Khán giả miền Nam từng xem phim Ngư Ông và Biển Cả chiếu ở các rạp Rex, Eden, Casino, Văn Hoa rồi say mê bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng năm 65 và bản dịch của Mặc Đỗ năm 73.

hai phiên bản. Ban đầu Ernest Hemingway viết truyện ngắn On The Blue Water đăng trên tạp chí Esquire tháng 4-1936, sau đó mới thành truyện dài The Old Man and The Sea. 

Chính trong tập 15 Truyện Biển in năm 1970, Nguyễn Tú An phóng tác On The Blue Water thành Người Ngư Phủ Già. Một Việt hóa lối nói chuyện nhưng vẫn giữ được tính cách lôi cuốn và bộc bạch tình người giữa cậu bé Du và già Tư.

Bản dịch của Nguyễn Tú An gẫy gọn nhẹ nhàng vừa bình dị thật tự nhiên trong một cấu trúc tuyệt đọng.  [Trần Vũ]

Nguyễn Tú An phóng tác

Thằng Du tới ngồi cạnh ông Tư; trước kia ngày nào nó cũng đi biển với ông, nhưng ít lâu nay, má nó bắt phải học nghề với người khác.

– Lão Tư già quá… Hết lộc rồi, theo mãi lão lấy gì mà ăn!

Du nghe mẹ, lòng buồn rười rượi. Nó thương ông Tư lắm, phần vì ông Tư vỡ lòng nghề đi biển cho nó, phần vì ông sống cô độc trong căn chòi lá sát mé biển. Bữa nay Du dành dụm được ít tiền, nó hí hửng lấy ra gói thuốc lá đen, thứ thuốc ông Tư ưa hút nhất:

– Cháu biếu bác gói thuốc… Vài bữa nữa, cháu ra khơi với bác.

– Thôi… Bác còn đủ sức chèo thuyền…

– Biết vậy… Nhưng cháu muốn đi với bác một chuyến. Mà bác tính đi đâu?

– Ði xa… Câu cá lớn cho bỏ công.

– Vậy hả?… Người ta nói hồi trai trẻ, bác câu toàn cá lớn.

– Ừ, hồi trai trẻ kia chứ!

Du nhớ tới buổi đầu theo ông Tư ra khơi… Nó còn bé xíu, sáu bảy tuổi gì đó. Con cá ông Tư lôi được vào khoang thuyền vừa to vừa khỏe, chiếc đuôi cong như cành cung đập lấy đập để xuống sạp, khiến thuyền chòng chành. Du sợ rúm người, thu hình trong một xó. Ông Tư với chiếc vồ bằng gỗ, đập lấy đập để vào sọ cá cho tới lúc con vật chết đứ đừ, phơi chiếc bụng trắng toát. Máu cá vấy vào người Du, tanh ngòm.

Nó tưởng chừng cảnh tượng như vậy lại xảy ra, nhưng lần này Du sẽ không còn sợ hãi nữa. Ðứa bé mười bốn tuổi như nó đã tự giết được cá lớn hơn thế nhiều.

Ông già vẫn cười đây đẩy:

– Giá có cháu thì thú lắm, nhưng rồi cháu bỏ việc ở thuyền kia, má cháu buồn, đâu có được… Ðể bác đi một mình…

Du thở dài… Ông Tư đã nghĩ vậy, có theo đi cũng chỉ làm bận tâm ông ta thôi. Nó thủ thỉ:

– Ðể cháu kiếm mồi câu cho bác… Cháu có mấy con cá nục ngon ghê… ướp đá cẩn thận… Thứ cá béo nẫn đó thì cá song, cá kìm… ưa táp lắm.

– Cho bác rồi cháu lấy gì câu?

– Cháu chia đôi… Bác nửa, cháu nửa… đủ câu vài ngày. Còn mồi tươi nữa mà!

oOo

Ông Tư dậy sớm lắm. Người già bao giờ cũng ít ngủ. Có lẽ tại giường của ông một phần. Thằng Du đã đem tới cả xấp báo cũ lót dưới mấy chiếc bao tải làm nệm, mà ông già vẫn thấy không mấy êm… cứ phải trở mình luôn… tờ mờ sáng đã tỉnh như sáo rồi. Hơi lạnh ban mai làm ông rùng mình nhưng chỉ một hồi rảo bước là người nóng ran… Thằng Du đã hẹn mang giúp đồ nghề ra thuyền cho ông già. Nó mò tới từ lúc tờ mờ đất. Hai bác cháu lễ mễ mang nào buồm, nào cần câu, mái chèo, lại giỏ nan đựng bữa ăn trưa với chai nước nữa chứ!

Từng nhóm dân câu thấp thoáng trong bóng tối. Họ phải buông cần vào lúc mặt trời vừa ló mới hay gặp cá lớn, nên chẳng ai dám ngủ đầy giấc.

Du giúp ông già xếp các thứ vào thuyền, rồi đẩy thuyền xuống nước. Nhiều thuyền trên bãi cũng ra khơi. Tiếng chân người bì bõm… Tiếng mái chèo khua nước trong bóng đêm còn dày đặc…

– Bác may mắn nhé!

Du khua tay ra dấu chào… Nó thấy nét mặt dăn dúm của ông Tư tươi lên… Ông ta gật đầu mấy cái, mấp máy môi nói câu gì đó, chắc là cám ơn, nhưng thuyền lướt đi nhanh quá, Du không nghe rõ.

Nó men con đường nhỏ về nhà, bước chân nhỏ bé lún trên cát có lẫn sỏi. Nó thầm mong lần này ông Tư kiếm được con cá thực lớn… lớn chưa từng ai câu được, chứng tỏ ông là tay cừ nhất vùng… như vậy chắc mẹ nó sẽ lại cho nó theo thuyền ông ta.

Xem thêm:   Trưa Nắng Hàm Ninh

Nó biết tài ông Tư lắm… chỉ tiếc bây giờ sức yếu rồi, chẳng rõ hai cánh tay gân bắp có còn được như trước chăng… Lạy trời cho ông Tư thành công.

Thằng bé nghĩ thầm như vậy. Giá phải mất cái gì thực quý giá để thể hiện ao ước đó, nó cũng vui lòng. Nhưng thực sự nó cũng chẳng biết mình có cái gì là quý nhất nữa! Nghĩ cũng buồn cười!… Ðiều nó biết chắc chắn là càng lúc càng thấy thương hại người bạn già nua của mình.

Con thuyền câu lướt đi nhẹ nhàng, vì biển lặng, vì ông già vững tay chèo. Có chỗ nước biển ánh lên màu xanh sáng của chất lân tinh do rong biển tạo ra. Ông Tư biết nơi đó sẵn tôm, cá nục, cá mực…

– Giá quét mẻ lưới thì tha hồ ăn!

Nhưng chẳng bao giờ ông có đủ tiền mua lưới. Vả lại, có lưới lại phải có thuyền to, có bạn chài, rắc rối lắm. Chỉ đi câu là nhàn… Tóm được con cá lớn có thể nghỉ cả tuần, nhậu nhẹt thỏa thuê!

Ông Tư quen với những luồng nước biển, nên lựa cho thuyền nương theo đó mà đi, vừa đỡ phải chèo, vừa êm ái.

Khi trời sáng rõ, thuyền đã tới khoảng biển khơi quen thuộc. Lần này ông tính buông câu xa hơn đôi chút, kiếm cá song, cá vược mới thú. Gió thổi mạnh hơn, mảnh buồm nhỏ bay phần phật… Thuyền xa bờ tới năm hải lý chắc!

Nhờ thằng bé đem cho ít mồi tốt, ông Tư buông một lượt năm dây câu. Cách mắc mồi của ông kỹ lưỡng lắm: chiếc lưỡi thép được giấu kín trong bụng cá, buộc thực chắc… Ông moi mảng mỡ cá béo vàng quấn chặt phía trên:

– Con nào háu ăn là không sao bỏ qua mồi này được, ngon quá chừng mà!

Ông thả sợi dây câu bằng ngón tay út xuống đáy nước rồi buộc vào phao gỗ; dây nào cũng dài cả trăm sải, tha hồ cho cá lôi.

Ðâu đấy rồi, ông ngả lưng vào mạn thuyền. Mặt biển buổi sớm thực là đẹp, trên ngấn nước gợn sóng như có rắc vàng, chốc chốc lại nảy lên đàn cá bay. Con hải ưng từ đâu lượn vòng tới rồi lao mình xuống nước như mũi tên. Lúc bay lên nó đã quắp trong lớp móng sắc con cá bằng bàn tay, có đôi vẫy xòe ra như cánh chim.

Cá bắt đầu cắn câu. Sợi dây nhỏ nhất bị lôi đi khiến chiếc phao nhấp nháy rồi trôi ra xa. Ông Tư gật gù:

– Lại cá thu không sai!

Ông kéo dây thực nhanh, chẳng bao lâu đã phơi trên mặt nước chiếc lưng xám xanh màu thép của con cá. Nó giằng giật, vùng vẫy mãi không thoát nên đành chịu để lôi lên thuyền. Ông Tư lấy chày gỗ đập cho nó một nhát rồi quăng vào gầm sạp:

– Con cá mập thiệt!… Dễ tới sáu ký! Khúc cá béo nẫn là bữa ăn trưa của ông. Còn đầu và đuôi cá là thứ mồi hấp dẫn lắm.

Ông kéo thêm được vài con nữa, toàn cá thu béo vàng.

Sắp tới mùa vượt biển có khác… Con nào con nấy mỡ màng tệ!

Lúc ông sắp nghỉ tay thì sợi dây câu lớn nhất, buộc đằng mũi, rung chuyển mạnh như có người lôi… Ông biết ngay có cá lớn:

– Không thả nhanh đứt dây như chơi!

Vừa lẩm bẩm một mình, ông vừa buông cho dây tuôn ra. Hai mươi rồi ba mươi… năm mươi sải… Vẫn chưa hết! Ít khi phải thả nhiều dây như vậy, chắc con cá phải lớn lắm. Ông già nghĩ tới thằng Du:

– Thấy mình hên trở lại, thằng nhỏ thích lắm đây, tội nghiệp!

Bây giờ dây chùng đôi chút, nhưng trên đầu ngón tay, ông nghe còn nặng lắm:

– Dễ phải nối thêm dây chắc!

Nghĩ vậy nhưng ông không làm: dây nối đôi khi dễ đứt, mất toi cả dây lẫn cá!

Ông thử kéo xem sao… Phải dùng hết sức, ông mới lôi được dăm sải; bây giờ thuyền từ từ trôi… không theo luồng nước, mà trôi ngược theo con cá. Ðã có lần ông gặp cá lôi thuyền đi phăng phăng, nên không hốt hoảng chút nào. Ông ghì dây vào cột chèo, quấn một phần ngang lưng cho khỏi tuột.

– Có khỏe mày cũng chỉ lôi được vài dặm là khướt thôi con ơi!

Ông Tư rất tiếc đã không có thằng Du:

– Thằng bé giúp mình một tay thì cá to mấy cũng chẳng ngại.

Ðiều ông lo nhất lúc này là con cá bất thần lặn xuống thực sâu. Nếu cá to quá, thuyền bị lật là thường.

Xem thêm:   Tem & Người thời Đông Dương

Con cá không lặn, cũng chẳng tỏ vẻ gì là mệt.

Nó bơi đều đặn như thứ động cơ tốt, kéo con thuyền càng ngày càng ra xa. Ông già mất cả ăn uống, đăm đăm theo dõi sợi dây, lúc căng lúc chùng… Trưa lúc nào không hay; rồi nắng dịu đi, gió mạnh hơn, chiều tới nơi từ bao giờ.

– Chẳng cá thì đừng!

Ông Tư vớ chai nước tu một hơi, hạ buồm xuống, rồi ngồi thực thoải mái… Ông cần thi sức với con cá mới được.

Nắng tắt, phía xa xa, nền trời màu tím lam, loáng thoáng mấy ánh sao… Ông Tư nuốt vội nắm cơm khô cứng, tay vẫn ghì sợi dây… Giá con cá nổi lên, hay cựa quậy, vùng vẫy, ông còn thích hơn là nó cứ giữ mãi tốc độ đều đặn thế này… Người gan góc tới đâu cũng đâm sốt ruột.

Ðêm khuya dần… Ðúng vào lúc ông lim dim ngủ, con cá giựt một cái thực mạnh làm ông chúi xuống khoang thuyền. Ông không ngủ nữa, hí húi làm thịt con cá thu. Thuyền vẫn trôi đều. Ông già thở dài:

– Cứ điệu này, phải tới sáng ngày nó mới mệt chắc!

Ông đoán sai: sáng hồi nào mà con cá vẫn dẻo dai như bữa qua. Ông vươn vai, gân cốt chuyển răng rắc… Ông cũng còn khỏe lắm. Ông thử lôi sợi dây, kéo lên được mươi sải rồi đành chịu, con cá nặng quá!

– Chắc cá gươm đây… Cá cỡ lớn chứ chẳng chơi. Nếu là cá mập hay cá đuối, cá song, mình đã hạ được rồi.

Ông xắt miếng cá thu, nhai ngon lành… Thịt nó ngọt, gan thì tanh nhưng lại bổ vô cùng. Ông nhắm mắt mũi, nuốt miếng gan lấy sức, rồi lại co dây với cá… Nặng ơi là nặng!

Sợi dây phía cuối thuyền rung mạnh. Lại con gì nữa đây?… May mắn đó chỉ là thứ cá nhỡ, loại cá heo. Ông lôi cá lên thuyền, đập chết, đẩy vào một xó:

– Thế là có thức ăn rồi!

Ông Tư có cảm tưởng con cá lớn phía đầu dây đang giẫy giụa thì phải. Thực ra nó không bơi thẳng mà từ từ vòng lại… Con cá bắt đầu mệt. Ông già cũng chẳng còn tỉnh táo như bữa trước. Mồ hôi trên trán, trên lưng ông vã ra như tắm. Sợi dây được thu ngắn dần, ngắn dần… Ðôi lúc con cá giật mạnh, nhưng không kéo ngã được người ngư phủ dày kinh nghiệm.

Cuộc giằng co kéo dài dưới trời nắng gay gắt… Con cá bắt đầu thấm mệt. Lờ mờ dưới làn nước biển, ông Tư đã thấy hiện lên một bóng đen lừ lừ uốn lượn. Không ngờ con cá lớn như vậy! Còn cách tới ba chục thước, mà vành đuôi dài thượt đã nhô lên mặt nước, nhọn hoắt như lưỡi hái.

– Phải phóng tới vài mũi lao mới hạ được nó chắc!

Ông Tư cố gắng ghìm dây cho ngắn lại. Sợi gai se kỹ, ngấm nước biển cứng đơ, cọ vào lớp da chai trong lòng bàn tay làm máu túa ra… Có gì mà lo, tay ông vẫn hay bị sướt mỗi khi gặp cá to, chỉ vài bữa là khỏi; nhưng lúc này thì xót quá… Ông Tư nghiến răng, dồn sức lực vào hai cánh tay… Lưng con cá màu xanh ánh thép lập lờ mặt nước. Hãy còn xa quá, nên ông già đã nâng ngọn lao lên lại đặt xuống. Ông ra sức lôi nó lại gần. Con cá nghiêng mình đi, song còn bơi khỏe… Ông Tư mệt nhoài, cơ hồ không muốn nhấc chân tay. Ông biết mình cần phải nghỉ đôi chút, ăn uống cho chắc bụng để có sức hạ con cá.

Con cá lại không để ông yên thân, nó lượn lờ, quẫy đuôi, giằng giựt với sợi dây.

– Chắc lúc này chiếc lưỡi câu đang móc vào ruột nó. Ðau ghê gớm lắm đây!

Ông Tư dựa lưng vào cột buồm, nhai vội miếng cá heo tươi. Thịt giống này mềm, ngọt như thăn heo, dễ ăn lắm.

Chợt con cá nổi lên gần mạn thuyền. Giờ chết của nó đã điểm… Ông Tư giơ cao ngọn lao, dùng hết sức phóng thực nhanh vào sườn cá… Sóng cuộn lên, thuyền chòng chành như gặp bão… Con cá nhảy tung mình rồi rớt xuống thực nhanh.

– Giá nó rơi trúng thuyền thì mình hết sống!

Ông vừa nghĩ vậy vừa buông dây buộc ở cán lao… Con cá không lôi xa được bao nhiêu, nó kiệt sức rồi… Máu loang đỏ trên mặt nước.

– Máu tươi nhiều thế này, cá mập đánh hơi thấy ngay đây… Rõ khổ!

Xem thêm:   San Jose và buổi triển lãm hy hữu

Chẳng mấy lúc chiếc bụng trắng như mỡ đông của con cá phơi hẳn trên mặt nước. Ông già thở dài, nhẹ nhõm. Thế là ông thắng! Con cá gươm dài gần mười thước chết hẳn rồi.

– Dễ được tới mươi tạ thịt chắc!

Ông Tư hí hửng nghĩ tới món tiền kiếm được, Lúc này những nỗi vất vả mệt nhọc chẳng còn dấu vết gì, sức lực ở đâu dồn về làm ông như trẻ lại.

Con cá được buộc chặt vào thuyền, đầu và đuôi còn thừa ra ngoài cả thước, thành thử chiếc thuyền câu nhỏ như bám vào lườn cá.

Ông Tư giương buồm, thuyền quay mũi. Giá cứ thuận gió thế này chỉ nửa đêm là tới bến.

Người ngư phủ già nằm duỗi dài, gác chân vào bánh lái, mắt lim dim… Giá không có con cá mập tới thì ông ngủ từ đời nào. Loài cá mập đánh hơi tài lắm: có vết máu là tìm đến ngay. Nó bơi vùn vụt, chiếc vây lưng cong veo, phía dưới xòe như cánh bướm, rẽ nước êm như ru. Sát tới mạn thuyền, nó uốn mình nghiêng về một phía, há miệng táp thực nhanh vào lườn con cá gươm… Ông Tư choàng dậy:

– Biết ngay mà… Giống quái này thế nào cũng phá mình!

Ông với tay nhặt mũi lao: ông biết rõ giống cá mập lắm; da nó cứng, khá dài, thớ thịt quánh, rắn chắc đâm khó chết lắm. Phải nhắm trúng đích: con cá háu ăn vùng vẫy một hồi, dứt đứt dây rồi chìm luôn.

– Thế là toi ngọn lao!

Máu lại loang trên mặt biển, thành thử chỉ vài giờ sau lại có cá mập tìm đến. Bây giờ chẳng có gì để bảo vệ con cá gươm ngoài đôi mái chèo và con dao găm. Ông đành tháo mái chèo, buộc mũi dao vào đó.

– Phải đâm vào sọ hay mắt chúng mới được!

Ông làm đúng như vậy: Mũi dao của ông ngoáy vào tận óc con cá thứ nhất… Nó biến mất, mang theo tảng thịt vừa dứt từ đuôi con mồi. Con thứ nhì khôn ngoan hơn, nó táp miếng mỡ dưới bụng cá gươm, thành thử phải chờ lâu lắm, ông Tư mới đâm được dao vào mắt nó.

Hai con cá chắc chết cả nhưng máu từ thân con cá gươm ứa ra khá nhiều. Ði chừng vài hải lý, cá mập từ đâu kéo tới… Trời tối mò, loáng thoáng dăm ánh sao, quanh thuyền lấp lánh làn sáng xanh lè do chất lân tinh từ mình cá mập tỏa ra.

Ông Tư đập tới tấp vào lũ cá tham mồi, cho tới lúc hai tay mỏi nhừ. Ít ra cũng có dăm con chết, chúng được lũ bạn xâu xé ngay… Nhưng vào khoảng nửa đêm, con cá gươm to lớn của ông già cũng chỉ còn trơ có khúc đầu là nguyên vẹn.

Con thuyền nhẹ hẳn đi, lướt sóng veo veo. Ông Tư ngán ngẩm, chẳng thiết gì đến việc đuổi đàn cá mập bu phía sau, nhặt nhanh chút thịt vụn dính vào đuôi cá. Ðối với ông, thế là hết!… Ông không còn đủ sức tháo dây buộc con cá gươm ra nữa.

Công việc đưa thuyền vào bến, tháo cột, cuốn buồm…ông Tư làm như trong giấc mơ. Toàn thân ông chỗ nào cũng mỏi như dần, hình như bao nhiêu cái mệt mỏi quên đi từ vài ngày nay, bây giờ kéo đến hành hạ cơ thể già nua… Mò về đến nhà, ông nằm vật xuống, ngủ say như chết.

oOo

Khi thằng Du tới, ông Tư còn mê mệt. Nó tần ngần nhìn người bạn già, nước mắt như muốn trào ra. Ngày nào nó cũng ra bến… Nhưng sáng nay nó mới tin chắc là ông Tư còn sống. Thiên hạ ai cũng nắc nỏm khen con cá to:

– Phải là tay lành nghề lắm, mưu mẹo lắm mới câu nổi hạng cá lớn như vậy!

Nó biết ông Tư có một mình, không xoay trở kịp mới chịu để cá mập táp hết thịt trên mình con cá gươm như vậy. Giá có nó đi cùng, chắc chẳng đến nỗi nào.

Bây giờ Du quyết định rồi: chẳng có ai dìu dắt nó xứng đáng hơn ông Tư… Nó sẽ săn sóc cho tới khi ông lành mạnh, rồi sẽ lại theo ông ra khơi.

– Mình bán chiếc đầu cá cho họ xẻ ra làm mồi… Mũi gươm dài như thanh kiếm, thì giữ lại làm kỷ niệm. Lớn lên, ta cố câu con cá to hơn thế xem sao!

Ý nghĩ ấy làm nó thích thú… Nó với tờ báo, phe phẩy quạt cho ông già, lòng êm ả nghĩ tới những ngày vui sau này.

NTA phóng tác Theo E. HEMINGWAY

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2023