Trong Chương 31 Hara viết về mối lo âu trước phương thức Skip-Bombing hay Low Level Bombing của Hoa Kỳ. Là cách ném bom xuống các chiến hạm tựa trên lực ma-sát của mặt biển. Các oanh tạc cơ B25 Mitchell bay với vận tốc chậm 320 km/g, sà thấp còn 60 thước và khi cách mục tiêu 200 thước thì thả bom. Sức va chạm với mặt nước khiến bom gài tính năng nổ chậm 5 giây sẽ tung ngược lên và “phóng” vào lườn tàu Nhật theo hướng lao của máy bay. Phía Nhật gọi “Bom nhảy”.

Đến Chương 44, Hara tìm ra cách đối phó. Hơn một lần, khu trục hạm Shigure (Mưa Phùn) đi vào huyền thoại. [Trần Vũ] 

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXIV

Chúng tôi nhanh chóng tiến ra mặt biển bao la. Một ngày tràn ngập ánh nắng, đại dương lặng sóng. Cảnh sắc vui tươi, không khí như đổi mới trên chiếc tàu, chẳng khác nào một chuyến rong chơi mùa hạ. Tôi mơ màng nhớ đến những nhiệm vụ và hàng loạt hải xuất mà tôi đã thực hiện trong thời gian ở Rabaul vừa qua. Tôi cũng nhớ lại khi đặt chân đến Truk vào ngày 21 tháng 3, và qua cuộc hội kiến Ðô đốc Kondo, tôi được biết chúng tôi đang đối diện với nhiều vấn đề khó khăn. Hai trong số những vấn đề chính yếu nhứt là các pháo khẩu có trang bị radar và chiến thuật oanh tạc nhảy của đối phương.

Tôi tạm hài lòng với vấn đề đầu tiên, vì xem như tôi đã tìm được phương pháp chống trả hỏa lực có radar điều khiển trên các chiến hạm địch. Shigure là chiếc tàu không thiệt mất một thủy thủ nào. Vấn đề thứ hai là làm cách nào để đối phó với chiến thuật oanh tạc nhảy thì tôi đành bó tay. Nhiều lần chiếc Shigure chống trả với địch, nhưng không lần nào chúng tôi được nhìn thấy tận mắt chiến thuật oanh tạc nhảy này được các phi công Mỹ áp dụng.

Hoàng hôn. Chúng tôi vẫn chạy dọc theo bờ biển phía Ðông-Nam New Ireland. Phải mất nhiều giờ chúng tôi mới vượt qua đoạn hải trình 250 dặm, vì tốc độ của các hải vận hạm rất chậm chạp, chỉ đạt đến 12 hải lý. Thời tiết quang đãng. Dưới hàng vạn tinh tú chiếu lấp lánh trên bầu trời, chúng tôi tiến vào eo biển Isabel, và khi 3 chiếc tàu xoay về hướng chính Ðông để chạy đến Kavieng, phòng truyền tin báo cáo đã nghe được các công điện mã hóa được đánh đi gần đâu đây. Ðiều này chứng tỏ phi cơ địch đang hoạt động trong khu vực phụ cận chúng tôi. Như vậy là “kỳ nghỉ hè trên mặt biển” đã bị phá đám. Tôi nhớ lại lần tăng tốc độ khẩn cấp từ 12 hải lý lên 28 hải lý để tránh né một chiếc oanh tạc cơ tấn công trước đây. Hiện tại, chiếc Shigure với máy móc đã rệu rạo, không thể nào làm như vậy một lần nữa. Vả lại, lúc đó chiếc tàu chỉ tự bảo vệ lấy thân, còn bây giờ nó phải bảo vệ thêm 2 hải vận hạm.

Tôi cho tăng tốc độ lên 18 hải lý, và ra lịnh tạo một màn khói bao che 2 hải vận hạm trong lúc mọi quan sát viên đều phải dõi mắt lên trời. Hai hải vận hạm chạy chầm chậm về hướng Tây với tốc độ tối đa 16 hải lý. Tôi ra lịnh cho Shigure gia tăng tốc lực thêm nữa, và chạy theo hình chữ chi xuyên qua xuyên lại giữa 2 chiếc tàu chạy chậm như rùa bò, thoạt ẩn thoạt hiện trong màn khói dày đặc.

Một quan sát viên thình lình lớn tiếng cho biết 2 phi cơ xuất hiện ở mạn phải, hướng 50 độ. Tôi đã nhìn thấy chúng. Ðó là 2 oanh tạc cơ, đang bay thẳng đến chiếc Shigure. Tôi nghĩ chắc phi cơ địch sẽ không tấn công vào 2 tàu chuyển vận. Cả 2 chiếc phi cơ thình lình đổi hướng, đảo ngang, bay chiếc trước chiếc sau, ngược chiều với Shigure và mất hút về phía sau bánh lái. Lúc tôi còn đang tự hỏi không hiểu đối phương định làm gì, quan sát viên đã la to: “Phi cơ địch quay lại bên mạn trái!”

Bây giờ cả 2 phi cơ sà thực thấp và đâm thẳng vào hông chiếc tàu. Tôi hiểu ngay là chiến thuật oanh tạc nhảy sắp được áp dụng. Cuối cùng, tôi cũng đối mặt với vấn đề không giải đáp nổi. Trong tình cảnh khẩn cấp này, một giải pháp bỗng nhiên lóe sáng trong tâm trí tôi, tôi hét thực to: “Tất cả cao xạ chuẩn bị khai hỏa ở hướng 150 độ mạn trái!”

Và xoay qua Ðại úy Tsukihara, hoa tiêu trưởng, tôi nói: “Không chạy theo hình chữ chi. Chúng ta tiếp tục chạy thẳng.”

Kinh ngạc, Tsukihara ấp úng hỏi: “Cái gì… cái gì? Thưa Ðại tá, chúng ta không né tránh?”

Xem thêm:   Hang gấu

“Hãy thi hành mệnh lịnh, tôi sẽ giải thích sau.”

Chiếc Shigure đã gia tăng tốc độ gần 30 hải lý. Hai phi cơ chỉ còn cách một vài trăm mét. Tôi ra lịnh khai hỏa. Một màn hỏa lực căng ra dày đặc. Các trọng liên và đại bác phòng không giăng lên trời một tấm lưới lửa. Giữa tiếng nổ đinh tai nhức óc, tôi nghe tiếng hỏi to của Tsukihara: “Chúng ta vẫn chạy thẳng?”

Giây phút hiện tại chỉ còn một trong hai lối để chọn lựa, là giết địch hoặc bị địch giết, không thể nào giải thích rõ cách chống trả cấp thời phát sinh trong trí tôi cho anh ta hiểu. Tôi chỉ đáp hai tiếng cộc lốc: “Chạy thẳng!”

Bây giờ, nhiều năm sau cuộc chống trả đáng ghi nhớ này, phương pháp oanh tạc nhảy không có gì khó giải thích: Các phi cơ địch tiến sát đến chiếc tàu, ở một khoảng cách tối thiểu, ở cao độ cực thấp rồi phóng bom. Lực ma-sát của mặt biển sẽ làm quả bom tung lên chiếc tàu. Trước đây, lối né tránh thông thường của một chiếc tàu khi bị phi cơ tấn công bằng bom là chạy theo hình chữ chi, càng ngặt càng tốt. Nhưng chạy theo hình chữ chi khiến cho tốc độ của chiếc tàu có những khoảng chậm lại, và các oanh tạc cơ sẽ canh đúng khoảng chậm này để cắt bom. Tôi đã suy nghĩ hiện thời guồng lái và tay lái của chiếc Shigure không chính xác, không chạy theo hình chữ chi chẳng những khiến cho tốc độ của tàu nhanh hơn, mà còn khiến cho sự lượng định oanh tạc của phi cơ địch trở nên khó khăn hơn. Chạy thẳng còn có một lợi ích khác là các súng cao xạ trên chiếc tàu sẽ bắn chính xác hơn.

Với hai tiếng rít đinh tai nhức óc. Hai oanh tạc cơ lướt ngang qua các pháo tháp từ mạn trái sang mạn phải. Hai quả bom rơi xuống và nhảy vọt đến, nhưng chiếc tàu đã lướt qua được khoảng 7, 8 mét nên không trúng. Lúc đó, chiếc Shigure đã chạy hết tốc lực. Bom nổ, hai cột nước tung cao, đổ ụp xuống đài chỉ huy. Chiếc Shigure rung rinh nhưng không hề hấn. Phi cơ địch xuyên qua tấm màn hỏa lực dày đặc và bay thẳng về hướng Nam.

Năm phút căng thẳng trôi qua. Phi cơ địch mất dạng hẳn. Sau đó, phòng truyền tin báo cáo: “Máy bay địch đang báo cáo thẳng qua vô tuyến. Không ngụy thoại.”

Chuẩn úy Hiroshi Chosa, chuyên viên Anh ngữ của chúng tôi, nhảy dựng lên và nói: “Ðược rồi, để tôi xuống nghe xem mấy em bé này nói cái gì.” Anh ta rời khỏi đài chỉ huy, một hai phút sau Chosa cho biết qua ống nói: “Một phi cơ địch báo cáo các hệ thống kiểm soát bị hư hại và cho vị trí bằng mật mã. Một phi cơ khác cho biết cánh trái bị trúng đạn và đang đáp xuống mặt biển.”

Mọi người trên đài chỉ huy đều hớn hở. Tsukihara, lộ vẻ lo lắng tột độ trước đó, bây giờ nhảy nhót như trẻ con.

Chosa tiếp tục: “Căn cứ của địch hồi đáp rằng một chiếc thủy phi cơ sẽ được phái đến để giải cứu những phi công lâm nạn. Tọa độ không thể nào mò ra, vì đều được cho bằng những con số khó hiểu. Hãy chờ… À, bây giờ các phi công Mỹ nói cảm ơn và cho biết đang đáp xuống nước.”

Trên đài chỉ huy tất cả các sỹ quan và nhân viên đồng loạt vỗ tay reo hò. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Tôi không bao giờ nghĩ phương thức chống trả oanh tạc nhảy mới mẻ của tôi lại công hiệu đến mức ấy. Chiếc Shigure giảm tốc độ và hợp đoàn với 2 dương vận hạm. Chúng tôi lại tiếp tục “cuộc dạo chơi trên mặt biển” hướng về Kavieng. Sau khi 2 chuyển vận hạm xuống hàng, không còn nhiệm vụ nào khác ở đây.

Vào sáng ngày 8 tháng 11, chúng tôi khởi hành về Truk. “Cuộc dạo chơi” lại bị phá đám một lần nữa vì máy sonar chống tàu ngầm trang bị cho chiếc tàu bỗng dưng ngưng hoạt động. Các chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi sửa chữa suốt ngày nhưng cũng không thể nào làm cho chiếc máy hồi sinh. Theo tin tức, tàu ngầm địch thường lảng vảng trong vùng biển này, do đó máy sonar bị hư là cả một vấn đề. Làm cách nào chiếc khu trục hạm câm điếc này hy vọng bảo vệ hữu hiệu 2 hải vận hạm chạy như rùa bò suốt một hải trình 3 ngày nữa? Các tàu ngầm địch chắc chắn sẽ được tung ra tìm kiếm chúng tôi để phục thù cho 2 phi cơ bị bắn hạ.

Tôi ra lịnh cho tất cả thủy thủ phụ trách mìn chìm chuẩn bị đối phó với mọi trường hợp bất ngờ. Tôi cũng ra lịnh cho 2 hải vận hạm chạy cách xa chúng tôi 1,500m. Shigure chạy bên phải 2 chuyển vận hạm này. “Cuộc dạo chơi trên mặt biển” trở nên căng thẳng.

Xem thêm:   Allen PAC

Suốt ngày hôm đó không có gì xảy ra. Ngày hôm sau cũng yên tĩnh. Thủy thủ của tôi mệt nhừ sau 2 ngày trực chiến. Nếu sự yên tĩnh này kéo dài thêm một ngày nữa, chúng tôi sẽ tiến vào Truk an toàn.

Suốt buổi sáng kế, tôi ra lịnh chuẩn bị các hoạt động chống tàu ngầm ráo riết hơn, vì thời tiết xấu, bầu trời đầy mây và biển gợn sóng. Lúc 11g30, tôi cho giải tỏa các hoạt động này.

Ngay khi các thủy thủ nằm dài trên sàn tàu để nghỉ ngơi, tôi nhìn thấy một quả ngư lôi xé nước lướt ngang qua phía trước mũi chiếc Shigure, từ mạn phải qua mạn trái. Thay vì phản ứng cấp thời, tôi đã đứng lặng nhiều giây để nhìn theo quả ngư lôi hướng về chuyển vận hạm Tokyo Maru, bây giờ chạy hơi chếch về phía trái, cách trước mũi chiếc Shigure khoảng 700m. Tiếng nổ gây náo loạn trên chiếc Shigure và lôi tôi trở về thực tế. Tôi ra lịnh cho chiếc tàu đạt tốc độ chiến đấu 24 hải lý, các thủy thủ phụ trách mìn chìm chờ đợi, và xoay hướng tiến về phía quả ngư lôi xuất phát. Sau đó, chúng tôi thả 6 khối mìn chìm, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đã đạt kết quả.

Tàu ngầm địch đã bay cao xa chạy. Không có gì đáng ngạc nhiên, tôi nghĩ, với một hạm trưởng giỏi thì một quả ngư lôi cũng đủ để ghi điểm. Tôi đứng chôn chân và phẫn nộ trên đài chỉ huy. Phản ứng chậm của tôi khiến cho chiếc tàu ngầm chạy thoát.

Chiếc Shigure vẫn tiếp tục chạy vòng quanh 2 hải vận hạm, nhưng chiếc tàu ngầm không quay lại để tung đòn dứt điểm. Hải vận hạm Tokyo Maru không bốc cháy, chỉ có phòng máy bị nước tràn vào thông qua lỗ thủng do quả ngư lôi gây ra. Chiếc tàu còn nổi nhưng hoàn toàn bất động. Hải vận hạm thứ hai Ontakesan Maru, kéo đồng bạn phía sau, và một lần nữa, chúng tôi hướng về Truk, với tốc độ 7 hải lý.

Trong lúc đang di chuyển, chiếc Tokyo Maru bỗng dưng gia tăng độ nghiêng nhanh chóng. Sau 8 giờ, ai cũng nhìn thấy rõ ràng là nó sắp chìm, viên hạm trưởng ra lịnh bỏ tàu. Vừa khi Shigure nhận xong 70 sỹ quan và thủy thủ, dương vận hạm 6,486 tấn này biến mất giữa những làn sóng.

Tôi buồn rầu trước sự việc xảy ra. Ðây là lần đầu tiên tôi đã để thiệt mất một tàu chuyển vận dưới trách nhiệm hộ tống của tôi. Nếu cuộc tấn công chỉ đến chậm một vài giờ, chiếc tàu dù hư hại cũng kéo về được tới Truk. Nhưng không có một thủy thủ nào thương vong, và trước đó chiếc tàu đã xuống tất cả hàng ở Kavieng, đó là sự an ủi với tôi.

Trong nhiệm vụ này, chiếc Shigure đã bắn rơi 2 oanh tạc cơ, đánh đổi một chuyển vận hạm cũ bị đánh chìm. Nếu xét trên giá trị vật chất, cán cân có phần nghiêng về chúng tôi, nhưng trong thời gian này một dương vận hạm lớn vẫn có nhiều ý nghĩa đối với Nhựt Bản hơn là việc bắn rơi 2 oanh tạc cơ địch.

Suốt nhiều ngày, càng nghĩ đến chiếc tàu ngầm tôi càng nổi nóng. Nhưng hiện thời, sau nhiều năm trôi qua, tôi phải ngả nón cúi đầu thán phục trước chiếc tàu này và viên hạm trưởng của nó. Tiến đến, phóng ngư lôi và biến mất, quả là tài tình. (Ðây là tàu ngầm USS Scamp của Hoa Kỳ, hạm trưởng là Thiếu tá Walter G. Ebert (sau này là Ðề đốc) đã báo cáo phóng 7 quả ngư lôi và một quả đã trúng chuyển vận hạm 7,000 tấn của Nhựt Bản.)

Vào khoảng trưa ngày 11 tháng 11, khu trục hạm Shigure và chuyển vận hạm Ontasekan Maru cập vào hải cảng Truk. Một vài giờ sau đó, tôi đến tuần dương hạm Atago, soái hạm của Ðệ Nhị Hạm đội, trình diện Phó Ðô đốc Takeo Kurita để báo cáo sự việc xảy ra. Tôi cũng muốn gặp Tham mưu trưởng của ông là Ðề đốc Tmiji Koyanagi. Tôi vẫn nhớ cuộc đối thoại giữa Koyanagi và tôi 8 tháng trước đây, vào tháng Ba, cũng chính trên soái hạm Atago, liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng. Hiện tại tôi muốn trình lên ông những giải đáp của một số vấn đề này.

Soái hạm Atago từng bị hư hại trong cuộc không tập vào ngày 5 tháng 11 ở Rabaul, và hiện tại đã được tàu công xưởng Akagi hoàn tất việc sửa chữa. Hoạt động trên soái hạm rộn rịp. Các sỹ quan tham mưu đều ba chân bốn cẳng, không ai lưu ý đến sự hiện diện của tôi. Họ nói Kurita bận rộn nên không tiếp ai cả, còn Ðề đốc Koyanagi thì lại đang đứng cạnh vị tư lịnh. Cuối cùng tôi cũng làm gan gọi Koyanagi khi thấy ông đi phía trước. Chúng tôi bắt tay, và ông ta vừa cười vừa nói: “Hân hạnh được gặp lại anh, Hara.”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Lập tức, tôi trình bày sơ lược với ông về cuộc đụng độ với 2 phi cơ địch gần Kavieng, và tôi tỏ ý hối tiếc vì đã để mất hải vận hạm Tokyo Maru. Koyanagi xua tay và nói: “Việc đó đúng, hoàn toàn đúng. Anh đã làm một việc phải nói là kỳ diệu. Không ai khác làm tốt hơn thế. Anh không để mất một người nào, đó là điều khiến tôi hài lòng hơn hết.”

Tiếp đó, tôi trình bày các chi tiết về kỹ thuật chống lại radar tầm hướng và phương thức đối đầu chống phương pháp oanh tạc nhảy của đối phương. Nhưng Koyanagi có vẻ không mấy chú tâm đến những điều tôi trình bày. Tâm trí ông như để tận đâu đâu. Tôi ngừng nói, tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra. Thình lình, ý thức tình trạng đang đối thoại với người điếc của tôi, ông nói gần như ấp úng: “Ồ, xin lỗi anh… Tôi quấy thực… Ðược, để tôi giải thích nguyên do sự vô tâm của tôi cho anh. Ðịch quân lại oanh kích Rabaul, sáng hôm nay, lần này họ đã đập khá nặng tay. Ðó là lý do tại sao chúng tôi đều ba chân bốn cẳng, và…. Ðúng là sụp đổ rồi.”

Có tất cả 128 phi cơ, xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Essex, Bunker Hill, Independence, gào thét trên không phận Rabaul vào lúc 8g30. Kusaka đã sớm phát hiện cuộc không tập nên đã tung 68 chiến đấu cơ Zéro lên ngăn chặn, và phi cơ của hai phía đã gặp nhau tại mũi Saint George, nhưng phi cơ địch vẫn thoát được đến Rabaul. Kết quả cuộc không tập, khu trục hạm Suzunami bị đánh chìm, khu trục hạm Naganami và tuần dương hạm Agano bị hư hại nặng. Sau đó, hơn 100 phi cơ Nhựt cất cánh truy đuổi địch quân, và theo báo cáo, các phi cơ này đã gây hư hại cho hai hàng không mẫu hạm và một tuần dương hạm Hoa Kỳ, đổi lại 41 phi cơ Nhựt bị hạ. Hiển nhiên báo cáo kết quả của Nhựt hoàn toàn thêu dệt quá sự thực.

“Xin lỗi Hara, tôi phải trở lại vào trong phòng họp. À này, Phó Ðô đốc Kurita muốn anh hộ tống 2 tuần dương hạm Myoko và Haguro về Sasebo. Cả hai sẽ rời khỏi đây vào sáng mai. Chúc anh may mắn. Mong gặp lại anh.” Nói xong bao nhiêu đó, Koyanagi quày quả bỏ đi.

Tôi đứng lặng yên một lúc, đôi tai tôi lùng bùng. Suzanami (Phá Sóng) bị đánh chìm ở Rabaul. Sỉ nhục biết bao! Và càng đáng ngạc nhiên hơn khi tôi biết được một trong những khu trục hạm nổi danh nhứt của Hải quân Nhựt, chiếc Naganami (Trường Triều) cũng bị hư hại nặng. Naganami từng là soái hạm của Tanaka khi ông hướng dẫn Phân Hải đoàn gồm 8 khu trục hạm lâm chiến và đạt được chiến thắng vẻ vang ở Tassafaronga vào tháng 11 năm 1942. Tôi nhìn thấy tận mắt nhiều tuần dương hạm bị bom và ngư lôi địch loại ra khỏi vòng chiến trong hải cảng nhỏ bé Simpson chỉ cách đây một tuần lễ. Các chiến hạm to lớn không thể điều động trong hải cảng nhỏ hẹp này đã đành, nhưng không hiểu tại sao các khu trục hạm nhanh nhẹn lại trở thành nạn nhân của cuộc không tập một cách dễ dàng như vậy được.

Với trái tim trĩu nặng, tôi quay về soái hạm Shigure, và ra lịnh chuẩn bị khởi hành cấp tốc vào lúc 6g ngày 12 tháng 11. Chúng tôi rời khỏi Truk trong nhiệm vụ hộ tống 2 tuần dương hạm hạng nặng Myoko và Haguro. Chuyến đi Sasebo này của chúng tôi đồng lúc với quyết định triệt thoái các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ còn lại ở Rabaul của Koga. Các phi cơ này do 3 hàng không mẫu hạm mang đến Rabaul chỉ cách 3 tuần lễ trước đây. Koga từ bỏ hẳn ý định thử sức với Hải quân Hoa Kỳ ở quần đảo Solomon. Ðiều này chứng tỏ Koga đã ý thức được các chiến thuật được hình thành “trong phòng họp” của ông đã thất bại.

Tuần sau: 

Chương XXXXV

Quay về đất Mẹ

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships