Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972 

15 tháng 2-1971, đúng một tuần sau khi vượt biên giới, các đơn vị VNCH bắt đầu hứng pháo. Tuy chưa dồn dập nhưng xác nhận pháo binh Bắc-Việt đã vào vị trí và bắt đầu điều chỉnh yếu tố tác xạ. Qua hồi ký của Đại Úy Hy người đọc nhìn thấy việc thay thế các cơ phận hỏng của đại bác 155 ly là cả một thủ tục hành chánh. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, trách nhiệm Lam Sơn 719, cũng phạm phải sai lầm là đã sử dụng Sư đoàn Dù cho việc thiết lập các căn cứ rồi đóng quân bảo vệ, thay vì đánh chiếm Tchépone, là mục tiêu chính. Liên quân Anh, Pháp, Mỹ và Lục quân Đức không khi nào dùng Nhảy dù để giữ pháo vì binh chủng này được cấu tạo cho những cuộc tấn công chớp nhoáng. Các Raids của quân đội Pháp tái chiếm Lạng Sơn, Phú Thọ, Phủ Đoan, Đoan Hùng đều thần tốc với quân Dù rồi rút về tức khắc. Hồi ký của Đại Úy Hy cho thấy tiến quân rất chậm và các cấp chỉ huy, ngay ngoài mặt trận vẫn nhiều nghi thức. [Trần Vũ]

Trung tướng Dư Quốc Đống tại Hạ Lào, 2-1971   

—oOo—

Trương Duy Hy

NHỮNG LỜI NGỢI KHEN

CỦA THƯỢNG CẤP VIẾNG PHÁO ĐỘI

Trung tướng Dư Quốc Đống tại Hạ Lào, 2-1971

Ngày 15-2-71, cũng như thường lệ, từ 7g00 chúng tôi đã bắt đầu khai hỏa. Hết yểm trợ cho căn cứ Hỏa Lực 31 lại tác xạ cho Tiểu Đoàn 2 Dù.

10g30, Trung Tá Vũ-Đình-Chung Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn 1, Thiếu Tá Nguyễn-Văn-Tự Tiểu Đoàn Trưởng của tôi, Thiếu Tá Hằng Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 64 Pháo Binh cùng Đại Úy Hoàng đến căn cứ Hỏa Lực 30 thăm chúng tôi.

Rước từ bãi đáp, hướng dẫn quý vị vào Đài Tác Xạ thuyết trình.

Trung Tá Chỉ Huy Trưởng không muốn tôi trình bày dông dài, do đó tôi được phép trả lời câu hỏi của Trung Tá về sức khỏe của binh sĩ, tinh thần chiến đấu, tình trạng đại bác, đạn dược và về vấn đề ẩm thực của Pháo Đội. Cuối cùng tôi trình bày khả năng hữu hiệu của Pháo Binh 155 ly đối với các đơn vị bạn, lòng cảm mến sâu xa của các Tiền Sát Viên Dù và thành tích đã thu hoạch được từ lúc đặt chân lên đất Lào đến bây giờ.

Trung Tá Chung tỏ vẻ hài lòng lắm. Bỗng có một Sĩ quan của BCH Tiểu Đoàn 2 Dù chạy vào Đài Tác Xạ yêu cầu tôi ra trình diện Trung Tướng Dư-Quốc-Đống tại BCH/TĐ 2 Dù.

Tôi xin lỗi quý vị có mặt tại Đài Tác Xạ chạy vội về BCH/TĐ 2 Dù. Nhưng Trung Tướng cùng Thiếu Tá tùy viên và Trung Tá Thạch đã bước qua vị trí Pháo Đội tôi rồi. Tôi đứng nghiêm chào. Không đợi tôi trình diện hết câu, Trung Tướng Đống đưa tay bắt tay tôi. Nhìn thẳng vào mặt tôi, Trung Tướng bảo:

– Tôi rất hài lòng về việc làm của anh. Anh yểm trợ rất tốt. Anh em đã thu nhiều kết quả. Tôi khen anh và Pháo Đội anh. Anh chuyển lời đến các binh sĩ… Hãy cố gắng mãi như thế này thì sớm về…

– Cám ơn Trung Tướng, Pháo Đội tôi xin thi hành.

Có lẽ lúc bấy giờ ở Đài Tác Xạ quá chật chội, quý vị chỉ huy của tôi di chuyển ra ngoài — đúng vào lúc Trung Tướng đang nói chuyện với tôi. Tôi trịnh trọng giới thiệu Trung Tướng về việc thăm viếng của Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân đoàn 1 (CHT/PB/QĐ1), Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT)… Trung Tướng lần lượt bắt tay từng người… Một lần nữa, Trung Tướng vỗ vai tôi, vừa cười vừa nói với Trung Tá Chung:

– Ông ơi, anh này làm việc giỏi lắm đó, tôi thành thật khen ngợi anh ta.

– Dạ, cám ơn Trung Tướng. Trung Tá Chung đã đỡ lời cám ơn ấy trước mặt mọi người. Bỗng tôi cảm thấy hãnh diện trong niềm hãnh diện chung của toàn thể PĐC/44 PB chúng tôi. Tôi liếc nhìn Thiếu Tá TĐT, bắt gặp ông ta đang gật đầu cười mỉm chi! Chắc hẳn Thiếu Tá tôi cũng vui niềm vui ấy.

Trung tướng Dư Quốc Đống, khóa 5 Võ Bị, Tư lệnh sư đoàn Dù, hình chụp 1967.

Thế rồi Trung Tướng cùng mọi người tiến ra bãi đáp trực thăng. Trong lúc chờ đợi, Trung Tướng, Trung Tá CHT/PB/QĐ1, Thiếu Tá TĐT tôi đàm đạo một số vấn đề quanh việc yểm trợ pháo binh cho các đơn vị Dù, thành quả đã gặt hái được.

Sau khi Trung Tướng rời khỏi bãi đáp bằng trực thăng riêng, tôi hướng dẫn Trung Tá CHT/PB/QĐ1 quan sát phía Bắc bãi đáp trực thăng. Ý Trung Tá muốn chuyển đến căn cứ này thêm một Pháo Đội 105 ly của Tiểu Đoàn 64 PB hầu đáp ứng nhu cầu yểm trợ kịp thời cho Tiểu Đoàn 39 và Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân. Trung Tá cũng muốn thiết lập một I.O.D (Integrated Observation Device) giao cho Pháo Đội C chúng tôi phụ trách. Tôi trình bày rằng: chúng tôi có thể đảm nhận vì Thiếu Úy Thiện xử dụng được, nếu có thêm một số vật liệu để thiết lập đài quan sát cao và bảo đảm.

Trong thâm tâm, tôi nghe Trung Tá nói đến hệ thống quan sát I.O.D, tôi quá mừng! Vì với hệ thống quan sát tân kỳ này, chúng tôi có được một cặp mắt thần nhìn rõ mọi vật chung quanh cách xa chúng tôi hàng chục cây số ngàn. Hơn thế nữa, đây là loại máy quý giá mà người Hoa Kỳ chưa giao cho bất cứ một đơn vị nào của chúng ta xử dụng…

Chờ đến 12g00 trực thăng vẫn chưa trở lại đón Trung Tá, tôi mời quý vị vào dùng cơm trưa tại hầm riêng của tôi. Thiếu Tá Hằng và Đại Úy Hoàng đi qua Pháo Đội C3 Dù dùng cơm với Trung Úy Trí, người anh em bà con của Thiếu Tá.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Trong lúc dùng cơm, Trung Tá và Thiếu Tá đàm đạo với tôi nhiều vấn đề cần thiết.

Trung Tá bảo:

– Trường hợp Biệt Động Quân bị chạm nặng, anh nên cố gắng giúp đỡ cho nó, dù sao nó cũng là người nhà.

– Thưa Trung Tá, lúc nào tôi cũng sẵn sàng tác xạ, muốn tác xạ ngay để giúp đỡ cho anh em. Song ngặt một điều là tôi ở trong trường hợp tăng phái cho Dù, vì thế nhất cử nhất động phải tùy thuộc Dù… Như hôm qua, Biệt Động Quân (BĐQ) xin tác xạ, tôi hỏi lại Bạch Phú và biết được ý của Bạch Phú không bằng lòng.

– Nhưng anh có tác xạ mà?

– Vâng, thì nói quá Bạch Phú cũng thuận. Song sau khi tác xạ chấm dứt (Bạch Phú có theo dõi và ngay cả PĐC3 Dù sát tôi cũng lưu ý không kém) bắt buộc tôi phải quay trả lại hướng súng tác xạ cũ… Vì vậy, tôi xin Trung Tá can thiệp cách nào để tôi có thể dùng riêng 2 khẩu đặt theo hướng BĐQ, có lẽ như vậy thuận tiện hơn cả.

Im lặng một tí, Trung Tá bảo:

– Thôi được, để tôi cho một sĩ quan liên lạc đến đây với anh và tôi sẽ dàn xếp. Theo ý anh, nếu có một pháo đội 105 ly lên vị trí này có trở ngại gì không?

– Thưa Trung Tá, trở ngại thì không, song địa thế quá hẹp, mặt bãi đáp trực thăng khi nãy Trung Tá quan sát đấy, được xem là ngoài vòng đai an ninh, nếu có một Pháo đội nữa, tất phải có quân bảo vệ bên ngoài, không biết BĐQ có người không?

Trung Tá gật đầu suy nghĩ. Không hiểu lúc đó Trung Tá đang chọn một giải pháp nào thích nghi.

Thiếu Tá Tự, Tiểu Đoàn Trưởng tôi tiếp lời:

– Phần anh, ngay bây giờ anh chuẩn bị sẵn sàng Pháo Đội để có thể tách đôi, mỗi Trung đội 3 khẩu… Có lẽ 2, 3 hôm nữa phải di chuyển một nửa đến căn cứ mới (tức Căn cứ 32, phía Tây Bắc căn cứ Hỏa lực 31).

Tôi liếc mắt nhìn Lân và đáp ngay:

– Thưa Thiếu Tá, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng từ lúc ở Cam Lộ. Nay tách đôi cũng không có gì trở ngại, lúng túng – Xin Thiếu Tá cứ yên trí. Lúc nào có chỉ thị của Thiếu Tá, chúng tôi thi hành ngay.

Nhân dịp này, tôi có thuật lại cho Thiếu Tá hiểu nỗi khổ sở, vất vả của Pháo Đội liên tiếp trong những ngày vừa chiếm đóng xong vị trí, vừa tác xạ, vừa nhận lãnh đạn dược do Chinook mang đến và vụ bị la rầy vì mấy dây câu súng triệt thoái không kịp… như là một thanh minh thành thật, để có dịp Thiếu Tá trình bày cho Trung Tá Huỳnh Long Phi ở Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn Dù… Dĩ nhiên tôi cởi bỏ được một ấm ách trong lòng trước mặt vị Chỉ Huy trực tiếp tôi, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tôi nêu lên một kinh nghiệm thực tiễn cho những lần trực thăng vận kế tiếp.


Trung tá Huỳnh Long Phi tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị.

18/06/54 – Mãn Khóa Nhảy Dù tại B.A.P.S. (Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù tại Bà Quẹo).

-Thuyên chuyển về Đệ Tam Đại Đội Súng Cối/Nhảy Dù tại Trường Bưởi (Hà Nội).

30/08/54 – Toàn bộ Đại Đội Súng Cối/Nhảy Dù được Hải Quân Pháp hải vận vào Nam trú đóng tại Đồng Đế (Nha Trang).

1956  Đại Đội Trưởng Đại Đội Súng Cối Nhẩy Dù.

1958  Tu nghiệp Hoa Kỳ khóa BOC-Survey tại Fort Sill.

12/1965 Thành lập Tiểu Đoàn Pháo Binh Nhẩy Dù và giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng.

6/1968 Chỉ Huy Trưởng Pháo binh Sư Đoàn Nhẩy Dù.

4/1971  Tham dự khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Ft Leavenworth Kansas City Hoa Kỳ.

14/7/1972 Tử nạn trực thăng tại Mặt trận Hải Lăng và Quảng Trị. Truy thăng Đại tá.


Thiếu Tá Tự tiếp:

– Còn một việc nữa, tin anh biết, theo tin tức khí tượng từ 17 đến 22-2-71 trời rất xấu, sẽ không có trực thăng tiếp tế đâu. Anh hãy cho binh sĩ tồn trữ nước mà dùng. Nghe anh kêu nước quá đâm xót ruột cả BCH/TĐ.

– Thưa Thiếu Tá, như Thiếu Tá thấy đó, nước đối với chúng tôi còn cần hơn là thực phẩm. Chắc Thiếu Tá và Đại Úy Thông…

Ông vội ngắt lời:

– Ông Thông nay đã mang lon Thiếu Tá rồi.

– Ô hay, sao ông không gởi bia rửa lon cho bọn tôi với, Thiếu Tá?

Rồi tôi tiếp:

– Chắc Thiếu Tá và Thiếu Tá Thông cùng các sĩ quan không khỏi cười về cái công điện ngớ ngẩn xin nước của chúng tôi, thưa Thiếu Tá?

Thiếu Tá Tự ngừng nhai, vừa cười vừa đáp:

– Ông Thông đọc trước rồi trình tôi. Ông cười anh khéo khôi hài đến thế là cùng! Sự thật, dù cho anh không làm công điện xin nước, tôi và Thiếu Tá Thông, Đại Úy Diệm cũng lo ngay cho anh. Nhìn lên bản đồ, với cao độ 727 thước mà đồi trọc, tôi đã đoán biết các anh cần nước lắm.

Bỗng Trung Tá Chung quay lại vấn đề vừa xảy ra:

– Anh Hy, tôi mừng cho anh đó. Nói thật với các anh, Tướng Đống ít khen sĩ quan lắm. Vậy mà với anh, Trung Tướng đã khen như thế thì thật là vinh dự cho anh.

– Cám ơn Trung Tá, đối với tôi, tôi không bao giờ chểnh mảng nhiệm vụ, tôi hy vọng sẽ giữ được cảm tình lâu bền với đơn vị Dù ở đây…

Ăn cơm xong, khoảng nửa giờ sau trực thăng đến, tôi tiễn Trung Tá và quý vị ra bãi đáp sau khi chụp vài tấm hình kỷ niệm.

Xem thêm:   Trên lưng trời

NHỮNG QUẢ ĐẠN PHÁO KÍCH ĐẦU TIÊN CỦA ĐỊCH

Bấy giờ gần như là thói quen, cứ khoảng 14g00 hoặc 15g00 thế nào Chinook cũng ùn ùn tiếp tế đạn cho Pháo Đội.

Đồng thời 6 khẩu đại bác 155 ly bắt đầu “đòi” quân cụ! Hết hỏng cơ phận này lại hỏng cơ phận khác, mặc dù chúng tôi đã bảo trì tối đa. Kể ra nó hỏng cũng phải, vì chúng tôi tác xạ quá nhiều. Hai ngày sau này, chúng tôi xử dụng toàn nạp 7! Hầu hết các cần bịt nòng tân trang đều bị rộng lỗ dẫn hỏa, kim hỏa bị gãy.

Lúc ra đi, tôi cẩn thận mang theo dự phòng 2 cần bịt nòng mới và 3 khối kích hỏa ngoài bản cấp số do tôi xin được của đơn vị Pháo Binh Hoa Kỳ đóng ở đồi 65 Đại Lộc để dự trữ thay thế. Nhưng không kịp mà thay. Tôi khẩn cấp đánh điện về BCH/TĐ xin can thiệp toán chuyên viên đến giám định để thay thế cho khẩu 5, khẩu 2 là hai khẩu bị chảy dầu hệ đàn hồi và thay thế 3 cần bịt nòng, 3 khối kích hỏa cùng vài kim hỏa… trong chuyến tiếp tế gần nhất.

Kế đó, tôi được BCH/TĐ trả lời:

– Phải tập trung cơ phận hư gởi về trước để làm phiếu một đổi một rồi sẽ gởi cơ phận mới lên. Còn nhân viên giám định sẽ có một phi vụ trực thăng đặc biệt đưa đến vào ngày mai.

Tôi bực mình và nghĩ rằng: chúng tôi đang quần quật suốt ngày lo tác xạ yểm trợ các cánh quân không kịp thở, tuy súng không còn bắn được với nạp 7 chớ dùng tạm cũng có thể xử dụng với nạp 5 trở lại. Nếu tháo ra gởi về trước để đổi thì tỷ số đại bác bất khiển dụng quá cao, không đủ súng yểm trợ… tai đâu mà nghe các đơn vị bạn trách móc!

Tôi trả lời ngay:

– Yêu cầu BCH/TĐ xin Bộ Tư Lệnh hành quân can thiệp cho tôi được nhận cơ phận mới trước, rồi sẽ trả cơ phận cũ để cố gắng và có thể tác xạ được chừng nào hay chừng ấy, chứ không thể gởi cơ phận cũ về trước.

Phát cáu và không thiết gì nữa, tôi rời Đài Tác Xạ, tiến ra bãi đáp xem anh em làm việc… bỗng… vèo… vèo… hai quả đạn 105 ly bay từ hướng Bắc xuống hướng Nam, nổ cách chân vị trí chúng tôi khoảng 100 thước!

– Việt cộng pháo kích… Việt cộng pháo kích… — Tiếng la của một binh sĩ ở bãi đáp vọng vào.

Tôi vội tụt xuống một hầm tròn bên cạnh quan sát.

Đó là những quả pháo kích đầu tiên của Việt cộng bắn vào căn cứ Hỏa Lực 30 — Lúc ấy đúng 16g10. Sau 8 ngày chiếm đóng, căn cứ 30 hoàn toàn yên tĩnh, giờ đây, Việt cộng mới bắt đầu điều chỉnh tác xạ vào căn cứ tôi.

Tuy nhiên, đạn pháo kích của Việt cộng còn rời rạc, quả dài, quả ngắn, không quả nào trúng vị trí. Sau 6 quả công kích, bỗng dưng chúng im bặt.

Pháo thủ lại tiếp tục chuyển đạn vào hầm chính, hầm khẩu…

Đồng thời, tôi và Trung Úy Trí liên lạc với cánh Biệt Động Quân hướng Bắc căn cứ để xét một tọa độ phản pháo. Xong cả hai pháo đội chúng tôi tập trung hỏa lực tác xạ vào mục tiêu có đến 15 phút.

Trong lúc phản pháo, một trực thăng bị nạn, cố gắng lao đến bãi đáp… Thật may, nếu đáp sớm một, hai giây, trực thăng sẽ rơi vào hầm đạn — và nếu trực thăng bốc cháy, hậu quả sẽ kinh khủng không lường nổi.

Bốn nhân viên phi hành Hoa Kỳ vội vàng nhảy xuống, chạy tản mát trên bãi đáp. Sau đó, một trực thăng từ Khe Sanh đến đưa phi hành đoàn rời căn cứ. Xác trực thăng vẫn để tại chỗ.

Ngày 16-2-71, Cộng quân bắt đầu dùng chiến xa tấn công các đại đội bảo vệ căn cứ Hỏa Lực 31. Được điện văn xin tác xạ khẩn cấp của Sĩ quan liên lạc 330, chúng tôi hướng tất cả 4 đại bác vào mục tiêu (2 khẩu còn lại hoàn toàn bị tê liệt, phải chờ thay thế cơ phận mới xử dụng được).

Thế rồi hàng trăm quả đạn liên tục rơi vào một vùng rộng khoảng 600 thước mỗi cạnh ô vuông…

Tiếng nói của Sĩ quan Tiền Sát Viên 331, 332 báo cáo rõ ràng từng chi tiết di chuyển của chiến xa địch để xin chuyển xạ oang oang trong máy.

Kết quả, địch phải rút lui, bỏ lại chiến trường hàng trăm xác với đủ loại súng, trong đó có 1 thiết giáp, 2 molotova cháy tại chỗ.

Thanh toán mục tiêu này xong, 330 yêu cầu chúng tôi tiếp tục tác xạ vào mục tiêu mới theo lời xin của Tiền Sát Viên 331.

Sau 4 quả đạn đầu, một tiếng nổ dữ dội từ mục tiêu vọng lại. Một cột khói đen cao vút bốc lên, tiếp theo là hàng tràng tiếng nổ nối tiếp… Tiền Sát Viên 331 báo cáo ngay:

– Các bạn bắn trúng kho đạn Việt cộng rồi! Trúng rồi!

– …Tiếp tục cho 10 tràng nữa rồi chấm dứt.

Chúng tôi hân hoan không tả xiết. Nhìn lên xạ bảng, khoảng cách kho đạn của địch đến căn cứ Hỏa Lực 31 không quá 3 cây số và đến căn cứ Hỏa Lực 30 của chúng tôi không quá 9 cây số!

Tiếng nổ vọng lại từ mục tiêu bắt đầu lúc 8g30 đến 13g00 mới dứt. Thỉnh thoảng, những cột khói đen phụt lên cao, đứng xa hàng chục cây số vẫn thấy rõ bằng mắt trần.

Có điều đặc biệt suốt ngày nay chúng lại không pháo kích vào vị trí chúng tôi.

Xem thêm:   Hang gấu

Tối đến, tôi qua Đài Tác Xạ PĐC3 Dù mừng Trí vinh thăng Đại Úy. Đại Úy Trí mời tôi nhậu rượu trắng và ít đồ nhấm do hậu cứ của Trí ở Khe Sanh vừa gởi lên.

Qua ngày 17-2-71, tôi lại được tin từ BCH/TĐ chỉ thị cho tôi vẫn phải chuẩn bị tách đôi Pháo Đội và có thể ngày 18-2 hoặc 19-2-71 thi hành.

Tôi và Lân bàn định công việc tại hầm ngủ. Hai chúng tôi không muốn rời nhau tí nào. Lân mến và kính trọng tôi lắm. Tôi biết điều đó nên tôi thương Lân như người em cùng một núm ruột. Lân lo ngại sức khỏe không quá ’40 ký’ của tôi với bệnh ghẻ đang kỳ bột phát. Lân tình nguyện xin tôi – nếu tách đôi Pháo Đội để di chuyển đến vị trí mới – Lân sẽ lãnh trách nhiệm đưa 3 khẩu đi. Lân chọn các khẩu  1, 5, 3 do TS Nhơn, TS Ngân, TS Quá làm Khẩu trưởng. Phần sĩ quan, Lân xin Thiếu Úy Thiện và Thường Vụ TSI Lục.

Suốt ngày, tôi và Lân bỗng dưng ít nói, trong óc mỗi đứa dường như theo đuổi và suy tư về một biến cố sắp xảy ra…

Tôi gọi Thiện vào nói ý định đó. Thiện vui vẻ và không có ý kiến.

Đối với Thiện, tôi cũng có rất nhiều tình cảm. Trước kia tôi nghe Thiện ương ngạnh, hay cãi lý. Vậy mà từ khi tôi nhận chức Pháo Đội Trưởng của Pháo Đội C đến nay, đã 5 tháng qua, tôi nhận xét Thiện xứng đáng là một Sĩ quan gương mẫu, tinh thần phục vụ rất cao, chưa bao giờ Thiện nề hà hay cãi lại tôi bất cứ một công tác nào tôi giao phó cho Thiện — Và chưa bao giờ kết quả của Thiện làm bị trì trễ. Thiện lại thích khoa học, hay tằn mằn sửa những vật liệu về điện, máy móc như radio, xe hơi… Nên lúc còn ở đồi 37 Đại Lộc, Thiện ít khi rỗi rảnh, hết sửa máy này đến sửa máy khác cho anh em binh sĩ, cho Pháo Đội. Được dịp may hiếm có, anh em lại thường đi xin mấy chiếc radio hư của lính Mỹ mang về nhờ Thiện sửa hộ. Những lúc ấy Thiện rất vui vẻ, trên mặt như hiện rõ niềm hân hoan giúp được cho lính một công việc…

Với tính tình ấy, Thiện đã hợp với tôi khá nhiều quan điểm. Tôi xem Thiện là một người em đáng mến nhất trong Pháo Đội.

Khoảng 8g00 hôm sau, Việt cộng bắt đầu pháo kích lại, cũng bằng loại đạn pháo binh 105 ly. Chúng lồng khung căn cứ Hỏa Lực 30 với một số đạn quả dài quả ngắn. Có quả rơi gần và lọt hẳn vào phía trong rào hướng Nam hướng Bắc. Mảnh văng tung tóe vào khẩu 5 của TS Ngân, khẩu của TS Thìn. Nhưng may mắn, anh em chúng tôi đều vô sự.

Lập tức 4 khẩu phản pháo ngay. Trong chốc lát chúng im pháo kích. Pháo đội lại tiếp tục tác xạ yểm trợ cho các Tiền Sát Viên quanh vùng.

Khoảng 11g00 trưa, sau khi toán Quân Cụ giám định súng và thuận cho Pháo Đội tôi triệt thoái khẩu 5, khẩu 2 về Đông Hà thay hệ đàn hồi, thì 12g00, thêm một toán Quân Cụ khác mang đến 5 cần bịt nòng và 5 khối kích hỏa mới cùng một vài kim châm hỏa, thay thế cho những cơ phận bị hỏng.

Nhân tiện tôi có viết một lá thư tỏ lòng biết ơn Trung Tá Tiềm, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Quân Cụ trong việc giúp đỡ Pháo Đội tu bổ và thay thế những hư hỏng đại bác. Tôi cũng đề cập đến kết quả thu đoạt được từ ngày đầu hành quân cho đến hôm nay — với mục đích chứng minh cho Trung Tá thấy hiệu quả tác xạ, đương nhiên tùy thuộc vào đại bác xấu hay tốt…

…Theo kế hoạch của Trung Tá Chung, tôi tiếp nhận Trung Úy Kim, Sĩ quan liên lạc của Biệt Động Quân. Kim thuộc Tiểu Đoàn 64 PB, trước kia là học trò lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ của tôi tại Hội An.

Kim đến với tôi không ngoài mục đích xin tác xạ tăng cường cho 64 PB yểm trợ hai Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đang hoạt động phía Bắc. Đi theo Kim, có hai “đệ tử” mang máy và thức ăn.

15g00 Chinook mang đạn tiếp tế cho căn cứ. Tôi phải đích thân ra chỉ huy và cùng anh em khẩn cấp dọn sạch sẽ bãi đáp tức khắc. Vì sợ Việt cộng pháo kích lại, nhở có quả nào rơi vào bãi đáp, chắc chắn sẽ không tài nào tránh được nguy hiểm.

Cũng trong cuộc tái tiếp tế này, Lân nhận thêm đồ ăn của vợ từ Đà Nẵng gởi đến. Cả một thùng lớn, cơ hồ có thể nuôi 5 sĩ quan chúng tôi trong một tuần lễ.

Móc hậu nước mới gởi đến, tôi ra lệnh tất cả các khẩu đội phải tiết kiệm tối đa, dự trù cho mỗi binh sĩ 3 ống. Khẩu đội chỉ xử dụng 2 ống dùng để thông nòng đại bác và rửa buồng đạn.

Trên mặt mọi người đều tỏ vẻ bất bình cách tiết giảm nước như thế. Nhưng tôi cương quyết, bắt buộc phải thi hành. Vì trong vài ngày nữa, số nước dự trữ mới hy vọng đủ cung ứng cho công tác và ẩm thực nếu việc tiếp tế bị đình chỉ như đã dự liệu.

Từ đây, trời bắt đầu không còn trăng về đêm. Việc canh gác của Tiểu Đoàn 2 Dù và Pháo Đội được tăng cường tối đa… (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: KỶ LUẬT CỦA TIỂU ĐOÀN 2 DÙ

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2018 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980.  

(**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.