Chính Duyên Anh biến tôi thành con mọt sách! Năm 69 thi đỗ vào tiểu học Lasan Taberd tôi đọc mỗi trang Mai-Bê-Bi trên báo Chính Luận. Năm 69 chưa có tuần báo Thằng Bờm của Nguyễn Vỹ (ra năm 70), cũng chưa có nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến ra năm 71. Tôi sớm chán Mai-Bê-Bi, toàn chuyện của những cô bé bụ bẫm đụng chút là khóc… Khi ấy tôi đã nhiễm nặng phim kiếm hiệp võ thuật và phim Combat trên đài truyền hình Mỹ. Cuối năm anh Cả tặng quà sinh nhật. Không xe tăng đồ ráp. Không súng AR-15 nhựa. Một quyển sách! Cuốn tiểu thuyết đầu đời!
Tôi bỡ ngỡ đọc nhan Thằng Vũ, truyện dài của Duyên Anh. Tôi tên Vũ. Thắc mắc tại sao tên mình trên bìa sách?? Tôi mở ra xem … Từ bấy, nghiện Duyên Anh.
Hẳn nhiên, lên trung học đệ nhất cấp tôi đọc đủ loại sách. Vì Duyên Anh là tác giả của tuổi hoa niên, không thể mở rộng chân trời cho các nam sinh khát khao vũ trụ. Nhưng chính Duyên Anh cho học sinh niềm say mê đọc sách. Thời khắc ban đầu tuyệt quan trọng. Đứa bé phải ưa cầm trên tay quyển sách, cho dù ngây ngô trẻ thơ hay thần thoại, tạo kích thích để từ đó nhập thói quen đọc tiểu thuyết. Duyên Anh là niềm say sưa đó – chiếc cầu nối giữa sách người lớn với sách nhi đồng. Một trong những lý do khiến Văn học Hải ngoại tàn lụi, chính là vì không có độc giả trẻ. Vì không có loại sách dành cho lứa tuổi ô-mai khiến những thiếu niên sang Hoa Kỳ sau tiểu học, đã biết tiếng Việt, không đọc chữ Việt nữa.
Sang năm 70, tan trường về là tôi chạy bay ra sạp báo tìm mua sách Duyên Anh hoặc chui vô các chỗ cho thuê truyện. Những khi Duyên Anh chưa kịp xuất bản, tôi thuê “đỡ” truyện của Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Nghiêm Lệ Quân, sau này thêm Nguyễn Thanh Trịnh… Từ từ tôi biết liếc mắt, thấy bên cạnh Duyên Anh những nhan sách khác. Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển, Hòn Đảo Bí Mật của Jules Vernes, Robinson “Lỗ Bình Sơn”, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Đông Châu Liệt Quốc, 108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc là sách gối đầu giường. Sang năm 72 tôi khám phá Phan Nhật Nam, Nguyễn Thị Hoàng rồi Erich Maria Remarque, và… Z-28 Đoàn Vũ Khỏa Thân, Hận Vàng Ấn-Độ, Bí Mật Hồng-Kông, Mèo Xiêm Cọp Thái, Người Đẹp Qui-Tô, Nữ Thần Ám Sát của Người Thứ Tám. Hơn một khám phá. Lờ mờ nhận thức những cô bé trên trang Mai-Bê-Bi một khi lớn sẽ cực hấp dẫn!!
Nửa thế kỷ trôi qua, đọc lại Duyên Anh là tìm vết tích tuổi thơ của mình. Những Dzũng ĐaKao, Gấu Rừng, Bồn Lừa của tuổi choai-choai đến Mây Mùa Thu, Phượng Vỹ đẫm lãng mạn của tuổi vừa lớn. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Duyên Anh tôi đọc tháng 3-1975 là quyển Cám Ơn Em Đã Yêu Anh. Không. Cám ơn Duyên Anh đã cho tuổi thơ miền Nam nhiều mộng mơ.
Đánh máy bài phỏng vấn Duyên Anh của Huỳnh Phan Anh năm 1972 để tri ân nhà văn đã biến mình thành con mọt sách.
[Trần Vũ]
Nhiều kỳ – KỲ 1
HUỲNH PHAN ANH: Ông là một nhà văn, một nhà báo, nhưng mới đây ông đã thực sự từ giã làng báo. Tại sao?
DUYÊN ANH: Nói theo nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tôi là nhà báo có lớp da của nhà văn. Nghĩa là, trước khi viết báo tôi đã viết văn. Báo có sức lôi cuốn mãnh liệt những người cầm bút. Đó là thế giới ồn ào và luôn mới mẻ. Nếu tôi đã nổi tiếng, chắc chắn, tôi sẽ thoát khỏi sự lôi cuốn của báo. Rất tiếc, tôi vào làng báo quá sớm, vào với cái tên Duyên Anh xa lạ. Ông cũng thừa biết, ở Việt Nam mình, một nhà văn xuất sắc đến đâu mà không được báo chí (nhật báo) đếm xỉa, khó mà quen thuộc với quần chúng. Báo chí, tôi chỉ nói nhật báo. Việt Nam thừa giấy đăng tin 6 cột, 8 cột về những chuyện ô uế chính trị, nhảm nhí, xã hội nhưng lại bủn xỉn loan tin tức, sinh hoạt văn chương. Một cái chết của một nhà văn, nhà thơ chỉ được làm lớn nếu nhà văn, nhà thơ ấy là biên tập viên của nhật báo nào đó. Và cũng chỉ nhật báo ấy làm lớn. Còn thì một cái “phi-lê” trang nhất đã là quý hóa!
Vậy muốn quen thuộc với quần chúng độc giả nhà văn phải làm báo ngày và phải giữ một mục thường xuyên, quan trọng. Ở mục đó, mình có thể nói về mình dưới một bút hiệu khác. Không ai thèm nói về mình (đố kỵ, ghen ghét hay chi chi ấy…) thì mình nói về mình. Tôi làm báo với mục đích “lăng xê” một bút hiệu làm văn. Rồi tôi bị quay cuồng trong thế giới ồn ào của báo chí. Và, có lúc, thật sự tôi muốn trở thành một ký giả lý tưởng. Nhưng hoàn cảnh làng báo Việt Nam không cho phép tôi bước xa hơn. Thí dụ, không ai cấp học bổng để mình đi Tây, đi Mỹ trau dồi nghề nghiệp. Quanh đi quẩn lại vẫn thế. Không bước xa hơn tất sẽ lùi. Vậy tốt hết là từ giã làng báo.
HUỲNH PHAN ANH: Với hành động này phải chăng ông mặc nhiên phủ nhận sự nghiệp làm báo của mình?
DUYÊN ANH: Ông hiểu chứ? Tôi làm gì có sự nghiệp làm báo mà phủ nhận?
HUỲNH PHAN ANH: Nhưng ông đã viết hồi ký làm báo. Động lực nào đã thúc đẩy ông viết nó? Cho ai? Để gửi gắm gì trong đó? Ông có nghĩ một ngày nào trở lại với nghề làm báo, ngày nào và trong điều kiện nào?
DUYÊN ANH: Bây giờ, nhiều bạn trẻ trí thức ham mê làm báo và họ đã tốt nghiệp hay sẽ tốt nghiệp ở các Phân Khoa Báo Chí của một vài Viện Đại Học. Điều này rất phấn khởi và đáng tin tưởng. Bởi vì, một xã hội muốn sạch sẽ, trước hết, quần chúng phải được hướng dẫn bởi những người CÓ HỌC và đầy NHIỆT TÌNH. Tôi không gởi gắm gì trong Hồi Ký Làm Báo của tôi cả mà chỉ muốn giúp những người đi sau tôi nhìn rõ những đổ vỡ của tôi trong 10 năm làm báo. Tuổi trẻ đi sau chúng ta cần được biết những dấu hiệu nguy hiểm, gai góc trên đoạn đường chúng ta đã bước qua, đã vấp ngã và rơi xuống hầm hố. Lẽ nào tôi đã thất bại mà lại làm ngơ để người đi sau mình trên cùng con đường thất bại theo. Đây đừng tưởng tôi muốn dạy họ làm báo. Và tôi cũng không bao giờ tin rằng người ta có thể dạy được cách viết báo xuất chúng hoặc ít ra là viết thật hay. Văn hào John Steinbeck, giải thưởng Nobel văn chương, hào quang tỏa khắp năm châu mà còn có lần làm thông tín viên cho báo Newsday và đã sang Việt Nam “nhặt tin” thì tôi nghĩ rằng ngày nào đó, khi quyền thứ tư được tôn trọng triệt để, khi quần chúng tin nể báo chí, khi có chút ít tiếng tăm văn chương mới được thu dụng làm phóng viên tôi sẽ trở lại làng báo và khởi sự bằng chân phóng viên nhặt tin.
HUỲNH PHAN ANH: Ông là tác giả của những trang sách thơ mộng và đầy lý tưởng, ông cũng là tác giả, dưới nhiều bút hiệu khác nhau, của những bài viết đầy trào phúng và thâm độc trong cái mục “phim” của báo Sống, Con Ong, Công Luận, Xây Dựng, Người, làm sao ông có thể dung hòa được hai lối viết, hai tâm hồn trái ngược đó. Và đâu là tâm hồn thật của ông?
DUYÊN ANH: Nhiều người đã thắc mắc như ông và họ bảo tâm hồn tôi có nhiều ngăn kéo hoặc tôi là người hai mặt. Giải thích cái mâu thuẫn này thật khó, với cả chính tôi. Nhà phê bình Cao Thế Dung, trên tạp chí Quần Chúng cho rằng nếu tôi không cho thoát những ẩn ức chất đầy trong đầu óc tôi bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, tôi sẽ không thể thanh thản mà viết những trang sách hiền lành, lý tưởng. Ký giả Lô-Răng trên nhật báo Tiền Tuyến giải thích giùm các mâu thuẫn trên: “Đó là sự tất nhiên. Một con người còn có một tin tưởng vào một số tín điều nào đó (như người giáo sư trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường) tất nhiên phải nhìn những biến thiên của xã hội ngày nay bằng một con mắt nghiêm khắc, nếu không muốn nói là thù hận. Sự tin tưởng sâu xa và sự cuồng tín chỉ là hai mặt của một vấn đề”. Riêng tôi, tôi đã vạch sẵn con đường của mình. Tôi đập phá và tôi xây dựng. Đập phá một xã hội mình ghét bỏ là để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. Đập phá bằng búa, xây dựng bằng bay, rõ ràng thế. Và cứ thế mà làm, hai công việc hai mục đích. Không phải là dung hòa đâu, mà là không thể nào lẫn lộn.
Cho nên ông thấy đó, ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi. Hình như chưa hề lần nào tôi hãnh diện về những bài báo trào phúng, thâm độc. Ông cho tôi hỏi lại một câu nhé, người ta có thể bịp được nhiều lần không? Một số người nào đó có thể bị huyễn hoặc bởi một vài bài báo chửi bới tôi. Tôi không vì thế mà nguội niềm tin của mình. Rằng văn chương (tôi muốn nói về những tác phẩm) nó phô bày rõ rệt người viết văn chỉ bịp nổi một lần. Tất cả các nhà văn đều được tôi nhìn bằng đôi mắt ngập tình yêu mến. Và tôi hiểu tâm hồn thật của họ qua những cuốn sách chứ không qua những bài báo của họ viết hay những bài của người khác viết chửi họ. Tôi muốn ông nhìn thấy tâm hồn thật của tôi ở Cầu Mơ, ở Thằng Vũ …
HUỲNH PHAN ANH: Ông được xem là nhà văn có sách bán chạy nhất ở đây. Theo ông, độc giả của ông gồm những ai và họ tìm kiếm gì trong tác phẩm của ông? Khi cầm bút ông có nghĩ đến họ?
DUYÊN ANH: Câu hỏi của ông tương tự câu hỏi của tạp chí Văn. Tôi xin phép ông được đọc lại nguyên văn câu trả lời của tôi. Sở dĩ sách của tôi bán chạy vì:
“Tôi viết về tuổi thơ, cho tuổi thơ. Ít người viết nên tôi độc quyền “thị trường” này. Các cô cậu đã đọc tôi rồi sẽ lớn. Lại có những cô cậu vừa lớn tìm đọc tôi. Bây giờ, nhiều trường trung học cho làm trần thuyết truyện của tôi nên số độc giả trẻ tuổi của tôi mỗi ngày một tăng”.
Tuổi trẻ hôm nay trống vắng kỷ niệm. Họ thiếu mộng mơ. Họ muốn nương vào ký ức mộng tưởng của người lớn hơn họ và được hưởng những đêm trăng đi trên con đường làng cạnh người yêu. Họ thích, họ thèm sống nhờ kỷ niệm đẹp của người khác. Truyện của tôi, hầu như là truyện của hồi tưởng mộng mơ. Vì thế, tôi có độc giả.
Tôi không đeo đuổi hẳn một khuynh hướng nào. Độc giả cũng không thích đọc mãi một tác giả chỉ viết một loại. Nhàm lắm. Tôi viết đủ loại vui buồn.
Thời đại của chúng ta nặng nề khó thở. Cuộc sống khó thở. Cuộc đời khó thở, ngột ngạt. Độc giả không thể ngột ngạt thêm bằng cách đọc những cuốn truyện đeo đá vào văn chương. Độc giả không thể ngoi ngóp vào những thứ triết lý này nọ mà người viết cố chụp vào tác phẩm của mình, cố làm dáng để chứng tỏ nhà văn mới, nhà văn tiến bộ. Với những tác giả sành điệu thì cái mà một số nhà văn gọi là mới là tiến bộ chỉ là thứ đã bị đào thải ở Tây phương, chỉ là thứ rời xa tình tự dân tộc. Độc giả thèm những cơn gió đồng nội, thèm những văn chương giản dị, tươi mát cơ. (Giản dị, viết cho giản dị cũng là một vấn đề). Tôi đã đáp ứng được phần nào. Truyện của tôi, ông thấy đó, không cầu kỳ, không tối tăm, không ngộp thở. Tôi không chơi văn chương và triết lý. Nó bình thường như một người Việt Nam bình thường, mộc mạc. Tôi không kêu thét hãi hùng trong tác phẩm, không băn khoăn về thân phận con người, không tìm hiểu tại sao mình đang sống, tại sao mình sẽ chết, không có tâm linh siêu hìnhn … Nghĩa là, tôi không thích đánh vật với những cái gì tưởng như kỳ bí, khó hiểu, suy tư nát óc. Tôi viết bằng cảm xúc. Tiểu thuyết khác triết lý. Không ai bắt người viết văn phải đưa ra một triết thuyết hay vấn đề triết lý trong tiểu thuyết của y. Người đọc tiểu thuyết chỉ đòi hỏi nhà văn có làm họ rung động không. Nếu làm độc giả đọc mình rung động thì y đã đạt nổi nghệ thuật viết tiểu thuyết của y.
Văn chương Việt Nam vốn nhẹ nhàng, bay bổng, tươi sáng, mộng mơ và hiền hòa. Như ca dao, như tiếng sáo diều. Tôi sinh ra ở Việt Nam, lớn lên bằng điệu ru lục bát và tắm mát trong dòng suối mộng mơ của quê hương tôi. Tôi muốn nhẹ nhàng, bay bổng. Tôi không thể rời xa tình tự dân tộc để buộc đá vào văn chương hay đẩy văn chương của tôi vào bóng tối kỳ bí, hiểm hóc. Tôi không thích được ai khoác cho cái nhãn hiệu nhà văn có tinh thần triết lý. Người ta có thể coi thường những người viết văn giản dị, tươi sáng và cho rằng “loại” người này không làm văn chỉ dùng văn, nhưng người ta không thể viết giản dị tươi sáng như người ta nhún vai coi thường đâu. Tóm lại, tôi không gồng mình khi viết văn. Tôi viết như tôi nghĩ, tôi nói, tôi thở, tôi sống. Rất dễ dàng. Người đọc, đọc tôi cũng dễ dàng như tôi viết. Trừ khi độc giả phải gồng mình thưởng ngoạn thì lúc đó tôi sẽ xét lại. Vì thế truyện của tôi bán chạy.
HUỲNH PHAN ANH: Số sách bán chạy đã mang đến cho ông một đời sống vật chất tương đối khả quan. Theo ông, một đời sống đầy đủ tiện nghi có ảnh hưởng hay liên quan gì đến việc sáng tác của ông không?
DUYÊN ANH: Không ảnh hưởng gì cả. Tôi thấy từ ngày tôi sống đầy đủ tiện nghi tôi viết được nhiều. Nhưng tôi lại không cần viết nhiều làm chi. Tôi bác bỏ quan niệm nhà văn phải sống trong cùng quẫn đói khổ mới viết hay được. Chúng ta hiện có bao nhiêu nhà văn thiếu thốn vật chất, ông biết chứ? Và ông làm ơn cho tôi coi một tuyệt phẩm của họ. Có không? Người ta có viết bằng máy lạnh, tủ lạnh hay xe hơi đâu, mà viết bằng tâm hồn. Tâm hồn cằn cỗi, chui rúc trong ổ chuột hay ngất ngưởng trong lâu đài, cũng thế thôi, ông ạ! Viết mà khỏi đập muỗi chắc văn dễ ra hơn, vì đỡ bực mình với lũ muỗi đói.
HUỲNH PHAN ANH: Ông là nhà văn của tuổi thơ, của những tình cảm thơ mộng, của những giá trị thấm nhuần tính chất lý tưởng. Ông có bằng lòng những cách gọi đó?
DUYÊN ANH: Đó là những vòng hoa người ta khoác lên tôi nếu người ta đã coi tôi như thế. Có điều tôi không phải là nhà văn của tuổi thơ hoàn toàn. Tôi viết đủ mọi chuyện nam phụ lão ấu. Kể cũng tiếc ông nhỉ?
HUỲNH PHAN ANH: Đọc ông, người ta thường bắt gặp những nhân danh, địa danh hay hình ảnh quen thuộc xuất hiện hơn một lần trong tác phẩm ông. Có phải khi viết ông luôn luôn bị một ám ảnh nào đó, những ám ảnh của chính quá khứ và những kỷ niệm của ông, của những cảnh đời hay kinh nghiệm ông đã sống qua, biết tới?
DUYÊN ANH: Đúng thế, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi dĩ vãng kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của tôi. Đó là nhược điểm. Nhắc đi nhắc lại mãi một không gian, một thời gian, dễ gây nhàm chán. Nhưng tôi chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình. Tuổi tôi sẽ tăng cùng với kiến thức và kinh nghiệm. Và chắc chắn, sẽ có lần tôi tạm biệt con đường xưa ngập ánh trăng mộng của tôi, đi thật xa. Chừng đi xa mỏi gối mà chẳng được tích sự gì, tôi lại trở về. Ai cũng có một lần đi xa. Khi chưa đủ sức, đừng đi vội, có lẽ, tốt hơn.
HUỲNH PHAN ANH: Vùng trời quê hương nhỏ bé. Ông muốn nói tỉnh lỵ Thái Bình?
DUYÊN ANH: Đúng thế.
HUỲNH PHAN ANH: Có phải đó là nơi chốn ông sẽ trở về?
DUYÊN ANH: Vâng, nơi đó tôi mong trở về. Tôi không thích coi cải lương, nhưng đôi khi, tôi rất cải lương. Chẳng hạn, tôi mong bố tôi hay mẹ tôi còn sống và tôi sẽ trở về quê hương Thái Bình của tôi, bắt chước con Dế mèn của Tô Hoài, sau chuyến phiêu lưu, về gục trên đùi bố mẹ, nước mắt vắn dài kể lể bao nhiêu năm xa cách rồi hãnh diện nói “Con đã nên người!” Có vẻ cải lương chứ? Tôi nghĩ, chuyện thương yêu rất nhiều cảnh cảm động như cải lương.
HUỲNH PHAN ANH: Ngoài vùng trời quê hương đó, đâu là vùng đất đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm?
DUYÊN ANH: Long Xuyên, quê vợ tôi, miền tôi “Xin nhận nơi này làm quê hương” đã không có ai phản đối.
HUỲNH PHAN ANH: Nhân đây, ông có thể cho biết về tình trạng gia đình của ông?
DUYÊN ANH: Tôi một vợ 3 con (2 trai, 1 gái). Vợ tôi người miền Nam, tôi là dân Bắc Kỳ. Con trai lớn của tôi năm nay 9 tuổi, học lớp 4 trường Lasan Taberd. Con trai út, 5 tuổi, học mẫu giáo. Con gái, 6 tuổi, học lớp 1 trường Régina Mundi. Gia đình tôi hiện ngụ tại Sàigòn.
HUỲNH PHAN ANH: Dù viết ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba, dường như tác phẩm của ông luôn mang nhiều màu sắc tự thuật. Có đúng không? Ông có thể cho biết vai trò của kinh nghiệm cũng như của chính cuộc sống (của ông) trong tác phẩm ông ra thế nào?
DUYÊN ANH: Không đúng hẳn đâu. Ông cho phép tôi ví von một chút để dễ trả lời. Nhân vật trong tác phẩm của tôi ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba luôn luôn là nhân vật tưởng tượng và đó là Người đi dưới ánh trăng và tôi chỉ là Bóng. Trả lời một câu hỏi của tạp chí Văn, tôi nói rằng tiểu thuyết của tôi giống ly sữa đổ thêm một muỗng cà phê là sự thật. Nhưng tôi không hiểu tại sao độc giả của tôi cứ bảo tôi tự thuật đời tôi qua các tác phẩm. Đời tôi giản dị lắm, viết một cái truyện 5 trang là hết rồi. Hình như chỉ mới có cuốn Trường Cũ là mang nhiều màu sắc tự thuật. Tất nhiên, kinh nghiệm và cuộc sống đóng góp nhiều cho sự hoàn thành một tác phẩm. Phải cộng thêm với tưởng tượng. Sống tưởng tượng và viết. Tiểu thuyết mà thiếu tưởng tượng không phải là tiểu thuyết. Và bắt buộc, nó khó lòng thoát lên cao. Nó chỉ là đất trên mặt cỏ.
HUỲNH PHAN ANH: Tôi có cảm tưởng ông muốn nối liền đời sống và tác phẩm, kinh nghiệm và văn chương. Có phải thế không, ông Duyên Anh?
DUYÊN ANH: Vâng. Ông đã thấy, tác phẩm của tôi có vẻ lý tưởng thật đấy nhưng nó không rời xa cuộc sống mà tôi đang sống. Tôi thường băn khoăn tự hỏi tại sao người ta cứ bắt đời sống trong tiểu thuyết phải giống đời sống mọi người đang sống? Nếu bằng lòng đời sống mình đang sống thì sáng tác làm gì. Thì có lẽ chả nên mơ mộng nữa. Viết một tiểu thuyết lý tưởng cũng là một cách phản kháng xã hội hiện tại. Và đó còn là cách…dấn thân. Nhưng tôi không dấn thân hay đã dấn thân mà tôi không biết. Có điều chắc chắn dù lý tưởng, dù thơ mộng thì không khí tiểu thuyết của tôi vẫn bàng bạc không khí của quê hương tôi. Đời sống ấy có thể xa vời chứ không xa lạ như đời sống trong tác phẩm của các nhà văn mới ảnh hưởng Alain Robbe Grillet, đời sống tối mò, nhức đầu, lạ hoắc.
HUỲNH PHAN ANH: Đó là một niềm tin?
DUYÊN ANH: Tôi luôn thể hiện niềm tin đó trong các tác phẩm của tôi.
HUỲNH PHAN ANH: Một số lớn tác phẩm của ông là tiểu thuyết đăng báo trước khi in thành sách. Theo kinh nghiệm của ông, đâu là lợi và hại của một tác phẩm thai nghén và hoàn tất trong hoàn cảnh đó?
DUYÊN ANH: Viết tiểu thuyết cho báo ngày và viết ít thôi (một truyện cho một báo là gay rồi) còn dành thì giờ mỗi ngày để viết tôi thấy không có gì hại cả. Người viết có thì giờ suy nghĩ. Hình ảnh bắt gặp buổi sáng viết được vào buổi chiều không bị quên mất. Nếu mỗi ngày ta viết 3 trang cho báo ngày thì cũng như ta viết 3 trang để đó, chờ viết xong in thành sách. Cái hại là khi viết 3, 4 tiểu thuyết, rồi lười hay ốm, viết lấy đầy kỳ báo hoặc nhờ người khác viết.
HUỲNH PHAN ANH: Trong cuộc phỏng vấn của Tuần Báo Nghệ Thuật năm 1966, ông có nói đại khái là ông viết ít, và “mỗi năm một, hai cuốn là quá nhiều” đối với ông. Nhận xét đó có còn đúng với ông?
DUYÊN ANH: Nhận xét đó sai rồi. Bây giờ mỗi năm tôi viết ít nhất là 5 cuốn, và tôi không còn viết đăng báo ngày nữa.
HUỲNH PHAN ANH: Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông đã tỏ ra bằng lòng với bộ trường giang tiểu thuyết “Vẻ buồn tỉnh lỵ”. 6 năm trôi qua, ông đã viết thêm nhiều, và liệu ông còn trung thành với cảm tưởng đó? Ngoài ra ông còn thích tác phẩm nào của ông nhất? Tại sao?
DUYÊN ANH: Tôi vẫn trung thành với “Vẻ buồn tỉnh lỵ” của tôi. Cuối năm nay nếu không có gì trở ngại ông sẽ thấy tôi dành cho Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ 1000 trang của tôi, một sự ra mắt thân hữu hết sức lỉnh kỉnh nghi thức. Chắc tôi sung sướng lắm khi cầm tác phẩm 1000 trang đóng bìa da mạ vàng tặng ông một bản. Tôi thích cuốn Cầu Mơ. Tại sao à? Khó giải thích quá. Ông cho phép tôi từ chối trả lời đi.
HUỲNH PHAN ANH: Tôi xin mạn phép nhắc tới bài phỏng vấn đó một lần nữa, nếu tôi không lầm thì ông đã tuyên bố thích nhất nhân vật Trần Đại trong Điệu Ru Nước Mắt. Mới đây ông lại không muốn nhắc tới tác phẩm đó nữa. Phải chăng có một sự thay đổi quan niệm?
DUYÊN ANH: Không có thay đổi quan điểm gì cả. Nhân vật Trần Đại đã chết hẳn trong tôi từ ngày hắn sống ngớ ngẩn bằng lối diễn xuất của “tài tử” Hùng Cường và tài đạo diễn của ông Lê Hoàng Hoa.
HUỲNH PHAN ANH: Ông có hối hận đã viết và cho xuất bản một tác phẩm nào của ông không? Tại sao?
DUYÊN ANH: Mấy năm trước có hối hận. Bây giờ thì không hối hận. Tôi như người cha của chúng nó. Đứa nào tật nguyền phải thương nhiều hơn. Vả lại, hối hận làm chi. Nếu cần ta viết cuốn khác. Đời còn dài mà…
(còn tiếp)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2024, từ khảo luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng và Thực của Huỳnh Phan Anh in tại Sàigòn năm 1972, Nxb Vàng Son, Chương VIII.