Qua Tiến đánh Sầm Nứa của Vu Hóa Thầm, dân Việt phát hiện: Đảng Lao động VN phải phúc trình tất cả lên Bắc Kinh và đợi “tán thành”. Phải thi hành nghĩa vụ quốc tế “giải phóng” Lào cho khối Cộng sản.
Phải thực thi “đấu tố” theo công thức Mao và chính sách Cải cách ruộng đất là mệnh lệnh của Stalin. Từ 1951 Việt Minh tấn công cấp quân đoàn với tối thiểu 3 sư đoàn trong lúc phía Pháp, tiểu đoàn vẫn còn là đơn vị hành quân căn bản. Là những chi tiết chính trong chương này.

Viện Sử học Hà Nội không đặt câu hỏi vì sao Hồ Chí Minh đã không viễn kiến nhìn thấy tiến trình giải thực đã bắt đầu và không thể đảo hồi? Vì sao không chấp nhận tự trị trong Liên hiệp Pháp với hai miền Trung-Bắc để tránh chiến tranh? Anh, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Hoa Kỳ lần lượt trao trả độc lập cho Ấn, Phi, Pakistan, Srilanka, Nam Dương, Tân Tây Lan, Úc, Bhoutan, Liban, Jordanie, Miến Điện, Irak, Cao Ly trước 1950. Du nhập chủ nghĩa Mác-Lê, trở thành chư hầu của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa và đẩy cả một dân tộc vào chiến tranh với hậu quả nội chiến thảm khốc, là một chọn lựa sai lầm. Sau hai năm thương thuyết, qua Thỏa ước Hạ Long rồi Hiệp định Élysée, Bảo Đại đạt được những gì Hồ Chí Minh thất bại sau 9 năm máu xương. Điện Biên Phủ chỉ đem đến cho Hồ Chí Minh một nửa đất nước. Ngày 8 tháng 3-1949 tổng thống Pháp Vincent Auriol chính thức tuyên bố quốc gia Việt Nam độc lập thống nhất 3 kỳ trong Liên hiệp Pháp. Còn trong Liên hiệp Pháp và ngay cả khi Bộ Ngoại giao chỉ mới là những văn phòng đại diện tại ngoại quốc chưa có tòa đại sứ, chưa có Bộ Tài chánh mà còn là Ty Ngân khố, chưa thể có Bộ Quốc phòng, đã là một bước ngoặc: Hòa ước Bảo Hộ Patenôtre Giáp Thân 1884 chấm dứt hiệu lực. Pháp bắt đầu chuyển giao nhân sự hành chánh và đến 1951, Bảo Đại đạt được với tướng de Lattre việc hình thành quân đội quốc gia với cấp số khởi thủy 4 sư đoàn bộ binh, 1 liên đoàn nhảy dù, 1 trung đoàn pháo binh, 1 liên đoàn thám thính xa cùng các trường võ bị Nam Định, Thủ Đức, Đà Lạt. Thành công khác: Hoa Kỳ chuyển giao trực tiếp vũ khí cho quân đội VN không qua Phòng Quân nhu Pháp. Chậm rãi và từng bước, nền độc lập thật sự của quốc gia dần hiện thực. Kể từ đây sự ra đi của quân viễn chinh chỉ còn là thời gian.

Cũng kể từ lúc này, trên lý thuyết Hồ Chí Minh không còn lý do nào tiếp tục chiến tranh khi tất cả yêu sách của Mặt trận Việt Minh, Bảo Đại đều đạt được. Trong thực tế, chiến tranh là phương tiện duy nhất giúp Hồ Chí Minh lên cầm quyền, tóm thâu quyền lực và ngồi vào chiếc ngai trị vì đất Việt của nhà Nguyễn. Là lý do ẩn phía sau cuộc kháng chiến thần thánh.

 [Trần Vũ]

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Tiến đánh Sầm Nứa

Ngày 3/2/1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Vốn định đánh Nà Sản trước mùa mưa, vì chuẩn bị chưa kịp, quyết định đánh sau mùa mưa. Tranh thủ tổ chức chiến dịch Sầm Nứa trong tháng 4, đánh lấy vùng thượng Lào”. Ngày 9, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc điện trả lời tán thành.

Ngày 2/3 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện cho La Quý Ba và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, sau khi nêu lên ý kiến cần làm tốt hơn công tác chuẩn bị chiến dịch Thượng Lào, nói: “Đồng chí Vi Quốc Thanh sắp lên đường sang Việt Nam giúp các đồng chí tổ chức chiến dịch Sầm Nứa, ngày 14/3 có thể đến Bằng Tường”.

Ngày 5/3, Vi Quốc Thanh vâng lệnh từ Bắc Kinh lên đường sang Việt Nam. Cùng đi còn có Hồ Chí Minh, đồng chí muốn về nước sau khi chữa bệnh nghỉ ngơi ở Bắc Kinh. Hai người cùng ngồi trong một toa xe công vụ của đoàn tàu từ Bắc Kinh đi Nam Ninh. Hồ Chí Minh rất nhiệt tình hiền hoà với mọi người, coi Vi Quốc Thanh như người bạn tri ân chuyện gì cũng có thể nói với nhau. Trên đường, Hồ Chí Minh nói đến tình hình hiện tại, nói đến chặng đường đã qua, cũng nói đến tình hình đồng chí gặp Stalin ở Moscow. Hồ Chí Minh nói với Vi Quốc Thanh: “Năm nay chúng tôi sẽ triển khai Cải cách ruộng đất quy mô lớn ở căn cứ địa Việt-Bắc, bởi vì ‘‘Người’’ đã nói rồi ”. Khi nói tới chữ ‘‘Người’’ đồng chí cố ý kéo dài âm điệu đồng thời đặt hai ngón tay lên miệng thành hình chữ “Bát”. Vi Quốc Thanh hiểu ngay đó là Stalin.

Hồ Chí Minh nói: Khi gặp nhau ở Moscow ông ấy hỏi tôi: “Đồng chí muốn làm lãnh tụ của công nhân nông dân, hay là muốn làm lãnh tụ của địa chủ, nhà tư bản?” Tôi nói: “Tất nhiên tôi làm lãnh tụ của công nhân nông dân”. Ông ấy nói: “Đồng chí muốn làm lãnh tụ của công nhân nông dân thì phải mang lại ruộng đất cho họ, mang lại lợi ích thực tế cho họ”. Ông ấy còn lấy ví dụ nói với tôi: “Ví như một chiếc đòn gánh, một đầu là công nhân, nông dân, một đầu là địa chủ nhà tư bản, đồng chí phải đứng ở một đầu, không thể đứng ở giữa, đứng ở giữa không thể được”. Hồ Chí Minh tiếp tục nói: “Thực ra, được sự giúp đỡ của La Quý Ba, chúng tôi đã làm rất tốt nhiều việc về mặt phát động quần chúng, đã làm giảm tô giảm tức, chuẩn bị tiến hành cải cách ruộng đất. Bây giờ ông ấy đã nói ra, sau khi tôi về nước, phải thống nhất tư tưởng trong đảng chúng tôi hơn nữa, làm cải cách ruộng đất quy mô lớn”.

Xem thêm:   Hang gấu

Vi Quốc Thanh nói: “Thế thì tốt! thời kỳ chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc, nhờ có cải cách ruộng đất, nông dân hăng hái tòng quân, chi viện tiền tuyến, cho nên giành được thắng lợi toàn quốc rất nhanh. Việt Nam làm cải cách ruộng đất, quần chúng được phát động hơn nữa, nhất định sẽ thúc đẩy tiến hành kháng chiến toàn quốc thắng lợi”.

Vi Quốc Thanh nói tiếp: “Địa phương làm cải cách ruộng đất, sẽ phản ánh vào trong bộ đội. Ở bộ đội cũng cần phải tiến hành giáo dục và chỉnh đốn”. Hồ Chí Minh nói: “Đồng chí nói đúng, về mặt này còn phải nhờ các cố vấn giúp đỡ cụ thể ”.

Sau khi đoàn tàu đến Nam Ninh, Hồ Chí Minh và Vi Quốc Thanh được biết tin Stalin từ trần. Hồ Chí Minh vội về Việt Nam. Trước khi lên đường, Vi Quốc Thanh đã xin Quân uỷ nghỉ phép, dẫn bác sĩ và bảo vệ đi huyện Đông Lan tây bắc Quảng Tây, trở về quê hương 26 năm xa cách, để thăm em trai và bà con họ hàng của mình. Ở nhà hai hôm lập tức quay lại Nam Ninh và trung tuần tháng 3 đến chỗ ở đoàn cố vấn ở Việt-Bắc.

Thượng Lào, tức miền bắc nước Lào, là hậu phương chiến lược quan trọng của quân Pháp ở Đông Dương. Sau khi bị thất bại nặng nề ở Tây Bắc Việt Nam, quân Pháp đã tăng cường phòng ngự ở Thượng Lào, xây dựng Sầm Nứa thành cứ điểm có công sự phòng ngự khá mạnh, có 3 tiểu đoàn và 1 đại đội pháo binh đóng giữ, hơn 1500 người. Ở Xiêng Khoảng và Mường Sủi phía nam Sầm Nứa nương tựa vào nhau, cũng có binh lực của 3 tiểu đoàn phòng thủ. Nói chung, phòng ngự của địch tương đối yếu. Sau khi về đến nơi ở của đoàn cố vấn, Vi Quốc Thanh lập tức bàn bạc với Võ Nguyên Giáp về vấn đề liên quan đến chiến dịch Thượng Lào và đi đến nhận thức chung: mục đích mở chiến dịch Thượng Lào là tiêu diệt sinh lực địch ở Thượng Lào, đánh lấy một số vùng ở Thượng Lào, mở căn cứ địa cho chính phủ kháng chiến Lào, củng cố và phát triển thành quả của chiến dịch Tây Bắc. Kế hoạch của chiến dịch là: các đại đoàn 308, 312, 316 tiến vào Lào theo quốc lộ 6, bôn tập từ xa đến Sầm Nứa; đại đoàn 304 từ Nghệ An tiến về phía tây theo quốc lộ 7, tấn công Xiêng Khoảng và chặn đánh quân Pháp nguỵ từ Sầm Nứa có thể chạy về phía nam, 5 đại đội Pháp từ Điện Biên Phủ phát triển sang vùng sông Nậm Hu để phối hợp.

Ngày 23/3, Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh dẫn nhân viên Ban chỉ huy đoàn cố vấn theo Bộ chỉ huy tiền phương QĐNDVN ra tiền tuyến Thượng Lào. Khi sắp đến biên giới Lào thì gặp Hoàng thân Suphanuvong, lãnh tụ kháng chiến Lào, cùng trên đường đi vào lãnh thổ Lào.

Hoàng thân Suphanuvong, thành viên của vương thất Lào đã sớm tiếp thụ chủ nghĩa Marx, tham gia phong trào độc lập Lào. Năm 1946 sau khi quân Pháp khôi phục lại binh lực, ông tổ chức đấu tranh vũ trang chống Pháp. Mùa hè năm 1950 đứng ra nhận chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên của Chính phủ kháng chiền Lào. Tháng 2/1951, lãnh đạo đảng Lao động Việt Nam và Hoàng thân Suphanuvong và Chêmxamây người phụ trách mặt trận giái phóng Cao Miên họp hội nghị liên tịch, quyết định thành lập Liên minh kháng chiến ba nước, Việt Nam, Lào, Campuchia, cùng nhau chống lại sự cai trị thực dân của Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1952 được sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng vũ trang của Hoàng thân Suphanuvong lãnh đạo phát triển được 1500 người.

Vi Quốc Thanh sớm biết tiếng Hoàng thân Suphanuvong, cũng đại thể biết rõ sự từng trải phi thường của ông. Vị Hoàng thân này người tầm thước, khuôn mặt vuôn tròn, nước da ngăm ngăm, khiêm tốn hoà nhã. Trong mấy ngày tiếp xúc với Suphanuvong Vi Quốc Thanh hiểu được tình hình đấu tranh và phong tục tập quán dân tình của Lào. Để bày tỏ lòng kính trọng và tình bạn đối với Vi Quốc Thanh, Hoàng thân Suphanuvong tặng đồng chí một thanh đoản kiếm có vỏ bọc tinh xảo và chiếc túi vải thêu hoa văn sặc sỡ. Bộ đội chủ lực quân đội Việt Nam bắt đầu ra quân vào hạ tuần tháng 3. Ngày 10/4, đại đoàn 308 và 312 vượt qua sông Mã biên giới Lào, cử một tiểu đoàn trang bị nhẹ tiến lên suốt ngày đêm, chuẩn bị đánh chiếm sân bay Sầm Nứa bằng động tác bất ngờ để cắt đứt đường tháo chạy bằng máy bay của địch. Không ngờ, đêm 11, một trung đội trưởng trinh sát của bộ đội địa phương Việt Nam đầu hàng địch, tiết lộ ý đồ của Quân đội Nhân dân. Quân Pháp nguỵ rạng sáng ngày 13 bỏ chạy về phía nam. Thế là cuộc tập kích biến thành cuộc truy kích.

Xem thêm:   Trên lưng trời

17g ngày hôm đó, bộ đội đi đầu của đại đoàn 312 đến thị xã Sầm Nứa. Rút bài học trong chiến dịch Tây Bắc, bộ đội vì mang nặng đường xa nên hành động truy kích chậm chạp để cho địch chạy thoát, một tiểu đoàn bộ đội truy kích vứt bỏ ruột tượng gạo, trang bị nhẹ, tiến nhanh, hai tiểu đoàn khác thồ lương thực đuổi theo. Ngày 15, đuổi kịp quân địch ở Na Nong cách Sầm Nứa 30 km về phía nam, tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch. Ngày 18, số địch sống sót chạy đến gần quốc lộ 7, bị bộ đội đại đoàn 304 từ Nghệ An tiến lên phía tây chặn đánh, tiêu diệt phần lớn. Trận này Quân đội Nhân dân chưa tốn một phát đạn pháo, đã bắn chết bắt làm tù binh gần 1000 tên địch. Hơn 200 tên chạy trốn vào rừng, hơn 220 tên chạy về tiểu đoàn địch ở cánh đồng Chum.

Ngày 18/4, các đại đoàn 308 và 312 tiến gần tới Luông PraBang, chỗ ở của vương thất Lào; buộc quân Pháp gấp rút đưa ba tiểu đoàn nhảy dù xuống Luông PraBang, tăng cường phòng ngự ở đây. Đồng thời, đại đoàn 316 tiến đến gần bắc Xiêng Khoảng, đại đoàn 304 cũng áp sát Xiêng Khoảng theo quốc lộ 7. Quân Pháp ở Xiêng Khoảng bỏ chạy về cánh đồng Chum, làm cho binh lực ở đây tăng lên đến 5 tiểu đoàn. Ngày 26, quân đội Việt Nam truy đuổi đến cánh đồng Chum, bao vây doanh trại quân Pháp. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Điện Biên Phủ tiến xuống phía nam tiến triển cũng rất nhanh, từ 16 đến 23 tháng 4, liên tiếp đánh các nơi Hội Hòn, Toả Thi, Mường U và đều chiến thắng, tiêu diệt một phần quân địch, kiểm soát một số vùng của tỉnh Phong Xalì.

Xét thấy mùa mưa sắp đến, đường cung cấp hậu cần cho bộ đội kéo quá dài, quân Pháp thực thi tập đoàn cứ điểm cố thủ, quân đội Việt Nam khó nắm bắt cơ hội tác chiến ở Thượng Lào, sau khi Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp bàn bạc quyết định kết thúc chiến dịch Thượng Lào ngày 3/5. Chiến dịch này tổng cộng tiêu diệt binh lực của 3 tiểu đoàn và 11 đại đội (tương ứng 1/5 tổng binh lực quân Pháp và ngụy ở Lào) giải phóng toàn tỉnh Sầm Nứa và một số vùng của tỉnh Xiêng Khoảng, Phong Xalì có tất cả hơn 300.000 dân (tương đương 1/5 diện tích của cả nước Lào), làm cho vùng này nối liền thành một dải với Tây Bắc, căn cứ địa Việt-Bắc của Việt Nam. Từ đó, Sầm Nứa trở thành trụ sở của Chỉnh phủ kháng chiến Lào, cuộc kháng chiến của Lào xuất hiện cục diện mới.

Sau khi kết thúc chiến dịch Thượng Lào, Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Suphanuvong mời Vi Quốc Thanh nói chuyện với cán bộ Việt Nam, Lào. Lúc này, Vi Quốc Thanh hiểu được trong số cán bộ Việt Nam cử sang công tác giúp Lào, có hiện tượng coi thường cán bộ Lào và bao biện làm thầy, còn cán bộ Lào có tư tưởng ỷ lại và tâm lý tự ti, ảnh hưởng đến triển khai công tác, Vi Quốc Thanh cho rằng, nhân cơ hội này làm công tác tư tưởng là cần thiết, nên đồng ý.

Hội nghị cán bộ Việt Nam, Lào lần này họp trong rừng gần Sầm Nứa. Cán bộ Lào đến họp nói chung đều biết tiếng Việt. Vi Quốc Thanh nói đến đâu, dịch ra tiếng Việt đến đấy. Chủ đề phát biểu của Vi Quốc Thanh là hợp tác Việt – Lào, đoàn kết chống ngoại xâm. Trong phát biểu, đồng chí điểm từng vấn đề tồn tại tương đối hàm súc, nhưng không phê bình trực diện. Trong phát biểu nói đến vấn đề cán bộ Việt Nam, lại nói đến vấn đề cán bộ Lào. Lời lẽ rất cân nhắc phát biểu tương đối biện chứng, toàn diện, được cán bộ dự hội nghị hoan nghênh và đánh giá tốt. Sau hội nghị, cố vấn chính trị Lý Văn Nhất nói: “Phát biểu lần này của Vi Quốc Thanh thật không dễ dàng! Nói rất hay, sẽ giúp ích cho công tác sau này”.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Sự thực về thời kỳ sau chiến dịch Tây Bắc quân đội Việt Nam tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản chưa đánh đã bị thương vong nặng làm cho Vi Quốc Thanh nhận thức sắc bén rằng, từ nay về sau, quân Pháp có thể lợi dụng ưu thế không quân của chúng, dùng phương thức tập đoàn cứ điểm để ngăn chặn tấn công của Quân đội Nhân dân mà Quân đội Nhân dân thì chưa có cách đối phó. Nếu không giải quyết vấn đề này thì chủ lực quân đội Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng không có đất dụng võ, trận lớn không đánh được, trận nhỏ không có để đánh. Vì vậy cần phải giúp quân đội Việt Nam nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Vi Quốc Thanh cho rằng, trên vấn đề đối phó với tập đoàn cứ điểm của quân Pháp, quân đội Việt Nam có hai nhược điểm rõ rệt: một là hoả lực pháo binh yếu, thiếu đại bác và cao xạ pháo, không thể kiềm chế hoả pháo của địch và đối phó máy bay địch; hai là tố chất chiến thuật công kiên kém, không biết đánh công kiên chiến quy mô tương đối lớn. Vì vậy sau khi kết thúc chiến dịch thượng Lào đồng chí một mặt kiến nghị Quân uỷ Trung ương, đẩy nhanh trang bị và huấn luyện đối với bộ đội pháo và cao xạ pháo quân đội Việt Nam, chuẩn bị dùng cho tác chiến mùa đông, mặt khác giúp phía Việt Nam nắm chắc huấn luyện chiến thuật công kiên cho bộ đội nâng cao năng lực tác chiến công kiên.

Hạ tuần tháng 5/1953, Vi Quốc Thanh liên tục triệu tập cố vấn quân sự nghiên cứu vấn đề bố trí huấn luyện quân sự. Đồng chí nêu rõ: “Huấn luyện chiến thuật công kiên của Quân đội Nhân dân phải bắt đầu từ biên soạn giáo trình, thông qua biên soạn giáo trình tăng cường nhận thức thống nhất tư tưởng với đặc điểm phòng ngự của địch, sau đó dùng tài liệu thống nhất, triển khai huấn luyện quân sự cho cán bộ trước, chiến sĩ sau, đặt cơ sở chiến thuật để giành thắng lợi cho chiến dịch Đông Xuân tới”. Đồng chí nêu rõ: Để biên soạn tốt giáo trình, cần thành lập Ban biên tập giáo trình gồm cán bộ lãnh đạo Việt Nam và cố vấn quân sự, phụ trách công tác biên soạn; biên tập giáo trình và huấn luyện quân sự, cần tốn nhiều thời gian, phải làm chuyển biến tư tưởng của bộ đội không muốn đào công sự, học cách xây dựng công sự và xây dựng trận địa tấn công, học biết xây dựng đường sóc và cất giữ lương thực, đạn dược, học biết dùng hoả pháo khống chế sân bay địch và dập tắt hoả pháo địch.

Những ý kiến này sau khi nêu ra với phía Việt Nam, được phía Việt Nam coi trọng. Đầu tháng 6, Ban biên tập giáo trình được thành lập gồm người phụ trách cơ quan Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân, cán bộ lãnh đạo các đại đoàn và cố vấn quân sự. Tại hội nghị thành lập, Võ Nguyên Giáp và Vi Quốc Thanh đều dự và phát biểu ý kiến. Võ Nguyên Giáp phát biểu nhấn mạnh biên tập giáo trình phải lấy học tập kinh nghiệm Trung Quốc là chính. Vi Quốc Thanh phát biểu nhấn mạnh biên soạn giáo trình chiến thuật công kiên nên bao gồm động tác cá nhân và chiến thuật công kiên hợp đồng từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, phải lấy tập đoàn cứ điểm Nà Sản làm đối tượng chính. Quá trình biên soạn giáo trình tức là quá trình thống nhất tư tưởng chiến thuật.

Sau khi bố trí xong công tác huấn luyện quân sự, Vi Quốc Thanh lại về Bắc Kinh báo cáo công tác. Theo bố trí thống nhất của Tổng quân uỷ quân đội Việt Nam, dưới sự giúp đỡ của cố vấn quân sự, bộ đội chủ lực quân đội Việt Nam tiến hành chỉnh huấn quân sự, chính trị quy mô lớn vào hè thu năm 1953. Trước tiên triển khai chỉnh quân chính trị gần giống phong trào chỉnh quân kiểu mới của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tiến hành Giáo dục Tố khổ, nâng cao giác ngộ giai cấp, tăng cường ý chí chiến đấu để phối hợp với phong trào cải cách ruộng đất đang tiến hành ở căn cứ địa Việt Bắc. Sau đó, trên cơ sở biên soạn xong giáo trình chiến thuật công kiên triển khai chỉnh huấn quân sự. Khi kết thúc chỉnh huấn quân sự, tổ chức diễn tập quân sự. Thông qua chỉnh huấn trình độ chiến thuật công kiên của bộ đội được nâng cao rõ rệt, đặt cơ sở cho chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành sau đó.

(còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục
nhà xuất bản Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000 )

Thỏa ước Hạ Long 8 tháng 3-1949 công nhận nền độc lập Việt Nam với 3 kỳ thống nhất.

Kể từ 1949 lá cờ quốc gia hiện diện trên tất cả các đồn canh, căn cứ và ở tất cả các đơn vị tham chiến.

Trường sĩ quan Nam Định

Chi đoàn thám thính xa quân đội quốc gia Việt Nam

Nữ quân nhân cứu thương của quân đội quốc gia Việt Nam

Bảo Đại thị sát Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Việt Nam (1e BPVN) tại mặt trận Hòa Bình tháng 12-1951, tiểu đoàn trưởng từ tháng 2-1952 là đại úy Nguyễn Khánh.

Trung tá Đỗ Cao Trí tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Việt Nam (6e BPVN) thành lập tháng 1-1954, hình chụp 1955, trung tá Trí hãy còn mặc quân phục Nhảy dù cắt may theo kiểu Pháp với cấp bậc là 5 gạch vàng.

Phân đội Tân Khóa sinh Hạ Sĩ quan (Peloton d’Élèves gradés )