Tháng 3 năm 1989, Mai Thảo đăng Những Người Từ Tuyệt Tình Cốc trên Văn số 81.

Gây chú ý. Vì là một trong những bài viết đầu tiên của Thế Uyên trên đất tự do. Nguyên trung úy bộ binh VNCH rồi giáo chức biệt phái, từng nổi tiếng với các tác phẩm Tiền Đồn, Nỗi Chết Không Rời, Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã … đã chủ trương tạp chí Thái Độ nặng về chính trị, Thế Uyên là một nhà văn dấn thân. 

Gây phản ứng. Vì bên cạnh Túy Hồng, Trịnh Công Sơn còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân mà tên tuổi gắn liền với Mậu Thân 68. Thế Uyên phô bày mối tương quan giữa các văn nghệ sĩ miền Nam buổi ấy. Một nguyên liệu thô. Vì là thời kỳ trước khi Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân tuy đã theo Cộng sản nhưng chưa ra bưng biền; còn Túy Hồng mới khởi nghiệp văn và Trịnh Công Sơn chưa nổi tiếng.

Thế Uyên không viết rõ năm tháng, nhưng thời điểm của câu chuyện chừng như vào năm 1965, lúc sắp biến động Miền Trung vì Hoàng Phủ Ngọc Tường “nhảy núi” năm 1966 và Túy Hồng thành danh với Vết Thương Dậy Thì năm 1967.  

Riêng đoạn “ngủ đò trên sông Hương” kỳ quặc. Vì sao Thế Uyên sẽ say mê nhạc Trịnh với “Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín…”  lại tiêu thụ người con gái đó như sản vật của sông Hương?

[Trần Vũ]

2 kỳ – Kỳ 1

Thế Uyên

Mùa hè năm đó tôi quyết định ra Huế. Một phần vì suốt đời tôi đã nghe nói nhiều về thành phố này, bạn bè xuất xứ nơi đây cũng đông, một phần vì tình hình chính trị và tôn giáo miền Trung đang bắt đầu sôi động dữ dội, có thể tác động tới chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, tôi được biết người bạn đồng môn cũ tại Đại học Sư Phạm và Văn Khoa Sàigòn, là Hoàng Phủ Ngọc Tường đang là một trong những lãnh tụ sinh viên ngoài đó. Chính Tường, qua một bạn chung, đã nhắn tôi ra chơi.

Tường và tôi quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Hán-Việt năm thứ hai. Vóc người anh nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc. Con người là như thế, lại có nhiều tư tưởng đi ra ngoài lối mòn Đại học, anh thường bị các giáo sư không ưa … như tôi vậy. Hơn nữa, tôi bị giáo sư Nghiêm Toản kỵ bao nhiêu thì Tường cũng bị y như thế. Thầy Toản trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân. Tường và tôi cộng lại, hai đứa rớt tới xấp xỉ 7 kỳ thi mà không đứa nào lấy nổi chứng chỉ này. Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo, có lẽ chỉ hợp với thời thái bình. Làm sao hai đứa thanh niên như bọn tôi có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Các cụ xưa thường bảo ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Tôi với Tường sớm thân nhau cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng hai đứa cũng lắm lúc bất đồng ý kiến hơi nhiều. Tôi đã bắt đầu viết văn, có lẽ vì thế nên nhìn cuộc đời và con người bao dung, nhân bản hơn Tường. Đương sự lúc nào cũng cực đoan, không đầu này thì đầu kia. Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn tôi đi con đường riêng của mình, với nhiều sóng gió, và đã trở thành một người lính viết văn – hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế. Nhưng dù là gì, đến mùa hè năm đó, tôi đã là một nhà văn thành danh, bắt đầu hơi ồn ào về một đường lối văn nghệ cũng như xã hội mới. Tôi biết Tường có đọc hết những bài văn của tôi, và vì thế, anh muốn tôi ra Huế để tranh luận, và nếu có thể, kéo gia nhập phong trào đấu tranh dữ dội sắp phát động tại miền này.

Tôi đi cùng hai người bạn. Một người là chủ bút tập san chính tôi đang hợp tác. Người thứ hai là một sĩ quan Không quân đang giữ chức vụ chánh văn phòng tại Bộ Thanh Niên – với cái gốc lính tàu bay chính cống, anh bạn này bao sân tất cả việc đi về của bọn tôi bằng máy bay quân đội. Sau khi phi cơ nhỏ đáp xuống sân bay trong Thành Nội, anh bạn Không quân đã tách ra đi lo việc của anh, quẳng cho tôi cái xe jeep cũ xì của Ty Thanh Niên địa phương.

Được báo trước ngày giờ, anh bạn chủ bút và tôi kiếm ra Tường không khó khăn gì. Kể từ ngày chia tay nhau ở sân trường lạo xạo đá ong đầy bóng mát của Đại Học Sư Phạm Sàigòn, đây là lần đầu tiên hai đứa mới gặp lại nhau. Không kịp hàn huyên gì cả vì Tường cho biết Tổng Hội Sinh Viên Huế đã họp mặt để đón tôi tại trụ sở. Tất cả leo lên cái jeep cũ. Tôi lái, Tường chỉ đường cùng giới thiệu những địa danh nổi tiếng của Huế. Điểm đặc biệt làm tôi chú ý là cách kiến trúc nhà, nhất là trong khu Thành Nội. Cái gì cũng nho nhỏ nhưng tách biệt với nhau trong một thứ trầm lặng đầy sóng ngầm. Những con đường cũng thế, nhỏ, êm vắng nhưng không thanh thản. Tất cả như toát ra vẻ vừa trì kéo của quá khứ, vừa muốn vùng lên mà bung ra dữ dội. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao con gái xứ Huế có phong thái vừa khép nép giữ gìn, ngoan ơi là ngoan, lại vừa đam mê cuồng nhiệt khi đã lâm vào thế buông thả.

Buổi trao đổi ý kiến tại Tổng Hội Sinh Viên chưa chi đã đầy sóng gió của bất đồng. Nếu cá nhân tôi đồng ý dễ dàng với những người bạn trẻ xứ Huế về điểm để chính quyền trong tay các tướng lãnh quân đội, thì tương lai dân tộc khó khá nổi, thì bọn tôi lại không đồng ý với nhau về chính sách chống lại Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tấn công miền Nam. Cùng là lớp trẻ nên dù thảo luận có gay go, cái bụng cũng thấy đói. Cả bọn đồng ý hoãn tới ngày hôm sau, để cùng nhau đi ăn ở một quán cơm khá bình dân, sinh viên hay lui tới gần sông Hương.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Rồi sau đó là theo Tường đi thăm những người bạn Huế có uy tín đấu tranh, hoặc có ít nhiều chất văn trong người. Tôi đã đến thăm nhà của Trần Quang Long, căn nhà nghèo nhưng có vườn chanh nho nhỏ đủ để tác giả đặt tên tập thơ của mình là Hoa Chanh. Tôi đã ngồi trong căn phòng học nhỏ xíu của Nguyễn Đắc Xuân nghe những bài Tâm Ca mới làm của Phạm Duy, thu vào tape đêm ông bạn già lênh đênh trên sông Hương cùng lớp trẻ này – đây là lần đầu tôi được nghe 10 bài Tâm Ca, và đã thấy xúc động vô cùng khi nhìn xuống dòng sông nhỏ kề sát có bụi tre xơ xác buông rũ. Tôi đã được đưa đến một quán cà phê nhỏ xíu trong Thành Nội, ngay giữa Lục bộ thời xưa của triều Nguyễn, đã vào điện Thái Hoà đứng cạnh ngai vàng để hiểu rằng các vị nguyên thủ thời quân chủ của Việt Nam thường vô cùng khiêm tốn, tránh xa hoa, nếu so với các vị vương gia khác trên thế giới cùng thời. Tôi đã leo lên cửa Ngọ Môn uy nghi nhìn xuống quảng trường rộng phía dưới để hiểu rằng các vương triều thời xưa phải trọng võ đến mức nào. Làm người Việt, lỏng tay cung kiếm là mất nước như không.

Tôi đã cùng Tường và các bạn khác nữa đã có lúc ngồi ở một quán cà phê do một đại gia suy sụp mở. Bàn kê ngay trên thềm hiên cạnh ngạch cửa của một ngôi nhà lớn cổ kính rêu phong và tôi giương mắt ra quan sát, dù ở đây hay trên các con đường của Vỹ Dạ, ít khi thấy bóng dáng một giai nhân tha thướt ẩn hiện. Có lẽ tôi chỉ được nhìn thấy nhiều cô gái Huế trong quần áo trắng mỏng manh vừa mời mọc vừa thủ thế che giấu tại cầu Trường Tiền giờ tan học. Có lần tôi đã nửa đùa nửa thật hỏi Tường: Huế như thế này thì yêu đương làm sao đây? Coi bộ muốn tán một cô thì phải lập kế hoạch ngũ niên chăng? … Điều bất ngờ nhất là cả Tường và các bạn đi cùng đều xác nhận “thời gian dài” là đúng. Họ đều biết nàng của mình, phải quen nàng từ lâu, rất lâu, trước khi có thể ôm lấy tấm thân mảnh dẻ với vòng eo nhỏ bậc nhất thế giới để mà hôn lên môi hay rước nàng về làm vợ. Sự khẳng định này làm tôi nhụt chí thấy rõ, không còn mơ tưởng sẽ có một cô bạn gái hay người tình xứ Huế nữa.

Cuộc thảo luận sau đó cũng không dẫn tới đâu. Bất đồng quá sâu đậm giữa hai bên. Nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế của tôi ghét Mỹ một cách tổng quát, rất thể xác. Có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ nổi gai lên rồi – dù lính Mỹ thời kỳ này muốn ra thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Các bạn Huế nhắc quá nhiều tới chuyện một cô gái điếm trẻ bị lính Mỹ hiếp chết quăng xác vào bãi rác, thậm chí một lần khi tổng cộng 8 người cùng leo lên chiếc jeep cũ tôi lái, đã có kẻ buông một câu: “8 người mình đâu có nặng bằng 4 thằng Mỹ ha!”. Có thể nói họ có phong cách như các cụ xưa thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, coi người da trắng mắt xanh đều là bọn “Bạch quỷ”, hoặc tệ hơn, như Nguyễn Huệ đã có lần coi người Tây phương là những cái xác trắng bệch trôi từ biển Bắc xuống.

Về điểm nào chứ điểm này tôi bất đồng dữ dội. Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sàigòn cũng chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam – thứ policy chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp. Ngày nào họ hoà được với Trung Cộng, ngày ấy họ sẽ rút khỏi đất Việt không vương vấn. Nước Mỹ nói chung, đâu có quyền lợi kinh tế và văn hoá nào đáng kể ở Việt Nam để vương vấn. Tôi trình bày thẳng thắn những ý nghĩ đó và nói thêm: đối với tôi, sự hiện diện của quân đội Mỹ là cái mộc tốt, đỡ đòn cho ta để người Việt quốc gia có đủ thì giờ chấn chỉnh lại nội bộ một cách toàn diện, nghĩa là làm Một cuộc cách mạng không Cộng Sản, để sau đó mới có đủ sức giữ vững miền Nam. Đến đây thì Tường và các bạn Huế không có gì phản đối. Nhưng khi tôi nói rõ thêm rằng như thế quân đội Mỹ là một thứ đồng minh thực sự, dù là giai đoạn, thì tất cả phản đối. Tôi cũng chẳng chịu, tôi cũng trẻ như họ, hăng hái kém gì trong ngôn từ và tranh luận, nên đã tuyên bố đại khái: “Tôi đã từng chiến đấu cạnh những quân nhân Mỹ, và trong tương lai nếu cần, tôi sẽ còn tiếp tục như thế!”

Đến đây cuộc thảo luận bế tắc. Chẳng ai chịu nhường ai điểm nào. Người bạn chủ bút liền đề nghị chấm dứt mọi thảo luận chính trị để khỏi bất hoà. Tường và tôi là bạn học cũ nhiều năm, không ai muốn tan vỡ tình thân hữu đó. Cả hai bên đồng ý kể từ nay chỉ gặp gỡ nhau trên bình diện thân hữu và văn nghệ mà thôi. Tường liền đề nghị một buổi gặp gỡ thuần túy văn nghệ tại Tuyệt Tình Cốc đêm hôm sau.

Xem thêm:   Trường Quốc Gia Nghĩa Tử

Tuyệt Tình Cốc? Nội cái tên nghe cũng đã được rồi. Thời đó thế hệ thanh niên bọn tôi đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ ở Sàigòn thiếu gì người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế của tôi sau này mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Tối hôm sau, tôi lái cái jeep cũ một mình tới điểm hẹn đón Tường. Thành phố Huế còn xa lạ với tôi, Tường bảo quẹo đâu thì tôi quẹo đó để rồi ngừng ở một con đường u tĩnh – bây giờ bảo tôi nhớ tên hay kiếm lại, chắc không nổi. Đã thế, Tường dắt tôi đi bộ trên đường nhỏ len giữa các hàng rào cao.

Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ 3 người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng. Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú – tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa …

Tôi không có thì giờ để nói nhiều với Tuý Hồng đêm đó ngoài vài câu chào hỏi vì số người hiện diện khá đông. Là khách phương xa nên tôi được mời ngồi trên chiếu giữa trải ngay trên nền đất, và khỏi nói cũng có thể biết ly cà phê được pha thật ngon, đậm sánh. Dưới ánh nến mờ ảo khói thuốc bay mù mịt thân ái quyện vào nhau. Bọn tôi đã giao hẹn trước, đêm nay không một ai được nói đến chuyện chánh trị, cách mạng, xuống đường, đấu tranh chi hết.

Sau cùng đến mục văn nghệ. Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.

Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc. Sơn càng hát thêm, tôi càng cảm thấy bị quyến rũ. Có lẽ đây mới là thứ nhạc của thế hệ trẻ chúng tôi, thế hệ lớn lên trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Cuộc chiến do thế hệ cha chú phát động, nhưng bọn tôi phải cầm súng, chiến đấu và chết, dù chết như một nạn nhân vô danh trong một cuộc pháo kích tầm thường tăm tối. Tôi đã thành thực khen tài Trịnh Công Sơn đêm đó, anh vẫn chỉ cười nhẹ nhàng và hiền lành sau đôi kính cận. Có thể nói trong những bạn Huế của tôi thời đó cũng như sau này, không ai hiền lành, khiêm tốn bằng anh.

Khi rời Tuyệt Tình Cốc đêm đó, tôi với Tường tách ra đi riêng trong đường hẹp tăm tối. Với tư cách bạn cũ, tôi đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh dự trù, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh này hay kia, đâu có thay đổi được tình hình. Tôi cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra ngoài mật khu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam … Những con người cộng sản Việt Nam trước sau cũng theo chủ nghĩa Mác Lê-Nin tới cùng và đó chẳng phải là một giải pháp tối ưu – có thể nói thêm đó là một giải pháp tệ nhất cho dân tộc Việt.

Tôi cũng nói đã thấy thấp thoáng cạnh Tường người của Mặt Trận cài vào. Tường năn nỉ chỉ giùm những người đó, dĩ nhiên tôi từ chối vì bản thân cũng không biết đích xác. Tôi cũng ráng thuyết phục Tường đưa phong trào tách khỏi thầy Trí Quang bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, tôi e dè thầy này nhất, vì ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam cả. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh mong muốn.

Những người muốn quá giang xe tôi, trong đó có Tuý Hồng, đã lên xe ngồi đợi nên hai đứa không thể nào kéo dài câu chuyện. Tôi đưa tay bắt tay Tường thật thân thiết, Tường đáp lại nồng nhiệt không kém, vì cùng ý thức được rằng cả hai sắp lao vào những cuộc chiến đấu lớn lao, phải trả giá bằng sự tự do và cả sinh mạng của chính mình. Mỗi người một con đường.

Tôi một lần nữa lái xe trong đêm khuya của thành phố cổ kính trầm lặng nhưng sôi sục ngấm ngầm. Ai bảo tôi quẹo đâu thì tôi quẹo đó, bảo ngừng cho xuống thì tôi ngừng. Sau cùng chỉ còn Tuý Hồng ngồi cạnh tôi. Nàng đã nhỏ nhẹ chỉ đường cho tôi về nhà nàng, gần một con sông nhỏ xíu có một bến nổi danh từ lâu trong thi ca Việt Nam, nhất là trong những đêm trăng. Và đêm nay cũng có trăng, dù trăng hơi mờ. Khi tôi ngừng xe ven đường có con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Tuý Hồng, trong một khoảnh khắc, cảnh đẹp nơi này đã làm người tôi ngẩn ngơ. Tôi im lặng và Tuý Hồng cũng thế. Nhà văn nữ mới viết này rụt rè, ít lời trong giao tế – sau này nổi tiếng khắp nước với bút pháp độc đáo, lối sử dụng chữ nghĩa tiếng Việt khéo léo như phù thủy có ma thuật, cũng vẫn dịu dàng, rụt rè trong giao tế thường nhật như thế thôi.

Xem thêm:   Bluebonnet Festival 2024

Sau cùng tôi xuống xe, đi vòng sang phía bên kia đỡ cô gái xuống. Hai đứa từ giã nhau giản dị như hai người bạn cũ và tôi châm một điếu thuốc đợi Tuý Hồng đi khuất vào trong hẻm, dưới ánh trăng nhạt tràn đầy trên tất cả … Tôi cho xe chạy ra bờ sông. Một đêm như thế này, làm sao có thể ngủ được. Hai người bạn đồng hành từ Sàigòn đã hẹn tôi ở một quán để cùng nhau ngủ đò trên sông Hương đêm nay. Tới Huế, dù có lang thang tới đâu, thăm đủ các lăng tẩm chùa chiền, nhưng nếu là nam nhi, chưa ngủ đò, thì kể như chưa trọn vẹn là đã tới Huế.

Bến đò 3 đứa bọn tôi hẹn nhau có cảnh cũng tầm thường thôi, nhưng khi con thuyền đã tách bến, neo gần giữa lòng sông, thì cảnh thay đổi hẳn. Những ánh đèn bên trong bờ loé sáng thơ mộng hơn, không lấn át ánh trăng tỏa trên thuyền, trên dòng sông mặt nước hầu như không chảy. 3 đứa tôi bàn đủ thứ chuyện, các đề tài sôi động của thời ấy, xen kẽ với những lúc gọi các hàng quà, gọi bia. Chưa nơi nào hàng rong thơ mộng như trên dòng sông này. Mỗi một hàng là một con thuyền nhỏ, dáng thon mảnh như lá tre, một ngọn đèn dầu nhỏ tỏa một vòng nhỏ ánh sáng cạnh một bếp đỏ than hồng. Món gì cũng nóng hổi, thơm lừng và dĩ nhiên cay sè. Ăn xong một tô bún bò nhỏ cay bỏng lưỡi để rồi sau đó tu một chai bia 33 ướp lạnh, không gì thú vị bằng.

Nhưng rồi cũng như bao cuộc ăn nhậu giữa các nam nhi xa nhà với nhau, đề tài cuối cùng được đưa ra vẫn là kiếm một bạn đồng sàng một đêm. Cái gì chứ cái đó trên sông Hương thì dễ có thôi… Nhưng các nàng kiều nữ xuất hiện cũng khác tại bất cứ nơi đâu: tất cả đi bằng những chiếc thuyền nhỏ thanh mảnh từ từ đậu sát vào chiếc thuyền lớn. Cô nào cũng mặc đồ bộ may bằng vải nylon mỏng nhất phủ ra ngoài những bộ đồ lót nhỏ xíu, mỗi người một màu sắc khác nhau. Bọn tôi đỡ các cô lên thuyền, đặt ngồi cạnh trên khoang phía trước, nhưng chưa ai thấy hứng thú dục tình. Cảnh trí đẹp, đề tài 3 đứa đang thảo luận quá hào hứng, nên bọn tôi chỉ tháo gỡ hết toàn bộ áo quần 3 cô gái rồi để nằm dài bên cạnh dưới ánh trăng. Ngay tôi cũng vậy, vừa uống bia vừa thảo luận, tay kia vuốt ve thân hình đầy đường cong êm ái của cô gái nằm cạnh, thấy cũng quá đủ thú vị, không cần phải có mục sau cùng. Nhưng các cô thì khác, thời gian với họ là tiền bạc. Mỗi đêm họ cần cho thuê thân xác tối đa … Bởi thế cô gái nằm cạnh tôi sau cùng đã nói nhỏ: Các anh đi đi cho tụi em còn về …

Đã được nhắc thì phải mang nhau vào khoang trong nhập cuộc mây mưa thôi, và quả thực đêm đó khoái cảm tôi thu nhập được thật nghèo nàn. Ra ngoài khoang trước tiếp tục uống bia hút thuốc ngắm trăng còn thú vị hơn nhiều.

Đêm thức khuya nhưng bọn tôi vẫn dậy sớm vì những tiếng cười nói nô giỡn của phái nữ ngay trong dòng sông. Tôi thò đầu ra ngoài đúng lúc mặt trời bắt đầu tỏa những ánh hồng đầu tiên trên những kiều nữ từ tất cả các thuyền có thuê thân xác các cô qua đêm. Họ cứ mặc nguyên bộ đồ mỏng như thế mà bơi trong nước, thỉnh thoảng lại leo lên một tảng đá ngầm, đứng thẳng người lên tắm gội. Cả ba đứa tôi cùng đột nhiên để ý tới một cô gái mặc đồ xanh đứng trên đá ngầm gần thuyền. Bộ đồ mỏng ướt nước đã bày lộ rõ một thân hình đẹp, chắc chắn nhưng mảnh mai của con gái thành thị – thân không ngắn và háng không quá to như các cô gái điếm thông dụng khác – người bạn tôi đưa tay vẫy, cô gái mỉm cười, bơi lại. Bọn tôi đưa tay kéo cô gái lên thuyền, đưa vào khoang trong. Sau một đêm nhậu nhẹt và một giấc ngủ ngon, lòng trai bây giờ mới nổi sóng dữ. Nhất là dưới ánh nắng đầu tiên chiếu qua cửa sổ khoang thuyền, thân hình cô gái tuyệt đẹp, trắng không một vết gợn. Cả ba đều giành nhau nhập cuộc trước nên tôi đề nghị rút thăm. Nghe lời đó, đột nhiên cô gái chua chát nói với tôi : “thân em đã đến như thế này mà anh còn nỡ đưa ra làm đồ vật để bắt thăm sao?”

Từ khi lớn lên, Tôi đã gặp gỡ thiếu gì gái điếm và chưa bao giờ tôi khinh bỉ họ. Đối với tôi, họ đáng thương và dù có làm điếm, cũng vẫn là một con người. Tôi thường bao giờ cũng dịu dàng và thân hữu với họ. Bởi thế, sau khi nghe câu trách của cô gái, tôi buông ngực nàng ra, ngỏ lời xin lỗi, rồi bỏ ra ngoài mũi thuyền, uống ly cà phê nóng đầu tiên của một ngày trên dòng nước đã chuyển sang màu xanh thẫm dưới ánh nắng của một ngày mới bắt đầu.

Bọn tôi rời chiếc thuyền và dòng sông đi Đà Nẵng, lên máy bay quân sự trở về Sàigòn vào lúc đêm đã khuya. Từ đó chưa lần nào tôi gặp lại Tường nữa.

(còn tiếp 1 kỳ)