Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong sương mù?
Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù
Hồn ai kia đau xót chơi vơi?
Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi.

Dân đau thương
Ghi nhớ ơn của bao người
Chiến đấu dâng tấm thân cho quốc gia, cho giống nòi
Nhìn gương xưa nêu cao
Lòng sôi lên cương quyết noi theo
Nước mắt rớt xuống,
Bao xót thương bên nấm mồ
Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ
Chưa nguôi máu người thân yêu thác vì nước non.

Hồn Tử Sĩ cũng như Tiếng Gọi Công Dân tuy là của Lưu Hữu Phước nhưng đã thấm vào máu những ai sinh ra dưới lá cờ vàng. Đã biết bao thương tiếc, biết bao tiễn đưa ngậm ngùi. Hồn Tử Sĩ của Nhật Bản phải thê thiết khi từ trên một boong tàu thả xác xuống biển sâu mà xác, chỉ còn một bắp đùi. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXIX

Sau khi vượt ngang chiếc Yukikaze (Gió Tuyết), chiếc tàu của tôi chạy với tốc độ 20 hải lý như trước. Chúng tôi thoát ra khỏi eo biển nguy hiểm và chạy vào một hải vực bao la. Nỗi sợ gặp đá ngầm và san hô của chúng tôi không còn nữa, nhưng nỗi lo sợ khác lại hiện đến. Ðối với một chiến hạm què quặt chạy giữa ánh sáng ban ngày thực bất lợi, nhứt là trong một khu vực đầy dẫy tàu ngầm địch.

Trang bị sonar trên các khu trục hạm Nhựt như đã nói, không mấy hữu hiệu. Khi một khu trục hạm chạy đến tốc độ 20 hải lý hoặc cao hơn, sonar này hầu như mất hẳn sự nhạy cảm. Hiện tại sonar của Amatsukaze  hoàn toàn bất động. Tôi ra lệnh: “Matsumoto, tốt hơn là cứ mỗi giờ anh nên thay đổi toán thủy thủ bẻ lái. Chúng ta cần những cánh tay khỏe mạnh trong trường hợp cần thay hướng con tàu gấp rút. Tiềm thủy đĩnh địch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.”

Nhưng cũng lạ, 12 giờ trôi qua mà vẫn không xảy ra cuộc tấn công nào. Khi biết chắc rằng tàu đã vào hải vực an toàn, tôi bỗng nhiên thấy mình như kiệt lực. Kỹ thuật hải hành chính xác đã đưa chúng tôi đến một địa điểm cách phía Bắc Guadalcanal khoảng 250 dặm, nơi mà hạm đội của Phó Ðô đốc Takeo Kurita đang chuẩn bị để ra khơi vào đêm hôm đó. Khi tàu chúng tôi tiến đến gần, tôi nhìn thấy khu trục hạm Teruzuki (Lạc Nguyệt), cùng thuộc hạm đội của Ðề đốc Abê như chúng tôi. Hiệu thính viên của tôi gửi công điện yêu cầu chiếc Teruzuki cho biết tình hình.

Chúng tôi nhận ngay công điện hồi đáp: “Mừng Amatsukaze trở về. Các anh đã bị báo cáo mất tích nhưng chúng tôi vẫn hy vọng các anh trở về. Hạm đội của chúng ta chiến đấu hữu hiệu. Chỉ hai chiếc Hiei và Yudachi bị đánh chìm. Không ai nghe tin tức của chiếc Akatsuki. Xem như đã đắm. Murasame và Ikazuchi trúng nhiều pháo nhưng không hư nặng. Ngợi khen Trung tá Hara. Anh đã làm một việc đáng kinh ngạc khiến chúng tôi hãnh diện.”

Khi chúng tôi tiến sát chiếc Teruzuki, hầu hết thủy thủ đoàn của chiếc tàu này đã ra đứng cạnh lan can và vẫy tay reo hò chào mừng chúng tôi. Nhiều chiếc tàu khác cũng làm như Teruzuki. Nhưng tôi không cảm thấy vui vẻ hoàn toàn. Những lỗi lầm đã vấp phải khiến tôi trĩu nặng.

Chiếc Amatsukaze chạy vòng vào bên trong đội hình đã sắp xếp của các chiến hạm dưới quyền Phó Ðô đốc Kurita. Soái hạm của ông, tức thiết giáp hạm 37 ngàn tấn Kongo (Kim Cương), giống như một pháo đài nổi. Nhân viên truyền tin của soái hạm gửi chúng tôi một công điện: “Phó Ðô đốc Kurita gửi Trung tá Hara: “Tôi hài lòng với cuộc trở về can trường của anh, và thông báo cho anh hay tôi đã sắp xếp khu trục hạm của anh vào chuyến ra khơi hiện tại. Có mặt anh trong lần hải xuất này là niềm hãnh diện cho chúng tôi.”

Cộng điện này làm tôi kinh ngạc. Tôi gửi ngay hồi đáp: “Trung tá Hara gửi Phó Ðô đốc Kurita: Không xứng đáng nhận ban khen của Phó Ðô đốc. Chuyến về què quặt của tôi thiệt mất 43 thủy thủ, bao gồm sỹ quan pháo thuật. Chúng tôi cần phải sửa chữa. Hiện tại tôi đang phải điều khiển guồng lái bằng sức người.”

Công điện kế tiếp của soái hạm đến vài phút sau: “Phó Ðô đốc Kurita lệnh cho Hara quay về Truk lập tức, những khen tặng không thay đổi. Chúc anh thượng lộ bình an và nhiều may mắn. Mong gặp lại.”

Hình ảnh của soái hạm Kongo nhạt nhòa trong dòng lệ khi tôi đọc xong những lời ưu ái ấy. Tôi cố dằn xúc động để ra lệnh: “Matsumoto, xoay hướng phải. Chúng ta về Truk.”

Matsumoto đáp: “Tuân lệnh Trung tá. Nhưng dường như Trung tá mệt mỏi. Tại sao Trung tá không đi nghỉ? Trung tá đã hò hét 15 giờ ròng rã rồi, bây giờ tôi đã biết điều khiển con tàu theo phương pháp của Trung tá.”

“Cám ơn Matsumoto. Anh nói phải, vậy anh hãy thay tôi.” Tôi ngồi xuống, là lần đầu tiên trong 24 giờ qua, nhưng chỉ được một vài phút tôi vùng dậy khỏi ghế. Tôi đã quên khuấy một việc, “Miyoshi! Shoji! Phải cử hành lễ thủy táng cho những người chết trước khi trời tối.”

Xem thêm:   Đua ngựa Sài Gòn

Bốn mươi ba cái xác -nhiều xác què cụt- được mang lên sàn tàu. Mỗi xác chết đều được đồng đội tắm rửa bằng nước nóng và dùng vải bọc lại. Nước, được xem là quý giá trước đây không hề hạn chế trong buổi lễ này. Những cái xác bọc vải kèm vật nặng được thả xuống biển, trong lúc các thủy thủ thổi kèn đồng tấu bài vĩnh biệt và những người khác đứng chào đưa tiễn.

Mỗi cuộc thủy táng luôn buồn thảm. Tôi đã tham dự không biết bao nhiêu buổi lễ như thế này, nhưng không lần nào buồn bã như lúc này. Toán quân nhạc chỉ có 4 kèn và hai trống tấu điệu Junkyosha no tamashi,  là Hồn Tử Sĩ của chúng tôi.

Cuối cùng, khi Miyoshi và Shoji buông cái chân duy nhất còn lại của Ðại úy Shimizu, sỹ quan pháo thuật xuống biển, tôi đã khóc thành tiếng. Shimizu, một tay cứng đầu hay cãi lý, lĩnh nguyên quả 152 ly làm thân thể đứt lìa chỉ còn một chân trên boong; nhưng anh ta là một người tốt, một sỹ quan giỏi. Nếu tôi nghe theo ý kiến của Shimizu thì đã không vấp phải lỗi lầm cho đến nỗi phải trả bằng mạng sống của anh ta.

Kế đó, Miyoshi và Shoji bước đến xác của Chuẩn úy Iwata và cẩn thận nâng lên. Iwata, sỹ quan quan sát đã phát hiện tuần dương hạm Helena kịp thời khiến chiếc tàu của chúng tôi thoát khỏi bị tiêu diệt. Tôi bước xuống đài chỉ huy. Thủy thủ nhìn tôi chăm chú. Ðây là lần đầu tiên tôi rời khỏi đài chỉ huy từ khi bắt đầu cuộc hành quân. Tôi nói: “Iwata, bạn của tôi! Cái chết của bạn sẽ thức tỉnh tôi, để tôi thận trọng hơn!” Tôi cởi quân phục khoác ngoài và đắp lên xác chết. “Iwata, vĩnh biệt, anh hãy an nghỉ.” Lệ dâng đầy mắt tôi lúc đứng nghiêm và chào đồng đội quá cố. Tôi lê gót nặng nhọc lên đài chỉ huy. Nhiều thủy thủ bật khóc như trẻ con, nhiều người khác đưa tay bưng mặt. Tôi ngước nhìn vầng kim-ô to lớn đỏ ối dần khuất, thái dương chìm xuống với các thi thể. Tôi nguyện với lòng không vấp vải những lỗi lầm như vừa qua nữa. Khi lễ thủy táng chấm dứt, đêm đã xuống hoàn toàn.

Chiếc Amatsukaze chạy vòng quanh khu vực thủy táng một lần nữa, ban quân nhạc đã giải tán nhưng trên sóng vẫn còn âm vang giai điệu Hồn Tử Sĩ. Toàn thể thủy thủ cúi đầu cầu nguyện lần cuối cùng cho những kẻ ra đi vĩnh viễn. Sau đó tàu quay mũi về hướng Bắc.

Matsumoto, nguyên là một sinh viên xuất thân từ trường Hàng Hải Thương Mại, đã thích ứng với công việc khiển guồng lái bằng tay rất mau lẹ. Chiếc tàu tiếp tục chạy với tốc độ tối thiểu, và 24 giờ sau, ngày 14 tháng 11, Amatsukaze buông neo trong quân cảng Truk, hòn đảo san hô yên tĩnh. Ở đây, tôi nghe tin tiềm thủy đĩnh I-26 của Nhựt đã phóng ngư lôi đánh chìm một tuần dương hạm chạy lẻ loi của Hoa Kỳ. Phải nhiều năm sau này tôi mới biết đó là tuần dương hạm USS Juneau, từng bị chiếc Amatsukaze phóng ngư lôi gây hư hại nặng nề trước khi bị I-26 đánh gục.

Trận đánh kết thúc, phần thắng nghiêng về phía Nhựt, nhưng chỉ là thuần túy chiến thuật. Chiến thắng chiến lược đã nghiêng về phía địch, vì lực lượng của Abê bị ngăn chặn, phải bỏ cuộc pháo kích lên các phi đạo ở Guadalcanal và không tấn công vào các hải đoàn tiếp tế cho Thủy Quân Lục Chiến địch như đã định. Mười chiến hạm Hoa Kỳ bị đánh đắm, nhưng không gây thất lợi hẳn cho địch quân, và việc này càng làm cho họ lưu tâm đến hòn đảo hơn nữa.

Ở Truk, Ðô đốc Yamamoto đã nổi giận khi nghe tin nhiệm vụ của Abê thất bại. Hiei là thiết giáp hạm đầu tiên của Nhựt chìm trong cuộc chiến. Ðiều này đã khiến cho Yamamoto nổi khùng, cho dù là trước đây ông luôn luôn được tiếng là khoan dung với thuộc cấp. Yamamoto cách chức Abê ngay trên biển, ngay cả trước khi Abê về hậu cứ.

Vào đêm 13 tháng 11, một hải đoàn gồm 3 tuần dương hạm và 4 khu trục hạm của Ðề đốc Shoji Nishimura áp sát bờ biển Guadalcanal và mở những cuộc pháo kích vào các phi trường trên đảo. Nhưng vào sáng hôm sau, phi cơ Hoa Kỳ vẫn cất cánh được từ các phi trường này. Chứng tỏ cuộc pháo kích của Nishimura vô hiệu. Các phi cơ trên đảo phối hợp với phi cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise (vừa sửa chữa) đến xâu xé một đoàn tàu chuyển vận 11 chiếc của Nhựt, gây thiệt hại và đánh chìm đến 7 chiếc. Phi cơ địch cũng đánh chìm tuần dương hạm Kinugasa và gây hư hại nặng cho 3 khu trục hạm hộ tống.

Phó Ðô đốc Kondo, Phó Tư Lệnh Hạm đội Hỗn hợp, được lệnh thay Kurita cầm đầu cuộc hải xuất kế tiếp vào đêm 14 tháng 11. Hai tuần dương hạm 13 ngàn tấn Atago và Takao, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Kondo, thình lình được sát nhập vào hạm đội của cựu Ðề đốc Abê, hạm đội này đã thiệt mất một thiết giáp hạm Hiei và 3 khu trục hạm trong trận đánh vừa qua (tính luôn chiếc Amatsukaze của tôi). Sự lựa chọn Kondo cho nhiệm vụ, chứng tỏ Yamamoto đã sai lầm. Tôi vẫn không hiểu tại sao Yamamoto lại nghĩ quá cao về Kondo, mặc dù ông này đã có nhiều hành vi nhút nhát trong hai trận hải chiến gần đây. Lần này, lực lượng của Kondo gồm có một thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm nặng và 9 khu trục hạm, đối đầu với một lực lượng địch yếu hơn rõ rệt, dưới quyền của Ðề đốc Willis Augustus Lee, chỉ có 2 thiết giáp hạm và 4 khu trục hạm. Mặc dù nắm lợi thế về số đông, Kondo đã để cho địch quân đánh chìm thiết giáp hạm Kirishima và một khu trục hạm, trong khi Lee chỉ mất có 3 khu trục hạm.

Xem thêm:   Mật Ong của Ba

Hai tuần dương hạm nặng còn lại của Kondo vẫn chưa chạm địch, nhưng ông đã ra lệnh cho cả hai rút lui, và ngay cả sự cố gắng truy đuổi địch quân ông cũng không hề nghĩ đến. Trong vòng 4 tháng, đây là lần thứ ba Kondo đã có hành vi thiếu quyết liệt. Ðô đốc Yamamoto đã nổi giận trước sự thất bại của Abê, nhưng đối với Kondo ông lại tỏ ra rộng lượng lạ lùng. Nhiều sỹ quan của Kondo đã lấy làm hổ thẹn giùm cho ông cũng như cho chính họ. Họ tránh đề cập đến trận đánh, Kondo là một mẫu người lịch sự theo phong cách Anh. Ông tỏ ra nhân ái và độ lượng với tất cả thuộc cấp, và ông cũng là một vị phó đô đốc có kiến thức uyên bác. Ðối với tôi, ông là một người tốt và tôi luôn kính nể ông. Nhưng tôi phải nói rằng Yamamoto đã vấp phải một sai lầm to tát nhất, đó là việc ông đã đánh giá quá cao khả năng của Kondo. Kondo có thể là một vị giám đốc giỏi ở hàn lâm viện, nhưng ông không thể là một vị chỉ huy thích hợp ở một đơn vị tác chiến.

Bộ Tư Lệnh Tối Cao Ðông Kinh cũng tỏ ra giận dữ. Cơn giận của các vị đô đốc đầu não đã biến thành cơn thịnh nộ khi họ nghe thêm tin thất bại của Phó Ðô đốc Kondo, tiếp liền sau thất bại của Abê. Một ủy ban gồm nhiều vị đô đốc được thành lập để điều hành một tòa án xét xử kín nội vụ. Abê và Ðại tá Nishida, hạm trưởng của thiết giáp hạm Hiei ra chấp cung. Cả hai đều không thể đưa ra lời biện hộ nào cho những lỗi lầm của họ. Tòa án phán xét cho cả hai “về hưu” vì đã có những hành vi “bất xứng”, được hưởng hưu trí, nhưng không được giữ bất cứ chức vụ nào. Riêng Kondo không bị trừng phạt.

Ở Truk, khu trục hạm Amatsukaze của tôi đậu cặp kè với tàu công xưởng Akashi. Viên kỹ sư trưởng lên ngay tàu của tôi để xem xét các hư hỏng. Tôi đã cho rằng sự hư hại không có gì đáng kể và có thể hoạt động trở lại trong vòng mươi ngày là cùng.

Viên kỹ sư cười to: “Trung tá Hara, hầu hết các hạm trưởng đều xem thường sự hư hại của chiếc tàu do họ chỉ huy, và khi lâm chiến, họ bắt những chiếc tàu làm những việc không thể nào làm nổi ngay cả với một chuyến đi thông thường. Tôi biết Trung tá rõ từng chi tiết của chiếc tàu này. Hãy đi một vòng xem, và hãy giải thích cho tôi xem những điểm nào gọi là còn tốt của chiếc tàu?”

Thực vậy, Amatsukaze không khác nào đứa con của tôi. Ðầu năm 1940, tôi đã xem xét tỉ mỉ chiếc tàu trước khi nó được hạ thủy, và ròng rã 6 tháng sau đó tôi đã trông coi việc trang bị cho chiếc tàu. Có thể nói đây là khu trục hạm tốt nhất vào thời đó. Chiến hạm 2,500 tấn này tôi biết từng đường tơ kẽ tóc, đúng như lời viên kỹ sư đã nói.

Viên kỹ sư chánh và tôi đã bỏ ra một ngày thanh tra các chỗ hư hại của Amatsukaze. Sự lạc quan của tôi đã tan biến ngay sau cuộc xem xét này. Trên toàn thể vỏ tàu, chúng tôi đếm được tất cả 32 lỗ thủng với đường kính rộng cả tấc. Thêm vào đó, có 5 lỗ thủng dưới một tấc do mảnh đạn gây ra. Còn các lỗ thủng nhỏ thì vô số, sau khi đếm đến con số 40, tôi đã ngưng không đếm nữa. Quả thực, chiếc tuần dương hạm Hoa Kỳ đã làm được việc. Viên kỹ sư đã nói đúng. Amatsukaze hiện giờ chỉ là một đống sắt nổi, không còn giá trị của một khu trục hạm nữa.

Sau khi đi một vòng xong, chúng tôi bước vào phòng. Tôi rơi xuống ghế, chán nản và buồn bực. Viên kỹ sư an ủi: “Tôi thành thực chúc mừng tài lái tàu tài giỏi của Trung tá. Mang được chiếc tàu này trở về, đầy đủ như vầy, Trung tá đã làm một việc giống như có phép lạ, nhưng tôi chắc phép lạ này không xảy ra lần thứ nhì đâu.”

Xem thêm:   Cái cọc sắt

Tôi công nhận phán xét của viên kỹ sư, nhưng trong lúc chán nản tôi chỉ ngồi yên lặng. Hắn nói tiếp: “Chắc Trung tá biết, chúng tôi không thể tập trung tất cả thời gian vào chiếc Amatsukaze. Nhiều chiếc tàu khác cũng cần phải sửa chữa. Ước chừng phải mất một tháng tôi mới sửa xong tàu của Trung tá cho đủ sức chạy về Nhựt. Ở đó sẽ có đủ phương tiện và hy vọng thêm một tháng nữa… chiếc tàu này sẽ phục hồi như cũ.”

“Tôi từng nghe địch quân có thể sửa chữa chiến hạm hư hại nặng nề nhiều hơn của họ không quá 60 ngày. Tại sao chúng ta không làm được như vậy?”

Tôi biết câu giải đáp sẽ liên quan đến khả năng công nghiệp vượt trội của Hoa Kỳ và tôi cũng hiểu ngay câu hỏi của tôi sẽ gây phiền phức như thế nào. Một khoảng im lặng nặng trĩu, cuối cùng tôi lên tiếng: “Xin hãy làm những việc ông cho là thích hợp. Tôi sẽ ở đây với chiếc tàu. Thủy thủ của tôi sẽ tiếp tay với nhân viên của ông trong việc sửa chữa, nếu xét thấy có thể.”

Viên kỹ sư lại ngỏ lời tán tụng tôi thêm một lần nữa, rồi mới chịu cáo từ. Tôi dẹp bỏ sự lo nghĩ, đứng dậy ra khỏi phòng, và đi qua đi lại trên sàn tàu. Nhìn lại những lỗ thủng không đếm xuể do đạn đại liên gây ra, tôi nghĩ cũng may mà chúng tôi chỉ thiệt hại có 43 nhân mạng.

Công việc sửa chữa chiếc tàu bắt đầu vào sáng hôm sau. Tuần lễ kế đó, tôi phải bận rộn đón một số khách viếng thăm đến từ thiết giáp hạm Yamato và một số chiến hạm khác buông neo ở quân cảng Truk.

Tôi có nhiệm vụ giải thích với họ về “phép lạ” mà chiếc Amatsukaze đã được hưởng. Ai ai cũng cho rằng chiếc tàu còn tồn tại là một việc phi thường. Nhiều khách viếng ngỏ lời khen tặng tôi, nhưng không ai hỏi ý kiến tôi làm sao để tránh nếu họ gặp một số phận như vậy trong tương lai. Và cũng không một sỹ quan nào thuộc bộ tham mưu khi đến viếng thăm chiếc tàu mang đầy thương tích của tôi ngỏ lời hỏi han hoặc yêu cầu tôi đưa ra những ghi nhận chiến thuật. Sự khiếm khuyết đáng chú ý này kéo dài một tuần lễ, khiến tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của những người này. Tôi đã băn khoăn lo nghĩ rằng họ – những người đã góp tay vào việc sắp xếp kế hoạch hành quân – họ không thấy cần thiết phải rút tỉa những kinh nghiệm của trận đánh vừa qua. Dĩ nhiên, điều này cho thấy họ tắc trách trong nhiệm vụ, và gây cho tôi sự âu lo về những kế hoạch mà họ sẽ đặt ra trong tương lai.

Tại Truk, tôi nhận được hai lá thơ gửi từ Nhựt. Trong một lá thơ đề ngày 13 tháng 11-1942, vợ tôi sau khi nói sơ qua về tình trạng của gia đình đã chấm dứt với câu sau đây:

“Ðêm hôm qua thằng nhỏ Mikito bỗng nhiên thức giấc và hét lớn. Thoạt đầu em nghĩ là con bị bệnh, nhưng khi gạn hỏi, thì nó nói đã mơ thấy anh đang gặp nguy hiểm. Nó còn nói anh đã nhìn nó với khuôn mặt xanh xao và sợ hãi. Em tự hỏi không biết đêm qua anh ở đâu và đang làm gì? Báo chí hàng ngày đều loan tin nhiều trận đánh dữ dội xảy ra ở phía Nam. Em lo cho anh vô cùng.”

Theo ngày ghi trên lá thơ, đêm đứa con tôi nằm mơ là đêm 12 rạng sáng ngày 13 tháng 11. Ðó là đêm tôi lâm vào tình trạng hiểm nguy thực sự. Mặt tôi xanh xao, và chắc chắn là sợ hãi, khi tàu của tôi bị chiếc tuần dương hạm địch dập pháo liên hồi. Tôi đã choáng váng khi bị chiếc Helena xối đạn đánh úp nhưng làm sao đứa bé này lại thấy được hình ảnh của cha nó?

Lá thơ thứ hai là của má tôi, lúc ấy đã 82 tuổi. Cuối thơ, má tôi viết:

“Mỗi sáng và mỗi đêm má đều quỳ trước bàn thờ để cầu nguyện tổ tiên và đức Phật từ bi phù hộ cho con. Hãy giữ lấy thân con để trở về với má.”

Ðọc thơ má, mắt tôi đầy lệ, tôi nghĩ đến gia đình của những thuộc cấp đã ra đi vĩnh viễn. Tôi bật khóc thành tiếng. Tôi phải viết thơ phân ưu gửi cho 43 gia đình của những người đã chết trước khi hồi âm cho má và vợ tôi. Tám giờ đồng hồ ròng rã trước khi tôi chấm dứt lá thơ cuối cùng. Mặt trời đã lặn khi tôi bước ra sàn tàu, trên sóng biếc giai điệu âm u của Hồn Tử Sĩ còn ngân.

Tuần sau: Chương XXX 

Trận Tassafaronga

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships