Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Dù sống trong cảnh nào, đôi khi chúng ta cũng ưa nhớ lại một vài kỷ niệm với niềm vui thú đặc biệt, hoặc nhắc tới khoảng thời gian nào đó có việc gì quan trọng còn ghi nét sâu đậm trong ký ức… Với tôi, chuyến săn beo ở Bản Chai có lẽ là chuyện tôi chẳng bao giờ quên được. Mỗi lần nhấc khẩu súng săn khỏi chiếc giá gác súng làm bằng cặp sừng nai, lâu ngày đã lên nước bóng vàng như thứ ngà voi già, tôi lại thoáng nhớ tới vóc dáng uyển chuyển, mềm mại tuyệt vời của con beo ngày nào.

Con thú rừng này ngày đó là nỗi hãi hùng ghê gớm của dân vùng Bản Chai, một buôn Thượng heo hút giáp với miền Thượng Lào. Chẳng tay súng nào hạ nổi nó … Tính tới ngày họ tới kiếm tôi, con vật đã vồ ngót 50 người, không kể số dê, bò hay nghé non nó bấu chết mang đi.

Lán gỗ của tôi cách đó khá xa, hai ngày đường rừng lận, nhưng từ ngày tôi hạ luôn 3 đêm 5 cọp, tiếng tăm thiện xạ của tôi lan đi khắp nơi … Hễ đâu có ác thú dữ dằn nhất, khó săn nhất, thổ dân đều tìm tới tôi.

Vì sĩ diện, vì hiếu thắng, và cũng vì mê săn bắn nữa, chẳng bao giờ tôi từ chối những chuyến đi như vậy.

Lần ấy tôi đem theo một người dẫn đường và 4 phu mang hành lý đi rừng. Nỗi vất vả băng ngàn vượt suối không khiến tôi ngại ngùng như khi mới đặt chân lên cao nguyên; tôi đã quen cảnh màn cây chiếu cỏ của dân thợ săn hồi nào mà không hay.

Sau vài ngày đêm cực nhọc, chúng tôi tới Cha-ca. Viên xã trưởng ở đây đón tôi vào căn nhà sàn rộng rãi nhất. Lão mừng rỡ như bắt được vàng:

– Các thầy tốt với dân bản lắm… Cái beo Bản Chai mà không chết, chả ai dám đi rừng …

Tôi hiểu chuyện đó: không đi rừng tức là thiếu tất cả, không có măng, mục nhĩ, nấm hương, thịt rừng để đổi lấy gạo muối … Như vậy là đói đến nơi!

Lão không cho tôi lên đường ngay:

– Cái sông Pa-koi lớn rồi … Mưa lũ mà … Nguy hiểm lắm. Sáng mai tôi cho người dẫn thầy qua ghềnh đá sang Bản Chai.

Chúng tôi đành dự bữa tiệc linh đình tại đó, rồi lăn ra ngủ ngon lành cho tới sáng bữa sau. Lão tù trưởng nói đúng: có đi chiều hôm trước, vị tất chúng tôi đã vượt nổi sông. Lội qua ghềnh đá nông nhất mà nước còn ngập tới ngang bụng, thành thử ai nấy ướt lướt thướt như chuột lột.

Khoảng xế chiều là tới Bản Chai. Dân làng kéo ra tận bìa rừng, tranh nhau khuân hành lý cho tôi. Trong ánh mắt, trong nụ cười chất phác của họ, chan chứa niềm hy vọng sắp được tai qua nạn khỏi… Tôi có cảm tưởng mình được coi như ngôi sao giải tai, trừ ách cho họ không bằng!

Lão thầy mo Tay cho giết heo làm lễ tế thần, và đãi chúng tôi luôn thể. Nhóm trai tráng ngồi quay lấy tôi. Viên tù trưởng than thở:

– Nó là cái heo ma, thầy ạ!… Chẳng ai thấy bóng bao giờ … Chỉ thấy người bị bấu chết thôi hà …

Theo lão, tai nạn mới nhất vừa xảy ra cách đây 6 ngày:

– Thằng Hoi đi kiếm củi về … đang đứng sau nhà thì bị beo vồ … Nó đâu kịp kêu … Nó chết tươi cà!…

Một tay thợ săn cho biết thêm:

– Có vết chân beo rành rành, thầy à!… Chạy thẳng vào rừng mây, phía sườn núi đó!

Tôi để ý cánh rừng um tùm, rộng chừng vài chục mẫu tây, nằm dài gần hết cánh phải rặng núi đất, toàn một thứ song lớn cỡ bắp tay và mây rừng… Loáng thoáng 10 ngọn lim xòa xoẹt, trấn ngự đám dây leo quằn quại phía dưới … Con beo chọn chỗ đó trú ẩn thiệt khôn ngoan … Tìm ra nó cũng còn mệt!

Thầy mo Tay quả quyết với tôi:

– Chắc mà … Nó chưa ló ra khỏi rừng từ bữa đó … Tôi có cho người canh chừng rồi… Thầy tới đúng hồi nó đói mồi đây, may ra đụng ngay không chừng.

Tôi cũng mong vậy.

Công việc đầu tiên là kiếm thứ mồi ngon để nhử đã. Nhóm thợ săn Bản Chai không cho tôi dùng bất cứ gia súc nào do dân làng cung cấp, như thế sẽ có chuyện không may cho tôi chăng… Họ bỏ cả ngày đường sang buôn kế cận mua được đôi dê choai mang về. Người tù trưởng ưng ý lắm:

Xem thêm:   Con cọp cái ở bản Then

– Thứ dê non thịt thơm, còn hôi mùi sữa mẹ, beo dễ đánh hơi, vậy mới tốt!

Tôi không muốn nghỉ tại căn nhà sàn cao ráo họ dành cho, sợ đêm hôm leo trèo khó khăn, nên đem theo hai bạn săn ra túp lều ngoài sườn đồi. Lều dựng sơ sài trên nền đất khá cao cách rừng mây khoảng hơn trăm thước. Ngay ven rừng tôi cho cột một con dê, còn con kia để nằm ngay khu đất trống, giáp cửa lều.

Ri, gã Thượng vác súng cho tôi, sợ dúm người lại:

– Coi chừng hà, thầy… Beo nó dám tới lều mình lắm!

Tôi chỉ con dê non:

– Khỏi lo, chú!… Nó khôn chán … Ngốn thịt dê còn ngon hơn thịt thợ săn chúng mình, dai nhách!

Nói vậy, chứ tôi cũng cho kéo mấy bó gai mây chắn phía ngoài cửa cho yên dạ. Thầy mo Tay có lần bảo tôi:

– Con beo đói mồi, nó liều lắm … Người đang ngồi trong nhà, nó cũng nhảy vào bấu cổ lôi đi kia.

Đêm mỗi lúc một khuya… Trời lất phất mưa nên tối sẫm. Tiếng chim khảm-khắc kêu gióng một, não nùng như trống cầm canh. Vài cặp chim lợn oen oét lượn phía ngoài. Đôi dê non chốc chốc lại be be gọi nhau… Bên bếp lửa tôi chợp mắt lúc nào không hay.

Bừng mắt dậy trời đã sáng rõ: mặt trời nhô khỏi cánh rừng, bầu trời trong vắt. Qua đêm mưa, cành lá ướt bóng, tươi mát lạ lùng. Con dê non trước lều còn đó, vừa gặm cỏ vừa nghểnh cổ gọi bạn… Tôi không nghe tiếng trả lời, chẳng lẽ nó bị beo bấu chết?

Hai gã Thượng từ bìa rừng chạy về, mặt tươi rói:

– Ta hên rồi … Con beo trong rừng mây, nó mò ra bắt dê đêm qua. Chắc không đi xa đâu.

Có dấu chân beo quanh chỗ buộc dê thực. Trời lúc đó mưa nên vết chân rõ như in, chạy thẳng vào cánh rừng um tùm trước mặt. Như vậy, tôi không đến nỗi mất con dê vô ích, ít ra tôi cũng biết chỗ núp của kẻ địch.

–oOo–

Theo dấu con beo để tìm cho ra chỗ nó nằm lúc no mồi là chuyện mệt nhọc nhưng cũng thích thú: công việc khá khó khăn này hiếm hoi lắm mới thành công, nếu không hội được điều kiện thuận tiện … như trường hợp của tôi chẳng hạn.

Cánh rừng mây rậm rạp quá, đôi chỗ phải phát cây, dọn lối, như vậy khó tiến sâu một cách êm ả được. Tôi vất vả lắm mới kiếm ra nơi con beo dừng chân để ăn mồi đêm qua: cả con dê chỉ còn lại cặp sừng nhọn và 4 móng!… Như vậy tôi không mong gì thấy nó trở lại đây, còn có gì cho nó no bụng được đâu. Tôi đành tiếp tục cuộc lùng kiếm, mò mẫm trong khoảng cành lá dày như đan vào nhau. Ánh nắng thưa nhặt rơi rớt thành những đốm tròn, lấp lánh dưới bóng cây, rung động, làm tôi trông chỗ nào cũng thấp thoáng có bóng beo.

Tôi có cảm tưởng con vật lủi nhanh phía trước, nó không chạy biệt một nơi, mà thỉnh thoảng dừng lại nghe ngóng… Nó trông thấy tôi không chừng.

Kinh nghiệm này tôi học một tay đi rừng lâu năm, ông ta chỉ cần nghe chim hót đủ đoán được đường đi của hổ báo.

Chốc chốc lại có con sáo cà bay vút, kêu ré lên vài tiếng… Rồi con chèo bẻo thấy động, đang từ thấp vọt lên ngọn cây, rồi con nhòng mun có vành tai vàng óng, lanh lảnh báo động cho thú rừng … Như vậy, tôi biết chắc con beo no mồi đang luồn qua các bụi rậm, về hướng rừng già. Tôi không nghĩ tới chuyện nhờ thêm người chắn phía trước, dồn cho con thú phải chường mặt khỏi bụi rậm; làm như vậy khá nguy hiểm, vì giống beo không như giống thú khác, nó sẽ chồm vào người nào gần nhất, bấu chết để mở lối, vượt khỏi vòng vây…

Tôi chỉ còn cách duy nhất là chờ nó đói rồi nhử tới gần … Dù sao tôi cũng còn một con dê để dùng vào việc này. Tôi bắt tay vào việc hai bữa sau.

Xem thêm:   Lê Quỳnh Mai phỏng vấn nhà văn Trùng Dương

Hai gã Thượng giúp tôi cột con vật ngay chỗ beo vồ mồi khi trước. Tôi chọn chỗ đó vì cách nơi dê nằm khoảng 30 thước, trên mô đất nhỏ, có cây gỗ táu mọc nghiêng, tương đối dễ trèo… Trên cây lại sẵn một cành ngang, cách mặt đất non 5 thước, làm chỗ ngồi núp tiện lắm.

Tuy chẳng biết hình thù con beo này ra sao, nhưng tôi tin đó là con beo quen vồ người, xưa nay vẫn tung hoành ở Bản Chai. Tôi chẳng khờ khạo gì mà không đề phòng cẩn thận. Trước hết tôi lót bó rơm để ngồi cho êm, sau tôi cho chặt nhiều cành gai, bó kín thân cây; như vậy beo có muốn leo lên hỏi thăm tôi cũng còn khó. Tôi cho làm công việc này hết sức tỉ mỉ, cẩn thận; tự nhiên tôi có cảm giác rõ rệt nhờ sự đề phòng chu đáo, tôi sẽ thoát nanh vuốt ghê gớm của con beo.

Tay súng của tôi đã sẵn sàng ngay từ 5 giờ chiều. Ngoài xa, con dê non nhởn nhơ vặt cỏ … Tôi thương hại con vật lạ lùng; lần này tôi nhủ thầm: không thể để cho bất cứ ác thú nào đụng tới mình nó!

Khi trời đổ tối, nhóm thợ săn kéo hết về buôn. Sương đêm tỏa mờ trên đồi, dưới lũng, như mây khói. Trong cái yên tĩnh ngột ngạt của chờ đợi, bỗng có tiếng chim gầm ghì rúc một hồi, rồi tiếng sáo sậu lảnh lót… Hai giống chim này đã lên tiếng thể nào cũng có con thú gì lớn mò tới đây… Tôi cố chăm chú nhìn về phía con dê: con vật vẫn đó… Nó không kêu tiếng nào, nhưng quay lưng về buôn, ngoảnh đầu về phía tôi. Như vậy, chắc chắn con beo đã tới sau lưng tôi rồi không chừng!

Tôi không dám nhúc nhích … Tay nắm vững khẩu súng đăm đăm nhìn con dê … Tôi đã cẩn thận lắp đạn ghém, 8 viên chì lớn … Như vậy chắc dễ trúng hơn đạn một. Vài con dơi muỗi êm ả lướt qua đầu tôi… Vẫn không thấy gì khác lạ … Chẳng lẽ con beo tới mà tôi không hay sao?…

Chợt bó gai mây cột ngang thân cây táu rung động như có người lôi… Như vậy tôi không lầm chút nào: lần này đích thực tôi đụng đầu với thứ beo quen ăn thịt người … Nó đánh hơi thấy tôi trên cây… Tôi mới là thứ mồi nó ưa thích. Nhờ vậy con dê non chưa hề hấn gì. Trong bóng đêm, tôi nghe con báo kéo sợi thừng cột bó gai ngay dưới chân. Nó không sao leo lên được, điều này khiến tôi vững tâm, nhưng trái lại, tôi cũng không sao bắn được nó… Hàng rào gai dày cả thước che khuất cả tôi lẫn con beo. Đợi lúc con ác thú giựt mạnh tới độ thân cây rung lên, cành lá phía trên đập vào mặt tôi.

Tôi biết giống beo lắm: trời càng tối, nó càng trở nên dạn dĩ … Đã bao lần, nhờ bóng đêm che chở, nó thịt hết người này tới người khác, lúc này tại sao nó phải ngán tôi nhỉ?… Chính vì vậy, nên sau một hồi giằng giựt với bó gai, nó nổi nóng vừa chồm lên vừa gầm gừ vang cả cánh rừng. Nhóm thợ săn trong buôn, cho tôi hay: thứ tiếng ghê rợn quen thuộc này lần nào cũng làm họ bủn rủn chân tay, thoáng nghe họ đã nhận ra tiếng con beo ăn thịt người rồi!

Với tôi lại khác, tôi không thấy sợ… Hay bị dồn vào thế không thể sợ được, tôi bình tĩnh trở lại chăng?… Tiếng gầm của con vật giúp tôi đoán biết chỗ nó đứng dưới gốc cây. Chính vào lúc con beo yên lặng, tôi mới thấy ghê rợn: tôi tưởng tượng như nó đang thu hình sắp vọt lên bây giờ!…

Đó là điều có thể xảy ra, nếu con vật thuộc loại beo lớn, đang hồi sung sức. Nó chỉ cần đụng mạnh vào cành táu là đủ hất tôi ngã xuống đất. May mắn cho tôi, con beo hậm hụi tìm đường leo lên không được, liền quay về phía miếng mồi kém ngon đôi chút, nhưng dễ vồ hơn. Nó tiến lại chỗ con dê. Trước đây, tôi cố ý buộc dê khá xa, để có đủ thì giờ ngắm bắn cho chính xác, nhưng lúc này sự cẩn thận đó trở nên vô ích … Trời tối như mực, tôi chẳng cách nào che chở cho con vật. Ý nghĩ mất con mồi thứ hai một cách phí phạm làm tôi bực mình; tôi nghe tiếng dê ré lên rồi im bặt, như vậy là beo vồ mồi rồi, vồ nhưng chưa tha được vì vướng sợi thừng… Tôi nhắm ngay chỗ cột dê, nhả đạn… Qua làn khói mờ, tôi thoáng trông một vệt trắng mờ lao nhanh về ven rừng cùng lúc với tiếng gầm hằn học, nghe rợn người. Tôi chăm chú nghe ngóng tứ phía. Chẳng thấy động tĩnh gì, có thể là con thú thoát vào bụi. Tôi bật lửa, châm vào bó đuốc tẩm nhựa thông đem theo, giơ lên cao: đó là ám hiệu giữa tôi và đám thợ săn. Thấy ánh đuốc, khoảng 10 người gậy gộc kéo tới. Họ chặt thừng, tháo rào, đỡ tôi xuống. Tôi nhìn thầy mo Tay, lắc đầu:

Xem thêm:   Tượng troll nổi tiếng thế giới sắp có mặt tại bảo tàng Nam California

– Con beo chưa chết… Chắc bị thương thôi. Để sáng ra ta kiếm.

Lão xua tay:

– Giống beo chóng lại sức lắm. Để đến mai không khéo nó lẩn mất. Ta kéo lại bìa rừng coi. Nếu bị thương nặng chắc nó nằm đó hà!

Ánh đuốc không soi thấy vết máu nào trên mặt đất, chưa chắc gì con vật trúng đạn, tôi nghĩ vậy; đuổi theo nó lúc này khá nguy hiểm, nhưng chẳng lẽ tôi tỏ ra nhát gan trước mặt họ. Tôi quay lại lão Tay:

– Cẩn thận, nghen!… Con beo có thể chồm tới bất kỳ lúc nào đó … Lão cho anh em đi theo tôi, giơ cao đuốc lên soi đường…

Chúng tôi đi hàng một, nhóm thợ săn cách tôi khoảng 5, 6  bước. Tôi dặn dò thêm:

– Có động tĩnh gì, đừng có bỏ tôi đứng một mình mà chạy đó!

Có tiếng cười khúc khích:

– Không sao, thầy Hai… Chúng tôi soi đuốc cho thầy bắn chớ!

Lão Tay nói thêm:

– Đứa nào chạy, tao đánh què, nghe!… Cứ giơ đuốc về phía trước là beo nào cũng phải kiêng mà.

Đi khoảng vài chục thước, tới chỗ buộc mồi, tôi xót xa thấy con dê nằm sóng soài, đầu quặt ra sau lưng, họng rách bươm … Mối thù này tôi phải trả mới xong!

Qua đó chút nữa là bìa rừng. Nhờ ánh đuốc, tôi trông rõ mô đất án ngang bụi mây khá lớn… Có thể con beo núp sau đó … Tôi không kịp nghĩ gì thêm, vì ngay lúc đó, có tiếng sột soạt, rồi con vật hiện ra một cách đột ngột, sừng sững dưới ánh đuốc… Nó quật đuôi, gầm thét dữ dội… Chẳng có gì ghê tai bằng tiếng beo gầm. Đã có lần tôi thấy cả đàn voi còn bỏ chạy… Thành thử nhóm thợ săn phía sau có bỏ tôi đứng trơ ra đó, vắt giò lên cổ thoát thân, tôi không lấy làm lạ…

May cho tôi, trong lúc vội vã, họ xô đẩy nhau, làm rớt lại 5, 6 bó đuốc nhựa, nên tôi còn đủ ánh sáng để nhả đạn vào giữa ngực con thú, ngay khi nó bắt đầu lấy đà chồm lên …

Nghe tiếng súng nổ, lão Tay trấn tĩnh ngay được; lão chạy lại chỗ tôi:

– Thầy bỏ lỗi nhá!… Cứ nghe beo gầm, chúng tôi mất vía cả … Hơn năm nay như vậy rồi!

Tôi đã biết thế nào là nỗi sợ của thợ săn khi phải đương đầu với beo rừng, nên không trách gì họ. Tôi bảo lão Tay giơ đuốc soi con thú vừa hạ: tôi chưa gặp con beo nào lớn cỡ đó… Dễ tới non 3 thước. Bộ da tuyệt đẹp, lông sậm, dày dặn, mượt như nhung, vàng cườm, đen mun, trắng toát rõ ra bộ da hiếm có và đắt giá.

Tôi ngửng nhìn nhóm trai tráng, bỏ qua chuyện nhút nhát của họ:

– Anh em có mang thừng chão với đòn khiêng đó không?

– Dạ có… Thầy Hai!

Lão Tay quát lên:

– Thì xúm vào, khiêng về buôn đi chớ!… Beo chết queo rồi, còn gì mà sợ!

Tôi phá lên cười, làm cả bọn cười theo.

Đêm ấy, lần thứ nhất từ 2 năm qua, dân Bản Chai mới được yên giấc, khỏi nghe tiếng beo gầm.

NMT phóng tác

Trần Vũ đánh máy lại tháng 8-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.