Hai thủy trận Vella tháng 8-1943 đến nay vẫn được xem là mô phỏng chính xác nhất, trong các cuộc đụng độ nhỏ giữa Nhật và Mỹ. Chính nhờ vào hồi ký của Hara với hải đồ do chính tay Hara vẽ lại, với từng giờ giấc và tọa độ của các tàu chiến. Các sử gia vẫn dùng tập hồi ký này làm tài liệu. Qua các chương sách, người đọc sống từng phút gian nguy nhìn từ phía Nhật.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXV

Tôi bước ra boong tàu để nghỉ xả hơi. Toán thủy thủ lên bờ đầu tiên đang lần lượt trở về. Tôi thấy Trung sĩ Yamashita đứng riêng rẽ, quần áo nhàu nát, mặt sưng vù và đôi mắt bầm tím. Tôi gọi Yamashita hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Anh ta ấp úng nói: “Thưa Ðại tá, Không có gì cả. Tôi trượt chân và té nhào xuống đất.”

“Anh đã nói với tôi sáng nay rằng anh chưa hề nói dối, vậy thì đừng làm tôi giận dữ.”

“Xin lỗi Ðại tá, đây là lần đầu tiên tôi nói dối. Tôi gây lộn với một vài người ở trên bờ, nhưng không ai hạ được tôi.”

“Anh vào phòng tôi ngay.” Tôi nghiêm giọng.

Gã trẻ tuổi lòng đầy tự phụ này bước theo tôi như một con cừu non. Vào phòng, tôi yêu cầu anh ta giải thích đầy đủ chuyện vừa xảy ra.

“Thưa Ðại tá, tôi uống đâu vài ly và có lẽ đã chuếnh choáng nên tôi khoe chiếc đồng hồ Ðại tá vừa thưởng cho tôi. Lúc đó, có mấy thằng chó đẻ bảo rằng chiếc Shigure đã rút lui một cách nhục nhã và hành động này làm mất thể diện binh chủng. Lại có thằng vào hùa nói rằng Hải đội 27 gồm toàn một lũ biếng nhác không làm nên trò trống gì cả. Tôi giận run lên và tôi đã dần chúng một trận nên thân. Bọn đẻ hoang.”

“Thực tội cho anh, Yamashita. Anh không nghĩ những gì mà chiếc Shigure làm là sai lầm sao?”

“Không, thưa Ðại tá. Tôi luôn luôn tin rằng những quyết định của Ðại tá là hoàn toàn đúng. Ðó chính là lý do tại sao mấy thằng chó đẻ đó đã làm tôi điên tiết lên.”

“Anh phải lờ đi, đừng để ý đến họ. Nhiệm vụ của chúng ta đến đây là để đánh kẻ thù chứ không phải đánh người cùng xứ sở. Ðừng bận tâm đến việc này nữa. Hãy lo săn sóc vết thương của anh đi. Lần sau anh sẽ hiểu biết hơn.”

Từ sau trận Vella, bầu không khí trên chiếc Shigure hoàn toàn thay đổi. Tinh thần thủy thủ đoàn lên cao, họ tỏ ra kiêu hãnh và đoàn kết. Trên mọi khuôn mặt không còn thấy những nét khờ khạo và ngu đần nữa. Họ đã chứng tỏ có đầy đủ đảm lược và sẵn sàng lâm chiến nữa. Trận kế tiếp xảy ra không lâu sau.

Người Mỹ tiếp tục bước tiến của họ, thực hiện một cuộc đổ bộ vào ngày 15 tháng 8 tại Biloa, nằm gần cực Nam vịnh Vella. Cuộc đổ bộ mới này xảy ra cùng với một cuộc đổ bộ khác tại Munda trước đó đã tạo thành gọng kềm siết chặt 12 ngàn quân trú phòng Nhựt ở Kolombangara. Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã phản ứng bằng cách tung toàn bộ không lực vào vùng Biloa, đồng thời tăng cường trên bộ tại Horaniu, trên đảo Vella, để phản công cuộc đổ bộ mới của địch.

Vào sáng sớm ngày 16 tháng 8-1943, Yamagami và tôi dự phiên họp trên khu trục hạm Sazanami, dưới quyền chủ tọa của Ðề đốc Matsuji Ijuin, Tư lịnh Hải đoàn 3 Khu Trục hạm. Trong phiên họp này, Ijuin tuyên bố sẽ đích thân chỉ huy cuộc hành quân Horaniu.

Ðề đốc nói: “Tôi đã yêu cầu Bộ Tư Lịnh đình chỉ sử dụng các khu trục hạm vào công tác vận tải. Các khu trục hạm sẽ làm nhiệm vụ hộ tống đơn thuần mà thôi. Cách đây một năm nhóm hộ tống không bao giờ dưới 8 khu trục hạm, nhưng hiện tại chúng ta phải chấp nhận giảm phân nửa, bởi vì những cuộc đụng độ vừa qua đã làm hao hụt số tàu chiến. Do vậy tôi chọn 4 khu trục hạm này, vì tôi biết khả năng dạ chiến xuất sắc của các anh.”

Ijuin yêu cầu tôi kết thúc phiên họp bằng cách trình bày sơ lược các diễn biến đã xảy ra 10 ngày trước. Ông và các sỹ quan khác ngồi nghe chăm chú. Khi tôi dứt lời, ông tiếp:

“Tôi sẽ hết sức lưu ý những nhận xét của Ðại tá Hara vừa nêu ra, và tôi cũng mong toàn thể quý vị ở đây hãy học hỏi những kinh nghiệm quý báu mà Ðại tá Hara đã thu thập được qua trận vừa rồi, và ghi nhớ sự thận trọng vừa linh hoạt ứng phó của Ðại tá Hara, khi thi hành công tác. Trong cuộc hành quân sắp phát động, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ đoàn tàu chở tiếp liệu chứ không phải đi tìm tàu địch để đánh. Tôi không chấp nhận sự cứng ngắc đã từng gây ra những thiệt hại to tát.”

Không ai dám bàn ra tán vào khi Ðề đốc Ijuin cho rằng 4 khu trục hạm sắp tham dự hành quân là những chiếc tốt nhứt tại Rabaul. Chiếc Shigure của tôi là chiếc tàu duy nhứt thuộc lớp cũ. Còn chiếc Hamakaze, người hùng của trận chiến ngày 13 tháng 7 tại vịnh Kula, là một trong những tàu hiếm hoi của Nhựt trang bị radar. Hamakaze (Gió Biển) cùng với chiếc song sinh Isokaze (Gió Trên Bãi Biển) họp thành Hải đội 17 do Ðại tá Toshio Miyazaki chỉ huy. Cả 3 khu trục hạm vừa nói và soái hạm của Ðề đốc Ijuin, chiếc Sazanami (Sóng Gợn), là thành phần hộ tống. Hải đoàn nhỏ bé này có thể hãnh diện vì có cả một vị đề đốc tài giỏi và 2 vị đại tá điều động. Hơn nữa, Ðề đốc Ijuin đã mềm dẻo trao toàn quyền hành động cho các đại tá của ông, để họ tự do sắp xếp. Ðề đốc Ijuin cũng được Bộ Tư Lịnh cho phép tự do quyết định, việc này chứng tỏ rằng thượng cấp của chúng tôi đã rúng động sau thảm bại vịnh Vella.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Bốn khu trục hạm rời khỏi Rabaul vào lúc 3 giờ sáng ngày 17 tháng 8 chạy về hướng Nam, tiến đến điểm hẹn với đoàn hải vận gồm 20 chiếc cỡ nhỏ. Những tàu vận tải này đã khởi hành cùng ngày, lúc 10g27, từ căn cứ Buin và Bougainville, mang theo 400 lính tăng cường cho căn cứ Horaniu.

Khi chúng tôi rời khỏi Rabaul khoảng 100 dặm thì truyền tin của chúng tôi bắt được một công điện phát sóng từ một phi cơ bay gần đó. Như vậy là địch đã biết động tĩnh của chúng tôi, Ijuin tức khắc liên lạc với căn cứ không quân tại Buin yêu cầu tăng gấp đôi số phi cơ tuần thám.

Lúc 11g30, khi chúng tôi nhìn thấy Bougainville thấp thoáng ở chân trời, một trong những máy bay tuần tra gửi báo cáo đầu tiên: “Ba khu trục hạm lớn của địch rời khỏi eo biển Gizo trực chỉ Biloa.”

Tin này gây cho chúng tôi nhiều cảm nghĩ lẫn lộn. Riêng tôi thấy nhẹ nhõm, vì ít ra chúng tôi cũng biết chút ít địch tình. Như vậy là khá hơn lần trước. Trong cuộc hành quân vừa rồi, chúng tôi đâm đầu mà không biết một chút gì về thế trận của địch.

Cả 4 chiến hạm đều tăng tốc lực lên 28 hải lý, hướng về Bougainville. Chúng tôi cố tiến mau, vì e rằng địch sẽ làm thịt đoàn tàu vận tải chưa có hộ tống đang tiến chậm chạp dọc theo đảo Choiseul. Mặt trời lặn đúng lúc chúng tôi vượt qua eo biển Bougainville. Thời tiết xấu che khuất vầng trăng tròn. Mây sà thấp ở cao độ 500m, cách ba dặm không nhìn thấy gì hết. Thời tiết này nghiêng phần lợi cho phía đối phương, vì họ có hệ thống radar tối tân. Chúng tôi đã từng nếm qua khả năng siêu việt của loại radar này.

Lúc 21g, vịnh Vella Lavella hiện ra lờ mờ ngay phía trước. Chúng tôi đang tiến gần đến đích. Sự im lặng đầy căng thẳng chợt bị phá vỡ bởi tiếng hét của quan sát viên Yamashita: “Phi cơ địch!” Bóng dáng của chiếc phi cơ vượt ngang qua nền trời vần vũ và mất hút ngay trong những đám mây tầm thấp. Thình lình, một chiếc khác, hình như là loại Avenger, chui ra khỏi cụm mây và nhả một trái hỏa châu ngay bên trên chiếc Shigure.

Shigure lập tức tách khỏi đội hình và mọi loại súng đều nhả đạn lên trời. Tôi cho tàu chạy chữ chi với vận tốc 30 hải lý, ngoặt trái phải liên tục, đồng thời tạo màn khói che. Các khu trục hạm chạy sau cũng làm giống như vậy.

Hải đồ thủy trận Vella đêm 17 tháng 8-1943

Một oanh tạc cơ khác của địch lại chồi ra khỏi đám mây, chúi thẳng xuống chiếc Sazanami, sát gần như đụng khi lướt ngang qua. Nhiều trái bom rơi xuống. “Oanh tạc nhảy”, tôi nghĩ thầm trong bụng, và nắm chặt tay một cách bối rối. Trong suốt 5 tháng vừa rồi, kể từ ngày tôi nghe đến phương thức tấn công mới này bằng “bom nhảy”, tôi sống thường xuyên trong những cơn ác mộng. Tôi moi óc tìm phương cách chế ngự nhưng đã phí công vô ích.

Tuy nhiên, những quả bom nhắm vào chiếc Sazanami không nhảy. Chúng rơi xuống theo lối thông thường, nghĩa là giữ nguyên vị trí được thả xuống chứ không nhảy đến mục tiêu. Nhiều cột nước trắng xóa tung lên quanh Sazanami. Cao xạ trên chiến hạm này phản ứng tức thời, nhắm vào chiếc oanh tạc cơ nhưng không trúng. Tôi thở phào khi thấy không chiến hạm nào của chúng tôi bị thiệt hại. Phi cơ địch bay đi mất. Nhưng biết đâu nhóm phi cơ khác không bay đến tấn công chúng tôi lát nữa?

Xa phía trước, tôi nhìn thấy đoàn tàu mà chúng tôi phải bảo vệ. Có lẽ phải mất chừng một giờ nữa mới tới gần đoàn tàu đó. Tôi cố nghĩ cách chống lại nếu một khi các phi cơ địch đến nhiều hơn. Nhưng những ý nghĩ này bị đứt đoạn bởi tiếng la khác của quan sát viên Yamashita. Lần này hai phi cơ địch xuất hiện.

Một oanh tạc cơ hai cánh quạt chúi mũi xuống soái hạm Sazanami chạy dẫn đầu, và chiếc còn lại nhắm vào Shigure chạy sau cùng. Tất cả mọi loại súng đồng loạt chào đón viên phi công gan dạ khi hắn bay qua pháo tháp của chiếc Shigure để thả những “quả trứng giết người”. Một số đạn phòng không đã trúng phi cơ này. Cánh trái của chiếc phi cơ tóe lửa và không thấy xuất hiện lại nữa.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Các quả bom đều tránh chiếc Shigure, tôi quay nhìn về phía soái hạm Sazanami. Chiếc tàu này đã tạo một màn khói che dầy. Sazanami cũng đã thoát khỏi cú đấm của mấy tên phi công gan lì. Tính ra, trên đoạn hải trình vừa chạy vừa đánh này, chúng tôi đã phải chịu đựng tất cả 8 phi vụ tấn công, kéo dài cho đến lúc tiến vào vịnh Vella. Sau khi chiếc oanh tạc cơ địch cuối cùng bay khỏi, bóng dáng đen thẫm khác thường của đảo Kolombangara hiện ra ở phía Ðông, ngay trước mặt chúng tôi. Mọi vật lại chìm trong màn đêm kỳ dị. Chúng tôi đang bước vào một bẫy rập chăng?

Phòng truyền tin thông báo: “Soái hạm Sazanami ra lịnh xoay 180 độ về hướng Tây, vì hướng hiện thời không thấy rõ Kolombangara.”

Tôi hài lòng tuân lịnh, cho chiếc Shigure xoay hướng tức khắc. Chúng tôi chạy sát nhau, cùng tiến về hướng Tây. Di chuyển thêm 30 dặm thì chiếc Sazanami báo hiệu: “Bốn chiến hạm địch đang di chuyển ở hướng 190 độ, cách 15 ngàn thước.” Lịnh xoay hướng của Ðề đốc Ijuin đã cứu chúng tôi thoát khỏi cuộc phục kích của địch!

Soái hạm Sazanami vẫn tiếp tục ra lịnh bằng đèn hiệu: “Lập đội hình chiến đấu. Nạp ngư lôi mạn trái.”

Sau này Ðề đốc Ijuin đã nói với tôi rằng ông rất mừng lúc biết địch truy đuổi chúng tôi. “Sau chiến thắng ngày 6 tháng 8, tôi chắc chắn địch đã quá tự tin nên không ngó đến những tàu vận tải không có hộ tống của chúng ta. Họ muốn so tài tay đôi với các chiến hạm Nhựt. Tôi ra lịnh tiến về hướng Bắc là nhằm lừa địch phải chấp nhận một trận đấu cách xa các tàu tiếp tế của chúng ta.”

22g32, chúng tôi xoay 45 độ, hướng Tây-Bắc, mọi cặp mắt đều chăm chú quan sát động tĩnh của địch. Lịnh đổi sang “đội hình tấn công” khiến cho vị trí của các khu trục hạm cũng thay đổi. Bây giờ chiếc Hamakaze có trang bị radar chạy ở vị trí gần địch nhất, che cho soái hạm Sazanami, chiếc Shigure của tôi che mạn Bắc, cách 1,000m. Chiếc Isokaze hậu vệ.

Ðịch vẫn tiến về phía Ðông-Bắc, chứng tỏ họ chưa phát giác việc đổi hướng bất ngờ của chúng tôi. Khoảng cách giữa đôi bên càng lúc càng rút ngắn lại. Lúc 22g40, một trái pháo sáng rực treo lơ lửng trên đoàn tàu địch. Là ám hiệu của một trong những thám thính cơ của chúng tôi, hàm ý: “Tàu địch là loại khu trục hạm.”

Ðoàn tàu của đối phương đổi hướng mau lẹ để chạy về hướng Tây. Ðiều này khiến cho Ijuin kinh ngạc, vì ông biết như vậy là địch đã hủy bỏ cuộc truy đuổi các khu trục hạm của ông. Ðiều này có nghĩa là địch đổi ý xoay sang tấn công những hải vận hạm không được bảo vệ của chúng tôi.

Lập tức, Ijuin ra lịnh cho tất cả các chiến hạm của ông xoay 90 độ về hướng Tây-Nam và thi đua tốc lực với chiến hạm địch. Vài phút sau, mọi người đều hiểu ra rằng các khu trục hạm Nhựt không tài nào bắt kịp chiến hạm địch trước khi chúng phóng hỏa đốt những tàu vận tải không có hộ tống.

Ijuin ra lịnh: “Nạp ngư lôi tầm xa.” Ông ước định khoảng cách giữa soái hạm Sanazami với đối phương chừng 8,000m. (Theo tôi, khoảng cách lúc đó xa hơn 10,000m. Cách xa như vầy, rất khó trúng đích.) Chiến hạm Hoa Kỳ gần như chạy song song với tốc độ 30 hải lý có hơn, Ijuin vẫn quyết định phóng ngư lôi vì lo ngại tai họa sẽ xảy đến một khi địch bắt kịp đoàn chuyển vận.

“Phóng!”

Là 22g52. Các “con cá” lao cắt xuống biển hướng vào mục tiêu với tốc độ kinh hồn. Lũ kình ngư lao thẳng tắp với độ sâu 2m. Chúng tôi nín thở. Nhưng một trong 23 quả ngư lôi ôxy được phóng ra trên nửa đường bỗng nhảy vọt lên cao khỏi mặt nước, làm tung lên những cuộn sóng trắng xóa có thể nhìn thấy rõ trong màn đêm, giống tia sáng của đèn hiệu trên boong tàu. Nhóm chiến hạm địch cũng đã trông thấy nên vội vàng xoay qua mạn phải. Do đó, tất cả ngư lôi của chúng tôi đều sai đích.

Qua ống nhòm, Ðề đốc Ijuin bình thản nói: “Tránh né tài tình! Nhưng dù hoang phí, ít ra chúng ta cũng đã lôi địch ra xa khỏi đoàn tiếp vận.”

22g55, soái hạm Sazanami phóng 8 quả ngư lôi còn lại. Bảy ngàn mét vẫn còn là khoảng cách khó trúng đích, nhưng Ðề đốc đâu cần để ý chuyện trúng trật. Ðịch phản ứng bằng cách xoay nhanh về phía phải lần nữa, và một lần nữa, các ngư lôi của chúng tôi thành hoang phí.

Ijuin ra lịnh: “Khai hỏa mọi loại súng.”

Hai khu trục hạm Sazanami và Hamakaze tiến về phía trước như vũ bão và đồng loạt khạc đạn. Nhưng vì không sử dụng đèn rọi tìm địch, nên không thể nào nhắm trúng. Hơn nữa khoảng cách quá xa đối với loại hải pháo nhẹ 127 ly.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Isokaze và Shigure cũng tiến về phía trước, nhưng không khai hỏa. Hai phía đối nghịch càng lúc càng sáp gần lại nhau. Lúc 22g59, tôi ra lịnh: “Sẵn sàng 4 ngư lôi, mục tiêu mạn trái.”

Ngay lúc đó, chiếc Shigure bị trọng pháo của địch bao vây, rơi nổ cách chừng 20 đến 40m. Những cột nước tung cao và trải rộng. Vài giây sau đó, vòng rào hỏa lực thứ hai của địch siết chặt hơn, và tới vòng rào thứ ba thì hầu như sát vách tàu của chúng tôi.

Tôi cố nhướng cổ, mở to mắt tìm kiếm các họng súng rực lửa của đối phương nhưng không thấy đâu. Lúc đó tôi mới biết rằng chúng tôi đang nhận lãnh những quả pháo loại mới, không phát ra tia lửa khi bắn. Loại đạn này tôi từng nghe đồn đãi nhưng chưa thấy tận mắt. Ðạn này cộng với pháo điều khiển bằng radar là một mối lo ngại lớn lao. Bỏ lịnh tấn công bằng ngư lôi mà tôi vừa ban, tôi ra lịnh tạo màn khói che cho tàu chạy theo hình chữ chi.

Shigure chạy tới chạy lui trong màn khói dày đặc với tốc độ tối đa 30 hải lý. Nhưng dù chạy như vậy, chúng tôi vẫn không thể nào tránh xa những quả pháo rơi xuống chung quanh cứ cách mỗi sáu bảy giây như trống nhịp. Sự căng thẳng tăng lên cực độ, vì tôi biết rằng bất cứ lúc nào chiếc tàu cũng có thể trúng đạn.

Sỹ quan ngư lôi và pháo thuật đều xin phép được khai hỏa, nhưng tôi biết cần phải chờ đợi cho đến khi nào có cơ hội thuận tiện nhứt. Chúng tôi vẫn không khai hỏa khi đạn địch tiếp tục rơi xuống. Các chiến hạm địch đang tiến tới ở hướng 60 độ. Tôi muốn phóng ngư lôi trước, rồi mới cho khai hỏa các loại súng trên tàu, vì nếu không làm như vậy, sức giật của chúng sẽ làm sai lạc sự chính xác của ngư lôi.

Pháo địch càng lúc càng sát đến nỗi nước tung xối lên đài chỉ huy. Khi các chiến hạm đối phương còn cách chừng 5,000m, tôi cho lịnh phóng ngư lôi và xoay hướng tàu ngay để chạy ra xa. Tôi nhìn theo những “con cá” lao vun vút sau tiếng động “phụt”.. “phụt”.. và đồng thời chờ cho chiếc tàu xoay đúng hướng. Một loạt pháo của địch rơi xuống cách xa tàu, nhưng loạt kế tiếp lại nhích gần hơn. Một ăn hai thua…

Tôi ra lịnh khai hỏa mọi loại súng. Chiếc tàu rung lên như một chiếc lá khi loạt đạn đầu tiên bắn đi. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Từ lúc chúng tôi và đối phương khởi diễn cuộc đấu súng, không có quả đạn nào của họ trúng tàu chúng tôi. Khi đôi tai làm quen được với tiếng nổ chát chúa của mọi họng súng , tôi nghe tiếng hét của quan sát viên đứng trên cột buồm: “Một ngư lôi của chúng ta trúng tàu địch thứ nhì! Pháo của chúng ta trúng tàu địch thứ ba!”

Trong khói lửa mù mịt của trận chiến đang tiếp diễn, tôi chưa dám vội kiêu hãnh nhưng tin tức đó gây phấn chấn cho các thủy thủ trên boong. Trong một khắc, tiếng reo hò dậy tàu! Thiếu tá Toshio Niwa, chỉ huy đoàn tàu tiếp tế, kể cho tôi nghe sau đó là các thủy thủ và lính bộ binh trên tàu ông đã vỗ tay reo mừng lúc chiếc Shigure đánh trúng tàu Mỹ. Các nháng lửa nhìn thấy rõ rệt từ chỗ của Niwa.

Một tin khác, bất ngờ và kinh ngạc nhứt trong ngày, do khu trục hạm Hamakaze gửi đi: Radar trên chiếc tàu này vừa phát hiện một hải lực hùng hậu của đối phương đang tiến thẳng về phía chúng tôi. Ðại tá Toshio Miyazaki đề nghị rút lui về Tây-Bắc. Ðề đốc Ijuin chấp nhận ngay. Tôi cũng tức tốc chuyển lời hoàn toàn đồng ý với Ðại tá Miyazaki.

Lúc 23g, chiếc Shigure của tôi xoay qua hướng Tây-Bắc, theo sau là các khu trục hạm Isokaze, Sazanami và Hamakaze. Cả 4 chiến hạm đều chạy tốc lực rút lui. Ðạn trọng pháo vẫn rơi quanh chúng tôi, kéo dài chừng 10 phút. Không có trái đạn nào trúng chiếc Shigure, nhưng chiếc Isokaze kém may mắn hơn. Sau khi trúng đạn, khu trục hạm này vội vã phóng 8 quả ngư lôi vào chiến hạm địch đang truy đuổi. Tàu địch vung sang trái để tránh né rồi tiếp tục truy đuổi. Lúc 23g12, trên chiếc Isokaze gần như hỗn loạn. Một đám cháy và một số thủy thủ của tàu này bị thương. Khu trục hạm Hamakaze cũng bị thiệt hại nhẹ, riêng hai chiếc Sazanami và Shigure là còn nguyên vẹn. Ðây là trận đụng độ dàn mặt lần thứ hai mà chiếc Shigure và toàn thể thủy thủ đoàn không hề bị một thương tích nào.

Tuần sau:

Chương XXXVI

Triệt thoái khỏi Rekata

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships