Ngày 7 tháng 12-1941, Đệ Nhất Không Hạm đội Hỗn hợp của Đô đốc Nagumo tấn công Trân Châu Cảng. 5 giờ sau, Không đoàn Đài Nam của Sakai oanh kích US Clark Air Base tại Phi Luật Tân. Không đoàn Đài Nam khi ấy tăng phái cho Không Hạm đội XI của Phó Đô đốc Nishizo Tsukahara bao gồm Hải đoàn 34 Khu Trục hạm, Liên Phi đoàn Đông Dương với các Phi đoàn 21, 22, 23 trú đóng tại Tân Sơn Nhất, tăng cường 7 dương vận hạm vận chuyển 2 trung đoàn Thủy binh. Tuy nhiên Tsukahara, về sau lên đến chức Đô đốc Tư lệnh Hải vực Yokohama, đã không yêu cầu cung cấp hàng không mẫu hạm chính vì chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zéro đã có thể bay thẳng từ Đài Loan đến Phi Luật Tân. Một bất ngờ đối với US Far East Air Force. Riêng Sakai sẽ là phi công Nhật đầu tiên bắn rơi máy bay Hoa Kỳ trên đất Phi. Huyền thoại của một Sát tinh bắt đầu. 

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 7

Chương 7

Vào ngày 2 tháng 12-1941, Phó Ðô đốc Nishizo Tsukahara, Tư lịnh Không Hạm đội XI, lần đầu tiên gởi các phi công thám thính đến quần đảo Phi Luật Tân. Ngày 4 và 5, các phi cơ này trở lại một lần nữa để chụp hình 2 phi trường Clark Air Base và Iba Airfield cùng những nơi đồn trú quan trọng khác gần Manila, từ độ cao 20,000 bộ (6,000ma). Các không ảnh đã cho chúng tôi nhìn thấy rõ ràng tại phi trường Clark AB có 32 oanh tạc cơ B17, 3 phi cơ hạng trung và 71 phi cơ nhỏ. Theo xét đoán của Hải quân, địch có khoảng 300 máy bay quân sự đủ loại ở Lữ Tống (Luzon), là đảo chính. Sau này chúng tôi khám phá ra số phi cơ thiệt nhiều gấp đôi con số kể trên. Không phải chỉ chúng tôi độc quyền thực hiện các phi vụ do thám. Nhiều thám thính cơ Catalina PBY-5A của Hoa Kỳ cũng thỉnh thoảng được nhìn thấy trên không phận Ðài Loan. Loại thủy phi cơ hai máy này xuất hiện vào những ngày mây sà thấp, bay chậm ở độ cao 1,500 bộ (450m), nhởn nhơ chụp hình các nơi đồn trú và dãy phi cơ đậu trên mặt đất của chúng tôi. Các phi công Mỹ gây xiết bao kinh ngạc. Với những thân tàu chậm chạp và cũ kỹ, coi rất dễ ăn vậy mà chúng tôi không tóm được một chiếc Catalina nào. Mỗi lần có báo động, hàng chục phi công nhảy xổ lên không, nhưng mấy chiếc Catalina chui vô trong mây dày và biến mất tiêu. Với những không ảnh chụp ở một độ thấp như vầy, phải nói rằng người Mỹ có trong tay mọi thứ mà họ muốn biết về các đơn vị không quân Nhựt Bản.

Khi chúng tôi đến Ðài Nam để gia nhập vào Tân Hạm đội XI, chúng tôi phải trải qua một giai đoạn huấn luyện mới không ngưng nghỉ. Từ bình minh cho đến tối mù, 7 ngày một tuần, bất chấp mọi thời tiết, chúng tôi tham dự các chuyến bay huấn luyện để cải tiến các phi vụ hộ tống, phi vụ đột kích, phi vụ có đội hình đông đảo v.v.

Kế hoạch tấn công Phi Luật Tân nguyên thủy đòi hỏi phải sử dụng 3 hàng không mẫu hạm để mang chiến đấu cơ Zéro đến gần các hòn đảo của địch. Ðó là 3 hàng không mẫu hạm Ryujo (Long Phi) 11,700 tấn, Zuiho (Thụy Phụng) 13,950 tấn là một tàu tiếp tế cho tiềm thủy đĩnh được tân cải, và Taiho (Ðại Phụng) 20,000 tấn là tàu buôn cải tiến. Về mặt lý thuyết 3 hàng không mẫu hạm nhẹ này có khả năng chở đến 90 chiến đấu cơ, nhưng khả năng thực sự chỉ khoảng 50 phi cơ và con số này còn phải giảm xuống vào những ngày giông gió.

Ảnh Phó Đô đốc Nishio Tsukahara.   

Phó Ðô đốc Tsukahara nhận thấy ba chiếc tàu này hầu như không đáp ứng các dự tính của ông. Tuy nhiên, nếu chiếc Zéro có thể bay thẳng một mạch từ Ðài Loan đến Phi và trở về không ngưng nghỉ, thì bấy giờ sẽ không cần đến hàng không mẫu hạm nữa. Nhưng các phụ tá của Tsukahara không tin một chiến đấu cơ một máy có thể thực hiện nổi nhiệm vụ có tầm xa như vậy. Clark Air Base cách căn cứ chúng tôi 450 hải lý (835km), và phi trường Nichols Field, một mục tiêu quan trọng khác gần Manila, cách 500 hải lý (930km). Ðiều đó có nghĩa là phải bay suốt từ 1,000 (1,850km) đến 1,200 dặm biển (2,200 km). Từ trước đến nay chưa có khu trục cơ nào thực hiện được những phi vụ xa như vậy bao giờ. Những cuộc thảo luận ồn ào xảy ra không dứt giữa Bộ Tham mưu Không quân… Chỉ có một cách duy nhứt để xác định vấn đề.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Từ đó về sau, chúng tôi bay ngày lẫn đêm để đo lường tầm hoạt động của chiến đấu cơ Zéro. Nếu là phi vụ đơn độc, loại khu trục Zéro có thể duy trì trên không tối đa 6 đến 7 giờ. Chúng tôi kéo dài thêm thời gian này ra từ 10 đến 12 giờ và thực hiện trong đội hình đông đúc. Riêng tôi lập thành tích trong việc hạ thấp mức tiêu thụ xăng xuống không quá 17 ga-lông (khoảng 68 lít) một giờ; trung bình các phi công giảm mức tiêu thụ xăng từ 35 ga-lông (140 lít) xuống còn 18 ga-lông (72 lít). Thông thường, một chiếc Zéro mang 182 ga-lông xăng. Ðể duy trì, ở cao độ 12,000 bộ (3,600m) chúng tôi chỉ bay với tốc lực khoảng 200 cây số giờ. Tốc lực đầy đủ bình thường của một chiếc Zéro là 500 km, và trong tình trạng khẩn cấp ngắn ngủi có thể lên đến tối đa 650 cây số giờ. Nhiều phương pháp tiết kiệm nhiên liệu có tánh cách kỹ thuật khác cũng được thực hiện.

Các phương pháp mới này đã nới rộng tầm hoạt động của chiếc Zéro một cách đáng kể. Các vị chỉ huy đã báo cáo những tin tức đầy lạc quan lên Phó Ðô đốc Tsukahara, và dẫn đến việc xoá bỏ 3 hàng không mẫu hạm nhỏ trong kế hoạch tấn công Phi Luật Tân của ông. Hai chiếc được điều về Nhựt Bản và một chiếc di chuyển đến yểm trợ cho các cuộc hành quân của chúng tôi ở Palau, phía Tây Thái Bình Dương gần quần đảo Carolina giáp ranh Nam-Dương. Do đó, Không Hạm đội XI trở thành một không hạm đội không có một tàu chiến nào cả.

Chúng tôi tò mò tìm hiểu sự chống trả sẽ gặp từ phía người Mỹ. Chúng tôi hiểu biết rất ít về các loại phi cơ và tài ba của phi công Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ phỏng đoán sẽ đối đầu với những phi công có nhiều khả năng hơn những phi công địch mà chúng tôi đã đối đầu ở Trung Hoa.

Không ai tỏ vẻ nghi ngờ về sự khôn ngoan trong việc phát động chiến tranh của Nhựt Bản. Chúng tôi, tất cả hạ sĩ quan đã được huấn luyện để chỉ biết nhắm mắt tuân lịnh. Khi được lịnh bay và đánh, chúng tôi thi hành.

Đệ Nhất Không Hạm đội Hỗn hợp của Đô đốc Chuichi Nagumo tấn công Trân Châu Cảng.

Lúc hai giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 1941, một liên lạc viên chạy vô chỗ trú ngụ của chúng tôi ở Ðài Nam, đánh thức nhóm phi công chúng tôi dậy. Ðã đến ngày N, là ngày khai chiến theo như chúng tôi biết. Các phi công ngồi dậy lặng lẽ mặc quần áo và từng tốp nhỏ bước ra sân. Ðêm trong lành, thanh vắng với những vì sao chiếu lấp lánh khắp không trung. Yên tĩnh của đêm bị phá vỡ bởi tiếng giày trận của chúng tôi khua vang trên nền đá và tiếng nói thì thào của các phi công lúc bước ra phi đạo. Ðại úy Masahisa Saito, chỉ huy trưởng phi đoàn cho biết chúng tôi sẽ cất cánh lúc 4 giờ và ông thuyết trình về những chi tiết liên quan đến phi vụ tấn công vào phi trường Mỹ ở Phi Luật Tân. Sau đó chúng tôi chờ đợi. Binh sĩ chạy việc mang điểm tâm đến tận chỗ chúng tôi ngồi bên cạnh phi cơ nằm sẵn trên phi đạo.

Khoảng 3 giờ sáng, sương mù bắt đầu sà thấp xuống, một hiện tượng hiếm thấy trong khu vực bán nhiệt đới. Vào lúc 4 giờ, sương mù trở nên dày đặc. Không thể nào nhìn thấy hơn năm thước. Chiếc loa trên đài kiểm soát không lưu vang vang: “Cất cánh hoãn vô hạn định!” Nỗi bồn chồn của chúng tôi càng lúc càng gia tăng khi màn đêm loãng dần. Trong không khí là một dải sương mù dày của những ý nghĩ. Chúng tôi nhìn đồng hồ luôn, chửi rủa sương mù thậm tệ. Ba tiếng đồng hồ trôi qua trong tình trạng này, và sương mù đã không tan mà còn dày hơn. Bỗng nhiên loa phóng thanh lại vang tiếng: “Chú ý! Chú ý! Ðây là công bố quan trọng..” Các phi công chăm chú lắng nghe. “Vào lúc 6 giờ sáng nay, một lực lượng đặc nhiệm Nhựt Bản đã thành công khi tung ra cuộc tấn công hủy diệt bất thần các lực lượng Mỹ trên quần đảo Hạ Uy Di.” (Do lệch múi giờ, là mùng 7 tại Pearl Harbor nhưng là sáng mùng 8 ở Ðài Loan).

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Tiếng hò reo dữ dội trổi lên trong màn đêm. Các phi công nhảy múa vỗ đấm lưng nhau thùm thụp. Nỗi vui mừng không trọn vẹn. Ða số phi công chúng tôi đều chửi thề vì bị đóng đinh trên mặt đất trong khi đồng đội đang nghiền nát kẻ thù. Bay và bắn. Ðã là phương châm của phi công Nhựt.

Cuộc tấn công vừa công bố làm cho chúng tôi thêm suy nghĩ. Người Mỹ hiện thời đã báo động và cảnh giác, khó thể tin rằng họ không gom góp hết sức mạnh để chờ chúng tôi ở Phi Luật Tân. Căng thẳng gia tăng khi buổi sáng ló dạng. Sương mù đã phá hỏng kế hoạch của chúng tôi, sẽ cho phép người Mỹ tung phi cơ của họ từ Lữ Tống đến vồ số phi cơ hiện còn nằm trên mặt đất của chúng tôi ngay khi sương mù vừa tan. Chúng tôi chuẩn bị chống trả. Các xạ thủ phòng không ghìm súng, và mọi người vểnh tai ngóng tiếng oanh tạc cơ địch bay đến.

Lạ lùng thay, cuộc tấn công không xảy ra! Lúc 9 giờ sáng, sương mù bắt đầu tan và âm thanh vui mừng từ chiếc loa phóng thanh báo cho chúng tôi biết sẽ cất cánh trong vòng 1 giờ nữa. Tất cả các phi công chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đều leo lên phi cơ của mình mà không đợi nhận lịnh thêm.

Ðúng 10 giờ, đèn báo hiệu lấp loáng xuyên qua màn sương mù mong manh. Hết chiếc oanh tạc cơ này đến chiếc oanh tạc cơ khác lần lượt cất cánh. Một, hai, ba, rồi sáu chiếc đã ở trên không trung. Chiếc thứ bảy đang chạy trên phi đạo và khi cách điểm khởi hành khoảng 500 thước bỗng nhiên bộ phận hạ cánh bên phải sụm xuống. Với một tiếng rít kéo dài khủng khiếp, chiếc phi cơ trườn bụng trên đường băng, lửa bao phủ toàn thân. Trong ánh lửa chập chờn, chúng tôi nhìn thấy phi hành đoàn nhảy ra, chạy cuống cuồng khỏi chiếc phi cơ. Kế đó, một tiếng nổ dữ dội phát ra rung rinh cả phi trường. Bom chất trên phi cơ nổ tung. Không một người nào trong phi hành đoàn sống sót.

Những mảnh vụn được dọn dẹp hối hả. Không đầy 15 phút sau, oanh tạc cơ kế đó được lịnh xuất phát. Ðến 10 giờ 45 phút, tất cả phi cơ đều ở trên không: 53 oanh tạc cơ Betty và 45 chiến đấu cơ Zéro. Chiến đấu cơ chia làm 2 nhóm, một nhóm hộ tống các oanh tạc cơ, một nhóm bay phía trước để nghinh chiến. Tôi chắc chắn, sau khi cuộc tấn công trì hoãn quá lâu, kẻ thù đang chờ đợi chúng tôi với tất cả sức lực của họ. Tôi bay trong đợt thứ năm và đội hình chúng tôi nâng cao lên 19,000 bộ (5,800m).

Ngay khi vượt qua mũi cực nam của đảo Ðài Loan, tôi nhìn thấy 9 oanh tạc cơ bay thẳng về phía hòn đảo. Hiển nhiên, chúng đang trên đường tấn công căn cứ của chúng tôi. Chín phi công, trong đó có tôi, trước khi cất cánh đã được lịnh chống trả bất kỳ phi cơ nào của địch phát hiện trên phi trình đến Lữ Tống, trong khi các phi công khác cứ tiếp tục bay như kế hoạch đã định.

Chúng tôi tách khỏi đội hình chính và bổ nhào xuống các oanh tạc cơ địch. Trong hai giây, tôi đã nằm trong vị trí khai hoả, và áp sát vào nhằm tỉa chiếc oanh tạc cơ dẫn đầu. Sắp sửa ấn cò súng, tôi nhận ra đây là các oanh tạc cơ của Lục Quân Nhựt Bản! Tôi lắc cánh để báo hiệu cho các chiến đấu cơ khác. Tôi chửi thề. Văng tục! Không một vị nào ở Bộ Tư lệnh Lục Quân trong khu vực thèm để ý đến việc phối hợp với các phi vụ của Hải quân. Bọn ngu đần ngồi trong mấy chiếc máy bay này đang thực hiện một phi vụ huấn luyện thường lệ!

Chúng tôi kết hợp vào đội hình lúc bay qua nhóm đảo Batan, nằm giữa đường Ðài Loan và Lữ Tống. Các đảo này do quân nhảy dù Nhựt vừa chiếm đóng, nhằm để đón nhận một phi cơ nào đó của chúng tôi bắt buộc phải đáp xuống trên đường từ Phi trở về. Và rồi quần đảo Phi hiện ra trong tầm mắt, một màu xanh lá cây sậm nổi bật giữa màu xanh lơ của đại dương. Bờ biển trải dài phía dưới, ngoạn mục và hiền hoà. Không một chiếc phi cơ địch nào xuất hiện trên bầu trời. Bấy giờ chúng tôi đã bỏ đảo Hải Nam lại sau lưng, và vào lúc 1 giờ 35, chúng tôi trực chỉ US Clark Air Base.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ghi chú Quân sự:

Curtiss P40 Warhawk

Trọng lượng: 4,000 kg (8,810 lb) –  Động cơ 1,150 mã lực (860 kW)

Tốc độ tối đa: 580 km/h (360 mph) – Tầm xa: 1,100 km (650 mi)

Trần bay: 8,800m (29,000 ft)

6 đại liên Browning 12.7 mm – 680 kg bom (1,500 lb)


Quang cảnh trước mắt không thể nào tin nổi. Thay vì đụng đầu với một bầy chiến đấu cơ đông như ruồi, bu lấy chúng tôi, chúng tôi nhìn xuống và thấy khoảng 60 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch đang nằm xếp hàng dọc theo phi đạo như một đàn vịt. Chúng tôi khó có thể hiểu được thái độ của đối phương. Trân Châu Cảng vừa bị tấn công cách đây 5 giờ, chắc chắn họ đã nhận được tin tức và lẽ ra họ phải đề phòng một cuộc tấn công khác nhằm vào phi trường lớn nhất này. Chúng tôi vẫn không tin rằng người Mỹ không tung chiến đấu cơ lên để nghênh cản chúng tôi. Cuối cùng, sau nhiều lần đảo quanh, tôi phát hiện 5 chiến đấu cơ địch đang bay trên cao độ khoảng 15,000 bộ (4,500m) phía bên trên chúng tôi khoảng 7,000 bộ (2000m). Tức khắc, chúng tôi nhả thùng xăng phụ và chuẩn bị hoả lực. Tuy nhiên, phi công địch từ chối tấn công và vẫn giữ độ cao như cũ. Thật lạ lùng. 5 chiến đấu cơ Mỹ bay vòng quanh trên cao độ 15,000 bộ trong lúc chúng tôi bay vòng quanh phía dưới. Chúng tôi vẫn chưa có lệnh tấn công vì phải chờ các oanh tạc cơ của chúng tôi đến.

Lúc 1 giờ 45, từ phía Bắc, 27 oanh tạc cơ Mitsubishi G4M Betty cùng các chiến đấu cơ Zéro hộ tống lướt thẳng đến mục tiêu dội bom. Cuộc oanh tạc hoàn hảo. Dây bom rời khỏi bụng phi cơ, rải lên mục tiêu thật chính xác, sự chính xác mà tôi chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến. Cả căn cứ không quân địch như bật tung với chuỗi tiếng nổ. Mảnh của phi cơ, nhà chứa phi cơ và các cơ sở khác bay tứ phía. Những cột lửa và khói vĩ đại cuồn cuộn bốc lên.

Nhiệm vụ hoàn tất, các oanh tạc cơ đảo cánh và bắt đầu bay trở về. Chúng tôi bay theo để hộ tống khoảng mười phút rồi quay lại phi trường Clark đang bao trùm trong khói lửa. Chúng tôi bay vòng ở độ cao 13,000 bộ (4000m), vẫn không gặp sự chống đối nào, và nhận lịnh xạ kích. Với hai đồng đội hai bên cánh, tôi chúi thẳng xuống mặt đất, mục tiêu được chọn là hai oanh tạc cơ B17 còn nguyên vẹn trên sân bay. Tất cả 3 chiến đấu cơ cùng khai hoả cùng lúc vào hai chiếc phi cơ khổng lồ này, sà thấp sát mặt đất rồi lướt thẳng lên.

Năm chiến đấu cơ địch nhảy bổ vào chúng tôi. Ðó là loại Curtiss P40 Warhawk mà tôi chưa từng đụng độ bao giờ. Tôi cho phi cơ rớt theo hình trôn ốc rồi xoáy vượt lên thình lình, thoát khỏi tay kẻ thù. 5 phi cơ địch phân tán tức khắc. 4 chiếc chui vào các cột khói đen bốc lên từ mặt đất và biến mất. Chiếc thứ năm xoáy trôn ốc lạng về phía trái, một lỗi lầm. Nếu bay theo đồng bọn, nó đã có thể thoát thân an toàn. Lập tức, tôi vung ngang và lướt thẳng đứng lên chiếc P40 từ phía dưới. Phi cơ địch lấy thăng bằng và bắt đầu vượt lên cao, bụng phơi bày sáng lóa trước mắt tôi, cách 200 thước. Một loạt đạn đại liên và đại bác xuyên qua buồng lái, thổi bay mái che của chiếc phi cơ. Nó lảo đảo trong không khí, rồi rớt chúi đâm đầu xuống đất. Ðó là nạn nhân thứ ba của tôi, và cũng là phi cơ Hoa Kỳ đầu tiên bị bắn rơi trên không trung Phi Luật Tân.

Sau đó, tôi không đụng đầu một đối thủ nào nữa, nhưng tôi nhìn thấy những đồng đội khác đang quần thảo với một nhóm phi cơ địch. Chiều hôm đó, chúng tôi trở lại Ðài Nam với báo cáo: 9 phi cơ Mỹ bị bắn rơi, 35 chiếc bị hủy diệt trên mặt đất. Súng cao xạ của phi trường Clark hạ một chiếc Zéro và 4 chiếc khác rớt trên đường về, nhưng không một chiếc nào bị hạ trong không chiến.

Tuần sau: Chương 8

Chạm trán pháo đài bay B17

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa từ trang AirCraft of The Aces và Planepicture.com