Mục đích khai chiến của Nhật là chiếm lấy các mỏ dầu trên quần đảo Nam Dương khi ấy chưa gọi Indonesia mà hãy còn mang tên Dutch East Indies, Đông-Ấn thuộc Hòa Lan. Để thực hiện, Nhật cần phá hai lá chắn Mã Lai và Phi Luật Tân. Sau khi hai thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse chìm xuống biển Đông, cách Sàigòn 400 hải lý, Đại tướng Yamashita Tomoyuki cùng với 70 ngàn binh sĩ của Lộ quân XXV tiến vào Tân Gia Ba, bắt sống Trung tướng Arthur Pervical với 130 ngàn quân Anh-Ấn-Úc. Hơn một nhục nhã, một khởi đầu của sự tan rã của đế quốc Anh mà tiến trình giải thực về sau ở Á châu là hệ quả. Với Nhật Bản, còn lại lá chắn Phi cần thanh toán.

Douglas MacArthur là một danh tướng, quyền Tổng tư lệnh Hoa Kỳ tại Viễn Đông (USAFFE). Chi tiết Eisenhower từng thuộc cấp nói lên chiều kích của MacArthur trong quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc phòng thủ xứ Phi lại là một vết đen trong binh nghiệp MacArthur.

10 giờ sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công, tuy biết tin, MacArthur đã không có một động thái nào. Trung tướng Lewis Hyde Brereton, Tư lệnh US Far East Air Force, đề xuất tung các pháo đài bay B17 nghiền nát Không đoàn Đài Nam của Nhật trên đảo Đài Loan vì biết chắc không tập Nhật sẽ xuất phát từ đây. MacArthur từ chối, viện lý lẽ không thể dùng hết các oanh tạc cơ nặng cho một canh bạc. Đối lại với phương châm “Make the first move” của Brereton, MacArthur áp dụng công thức “Wait and See” – trông chờ viện binh mà Roosevelt hứa hẹn.

12 giờ trưa ngày 8 tháng 12-1941, Không đoàn Đài Nam tấn công phá hủy hầu hết máy bay Mỹ ở Clark Field Air Base. Không còn không yểm, US Asiatic Fleet của Đô đốc Thomas C. Hart gồm 2 tuần dương hạm nhẹ và 10 khu trục hạm phải lui về Nam Dương trú ẩn. Chỉ sau một ngày, MacArthur không còn không quân và hải quân. Việc 151 ngàn binh sĩ Phi-Mỹ phải lui về cố thủ trên bán đảo Bataan rồi đầu hàng trong pháo đài Corregidor sau khi MacArthur thoát đi, là đoạn kết. Với lời hứa “I came through and I shall return!” của MacArthur.

Trong những ngày này, Trung tá Hara tham dự hành quân đổ bộ lên thủ phủ Davao phía cực Nam Manila. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XII

Vào ngày 15 tháng 12-1941, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt hài lòng về diễn tiến êm đẹp của cuộc hành quân đổ bộ lên Luzon, và xét thấy không cần thiết phải duy trì các cuộc tuần tiễu ở hải phận Legaspi nữa nên đã ra lịnh cho các tàu của chúng tôi trở về Palau. Một cuộc phản công của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân đã bị chặn đứng vào thời gian đó. Trong khi lấy nhiên liệu ở Palau, chúng tôi được lịnh hộ tống các tàu chuyển vận đổ bộ lên Davao phía Nam đảo Mindanao.

7 giờ sáng ngày 17 tháng 12, một đoàn tàu 12 dương vận hạm chia ra làm 3 nhóm vận chuyển một trung đoàn bộ binh rời khỏi Palau. 7 khu trục hạm và 2 dương đĩnh nhỏ giữ nhiệm vụ hộ tống. Trên tuần dương hạm Jintsu (Thần Ðạo), Ðề đốc Tanaka chỉ huy cuộc hành quân.

Bốn mươi lăm phút sau khi rời khỏi Palau, lúc đang đứng trên đài chỉ huy, nhân viên sonar của tôi báo cáo phát hiện một chiếc tiềm thủy đĩnh cách 2000 thước ở 80 độ hữu mạn. Sự phát hiện này giống như những gì đã xảy ra vào ngày 6 tháng Chạp. Bây giờ thì không còn sự lưỡng lự nào nữa. Chúng tôi tiến đến cách mục tiêu 1000 thước, tăng gia tốc lên 21 hải lý, thả xuống 6 trái thủy lôi nổ ngầm, đoạn xoay hướng 230 độ và thả thêm 6 trái nữa. Các thủy lôi phát nổ ở độ sâu 30 thước. Chúng tôi quan sát mặt nước, không có chứng cớ nào cho thấy cuộc tấn công của chúng tôi có hiệu quả. Tôi cho khu trục hạm Amatsukaze của tôi chạy phía bên phải của nhóm tàu chuyển vận thứ hai và giữ vị trí hộ tống như cũ. Ðoàn tàu chạy với tốc độ 10 hải lý theo hình chữ chi.

Xem thêm:   Đông dược

Vào lúc 1 giờ trưa cùng ngày, khu trục hạm Kuroshio (Hắc Thủy) chạy ở cánh phải của nhóm thứ nhứt báo cáo: “Phát hiện tiềm thủy đĩnh địch. Phối hợp với phi cơ tuần thám, chúng tôi đã tấn công chiếc tàu ngầm này bằng mìn nổ chậm. Một khoảng dầu rộng lớn nổi lên mặt nước. Chúng tôi xem như tiềm thủy đĩnh địch đã bị đánh chìm.”

Công điện này gây ra sự “đố kỵ” trên chiếc Amatsukaze. Tôi lặng lẽ trao công điện cho các sỹ quan dưới quyền. Họ vừa càu nhàu vừa kêu lên thất vọng. Trước bình minh ngày 20 tháng 12, đoàn tàu tiến vô vịnh Davao mà không gặp sự ngăn chặn nào của phi cơ hoặc chiến hạm của Ðồng Minh. Hành quân đổ bộ không mới mẻ gì đối với tôi. Cách đây 5 năm tôi đã từng nếm mùi hỏa lực địch ở Thượng Hải. Hành quân Davao lần này, chúng tôi được lịnh không nổ súng, trừ phi bị thách thức. Chúng tôi muốn chiếm Davao mà khỏi phải đụng độ và càng ít tàn phá càng tốt. Hai nhóm tàu đã đổ quân nhanh chóng, một cách êm thắm.

Các tàu hộ tống chạy chầm chậm trong vịnh cảng yên tĩnh. Từ chiếc Amatsukaze, một trung đội thủy thủ của tôi xuống xuồng máy, đảm trách nhiệm vụ giải giới và bắt giữ tất cả các tàu buôn nhỏ đang đậu trong hải cảng. Nhưng khoảng sau vài phút, địch quân thình lình xuất hiện trên bến tàu và xả súng bắn vào trung đội của tôi đang đi trên ca-nô. Một số thủy thủ bị trúng đạn.

Tôi hét: “Tả mạn khai hỏa!” Câu này giống như tôi đã hét trong cuộc đổ bộ Thượng Hải. Một sự lặp lại đần độn mà chính tôi phải rủa thầm.

Sáu khẩu trọng pháo 127 ly xoay nòng và khai hỏa. Không một quả đạn nào trúng ngay vào quân địch chỉ cách 2,000 thước, nhưng họ vẫn phân tán và bỏ chạy. Chúng tôi bắn đuổi theo cho đến khi không còn thấy bóng dáng một tên địch nào.

“Ngừng bắn!” tôi ra lịnh. Nhưng một quả đạn đã bay ra khỏi nòng và một chiếc tàu chở xăng dầu đậu cách bờ 50 thước bị trúng đạn bùng cháy.

Diễn biến cuộc hành quân này khác xa sự hy vọng của tôi. Tôi đã lặp lại một số lỗi lầm vụng về. Tôi không còn là một chuyên viên khu trục hạm hàng đầu nữa, nhưng là một gã thấp trí và ngu dốt.

Lúc đó, chiếc ca-nô trở về với một xác chết. Ngày hôm sau, tôi thi hành đủ lễ tống táng cho Trung sỹ Tsuneo Horie, thủy thủ đầu tiên của tôi ngã xuống trong cuộc chiến. Chiếc tàu dầu cháy suốt ba ngày ba đêm.

Sau cuộc đổ bộ, chúng tôi bận rộn suốt cả tuần với công việc giải thoát các kiều dân Nhựt trong khu vực. Rất may là chỉ có một vài cư dân Nhựt đã bị Ðồng Minh giết vào đầu cuộc chiến.

Không lâu trước đó, các báo cáo thương vong trên một số khu trục hạm khác gửi đến. Các khu trục hạm này tham dự hành quân ở đảo Wake, tỏ ra còn tồi tệ hơn những gì chúng tôi đã làm ở Davao. Vào ngày 11 tháng 12, khu trục hạm Kisaragi bị các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ đóng ở Wake đánh chìm. Cùng ngày, khu trục hạm Hayate, một đồng đội của Kisaragi, cũng bị các pháo đội phòng duyên Hoa Kỳ triệt hạ. Làm sao mà hai chiếc tàu này lại vụng về như vậy!

(Chiếc Kisaragi, 1,400 tấn đóng năm 1924, võ trang 4 hải pháo 120 ly đã tham dự vào Lực Lượng Ðặc Nhiệm tấn công Trân Châu Cảng, bị 4 chiến đấu cơ F4F Wildcat từ đảo Wake tấn công bằng bom 50kg, 1 trong 4 quả thả trúng sườn phần nằm chìm dưới nước làm nổ tung bên dưới tàu và chìm cấp kỳ, trước đó vài giờ chiếc Hayate (Cơn Lốc), một khu trục hạm 1,720 tấn đóng cùng thời với Kisaragi, võ trang 3 hải pháo 120 ly, bị pháo binh duyên hải 127 ly của Hoa Kỳ trên đảo Wake bắn trúng 2 phát và chìm với 168 thủy thủ đoàn.)

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Nhưng tôi biết còn nhiều chiến hạm khác vụng về hơn như khu trục hạm Shinonomé (Rạng Ðông), 1,750 tấn, võ trang 6 hải pháo 127 ly thuộc lớp tàu khu trục “hạng sang”chạm phải một trái mìn và chìm ở Miri, Bornéo. Báo cáo không thể xác định loại mìn mà chiếc tàu này chạm phải là của Nhựt hay của Hòa Lan!

Vào ngày 24 tháng 12, tôi muốn nổi khùng khi nghe tin khu trục hạm Sagiri (Sương Mù), cùng loại với  chiếc Shinonomé bị một tiềm thủy đĩnh tấn công bằng ngư lôi và cũng chìm gần Bornéo. Ðúng là một con mèo bị một con chuột nuốt. Sau đó chúng tôi biết được chiếc tiềm thủy đĩnh đạt được chiến công này là chiếc K16 của Hòa Lan.

(Chiếc Shinonomé chạm phải mìn và chìm với tất cả thủy thủ đoàn. Chiếc Sagiri bị trúng ngư lôi từ tiềm thủy đĩnh K16 của Hòa Lan và chìm với 121 thủy thủ, 120 thủy thủ sống sót được khu trục hạm Shirakumo (Bạch Mây) cứu thoát).

Nhưng tin khu trục hạm Kuroshio thuộc phân đội của tôi đã thành công trong việc đánh chìm một tiềm thủy đĩnh của địch đã gây phấn chấn và gỡ thể diện cho chúng tôi phần nào. Nhưng ngày 23 tháng 12, chiếc tàu này đã “ngủ quên” và bị một chiếc phi cơ xuất hiện thình lình tấn công. Rõ ràng Kuroshio không tin là có phi cơ Ðồng Minh hoạt động quanh quẩn khu vực. Chiếc phi cơ, một pháo đài B17, sà xuống dội một loạt bom, và một trong những trái bom đã trúng ngay chiếc tàu gây nhiều thương vong.

Những câu chuyện này không được tiết lộ ra ngoài, mà bị chôn vùi hẳn giữa những chiến công ngoạn mục của Nhựt Bản được quảng bá rộng rãi vào thời gian ấy. Nghe các tin tức này làm tôi càng thêm rầu rĩ. Người ta thường nói chiến tranh là một loạt những sai lầm, nhưng những sai lầm này không thể nào chấp nhận được. Những thiệt hại như thế đã khiến tôi giận dữ tột độ, và tên hạm trưởng do dự, đắn đo một tháng trước đây không còn trong tôi nữa. Tôi đã trở thành một kẻ khác, hung tợn và dứt khoát.

Sự sai lầm của chúng tôi cứ tiếp tục trong suốt tháng ngày đầu của cuộc chiến. Một việc xảy ra vào ngày 4 tháng 1 năm 1942 khiến tôi điên tiết. Vào ngày đó, 14 chiến hạm quan trọng, bao gồm hầu hết lực lượng trên biển của Nhựt trong khu vực, đậu ở hải cảng nhỏ Malalag trên bờ Tây vịnh Davao. Hải khẩu thật nhỏ hẹp và Ðề đốc tư lịnh đã ra lịnh đóng lại bằng một mạng lưới chống tiềm thủy đĩnh.

Lúc đang dùng bữa trưa, tôi nghe tiếng la của thủy thủ canh gác: “Phi cơ tấn công!” Chúng tôi nhìn lên trời và thấy 9 oanh tạc cơ 4 máy đang bay trên cao độ 30,000 bộ, là 9 ngàn thước. Chúng tôi biết đây là loại B17, các pháo đài bay, bởi thời gian đó Nhựt chỉ có loại thủy phi cơ quan sát 4 máy Kawanishi (Emily) trong khu vực.

Sỹ quan và thủy thủ chạy ùa vào vị trí chiến đấu. Nhưng mà chạy vào vị trí chiến đấu để làm gì? Chúng tôi bó tay trước hải khẩu nhỏ bé đã bị đóng kín. Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là đứng nhìn. Các khẩu súng của chúng tôi không thể nào chạm tới các pháo đài bay đó, và lúc đó cũng không có chiến đấu cơ nào của Nhựt cất cánh nghinh chiến.

Tôi khoanh tay nhìn những quả bom được trút xuống. Rất may là các oanh tạc cơ Hoa Kỳ, hiển nhiên là mới đến Java, không mang theo bom hạng nặng và nhắm mục tiêu không chính xác. Một quả bom 250 cân Anh trúng thẳng vào pháo tháp thứ hai của tuần dương hạm Myoko đậu chính giữa hải cảng, gây cho hơn 20 người chết và 40 thủy thủ khác bị thương. Mảnh của quả bom này văng qua chiếc tàu chở thủy phi cơ Chitose (Thiên Tuế) đậu cách đó 500 thước, phá hủy 5 phi cơ trên sàn tàu. Không một phi cơ nào của Nhựt kịp cất cánh để truy đuổi các oanh tạc cơ địch.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Khu trục hạm Amatsukaze của tôi đậu cạnh bãi biển và không thể nhấc một tấc nào để tránh các quả bom rơi xuống. Chúng tôi đã thoát được nhờ may mắn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn rầu hơn ngày hôm đó, khi dõi theo tuần dương hạm Myoko, một đồng đội thiết thân của tôi từ ngày phát động cuộc hành quân, “khập khiễng” rời khỏi vịnh Davao trên đường trở về Nhựt để sửa chữa.

Chúng tôi không thể nào chấp nhận phương cách tác chiến ngu xuẩn này. Ðể giải buồn tôi uống liên tiếp nhiều ly sakê.

(Tuần dương hạm hạng nặng Myoko, trọng tải 13,300 tấn, dài 204m và có thể đạt tốc độ 36 hải lý (67km/h), đóng tháng 10 năm 1924 và hoàn tất vào tháng 7 năm 1929, trang bị 10 hải pháo 203 ly, 6 hải pháo 120 ly, hỏa lực mạnh nhứt của một tuần dương hạm vào thời đó, đây là chiếc đầu tiên của lớp tàu này, ba chiếc được hoàn tất kế đó là Nachi, Ashigara và Haguro. Chiến hạm này tham gia tất cả các trận đánh lớn trên Thái Bình Dương và sống sót sau cuộc chiến. Ngày 21 tháng 9 năm 1945, Myoko đầu hàng quân Anh ở Tân Gia Ba và đến ngày 7 tháng 6 năm 1946 bị quân Anh đánh đắm ở eo biển Malacca.

Số phận của chiếc Chitose (Thiên Tuế), là một tàu chở thủy phi cơ hạ thủy vào năm 1936 rồi cải biên thành một hàng không mẫu hạm hộ tống vào năm 1943, sẽ bị đánh đắm trong thủy chiến vịnh Leyte vào tháng 10 năm 1944 bởi Task Force 38 của Ðô đốc Halsey.)

Trong một chuyến tiếp tế, có một gói hàng do người bạn thâm niên nhứt của tôi hiện sống ở Osaka gởi đến. Trong đó là một cái áo lót mình đàn ông, tương tợ loại áo maillot de corps của sỹ quan Pháp ở Ðông Dương, với 1,000 mảnh vải đủ màu sắc được khâu lại bằng tay. Theo cổ tục, cái áo lót này đối với người Nhựt chẳng khác nào lá bùa hộ mạng chống được vũ khí của kẻ thù. Nếu được may bằng tấm lòng chân thực của một người đàn bà có trời chứng giám sẽ hóa thành một tấm áo giáp che thân. Trong thơ, bà vợ của bạn tôi cho biết có một phụ nữ đã đứng ở một góc phố để nài nỉ 999 người đàn bà khác mỗi người cho một mảnh vải, rồi đem về khâu, rồi van lơn vợ chồng bà gởi cho tôi. Cảm kích tôi mặc ngay chiếc áo lót vào mình cho dù tôi không tin tưởng cổ tục dị đoan này. Vợ tôi, Chizu là một người vợ phẩm hạnh và đoan trang, chắc chắn là không hài lòng nhưng người phụ nữ ấy là ai? Tôi chợt nghĩ đến Utamara, nhớ đến nàng mỗi khi đánh giày cho tôi xong đều ngước lên nói: “Em muốn anh bảnh bao.” Và mỗi khi nàng áp má lên ngực tôi, luôn thì thầm: “Em ước lồng ngực anh rắn mãi.” Utamara! Tôi vụt xúc động và lấy giấy viết dòng chữ Watashi no ai! Tình yêu của anh! … cho đến khi tôi tự trấn tĩnh và thả tờ giấy xuống lòng biển sâu. Tôi đứng nhìn cho đến lúc tờ giấy chìm vào sóng.

Tuần sau:  Chương XIII

Tấn công Nam Dương

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships