Huyền thoại thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp bắt nguồn từ cách nhìn nhầm lẫn của phương Tây đã luôn xem một chiến thắng trên trận địa do chính viên tư lệnh chiến trường hay ở cấp cao hơn, vị tổng tư lệnh quân đội làm nên. Đúng với các quân đội Tây phương: Sédan 1870 rồi Sevastopol 1942, rồi Tobruk trong cùng năm là những chiến thắng của Helmuth von Moltke, Erich von Manstein và Erwin Rommel. Tương tự, El Alamein đem đến vinh quang cho thống chế Montgomery. Ngược lại, tổ chức quân đội Cộng sản khiến những quyết sách chiến lược, phương án kế hoạch và hướng tấn công chính không do một vị tướng quyết định nhưng tùy thuộc chỉ đạo của Quân ủy Trung Ương. Trường hợp Việt Minh còn thêm tuân thủ các sách lược của Tổng Quân ủy Bắc Kinh, mà do nhận viện trợ thực phẩm, đạn dược, vũ khí, khiến Mặt Trận Việt Minh đánh mất dần độc lập chính trị và quân sự. Trong suốc chiến tranh Việt-Pháp, Võ Nguyên Giáp ít khi tự do hành binh.

Huyền thoại của đại tướng thêm trắc trở từ khi các cố vấn Trung cộng công khai tranh công. Ghi chép của Vương Chấn Hoa bút danh Vu Hóa Thầm, nguyên thư ký riêng của cố vấn trưởng Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing), cho thấy rõ: trong cả hai chiến thắng quyết định Đường Biên Giới và Điện Biên Phủ, đều có sự can thiệp sâu rộng của cố vấn Tàu. Đúng hay Sai? Thực tế hiển nhiên là chừng nào Quân đội Nhân dân còn khước từ bạch hóa hồ sơ mật, hoặc không thể “chứng minh phản chứng”, thì thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp vẫn phủ trùm nghi vấn.

Phần 3 của tập hồi ký GHI CHẾP THỰC VỀ VIỆC ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP (nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002) do Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh, dịch thuật và hiệu đính.[Trần Vũ]

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Cuộc đời binh mã của Vi Quốc Thanh văn võ song toàn trải qua trăm trận, lập nhiều chiến công. Chiến tranh giải phóng thắng lợi chưa được bao lâu đồng chí vâng lệnh dẫn đầu đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống pháp hỗ trợ Quân đội Nhân dân Việt Nam tác chiến và xây dựng và cống hiến quan trọng trong việc giành thắng lợi của chiến tranh chống Pháp. Có một lần tiếp khách nước ngoài, một đồng chí lãnh đạo Trung ương nói, thời kỳ chiến tranh Việt Nam chống Pháp có hai trận đánh lớn, một là chiến dịch Biên Giới, Trần Canh giúp chỉ huy, hai là chiến dịch Điện Biên Phủ, Vi Quốc Thanh giúp chỉ huy. Bài viết này tường thuật, tóm lược chặng đường đặc biệt đó của Vi Quốc Thanh nhất là vai trò quan trọng của đồng chí trong cuộc quyết chiến Điện Biên Phủ.

Tổ chức Đoàn sang Việt Nam

Vi Quốc Thanh

Tháng 2/1950, Vi Quốc Thanh đang là chính uỷ binh đoàn số 10 kiêm chủ nhiệm Uỷ ban quân quản thành phố Phúc Châu, nhận được điện của Trung ương gọi đồng chí về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí bàn giao xong công tác rất nhanh cùng vợ mới cưới là Hứa Kỳ Thanh vội vàng lên đường. Về đến Bắc Kinh mới biết là cấp trên cần đồng chí chuyển sang công tác ngoại giao. Sau đó, hai người tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao, nhưng vẫn chưa được giao nhiệm vụ mới. Một ngày thượng tuần tháng 4 vừa xuất viện sau khi mổ ruột thừa, đang ở chiêu đãi sở của Quân uỷ Trung ương, thì Vi Quốc Thanh được Lưu Thiếu Kỳ gọi vào Trung Nam Hải. Lưu Thiếu Kỳ nói : “ Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương quyết định cử đoàn cố vấn quân sự sang Việt Nam giúp Việt Nam tiến hành chiến tranh chống Pháp. Trưởng đoàn Đoàn cố vấn quân sự này do đồng chí đảm nhiệm ”.

Vi Quốc Thanh lập tức bày tỏ : “ Tôi phục tùng quyết định của Trung ương, có điều là xưa nay tôi chưa làm cố vấn ”. Đồng chí Thiếu Kỳ nói : “ Chúng tôi xem xét thấy đồng chí tương đối thích hợp. Chỉ huy đánh giặc, công tác ở trường quân sự thì khỏi phải nói, tiểu tổ đàm phán đồng chí cũng đã làm rồi, đã giao thiệp với người Mỹ rồi. Đồng chí lại là người Quảng Tây sang Việt Nam công tác có mặt thuận lợi ”. Cuối cùng Lưu Thiếu Kỳ đặc biệt thân thiết dặn dò : “ Đồng chí Quốc Thanh, Mao Chủ tịch rất quan tâm đánh giặc xâm lược Việt Nam, các đồng chí phải làm cho tốt. Có khó khăn gì đồng chí hãy đến tìm chúng tôi, Trung ương phân công tôi phụ trách việc này. Bây giờ phải nhanh chóng tiến hành công tác tổ chức Đoàn cố vấn, điều quan trọng nhất là chọn cán bộ điều động một loạt cán bộ thích hợp với lựa chọn công tác cố vấn. Tôi đã viết cho đồng chí một bức thư, đồng chí cầm thư này đi gặp mấy đồng chí phụ trách Dã chiến quân ở Bắc Kinh, thương lượng trực tiếp với các đồng chí ấy. Cán bộ phải do các đồng chí ấy lựa chọn điều động ”. Lúc này, chiến tranh giải phóng vừa kết thúc, trăm công nghìn việc đang chờ đợi, cán bộ rất thiếu.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Đồng chí Vi Quốc Thanh cầm thư của Lưu Thiếu Kỳ trước tiên tìm gặp đồng chí Đặng Tiểu Bình lúc đó làm chính uỷ Dã chiến quân số 2 ở Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình là thủ trưởng cũ của Vi Quốc Thanh. Vi Quốc Thanh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo dân tộc Choang ở huyện Đông Lan – Quảng Tây. Sau khi tham gia khởi nghĩa Bách Sắc năm 1929 đồng chí được phân công về Đội súng ngắn quân đoàn Hồng Quân công tác, canh gác cho Quân đoàn trưởng Trương Văn Dật, Chính uỷ Đặng Tiểu Bình. Dưới sự lãnh đạo của hai đồng chí, Hồng quân đánh địa chủ cường hào, chia ruộng đất, xây dựng và phát triển căn cứ địa Hữu Giang, về sau quân đoàn 7 chuyển sang chiến đấu ở 5 tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tây, trải qua 8 tháng, hành trình hơn 12.000 dặm, đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, đi đến căn cứ địa khu Xô Viết Trung ương. Lần “ trường chinh nhỏ ” này, đấu tranh quyết liệt, gian khổ vô cùng. Chính trong cọ xát chiến đấu khốc liệt này, Vi Quốc Thanh đã trưởng thành là một chiến sĩ Hồng quân kiên cường, trở thành một cán bộ chỉ huy sơ cấp dũng cảm mưu trí của Quân đoàn 7 Hồng quân. Sau này, trong chiến dịch Hoài Hải, Vi Quốc Thanh là người chỉ huy binh đoàn, lại dưới sự lãnh đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch Hoài Hải do Đặng Tiểu Bình làm chính uỷ truy kích chặn viện, rong ruổi khắp nơi, chiến công lừng lẫy.

Gặp Vi Quốc Thanh, Đặng Tiểu Bình hết sức phấn khởi. Sau khi hiểu rõ lý do Vi Quốc Thanh đến tìm, đã nói với Vi Quốc Thanh : “ Nhiệm vụ mà đồng chí nhận vô cùng quan trọng. Cố vấn có thể lựa chọn, điều động từ các Dã chiến quân, nhưng trợ lý của đồng chí và nhân viên công tác của đoàn đều nên do Dã chiến 3 bố trí. Ở trong nước, đoàn trưởng, chính uỷ chúng ta còn có chuyện mất đoàn kết, ở nước ngoài trước trên phải làm tốt đoàn kết nội bộ, nếu không rất bất lợi cho công tác ”. Đặng Tiểu Bình còn nói : “ Để đồng chí chạy khắp nơi, chi bằng mời mấy vị tư lệnh ngồi lại với nhau, đồng chí trình bày trực tiếp tốt hơn ”. Vi Quốc Thanh nghe nói hết sức phấn khởi, đây quả là chuyện gặp may.

Ngày hôm sau, Tiểu Bình trực tiếp mời mấy vị thủ trưởng Dã chiến quân như Bành Đức Hoài ngồi lại với nhau, Vi Quốc Thanh tự tay đưa lá thư của Lưu Thiếu Kỳ và nói rõ việc liên quan đến lựa chọn điều động cố vấn sang Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo đến họp đều nhất trí bày tỏ : “ Chiến tranh trong nước đã kết thúc, hiện nay cử đoàn cố vấn quân sự giúp nước anh em, chống đế quốc xâm lược, thực hành nghĩa vụ quốc tế vô sản nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa to lớn, chúng tôi kiên quyết ủng hộ. Cần cán bộ cấp cán bộ, cần trang bị cấp trang bị, cần gì cấp nấy, cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu ”. Vi Quốc Thanh không ngờ việc tổ chức đoàn cố vấn, một vấn đề cực kỳ quan trong này lại được giải quyết thuận lợi như vậy, tất nhiên rất phấn khởi. Đồng chí kính phục từ đáy lòng tinh thần xuất phát từ toàn cục, nhìn xa trông rộng của các đồng chí lãnh đạo, lập tức báo cáo với Lưu Thiếu Kỳ.

Trung tuần tháng 4, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc căn cứ vào yêu cầu số lượng cố vấn ra lệnh cho các Dã chiến quân số 2, 3, 4 về việc lựa chọn điều động cố vấn các cấp và nhân viên công tác của đoàn cố vấn cũng như chuẩn bị vật tư v.v… Quy định mỗi Dã chiến quân nói trên, tuyển chọn điều động đủ số cán bộ làm cố vấn cho đại đoàn (bao gồm ba cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn). Ngoài ra, Dã chiến 3 phụ trách tuyển chọn điều động cố vấn và nhân viên công tác của Ban chỉ huy Đoàn cố vấn.

Đảng uỷ và Thủ trưởng các Dã chiến quân rất coi trọng nhiệm vụ này. Được Túc Dụ đích thân quan tâm, Dã chiến quân 3 xác định lãnh đạo tổng đội số 3 Đại học quân chính Hoa Đông thành lập Ban chỉ huy Đoàn cố vấn. Tổng đội trưởng Mai Gia Sinh đảm nhiệm Tham mưu trưởng Đoàn cố vấn (sau đổi lại là Phó đoàn trưởng). Mai Gia Sinh là một cán bộ có tài văn võ, chiến công xuất sắc, từng giữ chức Tham mưu trưởng lữ đoàn 3 sư 1 Tân Tứ Quân, Phó quân đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng quân đoàn 23 v.v.. Chủ nhiệm Ban chính trị Tổng đội số 3 Lý Văn Nhất làm cố vấn chính trị Ban chỉ huy. Chính uỷ Tổng đội số 3 Đặng Dật Phàm trước định điều về công tác tại Tổng cục Chính trị, đang ở Bắc Kinh chờ lệnh, sau khi Lưu Thiếu Kỳ và La Vinh Hoàn trao đổi, đã tuyển làm chủ nhiệm Ban chính trị Đoàn cố vấn (sau đổi gọi là Phó đoàn trưởng). Đặng Dật Phàm tham gia Hồng quân năm 1930 từng giữ các chức bí thư trưởng Tân Tứ Quân, chủ nhiệm ban chính trị tung đội, Phó chính uỷ quân đoàn v.v.. có kinh nghiệm công tác chính trị phong phú. Trong thời gian ở Việt Nam, Mai, Đặng rất tôn trọng Vi Quốc Thanh ba người đồng tâm hiệp lực, phối hợp chặt chẽ.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Các Dã chiến quân đều rất nhanh tuyển chọn điều động một loạt cán bộ quân sự chính trị hậu cần có kinh nghiệm chiến đấu thực tế và trình độ chính trị nhất định báo cáo lên Quân uỷ Trung ương, trong đó có 59 cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên, tất cả có 281 người kể cả thư ký, nhân viên cơ yếu và cảnh vệ v.v…

Ngày 20/5, quân uỷ Trung ương điện cho các cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên dự tính sang Việt Nam làm cố vấn về Bắc Kinh để nghe chỉ thị trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Thượng tuần tháng 6, cán bộ cấp trung đoàn trở lên lần lượt về Bắc Kinh có Mai Gia Sinh, Chu Hạc Vân, Mã Tây Phu, Vu Bộ Huyết, Đậu Kim Ba, Lâm Quân Tài, Trương Hưng Hoa v.v.. Nhưng cho đến ngày 27 tháng 6, tức hai ngày sau nổ ra chiến tranh Triều Tiên, các lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước mới từ trong cảnh vô cùng bận rộn thu xếp được thì giờ tiếp thân mật những người trong đoàn cố vấn về Bắc Kinh và có chỉ thị quan trọng.

Sáng hôm đó, Vi Quốc Thanh và hơn 20 cố vấn, thư ký, cơ yếu lên xe đến Di Niên đường trong Phong Trạch Viên Trung Nam Hải. Mọi người nhìn thấy trong kiến trúc kiểu cung điện mang phong cách truyền thống Trung Quốc này bày biện rất đơn giản. Trong phòng kê hai chiếc bàn dài, mấy chục cái ghế đẩu và ghế dài sắp thành nửa hình cánh cung quay về phía bàn. Mọi người chờ đợi một lát, Chu Đức và Lưu Thiếu Kỳ lần lượt bước vào. Sau khi đồng chí Lưu Thiếu Kỳ lên tiếng mời mọi người ngồi xuống, đã đứng lên nói : “ Hôm nay mời các đồng chí đến đây là để nói đến vấn đề các đồng chí sang Việt Nam công tác. Lẽ ra, Mao Chủ tịch, Chu Thủ tướng cũng muốn đến gặp mặt các đồng chí. Nhưng Triều Tiên đã đánh nhau, tình hình rất căng thẳng. Điều đó quan hệ đến vận mệnh của Triều Tiên, cũng quan hệ đến an ninh của đất nước chúng ta, cho nên Trung ương rất quan tâm đến tình hình này, bận lắm. Mấy hôm nay Chủ tịch rất vất vả. Chủ tịch làm việc đêm bây giờ đang ngủ, chúng tôi không đánh thức đồng chí. Chu Thủ tướng đang bận họp, cũng không thể đến được ”.

Lưu Thiếu Kỳ quay sang nói với Chu Đức Tổng tư lệnh “ Bác nói trước ! ”. đồng chí Chu Đức nói : “ Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ nói trước đi ! ”.

Lưu Thiếu Kỳ tiếp tục nói : “ Trung ương cử các đồng chí sang Việt Nam là chấp hành một nhiệm vụ vô cùng khó khắn. Trung ương ra quyết định này là có lý do quan trọng. Đi thì có phiền phức, nhưng nếu chúng ta không đi giúp Việt Nam, để bọn xâm lược nằm lì ở đó, thì khó khăn của chúng ta sẽ lớn hơn, phiền phức cũng lớn hơn. Hai ngàn năm trước Mã Viện của Trung Quốc, tức là tướng quân Phục Ba đã chinh phục Việt Nam. Còn ngày nay chúng ta sang Việt Nam, thì ý nghĩa hoàn toàn khác. Chúng ta đi giúp người ta giải phóng, là đi giúp nước anh em. Sau khi sang đó các đồng chí, phải giúp Việt Nam xây dựng quân đội chính quy, tiến hành tác chiến chính quy, và nhất định phải tổ chức đánh thắng trận ”.

Lưu Thiếu Kỳ chỉ rõ : “ Thời gian cách mạng Việt Nam thắng lợi sẽ không quá nhanh, tôi thấy cần ba năm chuẩn bị ”.

Đồng chí còn đặc biệt dặn dò : “ Phải chú ý làm tốt đoàn kết với các đồng chí Việt Nam. Chúng ta không làm chủ quản cho họ, chỉ làm cố vấn. Có thể nêu ra nhiều biện pháp để người ta quyết định. Người ta cũng có thể không nghe ý kiến của anh. Nhưng nếu làm tốt quan hệ, thì lời nói của anh sẽ được áp dụng ”. Tiếp đó Chu Đức nói chuyện trước tiên đồng chí nhấn mạnh : “ Chúng ta là những người theo chủ nghĩa quốc tế, có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam. Đây sẽ là một nhiệm vụ lâu dài, gian khổ và phải bảo đảm bí mật. Cần phải coi đây là nhiệm vụ là nhiệm vụ quốc tế lớn lao, không được tiếc bất cứ thứ gì để giúp Việt Nam đến thắng lợi ”.

Chu Đức chỉ ra : “ Về hành động quân sự chúng ta phải thực sự cầu thị không được nóng vội. Nguyên tắc là có con người thế nào đánh thứ ấy. Cần phải biết đánh trận dũng cảm và lại khôn khéo, quan trọng nhất là khôn khéo ”. Chu Đức lại nêu rõ : “ Tự lực cánh sinh là cái gốc của thắng lợi cách mạng nước ta. Dù thế nào chăng nữa cũng phải giúp Việt Nam xây dựng căn cứ địa vững chắc, kiên trì nguyên tắc tự lực cánh sinh. Các đồng chí sang Việt Nam công tác rất gian khổ, phải chuẩn bị tinh thần đó. Người cộng sản chúng ta, phải chịu đựng gian khổ, phải tính đến phấn đấu gian khổ lâu dài ”.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Chu Đức chưa kết thúc bài nói của mình thì đồng chí Mao Trạch Đông chậm rãi bước vào. Mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Lưu Thiếu Kỳ ra đón Mao Trạch Đông nói : “ Mấy hôm nay đồng chí rất mệt, muốn để đồng chí ngủ thêm một lát, nên không đánh thức đồng chí ”.

Mao Trạch Đông nói : “Chà ! Không ngủ được”. Sau đó đồng chí bắt tay Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, rồi lại lần lượt bắt tay từng người và thân mật hỏi thăm tình hình tên tuổi, chức vụ, tuổi tác v.v…

Lưu Thiếu Kỳ mời Mao Trạch Đông nói chuyện. Mao Trạch Đông nói : “ Các đồng chí đều nói cả rồi còn gì ? Tôi nói nữa sẽ trùng lặp ”. Mọi người đều muốn Mao Chủ tịch cho chỉ thị. Vì thế Mao Chủ tịch bảo mọi người ngồi xuống, bắt đầu nói. Mao Chủ tịch nói : “ Không phải tôi muốn cử các đồng chí đi Việt Nam, mà là Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tôi. Ai bảo cách mạng chúng ta thắng lợi trước, thì phải giúp đỡ người ta, đó gọi là chủ nghĩa quốc tế. Các đồng chí đến Việt Nam, trước hết phải giúp Việt Nam đánh thắng trận. Mở ra được một địa phương để tập trung quân đội, sau đó trận sẽ càng đánh càng lớn. Việc đầu tiên sau khi các đồng chí đến Việt Nam là phải đoàn kết tốt với các đồng chí Việt Nam, đặc biệt là phải đoàn kết tốt với lãnh đạo Việt Nam. Phải chú ý không đoàn kết tốt, thì thà đừng làm việc còn hơn ”.

Sau khi kể chuyện lịch sử “Mã Viện đánh Giao Chỉ ”, Mao Chủ tịch nói : “ Trong lịch sử từ đời Hán trở đi, Trung Quốc đã từng ức hiếp Việt Nam. 80 năm trước chính phủ Mãn Thanh cắt nhượng Việt Nam cho Pháp. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tốt, bị nước ngoài cai trị và áp bức lâu dài, họ căm thù người Pháp, rất nhạy cảm đối với người nước ngoài. Các đồng chí có thể nói với các đồng chí Việt Nam. Tổ tông xưa của chúng tôi đã từng ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các đồng chí ”.

Mao Chủ tịch nói tiếp : “ Mấy năm gần đây tình hình cách mạng Việt Nam phát triển rất nhanh, thành tích rất tốt. Không nên coi thường người ta. Tôi biết cử các đồng chí đến một nơi gian khổ đối mặt với những nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu mắc bệnh sốt rét có thể nguy hiểm, hy sinh. Phải chuẩn bị khác phục nhiều khó khăn, thực tế không chiều theo ý mình đâu. Bao giờ các đồng chí có thể trở về ? Đừng vội. Vân Nam, Quảng Tây có thể làm hậu phương. Các đồng chí đến Việt Nam, có thể thắng lợi dễ dàng, cũng có thể có khó khăn, nhưng cuối cùng nhất định phải thắng lợi. Chúng ta giúp người ta cần phải giúp cho tốt. Trước mặt quần chúng Việt Nam, không được biểu hiện tư tưởng kiêu ngạo chúng ta là người chiến thắng. Người ta đều biết thắng lợi của chúng ta không cần mình phải nói ra. Đối với những khuyết điểm sai lầm của người ta, có thể nói cho họ biết, chúng tôi cũng có thất bại. Giới thiệu nhiều với họ bài học kinh nghiệm, ít nói “ qua năm ải chém sáu tướng ”. Trong quá trình giúp đỡ người ta, phải thường xuyên kiểm điểm lời nói và hành động của mình ….”.

Mao Chủ tịch còn nói : “Lần này cử đồng chí Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn. Đáng lẽ ra để đồng chí đi công tác ở Liên Hợp Quốc, nhưng Liên Hợp Quốc bị Mỹ thao túng, không cho chúng ta vào. Sau này lại muốn để đồng chí đi làm đại sứ ở Anh, nhưng Anh lúc nào cũng lưỡng lự nước đôi đối với chúng ta, ở đó chỉ có thể hạ cấp. Không cử đại sứ nữa. Thế là để đồng chí đi Việt Nam làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn. Đồng chí đã đồng ý, như thế rất tốt, người cộng sản ở đâu cần thì đến đó, có thể đến nơi hoàn cảnh thoải mái cũng có thể đến nơi gian khổ… Hễ công việc yêu cầu thì các thứ khác đều không so đo. Điều này, các đồng chí phải học tập đồng chí Vi Quốc Thanh ”.

Cuối cùng, Mao Trạch Đông : “ Chúc các đồng chí thắng lợi, mạnh khoẻ ” để kết thúc cuộc nói chuyện.

(Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)