăn. Một vật gì trôi lờ đờ trước mắt, tôi cố đưa tay vớt lên. Không gì khác hơn một mảnh giấy nhớp nhúa dầu cặn. Ðịnh bỏ xuống, nhưng không hiểu sao, tôi nhét mảnh giấy vào túi áo. Tay tôi chạm phải một vật khác lạ trong túi áo. Tôi lôi ra. Ðó là một đoạn dây nhỏ, dài khoảng một mét rưỡi. Tôi không nhớ tại sao đoạn dây này lại ở trong túi áo, nhưng nó đã làm thay đổi hoàn toàn tình huống hiện tại của tôi.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Tôi dùng đoạn dây tự trói vào khúc gỗ. Như vầy, cho dù buông tay, tôi vẫn không chìm. Và biết đâu tôi sẽ trôi tấp vào một bờ biển Nhựt?

Phi cơ địch quay lại, có thể đây là làn sóng tấn công cuối cùng. Nhưng trí óc của tôi càng lúc càng trì độn, cho nên mặc dù đạn đại liên trút xuống mặt biển như mưa, tôi cũng không thấy liên quan gì đến tôi. Hỏa lực của phi cơ tập trung vào những nhóm thủy thủ đông đảo còn sống sót, cách tôi khá xa, nhưng nhiều viên đạn bay lạc rơi xèo xèo quanh tôi. Không một viên đạn nào trúng tôi, nhưng tiếng kêu xèo xèo của mấy viên đạn cắm xuống nước khiến tôi tức giận, và phản ứng tự nhiên, tôi hụp đầu xuống nước. Cơn tê dại của tôi bỗng nhiên biến mất.

Sau đó, phi cơ địch bay mất dạng, nhưng tôi sửng sốt khi nhìn thấy một chiếc thủy phi cơ Martin sà thấp và đáp trên mặt nước, cách tôi khoảng 300m. Tôi lại hụp đầu xuống nước. Nhưng chiếc Martin không chú ý đến tôi, nó lướt thẳng đến chỗ khoảng nước nhuộm xanh đánh dấu vị trí một phi công Hoa Kỳ đang trôi lềnh bềnh trên phao cấp cứu, vớt lấy rồi cất cánh. Tôi theo dõi hoạt động tiếp cứu này với những suy nghĩ đầy đố kỵ.

Toàn thể khu vực dần yên tĩnh trở lại. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy dễ chịu, và bắt đầu nhìn lại những gì xảy ra trong trận đánh vừa qua. Tôi đã tỏ ra vụng về khi điều động Yahagi chống lại phi cơ đối phương. Trên một chiếc khu trục hạm, tôi sẽ điều động mọi việc một cách trôi chảy, không hề bối rối, bởi lẽ kinh nghiệm thực sự của tôi chỉ là kinh nghiệm của một hạm trưởng khu trục hạm, không hơn kém.

Tôi đã sai lầm khi áp dụng lại cách điều động chiếc Shigure từng gây rối loạn cho 2 oanh tạc cơ địch gần Kavieng trước đây. Nhưng Yahagi có tốc độ cao và lanh lẹ hơn Shigure rất nhiều, tại sao tôi lại cho chiếc tuần dương hạm này chạy theo hình chữ chi lỗi thời để đến nỗi ngư lôi địch đuổi kịp nó?

Vâng, tôi đã sai lầm, bởi vì tài năng của tôi đã cùn đi sau một năm phục vụ trên bờ. Ðáng lẽ ra Bộ Tư Lịnh nên giao phó cho tôi nhiệm vụ trên biển, thay vì công việc trên bờ không phù hợp với khả năng của tôi. Hơn nữa, tất cả những gì tôi được huấn luyện và thực hành – ngư lôi tầm hướng, đầu nổ kíp điện và trọng pháo có radar điều khiển – không thể nào sử dụng để chống lại phi cơ địch trong trận đánh vừa rồi. Mọi thứ chúng tôi làm đều sai lầm hết. Ngay cả chính cuộc hành quân này, không có bất kỳ loại bảo vệ nào từ trên không, là một sai lầm khổng lồ.

Từ lúc chiếc Yahagi chìm, tôi không biết thời gian đã bao lâu. Trời đã đêm và gió đang thổi. Tôi lạnh run và bắt đầu buồn ngủ, nhưng tôi cố gắng chống lại, vì biết rằng ngủ quên sẽ có nhiều sơ suất chết người. Nhưng, bây giờ đã đến lúc một Samurai chuẩn bị để chết. Tôi có thể bình tĩnh đợi chờ cái chết, không than van, không hối tiếc.

Quanh tôi không còn tiếng gì khác hơn là tiếng nước vỗ vào khúc gỗ. Tôi nhắm mắt lại, đầu tựa lên khúc gỗ, và thiếp ngủ. Hình ảnh quá khứ lại hiện lên trong mộng mị. Lần đầu tiên tôi đi ghe từ Shikoku đến Honshu để dự thi vào Hàn Lâm Viện Hải quân. Tiếng máy của chiếc xuồng có một âm thanh độc đáo, tôi có thể nghe lại rõ ràng, không giống như trong mơ chút nào.

Tôi mở bừng mắt, và âm thanh vẫn tiếp tục. Không phải là âm thanh trong mơ. Là tiếng máy của một chiếc khu trục hạm, chạy cách chừng một dặm. Tôi nghĩ là chiếc tàu này vẫn còn chống chọi với các phi cơ địch đeo đuổi, tôi lại tựa đầu lên khúc gỗ, nhắm mắt ngủ nữa. Nhưng tiếng động cơ vang to hơn bên tai đã quấy rầy giấc ngủ chập chờn của tôi. Tiếng động cơ này quá gần, không phải của chiếc khu trục hạm. Tôi nhìn lên, và thấy một chiếc ca-nô! Chiếc ca-nô nhỏ bé này, thường trang bị cho khu trục hạm, cách tôi không hơn 200m, nhìn thấy rất rõ giữa các đỉnh sóng. Tôi tự hỏi không hiểu nó quanh quẩn ở đây làm gì?

Chiếc ca-nô biến mất. Tôi cố rướn lên để nhìn. Sau một vài phút, nó xuất hiện trở lại, lần này chỉ cách tôi khoảng 50m, và đang chạy vòng quanh để tìm kiếm những người còn sống sót. Bỗng nhiên tôi hoảng hốt. Tôi muốn sống nhưng đã tuyệt vọng. Và bây giờ tôi sợ chiếc ca nô không tìm thấy tôi. Tôi gom hết tàn hơi la lên thực to, nhưng vô ích.

Trong cơn tuyệt vọng, tôi tháo dây buộc và dùng chân tay chòi đạp mặt nước dữ dội. Chiếc ca-nô nhìn thấy, xoay mũi chạy về phía tôi. Khoảng cách giữa tôi và kẻ tiếp cứu hình như dài vô tận. Khi chiếc ca-nô xáp đến, tôi kiệt sức đến nỗi không thể giơ tay để bám vào, nhưng 4 cánh tay mạnh mẽ đã tóm lấy và nhanh nhẹn lôi tôi lên.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Thực kỳ lạ, ngay khi tôi chạm chân lên sàn khô ráo, năng lực tiêu tán của tôi phục hồi. Tôi ấp úng thốt lời cảm tạ những người đã tiếp cứu tôi, và tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài tôi ra không còn kẻ sống sót nào khác và đây là chuyến tiếp cứu cuối cùng.

Sau đó, chiếc ca-nô tiếp tục quần tìm 15 phút nữa, nhưng không có kết quả nên quay về khu trục hạm Hatsushimo. Năng lực vừa phồng lên của tôi bỗng nhiên xẹp xuống khi tôi cố gắng leo lên thang. Chân tôi không thể nào cất lên nổi, hai thủy thủ phải đưa tay nhấc mạnh tôi lên sàn tàu.

Hạm trưởng Hatsushimo, Trung tá Masazo Sako, chào đón tôi: “Mừng Ðại tá thoát nạn. Chúng tôi tìm kiếm Ðại tá gần như đã tuyệt vọng. Ðề đốc Komura đang nghỉ trong phòng tôi.”

Tôi cám ơn Sako, và đi vào phòng để trút bỏ bộ quần áo ướt nước biển và dầu nhớt của tôi. Ðược nhân viên y tế chích thuốc, tôi phục hồi mau lẹ. Tôi cám ơn họ và xin một ly sakê.

Viên bác sỹ đứng gần đó đã cười to và nói: “Có ngay, Ðại tá Hara! Thường thường tôi từ chối đòi hỏi như thế này, nhưng tôi chắc sakê là phương thuốc tốt cho Ðại tá!”

Trong khi tôi nhấm nháp, viên bác sỹ kể lại vắn tắt những diễn biến thấy được từ chiếc tàu này.

“Chiếc Hatsushimo đóng góp vào trận đánh này không bao nhiêu. Vì quyết tâm tấn công soái hạm Yamato, phi cơ địch chỉ lướt ngang qua chúng tôi. Do đó, chiếc tàu của chúng tôi không hề bị trực tiếp một phát đạn nào và thủy thủ đoàn không ai thiệt mạng, chỉ hai người bị thương nhẹ. Hatsushimo có lẽ là chiến hạm duy nhứt còn nguyên vẹn. Ðó là lý do tại sao chúng tôi quanh quẩn ở đây tìm kiếm những người còn sống sót. Ba khu trục hạm Fuyutsuki, Suzutzuki và Yukikaze đều thiệt hại và đã chạy về Sasebo cách đây hai giờ. Chiếc Fuyutsuki hầu như an toàn mặc dù trúng hai hỏa tiễn, nhưng hàng chục thủy thủ đã thiệt mạng do đại liên gây ra. Chiếc Yukikaze cũng hư hại nhẹ, và có 3 thủy thủ thiệt mạng. Chiếc Suzutzuki cũng bị trúng một quả bom vào ngay mũi, hư hại nặng nhứt và phải bỏ cuộc để chạy về Sasebo đầu tiên.

Chiếc Isokaze kém may mắn hơn. Chiếc tàu này không hề nhận lãnh một quả bom trực tiếp nào, nhưng các quả bom nổ gần đã phá nhiều lỗ thủng, khiến cho buồng máy ngập nước và 100 thủy thủ thiệt mạng. Lúc ấy không còn hy vọng sửa chữa, Isokaze được khu trục hạm Yukikaze nhận chìm sau khi di tản hết những người còn sống sót. Giống như trường hợp của khu trục hạm Kasumi, chiếc tàu này bị hư hại nặng và có 17 thủy thủ thiệt mạng, đã được chiếc Fuyutsuki ban ‘phát ân huệ’ sau khi giải cứu thủy thủ đoàn.”

Sau khi cảm ơn viên bác sỹ đã cho biết những tin tức này, và không còn điều khác để bàn, tôi hỏi: “Quý vị có giải cứu một thủy thủ tên là Daiwa không?”

Một viên y tá dò danh sách và đáp: “Có, thưa Ðại tá, tên hắn đây. Hắn đã hỏi thăm tin tức Ðại tá ngay khi được đưa lên tàu hai giờ trước đây.” Viên y tá gọi một liên lạc viên: “Hãy nói với Daiwa là Ðại tá Hara vẫn bình yên.”

Khu trục hạm Hatsushimo chất đầy cả ngàn người sống sót của thiết giáp hạm Yamato và tuần dương hạm Yahagi, về đến Sasebo vào buổi trưa ngày 8 tháng 4. Một liên lạc viên gõ cửa phòng ngay khi tàu vừa buông neo và trình một công điện cho Ðề đốc Komura. Ông cúi xuống đọc, nhăn mặt, và đưa tờ giấy cho tôi. Ðây là một tuyên dương công trạng do Tổng Tư Lịnh Hạm đội Hỗn hợp gửi cho Ðệ Nhị Hạm Ðội, ngợi khen lực lượng chúng tôi đã dũng cảm xả thân, nhờ vậy các phi cơ tấn công đặc biệt đã thu hoạch được một kết quả vĩ đại trong trận chiến.”

Kết quả vĩ đại trong trận chiến này là những gì? Ngày đó, nỗ lực tấn công không quân của chúng tôi, bao gồm 114 phi cơ chỉ gây hư hại cho hàng không mẫu hạm Hancock, thiết giáp hạm Maryland và khu trục hạm Bennett, nhưng cái giá phải trả là gần 100 phi cơ bị bắn hạ.

Kết quả, phía Hoa Kỳ có 12 phi công thiệt mạng và 10 phi cơ bị bắn rơi do súng phòng không của chúng tôi. Phía Ðệ Nhị Hạm Ðội bị 386 máy bay Mỹ tấn công, chỉ còn 3 khu trục hạm, thì 2,498 người của Yamato, 446 người của Yahagi và 721 người của các khu trục hạm khác thiệt mạng.

Những con số này nói lên hùng hồn ai thắng và ai thua trận hải chiến cuối cùng này. Lực lượng Hải quân hùng mạnh, đã từng phát động cuộc chiến Thái Bình Dương, qua trận tấn công Trân Châu Cảng cách đây 40 tháng, cuối cùng đã bị hạ gục.

Vào ngày 7 tháng 4 năm 1945, Hải quân Hoàng Gia Nhựt chìm theo thiết giáp hạm Yamato.

HẾT!

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships