Cho đến giữa thế kỷ 19, xã tắc Nhật Bản phân chia làm 276 lãnh địa do 276 lãnh chúa cai quản, với quân đội riêng là những võ sĩ Samurai. Các võ sĩ là giai cấp duy nhất có quyền mang kiếm, không phải lao động, không đóng thuế và không bị áp dụng hình luật phổ thông, thậm chí có quyền “thế thiên hành đạo” nếu bị giai cấp thứ dân bất kính. Cầm đầu các lãnh chúa là Mạc phủ Tokugawa, một chúa Trịnh của Thiên hoàng. Ngay khi đăng quang 1868, Minh Trị Mitsu-Hito ban hành Đại Hiến Chương còn gọi Khế Ước 5 Điểm: 1/ Xóa bỏ chế độ Phong kiến chuyển sang Quân chủ Đại nghị. 2/ Thâu thập tri thức của toàn thế giới. 3/ Thực hiện ý nguyện chính đáng của mọi tầng lớp. 4/ Sự tham gia của quần chúng vào việc nước làm nền cho thể chế Dân cử mới. 5/ Toàn dân bình đẳng. Không còn sứ quân Shogun, lãnh chúa Daimio, quý tộc Kugé, võ sĩ Samurai hay cùng đinh Rônin. Chấm dứt giai cấp.

Nếu Đại Hiến Chương thúc đẩy canh tân, thì kể từ đây cuộc sống của các võ sĩ trở nên lầm than. Các sử gia ước tính lên đến năm trăm ngàn võ sĩ phải quay sang làm ruộng. Gia tộc của Saburo Sakai nằm trong số những võ sĩ này, tuy quần quật nhưng vẫn không đủ sống. Các Samurai không còn chọn lựa nào khác là gia nhập Tân Quân đội Nhật Bản. Là chương nhập mở đầu hồi ký của Sakai. Một hồi ký mà các chương sau sẽ từng bước dẫn đưa vào khốc liệt của chiến tranh. Một hồi ký mà Sakai đã ghi lên trang bìa: “Viết cho những phi công khu trục đồng đội và đối thủ đã không bao giờ trở về.” [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 1

Chương I

Trên hòn đảo chánh Kyushu (Cửu Châu) ở cực Nam Nhật Bản, thành phố Saga nhỏ bé nằm giữa lộ trình đưa đến hai trung tâm quan trọng, mà những năm gần đây đã trở thành quen thuộc đối với hàng nhiều ngàn người Mỹ. Ở Sasebo có căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ với hầu hết hạm đội đã tham dự vào cuộc chiến Triều Tiên, và từ các phi trường ở Ashiya, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Mỹ cất cánh bay ngang qua eo biển nhỏ hẹp Tsushima (Ðối Mã) để tấn công quân Trung Cộng và Bắc Hàn.

Các cuộc viễn chinh xuyên eo biển Tsushima không phải mới mẻ gì đối với thành phố Saga. Tổ tiên của chúng tôi đã từng có chân trong lực lượng Nhật Bản, phát xuất từ Saga, xâm chiếm Triều Tiên vào năm 1592. Hình ảnh của cuộc xung đột mới ở Triều Tiên không phải là không có trước đây. Cuộc chiến Nhật Bản – Triều Tiên thời Trung Cổ, năm 1597, đã bị đẩy vào nước bí sau khi triều đình nhà Minh tung lực lượng Trung Hoa vào Triều Tiên, giống như hành động của Trung Cộng ở cuộc chiến hiện đại.

Như vậy, giòng họ của tôi có một nguồn gốc binh nghiệp, và trải qua nhiều năm, tổ tiên của tôi đã trung thành phục vụ lãnh chúa Saga cho đến kỳ Trung Ương Tập Quyền vào thế kỷ XIX, tất cả lãnh chúa đều quy về tay Thiên Hoàng. Trong thời phong kiến, dân chúng Nhật Bản chia ra làm bốn giai cấp, giòng họ tôi được hưởng đặc quyền của giai cấp cầm quyền, đó là giai cấp Samurai. Sống cách biệt hẳn với các giai cấp khác, giới Samurai kiêu hãnh không quan tâm đến các vấn đề riêng tư, họ tận tụy với công việc điều hành chánh quyền địa phương, và luôn luôn chuẩn bị các biến cố đòi hỏi lòng dũng cảm chiến đấu của họ. Vị lãnh chúa sẽ đảm bảo đời sống của các Samurai, họ không cần chú ý đến gia sản hoặc lợi lộc nào khác.

Xem thêm:   Hang gấu

Việc phế bỏ các giai cấp vào thế kỷ XIX như một cú đấm chí tử nện vào giới Samurai đầy kiêu hãnh. Chỉ một cú đấm, tất cả những đặc quyền trước đây của họ đều bay hết, và họ bắt buộc phải chuyển sang nghề buôn bán, hay nghề nông. Họ không thể nào thích nghi với đời sống mới. Có lẽ vì vậy mà hầu hết Samurai trở nên nghèo khốn, cố gắng tìm miếng ăn bằng những nghề lao động ti tiện nhứt, hoặc quần quật suốt ngày trên mảnh đất nhỏ bé của họ. Ðời sống của ông nội tôi không hơn gì các bạn hữu của ông. Khi rời nghiệp võ, ông được cấp cho một nông trại nhỏ. Ở đó, ông đã quần quật sống một cách thống khổ, và ở đó vào ngày 26 tháng 8 năm 1916, tôi chào đời. Ba tôi có 4 trai, 3 gái, tôi thứ ba.

Mỉa may thay, tôi lại bước trên con đường gần gũi với con đường mà ông nội tôi đã đi qua. Khi Nhật Bản đầu hàng Ðồng Minh tháng 8 năm 1945, tôi là phi công dẫn đầu các phi công hạ trên 10 phi cơ địch còn sống sót của xứ sở tôi. Tôi đã chánh thức đốn ngã 64 phi cơ địch trong các trận không chiến. Tuy nhiên, với sự kết thúc của chiến tranh, tôi bị sa thải khỏi Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản và bị cấm nhận bất kỳ công việc nào của chính phủ. Không một xu dính túi, không nghề không nghiệp, tôi không thể tìm được một việc làm thích hợp trong một thế giới mà tất cả đều đổ nát quanh tôi. Giống như ông nội của tôi, tôi đã sống bằng sức lao động chân tay, nhọc nhằn không kể xiết. Nhiều năm phấn đấu gay go, tôi tìm cách dành dụm đủ số tiền để mở một nhà in nhỏ và lấy đó làm sinh kế…

Công việc trồng trọt nhọc nhằn trên mảnh đất nhỏ bé của gia đình oằn xuống đôi vai của má tôi, người đã bỏ cả một đời cho 7 đứa con. Khi tôi lên 7, gánh nặng trên vai má tôi oằn thêm, vì người trở thành góa phụ. Những gì mà tôi nhớ về má tôi vào thời gian đó là hình ảnh một người đàn bà cần cù làm việc, còng lưng hết giờ này sang giờ khác trên thửa đất dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, với đứa con gái nhỏ nhất đai trên lưng.

Người đàn bà ấy, không bao giờ tôi nghe hở môi than thở một lời. Bà là một trong những người can đảm nhứt mà tôi chưa từng thấy, một mẫu người vợ Samurai, kiêu hãnh và cứng rắn, nhưng không phải là không có một trái tim biết xúc động.

Thỉnh thoảng tôi bị bọn học sinh lớn tuổi đánh đập, tôi khóc sướt mướt trở về nhà. Những giọt nước mắt của tôi không làm má tôi động lòng, người còn nhíu mày và gay gắt nói: “Con không biết xấu hổ à! Ðừng quên con là con trai của một Samurai, con không được quyền khóc.”

Lúc còn theo học trường tiểu học trong làng, tôi chăm chỉ học hành và luôn đứng đầu lớp trong suốt 6 năm. Nhưng con đường học vấn xa hơn nữa của tôi quá mù mịt. Ðiều quan trọng là nếu muốn học cao hơn nữa, gia đình học sinh phải đài thọ tiền bạc. Dĩ nhiên, điều này quá khả năng đối với gia đình tôi, vì chỉ lo ăn, lo mặc cũng vẫn chưa đủ. Tuy nhiên, bất ngờ người chú bà con xa của tôi ở Ðông Kinh đề nghị lo liệu hết mọi khoản học phí của tôi. Gia đình tôi đã chấp nhận lòng tốt này không một chút đắn đo. Chú tôi là một viên chức có địa vị ở Bộ Thông Tin, và đề nghị của ông: ngoài việc nuôi ăn học còn nhận tôi làm con nuôi. Chúng tôi tiếp đón dịp may này với lòng biết ơn.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Khắp nước Nhật, lãnh địa phong kiến Saga là một trong những lãnh địa nghèo nhất. Trải qua nhiều thế hệ, giai cấp Samurai ở Saga đã sống một đời sống khắc khổ, và nổi tiếng nhờ kỷ luật bản thân nghiêm ngặt của họ. Saga là tỉnh lỵ duy nhứt xem Bushido, tức tâm niệm của giới Samurai, như là một giáo lý. Một trong những câu chánh yếu của tâm niệm này: “Samurai đã sống một đời sống như vậy, hắn luôn luôn chuẩn bị để chết.”

Trong những năm chiến tranh, những tâm niệm Bushido đã trở thành sách giáo khoa cho tất cả học đường Nhật Bản. Chúng đã thấm nhập vào tôi, và giúp tôi rất nhiều trong đời sống lúc còn đi học, cũng như những năm chiến đấu sau này.

Mọi thứ ở Ðông Kinh đều làm tôi ngơ ngác. Tôi chưa bao giờ biết qua một thành phố lớn nào hơn Saga, với 50,000 dân cư của nó. Sự ồn ào náo nhiệt ở thủ đô Nhật Bản khó có thể tưởng tượng nổi. Với tiếng động ầm ĩ suốt ngày, những tòa nhà vĩ đại và mọi hoạt động khác, có thể nói nơi đây là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Tôi cũng nhận thấy Ðông Kinh vào năm 1929 là một nơi chốn ganh đua trên mọi lĩnh vực, không chỉ các học sinh đã ra trường ganh đua một cách gay go để tìm chỗ làm, nhưng ngay cả các học sinh nhỏ cũng ganh đua ráo riết để giành giựt cho được một chỗ ngồi trong mấy học đường danh tiếng.

Những tưởng những gì tôi đã đạt được ở thôn quê đã là giỏi giang và dư sức có được chỗ học. Tôi tin vào sự phi thường của mình trong tư cách là một học sinh dẫn đầu lớp trong suốt cả 6 năm ở bậc tiểu học. Nhưng ở đây, tôi không bao giờ đối đầu nổi với các học sinh cặm cụi đèn sách ngày đêm, luôn luôn rình mò để đánh bại các bạn đồng lớp của mình. Các trường trung học chọn lọc ở Ðông Kinh đều tuyển chọn những học sinh xuất sắc của các trường tiểu học. Hơn nữa cứ 30 học sinh dự tuyển chỉ chọn 1 học sinh là cùng.

Ðó là điều không thể nào ngờ đối với một đứa trẻ nhà quê như tôi. Không khí náo loạn và xa lạ này đã khiến tôi ngơ ngác. Không hy vọng vô học trong các học đường danh tiếng, tôi đành ghi tên vô trường Aoyama Gakuin, do các nhà truyền giáo Hoa Kỳ thiết lập nhiều năm trước đó. Mặc dù trường này không nổi danh bằng các trường khác, nhưng nó cũng có chút ít tiếng tăm. Ðời sống của tôi trong gia đình người chú rất dễ chịu. Mặc dù chú tôi nghiêm khắc, ít chú ý đến con cái, nhưng mợ tôi và mấy đứa em bà con của tôi tỏ ra tử tế và thân mật. Trong không khí vui vẻ này, tôi lại bắt đầu những ngày của một học sinh trung học, với lòng đầy nhiệt thành và tham vọng. Tôi nhứt quyết phải luôn luôn đứng đầu lớp.

Không đầy một tháng sau, giấc mộng của tôi tan biến. Hy vọng dẫn đầu lớp như trước kia của tôi đã vỡ thành từng mảnh. Việc này hiển nhiên không chỉ do lỗi mấy ông thầy trường làng của tôi mà cũng do chính tôi nữa. Tôi nhận thấy có nhiều học sinh chưa bao giờ đứng đầu lớp hồi còn ở tiểu học lại học giỏi hơn tôi khi lên bậc trung học. Ðiều này khó tin, nhưng là sự thật. Bởi lẽ họ biết nhiều thứ mà tôi không biết cho dù tôi cố học ngày học đêm, tôi cũng không thể nào tiến bộ mau lẹ hơn họ được.

Kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt chấm dứt vào tháng bảy. Hạng trung bình trong kết quả học của tôi khiến chú tôi thất vọng não nề, và gây nhiều chán nản, tôi biết sở dĩ chú tôi đài thọ tất cả tiền bạc ăn học cho tôi vì ông cảm thấy tôi là một đứa trẻ đầy hứa hẹn, có thể luôn luôn đứng đầu lớp. Sự bất mãn của ông không thể nào không nhìn thấy. Do đó, thời gian nghỉ hè, tôi cắm đầu cắm cổ lo học. Trong khi các bạn đồng lớp vui chơi, tôi miệt mài đèn sách, quyết định lấp đầy khoảng trống học vấn của mình. Nhưng niên học bắt đầu vào tháng Chín đã chứng minh các nỗ lực của tôi là vô ích. Tôi không đạt được một tiến bộ nào.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Việc học hành gặp hết thất bại này đến thất bại khác đã làm cho tôi tuyệt vọng cùng cực. Không những các môn học của tôi chỉ đứng trung bình trong lớp, mà ngay cả những môn thể thao tôi cũng thua sút mọi người. Rõ ràng có nhiều học sinh trưởng thành nhanh nhẩu, hoạt bát hơn tôi. Thay vì tiếp tục cố gắng để vượt qua các bạn đồng học xuất sắc trong lớp, tôi làm bạn với một số học sinh kém cỏi. Tôi cầm đầu bọn này, và sau đó tôi bắt đầu khai chiến với các học sinh lớn tuổi. Không ngày nào tôi không tìm cách đánh nhau với họ. Hầu như mỗi đêm tôi đều về nhà với mình mẩy bầm giập. Tuy nhiên, tôi đã giấu kín những cuộc phiêu lưu này một cách kín đáo. Cú đấm đầu tiên giáng xuống vào cuối niên học của tôi. Một bức thư của thầy học thông báo cho chú tôi biết tôi là một “học sinh cần phải lưu tâm”. Ðiều tốt nhất mà tôi có thể làm là bỏ qua những trận đấm đá không quan trọng, nhưng tôi không bỏ qua những phương cách chứng tỏ rằng tôi là một học sinh “tốt hơn” các học sinh lớn tuổi. Vì vậy, những bức thư của thầy dạy tôi tiếp tục bay về nhà nườm nượp, và cuối cùng, chú tôi được mời đến trường để nghe báo cáo trực tiếp về hành vi xấu xa của tôi.

Tôi chấm dứt niên học thứ nhì hầu như ở cuối danh sách. Như vậy, đối với chú tôi cũng đã quá nhiều rồi. Những bài “lên lớp” của ông càng lúc càng gia tăng thịnh nộ, và bây giờ quyết định của ông là không cho tôi ở Ðông Kinh nữa. Lời nói sau cùng của chú tôi: “Saburo, chú chán rầy la cháu rồi và chú thấy không thể làm gì khác hơn, có lẽ chú đã sai khi không kèm cặp cháu nhưng dù gì đi nữa, thì vẫn giống như chú đã khiến cho một người con của giòng họ Sakai đầy kiêu hãnh đi vào con đường quấy. Cháu nên trở về Saga.” Không biết làm sao hơn. Tôi không thốt ra một lời bào chữa nào, vì những điều chú tôi nói đều đúng sự thật. Tôi nhận tất cả phần lỗi về tôi. Nhưng tôi không để lộ vẻ gì gọi là tủi hổ khi phải trở về Saga. Tôi quyết định giấu kín nỗi lo lắng, nhứt là với con gái của chú tôi, Hatsuyo, cô em họ mà tôi rất yêu mến. Tôi lên đường, như là một chuyến về thăm gia đình ở Kyushu.

Tuy nhiên, đêm đó, khi xe lửa rời nhà ga Trung Ương Ðông Kinh trực chỉ 800 dặm đến Saga, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi đã làm cho gia đình tôi thất vọng, và tôi cảm thấy sợ hãi khi phải trở về nhà.

(còn tiếp)

Kỳ sau

Chương II – Kỷ luật thép của Hải quân Nhật Bản

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957