Trong chương quay về quê hương với đầy thương tích, Sakai hé lộ tình cảm của mình đối với Hatsuyo, là cô em họ cùng huyết thống. Cha của Hatsuyo là chú ruột của Sakai.

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 21

Chương 19

Tôi hồi tỉnh, ngước nhìn bầu trời. Thân thể tôi hình như đong đưa. Tôi xoay lại, nhận ra Sasai và Nakajima. Hai sĩ quan đã leo lên cánh phi cơ và đang khiêng tôi xuống. Tiếng nói lớn của Nishizawa vang lên giữa những thì thầm của đám đông tụ họp. “Mau, kêu một chiếc xe!”, hắn nạt nộ mấy tên chạy việc. “Mau lên! Chạy đến phòng hành quân, gọi điện cho y sĩ trưởng. Mau lên, mấy thằng chó đẻ này!”.
Tôi chưa thể vô bịnh viện ngay được. Tôi phải phúc trình với đại tá Saito trước khi làm bất cứ cái gì khác. Chúng tôi phải luôn luôn trình diện Bộ Chỉ Huy sau công tác. Những chi tiết báo cáo hoạt động trong ngày xoay chuyển trong đầu óc của tôi.

Tôi giơ tay mặt lên, ra dấu cho Sasai và Nakajima đặt tôi xuống. Tôi thì thào: “Tôi phải báo cáo. Ðể tôi đi đến Bộ Chỉ Huy.” Nakajima nạt tôi: “Cần mẹ gì, việc đó thủng thẳng cũng được. Chúng tôi sẽ nói là đưa anh vô bịnh viện.”

Tôi khăng khăng và la lớn rằng tôi phải viết báo cáo. Nishizawa bước đến, và với Ota một bên, cả hai dìu tôi vô Bộ Chỉ Huy. Nishizawa càu nhàu luôn miệng: “Nát ngướu như xác chết mà còn báo cáo!”. Tôi nhớ lại, tôi đã đứng một cách khó khăn trước mặt Ðại tá Saito, với đôi mắt của ông đang nhìn tôi bán tín bán nghi. Tôi suy nghĩ để nói, nhưng mọi vật bắt đầu nhuộm đen trở lại. Bỗng nhiên tôi muốn đi ngủ. Phải ngủ! Tôi đang làm gì ở đây? Rồi tất cả là một màu đen thẫm.

Nishizawa và Ota lôi tôi ra xe (họ kể lại sau đó) đang đậu ở bên ngoài Bộ Chỉ Huy. Nishizawa nhảy lên xe lái như giông như gió đến bịnh viện. Sasai và Ota ngồi vịn tôi ở băng sau. Vị y sĩ trưởng đang chờ tôi trong phòng cấp cứu. Ông cắt bộ quân phục đã te tua của tôi ra và bắt đầu may ngay các vết thương cho tôi. Qua giấc ngủ, tôi cảm thấy đau đớn từng chập mỗi khi vết dao cắt vào da đầu của tôi. (Ông đã cất hai miểng đạn đại liên 50 để đưa cho tôi coi sau đó). Tôi cảm giác có một con dao sắc bén nạo trên xương sọ của mình.

Tôi tỉnh hẳn hầu như ngay khi cuộc giải phẫu vừa xong. Tôi nhìn lên khi viên bác sĩ cúi xuống. Ðôi mắt của tôi! Tôi nhớ lại đôi mắt của tôi. Thình lình những nỗi sợ hãi phủ chụp lấy tôi. “Mắt của tôi!” Tôi la lớn, “Mắt của tôi ra sao, bác sĩ ?”

“Anh bị thương trầm trọng”, ông ta đáp. “Ở đây tôi không thể nào chữa trị được.” Ông nhìn ngay tôi và tiếp. “Phải gởi anh về Nhựt Bản để một chuyên viên nhãn khoa chữa trị cho anh.” Một cảm giác bi thương tràn ngập hồn tôi. Tôi lo sợ con mắt phải của tôi. Phía phải này tôi không thể nhìn thấy gì cả. Ý nghĩ đui mù làm tôi khủng khiếp. Ðời một phi công chiến đấu kể như tàn rồi. Tôi phải bay; tôi phải lái chiến đấu cơ trở lại!

Bốn ngày trôi qua trì trệ trong bịnh viện với những lần vải băng quấn khắp thân thể tôi. Bác sĩ lấy ra bốn mảnh kim khí ghim trong thịt cũng như nhiều miếng sắt trên đôi má của tôi. Ðến ngày thứ tư tôi cảm thấy chân và tay trái cử động được chút ít. Vết thương ở cánh tay mặt và ở đầu thối rữa, do khí hậu quá ẩm thấp của miền nhiệt đới, và mắt phải tôi vẫn còn mù.

Sakai đáp xuống Rabaul sau bị thương, tháng 8-1942  

Trong lúc đó, những nhát chổi chiến đấu cơ và các cuộc không tập của oanh tạc cơ dập xuống Guadalcanal không ngừng nghỉ. Mỗi ngày tôi đều nghe tiếng gầm thét của phi cơ cất cánh và hạ cánh xuống phi đạo. Rabaul có nhiều khách viếng thăm mỗi ngày, những chiếc pháo đài bay. Chúng bay đến tấn công hai phi trường ở đây từ trên cao độ. Mỗi lần oanh tạc cơ địch xuất hiện, tôi và các bịnh nhân khác đều được mang xuống hầm trú ẩn.

Xem thêm:   JO Paris 2024 một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi

Mỗi đêm Ðại úy Sasai và Trung tá Nakajima đều đến thăm tôi. Họ đồng ý rằng tôi nên trở về Nhựt. Theo họ, chỉ có khí hậu điều hoà ở quê hương và một chuyên viên nhãn khoa tài ba mới có thể chữa lành mắt của tôi. Tôi từ chối trở về xứ. Tôi nhấn mạnh rằng bệnh tình của tôi có thể chữa trị ngay ở Rabaul, và tôi có thể bay trở lại trong vòng một vài tuần. Tôi cáu kỉnh vô lý và trở nên hung dữ.

Khó có thể giải thích sự ngần ngừ của tôi không muốn rời khỏi địa ngục Rabaul. Tôi chỉ ý thức rằng vào lúc này, tôi đang bị bao vây bởi viễn ảnh bi thảm: cuộc đời phi công của tôi chấm dứt. Cũng có vấn đề thể diện. Tôi cảm thấy bao lâu tôi còn ở Rabaul, tôi vẫn còn thể diện. Ngay cả nếu tôi không bay lại được, tôi cũng có thể giúp đỡ những phi công mới vô nghề. Tôi có thể khuyên họ tránh những sai lầm có thể đưa đến cái chết của họ. Tất cả những lý do đó trộn lẫn thành một. Chuyến trở về Nhựt Bản của tôi có nghĩa là tôi sẽ nhận lãnh sự phán xét cuối cùng bởi một chuyên viên nhãn khoa, và tôi sợ phát điên lên khi phải nghe sự thật.

Vấn đề này kết thúc vào sáng ngày 11 tháng 8, khi Ðại tá Saito, chỉ huy trưởng căn cứ Lae, bước đến cạnh giường tôi. Sự tử tế mà ông dành cho tôi đã hết mức, và cũng ngang bằng với sự cứng rắn của ông bây giờ. “Tôi thông cảm với anh, Sakai”, ông nói, “nhưng tôi đã đắn đo suy xét. Anh sẽ được gởi về Nhựt, và vô bịnh viện hải quân Yokosuka. Ðây là lịnh của tôi. Anh sẽ đáp vận tải cơ đi vào ngày mai. Vị bác sĩ ở đây đã cho tôi biết bịnh tình của anh chỉ hy vọng vào các bác sĩ ở Yokosuka mà thôi.”

Ông mỉm cười với tôi. “Chuyến trở về quê hương của anh sẽ khiến cho chúng tôi yên lòng nhiều hơn anh nữa. Tất cả chúng tôi đều biết anh sẽ được săn sóc thuốc men cẩn thận ở Nhựt.” Ông ta đứng dậy nhìn tôi giây lát rồi nghiêng mình xuống, đặt tay lên vai tôi. “Ðối với tất cả chúng tôi, anh đã làm được một việc phi thường, Saburo,” ông dịu dàng nói. “Tất cả những ai đã từng biết anh, từng được bay chung và chiến đấu với anh, đều hãnh diện vì anh. Khi các vết thương của anh lành lặn, hãy trở lại đây với chúng tôi.” Thế rồi ông bước ra ngoài.

Ðêm đó  Sasai đến thăm tôi. Ông có vẻ mệt mỏi sau phi vụ trong ngày ở Guadalcanal. Tôi cho ông biết tôi được lệnh về xứ ngày mai. Giây lát sau, tất cả các bạn thân của tôi đều tụ họp trong phòng, bày ra một buổi tiệc chia tay nhỏ. Không ai ca hát, không ai nói chuyện ồn ào hoặc đùa giỡn. Chúng tôi chuyện trò to nhỏ, hầu hết nhắc về quê hương.

Nhưng người Mỹ có ý định khác hơn đối với buổi tụ họp nho nhỏ của chúng tôi. Sự yên tĩnh của một đôi giờ chấm dứt đột ngột với những bước chân dồn dập chạy vô các hầm trú ẩn. Tôi được một số phi công khiêng ra khỏi bịnh viện. Tôi nghiến răng xấu hổ và đắng cay với sự bất lực của mình. Ðây chính là những phi công mà tôi từng cầm đầu khi chiến đấu, và bây giờ họ khiêng tôi đi, giống như một đứa trẻ mù loà, què quặt! Tôi muốn la hét và giựt hết những lần băng quấn quanh thân thể mình. Nhưng tất cả những gì mà tôi có thể làm là nằm bất động với đôi mắt nhắm nghiền.

Sáng sớm hôm sau, tôi lê thân chầm chậm ra cầu tàu, một chiếc ca-nô đang chờ để đưa tôi ra một chiếc thuỷ phi cơ bỏ neo trên mặt nước.

Sasai siết chặt tay tôi. “Tôi sẽ nhớ anh, Saburo. Anh không bao giờ biết được lòng tôi đối với anh.”
Hai giòng lệ chảy dài xuống đôi má tôi, tôi không thể nào cầm được. Tôi xúc động và chỉ có thể nắm chặt lấy tay Sasai.

Sasai rút tay lại, tháo vội dây nịt đang đeo và trao nó cho tôi. Tôi nhìn “Con Cọp Gầm” khắc sắc sảo trên cái khoá. “Saburo, sợi dây nịt này của ba tôi tặng. Một sợi cho tôi, một sợi cho anh rể tôi. Anh rể tôi đã chết. Tôi không mấy tin vào sự linh ứng của con cọp bằng bạc này, nhưng tôi muốn anh giữ và mang nó. Tôi hy vọng nó sẽ giúp anh trở lại đây với chúng tôi.”

Xem thêm:   Một niên khóa chật vật

Tôi từ chối, nhưng vô ích. Sasai bỏ sợi dây nịt vô túi của tôi, rồi nắm lấy tay tôi. “Tôi sẽ gặp anh trở lại, Saburo. Ðừng nói lời từ biệt! chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, tôi hy vọng.”

Saburo Sakai và Đại úy Sasai tại căn cứ Rabaul tháng 8-1942

Ông dìu tôi xuống ca-nô. Một phút sau nó lướt sóng hướng đến chiếc thuỷ phi cơ đang chờ đợi. Nishizawa, Ota, Yonekawa, Hatori, Trung tá Nakajima và tất cả đồng đội khác của tôi vẫy tay trên cầu tàu. Họ la lớn dặn tôi sớm trở lại để bay với họ. Cầu tàu vang vang những tiếng gọi tên tôi “Saburo”, “Saburo”… Giây lát sau, hình ảnh họ mờ mờ. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một vài thước với con mắt trái. Tôi cố gắng đứng thật thẳng trên ca-nô, giơ tay mặt lên, lúc bóng hình của mọi người mờ nhòa. Thế rồi tôi la thật lớn, và khóc như một đứa trẻ.

Trong chiếc thủy phi cơ có một vài hành khách khác. Một binh sĩ phục dịch được cắt đặt để săn sóc tôi trong chuyến đi, và nhiều thông tín viên chiến tranh. Chúng tôi ngừng lại ở Truk và Saipan để tái tiếp nhận nhiên liệu. Tôi rời xa mảnh đất quê hương đã lâu. Tình trạng hiện thời của nước Nhựt như thế nào, tôi không mảy may lưu tâm đến. Nhưng, tôi đã xúc động khi đặt chân lên Yokohama, một xúc động bất ngờ. Chiều ngày thứ Bảy, chúng tôi đáp xuống hải phận Yokohama. Không muốn trình diện bịnh viện vào đêm đó, tôi đi bộ vô thành phố để đón xe taxi đến nhà chú tôi ở phía Tây Tokyo.

Dân chúng ở đây tuyệt đối không biết đến những gì thực sự xảy ra trong cuộc chiến. Tôi như từ cung trăng rớt xuống giữa đám đông rộn rịp, giữa ánh đèn sáng trưng. Tôi không thể nào tin được những âm thanh lọt vô tai tôi, âm thanh của muôn ngàn tiếng cười, tiếng nói vô tư lự. Có phải thật là họ không biết những gì xảy ra ở Tây Nam Thái Bình Dương không?

Trên khắp đường phố, mỗi bản tin tức của đài phát thanh đều kèm theo nhạc khúc vang vang “Bước tiến của chiến hạm”, loan đi chi tiết các chiến thắng lừng lẫy của những trận hải chiến quanh quần đảo Solomon. Tôi không nghe gì khác hơn là danh sách những tàu chiến Mỹ bị tiêu diệt, hàng nhiều trăm phi cơ địch bị bắn rơi.

Những đám người mặc quần áo mùa Hè màu sặc sỡ dừng lại bên ngoài mấy cửa tiệm, hoặc đứng ở các góc phố để lắng nghe đài phát thanh huênh hoang. Mỗi lần xướng ngôn viên đề cập đến một chiến bại quan trọng của địch quân, tiếng reo hò nổi lên vang dội khắp phố. Quốc gia say sưa trên những chiến thắng lừa dối. Khó thể tin rằng có một cuộc chiến tranh hủy diệt đang diễn ra. Trong các cửa tiệm, tôi thấy có một số hàng hoá được phân chia theo khẩu phần, nhưng các nhu yếu phẩm có thể nói là phong phú.

Tôi muốn rời xa thành phố này tức khắc. Mọi thứ ở Lae và Rabaul hình như không thật. Có thể nào hai thế giới cách biệt này hiện hữu cùng một lúc không? Máu lửa, chết chóc và nỗi hoan hỉ dành cho những chiến thắng tưởng tượng chỉ cách nhau mấy giờ bay ngắn ngủi?

Tôi kêu một chiếc taxi và cho địa chỉ của chú tôi. Xe chạy ngang qua Yokohama và vô thành phố Ðông Kinh. Vài phút sau, một cảnh sát viên chận xe lại và cúi nhìn xuyên qua kiếng. Bộ quân phục của tôi lỗ chỗ vết máu và vết thương vẫn còn quấn băng. Hắn hỏi: “Anh làm sao vậy?”

“Tôi vừa ở mặt trận về,” tôi đáp một cách chua chát.

Hắn kêu lên: “Anh bị thương ở mặt trận! Mặt trận nào? Sao lại bị thương?”

“Tôi là phi công,” Tôi hắng giọng. “Ở Guadalcanal. Tôi bị đạn trong lúc chiến đấu.”

Xem thêm:   Phi thường!

“ Guadalcanal!” Ðôi mắt của viên cảnh sát trẻ bừng sáng. “Hôm nay tôi có nghe một số tin ở đó. Tôi biết rằng chỉ ngày hôm qua đây, chúng ta đã nghiền nát hết bọn Mỹ. Ðài phát thanh cho biết hải quân của chúng ta đánh chìm 5 tuần dương hạm, 10 quân vận hạm và mười khu trục hạm. Chắc chắn cảnh đó ngoạn mục lắm!”

Bao nhiêu đó quá lắm rồi! “Tôi rất tiếc, thưa Trung sĩ,” tôi nói mau. “Tôi phải đi gấp.” Tôi thét tên tài xế.

“Chạy đi! Tức khắc!”.

Nhiều năm rồi, tôi lại mới bước vô nhà của chú tôi. Ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi. Tôi đứng bên lề đường nhiều phút, nhìn ngôi nhà, ánh đèn vàng và nghe những âm thanh quen thuộc. Một cảm giác yên bình kỳ lạ bao trùm lấy tôi. Quá khứ thức dậy trong tôi, và tôi đã mở cánh cửa giống như tôi đã mở lúc còn nhỏ. Tôi cũng sử dụng những tiếng nói tôi thường la lên khi bước vô nhà, “Cháu đây! Cháu về nhà rồi đây!”, “Hatsuyo, em đâu rồi?”

“Ai đó?” tiếng hỏi có vẻ giựt mình vọng lên từ nhà bếp. Tôi mỉm cười. Tiếng hỏi của thím tôi.

“Cháu đây!” Tôi đáp.

Yên lặng giây lát. “Cháu đây! Saburo đây!”. Tôi nói lớn một cách vui vẻ.

Tiếng hỏi đầy sửng sốt của chú tôi vang dội khắp nhà:

“Cái gì đó?” Rồi cả nhà chạy ùa ra hành lang.

Họ nhìn tôi trừng trừng cả một phút. Chú thím tôi, hai cô em họ Hatsuyo và Michio của tôi, không ai thốt nên lời, đứng im sững, miệng mở tròn trong nỗi kinh ngạc. Ðôi mắt Hatsuyo ngập thảng thốt. Tôi bình thản nhìn những người trước mặt khi đôi mắt của họ di chuyển xuống bộ quân phục và những lần vải băng hoen máu của tôi.

Chú tôi thì thào: “Có phải cháu thật không, Saburo? Ðây là Saburo, đây không phải là một hồn ma?” Ông chồm về phía trước, như sợ tôi tan biến.

“Không! Không phải là hồn ma”. Tôi đáp “Cháu thật đây mà. Cháu về nhà đây!”.

Thật giống như chết đi sống lại. Những trận đánh, chết chóc, thương tích, ấn tay vào cò súng, lộn nhào liên hồi để tránh né chiến đấu cơ địch truy đuổi, chui rúc vô những hầm trú ẩn ngập bùn… tất cả không còn nữa, tất cả đã trở thành không thật, xa lắm rồi. Một thế giới âm u, giống như hồn ma mà chú tôi đã tưởng, không còn treo lơ lửng trên đầu tôi nữa. Ðể tôi được ngồi trong căn nhà này một lần nữa, để lại trò chuyện với chú thím tôi, để lại nhìn thấy Hatsuyo và Michio, để thoải mái. Ðể biết nơi đây sẽ không có những trái bom đêm nay, không còn âm thanh gầm thét của oanh tạc cơ Marauder và Mitchell, không còn những tiếng nổ, những mảnh kim khí, những viên đạn chọc thủng vô tận phòng ngủ… mà chỉ có đường nét dịu dàng của Hatsuyo, với cử chỉ mềm mại lễ phép. Hatsuyo hết còn là cô nữ sinh như trong ký ức của tôi mà đã trở thành một thiếu nữ trưởng thành cực xinh đẹp. Tôi nhìn Hatsuyo với đầy ngạc nhiên. Michio cũng vậy, đã bắt đầu dậy thì. Nhưng tôi không ngớt ngắm Hatsuyo. Tôi cứ lắc lắc đầu trong hạnh phúc đầy kinh ngạc. Hầu như đã ba năm rồi, tôi mới trải qua một đêm yên ấm với gia đình này. Ðó là đêm đầu tiên trong nhiều năm, tôi mới được ngủ thẳng một giấc. Ngay cả mấy vết thương cũng không quấy rầy tôi.

Sáng hôm sau trước gương mặt âu lo của Hatsuyo, tôi đáp xe lửa đến Yokosuka. Ðời sống hàng ngày của dân chúng trong thành phố này hình như còn rộn rịp hơn cả thành phố Yokohama vào ban đêm. Những người qua đường, nhứt là các thiếu phụ và thiếu nữ, liếc mắt nhìn tôi, khẽ nhăn mặt và nhìn đi nơi khác. Tôi là một tên dơ bẩn, bê bết máu mủ, và phải, đó là sự thật, tôi là một hình ảnh đầy ghê tởm với đồng bào của tôi. Tôi bị ghét bỏ.

Tuần sau: Chương 19 (tiếp theo)

Từ hôn Fujiko Niori

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang Pacific Wrecks và

minh tinh Chương Tử Di trong phim Geisha