Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác
Tôi được tin báo: một người đàn bà Thượng vừa bị hổ vồ ở ngay cuối làng Bản Co.
Thế là con cọp cái im hơi lặng tiếng từ hơn tháng nay lại bắt đầu tác quái. Tôi vác súng đi ngay. Từ chỗ tôi tới bản không xa lắm, chừng hơn chục cây số đường rừng. Dân làng lại đem tới cho tôi con ngựa thồ để đi cho nhanh, nên chỉ gần trưa tôi tới bản.
Vừa qua khỏi triền núi, tôi thấy một đám đông tụ tập trước căn nhà sàn cuối làng nên ghé lại coi. Nhìn qua vai nhóm người đứng vòng trong vòng ngoài, tôi không khỏi rùng mình: trước mặt họ, người đàn bà bị hổ vồ hụt còn ngồi bệt dưới đất, rũ rượi như sắp chết, máu me bê bết.
Khoảng nửa người trên bà ta bị cào xước, một mảng da đầu rách bươm, máu từ trên đầu, trên cổ chảy ròng ròng xuống ngực.
Trong lúc tôi xem xét các vết thương, lão Tù trưởng thuật lại:
– Ông chủ à!… Cái cọp dạn lắm… Cả chục người đang kiếm củi nó vẫn không sợ… Nó vồ chị này ngã ra, nhưng nghe mọi người la hét, nên không kịp cõng mồi đi… Sợ nó quay lại dân làng cũng bỏ về. Ai cũng tưởng chị ta chết rồi chớ!… Tới khi cho người lên kiếm ông, chị ta tỉnh dậy bò về một mình…
Lão ngừng một chút, đưa mắt nhìn nạn nhân rồi lắc đầu:
– Chắc chả sống được đâu… Ðể chị ta chết hẳn, tôi cho đem ra rẫy nhử cọp. Ông chủ chỉ việc ngồi chờ, thể nào hổ cũng tới mà!
Trong lúc lão nói, người đàn bà đưa cặp mắt lờ đờ nhìn tôi, cặp mắt đau xót của con thú hấp hối. Tôi không thể nhẫn tâm để họ làm như vậy. Tôi quát tháo đuổi hết mọi người đi, chỉ để lại người chồng và vài thân nhân. Tôi bắt đun nước sôi rồi cởi áo sơ mi đang mặc, xé tạm ra băng bó. Dân làng nghèo quá, chẳng ai có được cái kéo. Kiếm đứt hơi mới ra chiếc kéo cùn của người thợ may đã chết. Vợ ông ta dùng nó để xới đất, nên hai lưỡi vừa rỉ vừa cong, không sao cắt nổi.
Tôi tính xén bớt tóc nạn nhân để bôi thuốc cho dễ. Nhưng thiếu kéo, đành chịu bó tay. Vết thương chính là nhát quào từ trán ra sau gáy, rạch đứt đôi mảng da đầu, trông gớm chết!… Nhưng cũng may cho bà ta: trước đây có lần tôi đưa người bạn làm thầy thuốc đi săn, anh ta tặng tôi một chai thuốc nước màu vàng để trị thương, và khuyên tôi hễ đi rừng là mang theo.
Tôi lấy thuốc nhỏ vào các vết thương sau khi rửa sạch đất cát bằng nước ấm, rồi băng kín lại. Tôi chẳng thể nào làm hơn được!
Sức sống của người ta thực mãnh liệt: chỉ một tuần sau bà ta đã đi lại được, đến tìm tôi để cảm ơn. Bà ta thích thú nhất là đã giữ nguyên vẹn được mái tóc dài, đen láy. Tôi cũng hiểu nỗi vui đó: đối với thổ dân vùng này, mái tóc ngắn là dấu hiệu sự góa bụa!
Trông bà ta bế đứa con thơ đi tung tăng, tôi thấy nao nao trong lòng: thể nào tôi cũng phải tìm cho ra con hổ quái ác, để đem lại yên vui cho dân làng.
Tôi theo dấu chân cọp được tới bốn năm cây số, nhưng đến vùng đất sỏi, lại gặp trời mưa nên đành phải quay về. Tôi căn dặn dân làng đừng đi đâu xa, chờ xem động tĩnh ra sao đã. Khoảng hơn tuần sau, lại có tin hổ vồ người ở Mo-hét, cách đó tám cây số, cũng một người đàn bà nữa, nhưng khi tôi đến nơi, người xấu số này đã chết hẳn. Chị ta mới ra khỏi nhà khoảng hơn trăm thước đã bị hổ lôi tuốt vào trong bụi… Nhưng tới khi nó leo lên cao lại đánh rớt mồi xuống ngách núi… Bò về tới gần nhà thì chị ta lịm đi.
Tôi suy tính mãi:
– Thường thường cả trăm người bị cọp vồ, họa ra mới thoát được một. Vậy mà lần này cọp vồ hụt cả hai, chắc phải có lý do… Một là nó quá già yếu, hai là vẫn chưa có con cọp choai nào theo phụ với nó. Cọp đói mồi chắc phải liều hơn, dạn hơn… Thực là dịp tốt để tôi hạ nó!
Không tìm ra nơi cọp ẩn, tôi đành nhử nó tới vậy.
Chiều hôm đó, lúc mặt trời sắp lặn, tôi vào ngách núi cùng dăm người trai tráng, dắt theo một con nghé tơ. Tôi cho buộc nghé vào gốc cây khô, ngay chỗ có dấu chân cọp. Chẳng ai muốn ở lại rình cọp với tôi, họ bỏ về hết. Tôi cũng không kiếm được nơi nào núp kín đáo, nên đành leo lên một mỏm đá ngang sườn núi ngồi thù lù trên đó, chỗ tôi núp cách con nghé khoảng ba chục thước.
Ðêm sơn cước âm u lạ lùng. Sương đêm làm cho ngách núi nhuộm màu trắng đục, còn con nghé như lớn lên gấp đôi. Nó nằm chán lại đứng, giằng giật với sợi dây thừng. Tiếng “nghé… ngọ!” gọi mẹ của con vật nghe thảm thiết làm sao!
Chờ mãi chẳng thấy động tĩnh gì, tôi bắt đầu lim dim ngủ. Thường thường giống hổ hay kiếm mồi vào lúc trăng lên. Nó lững thững ra suối uống nước rồi mới đi săn. Ðằng này trăng mọc khá cao rồi mà tứ bề êm ả như không.
Chợt có tiếng sỏi lăn xào xạo trong ngách núi, rồi con nghé vùng dậy toan chạy… Tôi chăm chú nhìn vào bóng đêm. Phải tới một lát tôi mới nhận thấy con hổ: nó lừ lừ hiện ra ngay dưới mỏm đá tôi ngồi.
Trong một hai phút, con vật im như pho tượng. Tôi cũng nín thở không nhúc nhích: động đậy lúc này là rước họa vào mình; con hổ có thể bỏ mồi để chồm lên vồ tôi không chừng.
Nhưng bất ngờ nó vụt lấy đà chồm vào con nghé. Tôi chỉ nghe tiếng đụng mạnh của hai khối thịt va chạm, rồi tiếng nấc nghẹn ngào của con nghé tơ… Con hổ nằm đè trên lưng nghé, hàm nanh nhọn ngoạm sâu vào cổ con mồi, sườn bên phải quay về phía tôi. Tôi nhớ còn trông thấy rõ rệt lông trắng chạy dài dưới bụng nó.
Tôi ngắm rất kỹ rồi mới bắn… Màn sương như dãn ra dưới sức nổ. Nhưng con cọp không chết, cũng chẳng rên la gì hết, nó co giò phóng vọt vào ngách núi mất dạng!
Tôi tiếc ngẩn ngơ mất một lúc: chẳng lẽ tôi bắn dở tới mức đó sao!… Nhưng sự thật là vậy, lại đến mất một đêm trắng và phí mất một con nghé thôi!
Tuy vậy tôi còn hy vọng mỏng manh là con hổ ham mồi sẽ trở lại; giống hổ gan dạ lắm, chứ không nhát như báo.
Con nghé nằm sóng sượt, không nhúc nhích. Tôi nghĩ chừng không khéo tôi nổ súng trúng nó cũng nên.
Khoảng nửa giờ sau, con hổ lại hiện ra, yên lặng như một cái bóng. Nó phóng lại con mồi nhanh như chớp. Lần này nó không nằm mà chỉ cúi xuống ngoạm… Cả khối lưng nó quay về phía tôi: một cái đích rõ rệt như vậy, tôi không có quyền bắn hụt được!
Tôi bình tĩnh, thận trọng lẩy cò… Khói súng tỏa khét lẹt… Tôi chắc mẩm lần này thế nào con hổ cũng ngã vật ra đó. Vậy mà kỳ lạ quá: thay vì chết tốt, con cọp lại nhảy vọt vào một ngách ngang… Tôi nghe rõ tiếng cành lá sột soạt về phía đó.
Khó mà nói lên nỗi thất vọng của tôi: hai phát súng nổ rền, dân làng nghe rõ mồn một… Kết quả là vài lỗ thủng trên thân con nghé chết!… Rõ chán!
– Có thể hồi này mắt tôi kém tinh, hay trong lúc leo lên cao, tôi va nòng súng vào vách đá làm lệch đích ngắm đôi chút chăng!
Lúc này trời đã gần nửa đêm. Tôi không dám rời chỗ núp: biết đâu con cọp chả đang rình rập tôi trong bóng tối!… Tôi đành ngồi yên đó, thao thức chờ sáng, người run cầm cập vì khí lạnh của núi rừng.
Vừa thấy tôi về, dân làng xúm lại hỏi thăm. Tôi chỉ gượng cười, lắc đầu. Họ pha cho tôi một bát nước chè đặc thực nóng và đem cơm lam, thứ cơm nếp ngọt lịm, thổi trong ống nứa non cho tôi điểm tâm. Xong đâu đó, họ theo tôi tới chỗ núp đêm qua. Tôi trèo lên mỏm đá, thuật lại cho họ nghe chuyện xảy ra. Bỗng một người reo lên:
– Kìa có con cọp chết, kìa!
Tôi nhìn xuống, quả có một con cọp chúi đầu trong đám lá, chết cứng từ bao giờ!
Tiếng reo mừng chưa dứt, lại một người kêu lên:
– Ðằng kia có con nữa!… Hai con cả thảy!
Tôi tưởng mình hoa mắt, nhưng không, đúng con cọp nữa thực, cách con nghé chừng sáu mươi thước, trong một ngách ngang.
Thực là một tin mừng cho cả vùng.
Nhưng tôi muốn chắc dạ hơn, nên cẩn thận tới gần từng con một xem bàn chân chúng ra sao.
Bữa cọp vồ vợ chồng người đi kiếm măng, con vật có để lại trên mặt đất ẩm những vết chân rành rành nên tôi có dịp quan sát kỹ càng.
Những dấu chân này bè bè, rộng bề ngang. Lớp thịt mềm trong lòng chân có nhiều vết răn. Riêng chân trước, phía trái, có vết sẹo sâu, chạy dọc bàn chân. Còn mấy ngón chân vừa dài vừa nhọn, rất đặc biệt.
Ðó là loại chân của cọp già.
Dù con vật có đứng lẫn với cả trăm con khác, tôi cũng nhận ra dấu chân nó ngay.
Chỉ thoáng nhìn tôi cũng biết đôi cọp vừa bị hạ không phải là con hổ cái tôi đang tìm. Nhưng đám dân làng không tin như vậy. Họ yên trí tôi lẫn vì quá mệt mỏi.
– Chà!… Giống hổ thì vết chân nào chẳng vậy!… Ông chủ lẫn rồi!
Kể ra cũng chẳng đáng trách họ: đôi cọp tôi vừa hạ lại đúng một con cọp cái già, cặp kè với con cọp đực mới lớn, đúng như tôi vẫn nói xưa nay.
–oOo–
Nhưng chỉ hơn tuần sau, họ phải tin lời tôi: con cọp cái lại tác quái ở xóm trên, cách đó năm cây số. Nó vồ một lượt hai mẹ con người kiếm nấm trong rừng, rồi liên tiếp hai tiều phu đốn củi.
Tôi giận tưởng phát điên lên được.
Viên Tù trưởng kiếm cho tôi một con bê để làm mồi, và lựa hai trai tráng đi theo tôi. Tôi nghĩ thầm:
– Nó đang ham vồ nhóm đốn củi, ta giả làm tiều phu, chắc nhử được nó không chừng!
Tôi tìm tới khu rừng lim, cột con bê một chỗ, rồi cho hai người trai tráng vừa gõ búa vào thân cây vừa trò chuyện lớn tiếng, như nhóm tiều phu thường ngày vẫn làm.
Về phần tôi, tôi chọn mỏm đá khá cao, khoảng gần ba thước, bên một bụi gai, làm chỗ núp. Nói là núp, nhưng thực ra tôi trèo lên ngồi trên đó, coi chừng tứ phía. Tiếng búa gõ nhịp, tiếng trò chuyện vang cả cánh rừng. Hai gã trai làng cẩn thận leo lên tận ngọn cây, nhưng theo lời tôi, họ chẳng ngơi miệng ngơi tay lúc nào.
Chợt tôi có cảm tưởng như con hổ vừa hiện ra: khắp người tôi ớn lạnh một cách kỳ lạ, nhất là về phía sau gáy. Tôi quay phắt lại: đúng vào lúc đó, tôi bắt gặp đôi mắt vàng óng ánh của con cọp trong lùm cây cách tôi chừng mươi bước, đang chằm chặp chiếu vào gáy tôi!
Thực là kỳ dị!… Bàn tay tôi đã nổ súng hạ hàng trăm thú rừng, lúc này tự nhiên cứng ra, như mất hết tri giác. Tôi phải cố gắng lắm mới nâng được súng lên, nhưng con cọp đã biến mất!
Tôi biết con hổ chẳng bao giờ quay lại khi biết có người rình rập nó. Tôi đành bảo hai người trai làng tạm ngồi yên trên cây để tôi thử lùng trong ngách núi xem sao. Nhưng họ không chịu, nhất định đòi theo tôi. Chúng tôi cẩn thận đi trên lớp lá khô, cố gắng không gây tiếng động nào.
Càng vào sâu, ngách núi càng thu hẹp. Tới một chỗ dốc khoảng bốn thước, thẳng đứng như bức tường, tôi trao súng cho một người:
– Hai chú đợi tôi một lát, tôi xuống trước xem sao đã nhé. Không có gì lạ, tôi leo lên ngay mà!
Nhưng tôi vừa tụt xuống, cả hai đều nhảy theo, thở không ra hơi:
– Cọp, thầy ạ!… Nó vừa hà hơi như mèo kêu!
Tôi phì cười. Một gã dúi súng vào tay tôi, mặt tái mét:
– Không sai đâu, thầy ạ!… Nó tính vồ thầy đó, nhưng thầy nhảy xuống lẹ quá, nên nó buột miệng hà hơi đó!
Tôi không nghĩ rằng con cọp tinh quái tới độ tính đón đường tôi trong khoảng ngách núi hẹp nhất để vồ cho dễ, và cũng không nghe tiếng mèo kêu, nhưng càng nghĩ tôi càng thấy rợn người. Bắt đầu từ đó, tôi cẩn thận hơn, dè dặt từng bước một.
Ði được hơn trăm thước, tới một chỗ ngoẹo ngổn ngang những tảng đá, có khối lớn hàng ôm, dài cả chục thước. Tôi có cảm giác con hổ núp đâu đây, sau đống đá không chừng. Cảm giác đó mỗi lúc một rõ rệt thêm khiến tôi hồi hộp lạ lùng.
Tôi ra hiệu cho hai trai làng dừng lại để tôi tiến lên trước, súng lăm lăm trong tay.
Quả nhiên linh tính tôi không lầm: vừa ló đầu khỏi khối đá, tôi trông thấy ngay con hổ cái nằm đó, trừng trừng nhìn tôi.
Khoảng ngách núi phía sau đó toàn cát trắng với đá cuội, rộng chừng ba thước, nhưng khá dài, tới hơn chục thước. Con cọp nằm duỗi dài, hai chân sau co lại chân trước duỗi dài, đầu ngửng cao.
Tôi tưởng chừng chiếc miệng đỏ lòm, như đang nhếch mép cười của nó chỉ cách tôi khoảng bốn thước là nhiều. Dáng điệu con vật có vẻ hiền từ, như con chó nằm chờ chủ.
Thực không hiểu sao nó chưa vồ mồi. Giá như nó chồm tới chắc tôi chẳng tài nào nổ súng kịp. Nhưng nó chỉ nằm đó, nhìn tôi với vẻ thỏa mãn lạ lùng.
Về phần tôi, chân tay như nặng ra, nhưng tôi vẫn tỉnh táo và hiểu mình phải làm gì rồi. Tôi không nâng súng lên, cũng không ngắm – tôi vẫn chằm chặp nhìn vào mắt nó, có thể nhờ vậy mà con vật chưa vồ tôi ngay chăng!… Ngón tay trỏ tôi nổ súng lúc nào thực ra tôi cũng không hay nữa… Tiếng nổ được vách đá dội lại, vang lên một cách khủng khiếp. Giá không nghe tiếng súng, không ngửi được mùi thuốc khét lẹt, chắc tôi tưởng mình đương trong cơn ác mộng chắc!
Trong khoảng một phần giây đồng hồ, con hổ vẫn nằm im, mắt mở to, miệng há hốc. Nhưng đầu nó, cái đầu tuyệt đẹp, với vằn chữ vương đen mịn như nhung, từ từ gục xuống hai chân trước, rồi máu tuôn ra như xối phía trước ngực, ngấm vào lớp cát trắng, làm thành một vết loang, nâu sẫm.
Tôi đoán chừng viên đạn làm gãy đốt xương sống ở cổ rồi xuyên vào tim nó cũng nên!
–oOo–
Chẳng cần phải nhìn tới vết chân tôi cũng đoán được là mình vừa hạ xong con hổ ăn thịt người mà tôi vẫn tìm xưa nay.
Sau này, khi lột da nó, tôi thấy rõ những móng vuốt cái đã cùn, cái long lay, còn răng nanh cũng gãy gần hết, mấy răng cửa mòn sát lợi cả rồi. Chính vì vậy nên nó mới làm nhiều người bị thương, không chết ngay.
Thực may mắn cho tôi: giá tôi gặp phải con hổ thường chắc chắn con vật thấy bị dồn trong kẹt núi, thế nào cũng chồm ra để thoát thân. Như vậy tôi không chết cũng thành tật. Ðằng này con cọp già đã từng ăn thịt nhiều người, nên coi tôi cũng như một thứ mồi quen, chẳng có gì đáng ngại.
Nó còn ngắm tôi như con mèo vờn chuột trước khi ăn, vậy thôi. Chính giây phút thoải mái đó làm nó chết.
–oOo–
Tôi không về được ngay. Cả vùng nghe tin con cọp ăn thịt người đã bị hạ mở hội liên tiếp cả tuần để ăn mừng. Họ đem tặng tôi đủ thứ, từ ngà voi, mật gấu, đến dạ dày nhím để chữa bệnh và khó khăn lắm mới để cho tôi đi.
Từ ngày đó, không ai bị cọp làm hại nữa, và tài bắn cọp của tôi trở thành một huyền thoại trong đám đồng bào sơn cước.
NMT phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970
Trần Vũ đánh máy lại tháng 1-2023