Tháng 11-1953 ngay sau khi quân Dù chiếm lòng chảo Điện Biên Phủ, chuẩn tướng Jean Dechaux tư lệnh Không đoàn Chiến thuật Bắc-phần GATAC-NORD yêu sách thiếu tướng René Cogny tư lệnh Lục-quân Bắc-bộ, bằng mọi giá phải chiếm giữ điểm cao 640m ngay phía Bắc sân bay. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng của Gabrielle.

Là một ngọn đồi rộng 300m và dài 600m, Gabrielle chế ngự mặt Bắc thung lũng, kiểm soát đường mòn Pavie đi Lai Châu và cách đầu phi đạo 3 cây số nên máy bay lên xuống đều phải lướt qua đỉnh đồi. Chiếm Gabrielle, Việt Minh sẽ khống chế sân bay.

Vì vậy cuộc phản kích tái chiếm Gabrielle vô cùng quan yếu. Quân Dù xuất kích từ Bản Kéo (Anne-Marie) tiến đến Bản Khê-Phai, phá chốt và vượt sông. Nỗ lực chính là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam, tăng cường hai đại đội Nhảy dù Lê dương và một chi đội của Chi đoàn 3 Thiết giáp…

Không gì diễn ra suôn sẻ. Trung úy Erwan Bergot, có mặt đêm đó, ghi lại những lủng củng của bộ chỉ huy Pháp.

Ngày nay không còn thấy địa danh Bản Khê-Phai trên bản đồ Mường Thanh mà có lẽ nằm ở quãng Bến xe khách TP Điện Biên trên quốc lộ 12 là đường mòn Pavie cũ. Cũng không có nhánh phụ lưu cạn nào của sông Nậm Rốm chảy qua bến xe, có thể đã bị lấp.  [Trần Vũ]

Erwan Bergot 

Trần Vũ dịch thuật

Kỳ 2

Phản Kích Đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm 1954

– Tôi, đại úy René Gendre. Tôi vừa nắm quyền chỉ huy Gabrielle.

Qua loa khuếch âm trong hầm của đại tá De Castries, giọng nói của viên đại đội trưởng Ðại đội 3 vang lên đứt quãng, lúc rõ lúc mất vì bị tiếng rè rè trên làn sóng cướp mất vài âm tiết. Lúc này là 4 giờ rưỡi sáng.

– Tình hình ở đó ra sao?

– Thiếu tá Kah và thiếu tá Mecquenem đều bị thương. Các điểm tựa vẫn giữ được nhưng địch đã lọt vào nhiều vị trí ở mặt Bắc và Ðông-Bắc. Phải có quân tăng viện mới đánh bật ra được…

– Ðã trù tính. Sẽ phản công khi bình minh. Cố thủ cho tới lúc đó.

Bình minh! Tức là phải chờ đến sáng. Ðại úy Gendre trả lời:

– Nhận rõ. Chúng tôi cố giữ.

Lập tức De Castries lệnh cho trung tá Langlais chuẩn bị phản kích. Tuy vào lúc này Langlais đã rời chức vụ chỉ huy Nhảy dù để coi Phân khu Trung tâm, thay trung tá Jules Gaucher chết đêm hôm trước. Suốt đêm Langlais theo dõi các đợt giao tranh trên Gabrielle, hy vọng quân trú phòng chặn được các làn sóng biển người của Việt Minh cho tới khi có viện binh.

Việc giải vây Gabrielle đã được tính toán từ trung tuần tháng 2. Hai tiểu đoàn Dù thuộc Chiến đoàn 2 Không vận (GAP2) là Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương (1er BEP) của thiếu tá Maurice Guiraud và Tiểu đoàn 8 Xung kích Nhảy dù (8e CHOC) của đại úy Pierre Tourret đã tổ chức nhiều cuộc hành quân thăm dò đoạn đường từ Anne-Marie ra Gabrielle, tập dượt chung với Chi đoàn 3 Chiến xa của Trung đoàn 1 Kỵ binh (3/1 RCC) dưới quyền đại úy Yves Hervouët. Tiểu đoàn 31 Công binh Chiến đấu (31e BG) của thiếu tá André Sudrat đã phát quang khúc đường mòn đi Lai Châu, mở rộng thêm các khúc hào được ngăn bằng những vật chắn của trung tâm đề kháng Huguettes ở phía Tây sân bay là lộ trình phải đi qua. Xa hơn nữa, cách sườn đồi phía Nam Gabrielle chưa đầy một cây số ngang tầm Bản Khê-Phai, công binh cũng đổ đá thiết lập một lối vượt sông bằng các bè gỗ kết lại làm cầu nổi trên mặt nước.

Langlais cũng như hai tiểu đoàn trưởng Nhảy dù và Lê dương là đại úy Tourret và thiếu tá Guiraud đều thuộc lòng kịch bản phản kích. Cả ba đều nghĩ nếu phản công vào ban đêm sẽ thất bại, cần chờ trời sáng, với điều kiện Gabrielle vẫn còn chống trả tới lúc đó.

– Anh có thể làm gì? De Castries hỏi.

Langlais do dự. Từ nửa đêm hai cứ điểm Dominique 1 và Dominique 5 ở phía Ðông cũng bị tấn công mà không rõ là Việt Minh quấy rối nhằm kiềm chế hay sắp tiến đánh thực sự. Ở vị trí chỉ huy Phân khu Trung tâm, Langlais không thể lấy quyết định rủi ro là bỏ trống một mặt phòng tuyến. Hơn nữa trong hệ thống phòng ngự chiến lũy, Gabrielle thuộc Phân khu Bắc của Trung tá André Trancard không nằm trong trách nhiệm của Langlais.

Xem thêm:   Một chiều dạo chợ Bình Tây

– Tôi chỉ còn Nhảy dù Việt Nam làm trừ bị. Langlais trả lời.

– Còn Nhảy dù Lê Dương?

– Ðại tá biết rõ là Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương đã phân làm hai. Phân nửa giữ Junon phía Ðông-Nam, phân nửa giữ Claudine phía Tây. Tiểu đoàn 8 Nhảy dù thì bảo vệ phía Nam sân bay. Chỉ còn Nhảy dù Việt Nam mà thôi.

Langlais đáp, khô khốc. Viên trung tá không ưa phải lặp lại những điều hiển nhiên.

Langlais thêm: Tôi sẽ chỉ thị Séguin-Pazzis phản kích bằng Nhảy dù Việt Nam.

Mới hôm qua thiếu tá Hubert de Séguin-Pazzis hãy còn là phó của Langlais. Khi trung tá Jules Gaucher bị pháo Việt Minh xé đứt đôi người chết trong trận đầu, Langlais thay Gaucher coi khu trung tâm và Séguin-Pazzis nghiễm nhiên đảm trách lực lượng cứu ứng. Với lính nhảy dù, vẻ bề ngoài của Séguin-Pazzis gây bất ngờ vì làm nghĩ đến một sản phẩm tinh xảo của Học viện Chiến tranh. Khuôn mặt lưỡi lam dài với mũi khoằm nhọn dưới vầng trán trí thức và giọng nói trang trọng, Séguin-Pazzis hoàn hảo ở vị trí tham mưu trưởng chiến đoàn không vận; biên soạn rồi ghi xuống giấy những mệnh lệnh rõ ràng cho thực địa. Chính Séguin-Pazzis đã thiết lập phương án giải vây Gabrielle với đề xuất: Lấy đường mòn Pavie ngược lên Lai Châu làm trục tiến quân và hành lang để tựa. Buổi sáng tháng 2 đó, đại úy Cabiro, gương mặt cộm cán của Lê dương lầm bầm: “Tựa vô Việt Minh thì có…” nhưng Séguin-Pazzis không nghe thấy hoặc không để ý.

Langlais lệnh cho Séguin-Pazzis:

– Anh phản kích lúc rạng đông với Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam theo kế hoạch.

Séguin-Pazzis phản đối:

– Kế hoạch không phải vậy! Giải vây Gabrielle là Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương của Guiraud và Tiểu đoàn 8 Xung kích Nhảy dù của Tourret đã thực tập và thông thạo. Không phải Nhảy dù Việt Nam! Tiểu đoàn Việt Nam vừa thả xuống ban chiều chưa nắm địa hình, không biết các chi tiết phối hợp.

Langlais không ưa tranh cãi. Vả lại viên trung tá vừa trình bày lý do với đại tá De Castries, không muốn phải lặp lại. Sau nữa đã 5 giờ sáng. Còn chưa đến một tiếng đồng hồ nữa là hừng đông. Langlais lạnh lùng:

– Anh làm theo lệnh.

Séguin-Pazzis là một sĩ quan bướng bỉnh, ngay cả khi giọng nói tiếp tục đĩnh đạc và tôn trọng:

– Tôi hình dung những khó khăn đưa đến quyết định của trung tá và tôi hy vọng các lý do này đúng. Nhưng nếu tôi nhấn mạnh là tôi cần hai tiểu đoàn của Guiraud và Tourret là vì số phận Ðiện Biên Phủ tùy thuộc vào cuộc phản kích này. Cả trung tá và tôi đều biết rõ khả năng của Nhảy dù Việt Nam. Tôi sợ không đủ sức.

Langlais suy nghĩ, buộc phải công nhận lập luận của Séguin-Pazzis. Dịu cơn, Langlais nhượng bộ một phần:

– Anh lấy thêm hai đại đội của Guiraud yểm trợ cho Botella (*).

(*) André Botella là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam.

Séguin-Pazzis để cho thiếu tá Guiraud chọn hai đội dưới quyền. Guiraud chỉ định Ðại đội 3 của trung úy Martin và Ðại đội 4 của trung úy Domigo. Cả hai thuộc dàn trung úy “lửa” của Lê dương và tuy khác nhau, đều xuất sắc.

Ở Ðại đội 3 lính của Martin mang phong cách nhẹ nhàng pha chút hài hước, các trung đội trưởng không chờ lệnh mà biết phải làm gì. Martin chỉ huy không cần tạo bộ dáng của người chỉ huy, luôn từ tốn nhỏ nhẹ vì xem các sĩ quan bình đẳng. Nhưng chính sự mềm mại đó bắt phải lắng nghe và chú ý từng chữ. Trong Ban nhạc của “Loulou”, biệt danh của Louis Martin, mọi sáng kiến cá nhân đều được chấp thuận miễn sao lập chiến công.

Xem thêm:   Chân Trời Mới của Trùng Dương

Ðại đội 4 nguyên là Ðại đội 1 Nhảy dù Lê dương Việt Nam (1ère CIPLE), trước đây do đại úy Bernard Cabiro hỗn danh “Le Cab” (Phu Xe Kéo) chỉ huy. Cabiro duy trì kỷ luật sắt đá nghiêm ngặt khiến mọi binh sĩ thao tác đúng từng hành động cùng một nhịp, nhờ vậy có thể áp dụng phương pháp tác chiến linh động mà vẫn trong trật tự. Sau khi Cabiro bị gẫy hai chân ngày 5 tháng 3 trong trận chiếm cao điểm 781, Norbert Domigo thay thế. Domigo không thay đổi cung cách, vẫn mài giũa kỷ luật cho thật nhọn. Vẻ ngoài trầm tĩnh, im lìm, gần như bẽn lẽn che giấu một cá tánh sôi sục bên trong. Ðêm 14 rạng 15 nhận lệnh phản kích, Domigo nổ tung sự dữ dội của mình:

– Tái chiếm Gabrielle vỏn vẹn với hai đại đội? Một trò ngu xuẩn. Gãy răng vô ích. Tiên sư!

Martin thêm, bằng giọng dịu cố hữu nhưng hai gò má ửng đỏ lộ giận dữ không nên xem nhẹ:

– Ích gì? Toàn tiểu đoàn thực tập biết bao lần biết rõ từng lối mòn… Giờ, phản kích với phân nửa.

Guiraud gạt tay, không hài lòng. Thiếu tá Maurice Guiraud thuộc giai cấp không muốn uy quyền bị xúc phạm. Từ ban nãy, các cấp thay nhau trách cứ. Guiraud đã phản ứng với Séguin-Pazzis là người đã phản ứng với Langlais và bị Langlais xối nước. Các gáo nước dội theo chiều dọc của hệ thống quân giai.

– Các anh làm theo lệnh! Guiraud lặp lại mệnh lệnh của Langlais.

Ðại úy André Botella chứng kiến toàn cảnh cãi cọ từ trên xuống dưới mà hoàn toàn không hiểu nội dung. Vừa thả dù xuống ban chiều Botella chưa có khái niệm rõ rệt về trận đánh. Hơn nữa không ai hỏi ý kiến riêng của Botella. Trong thâm tâm viên đại úy tự hỏi vì sao khi hoạch định kế hoạch không có đơn vị của mình, thì nay trở thành chủ lực? Những câu hỏi trở nên vô ích vì không một ai giải đáp và còn gây thêm bực bội tự ái vì mọi người xem thường Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam (5e BPVN) do Botella chỉ huy mà quên mất tiểu đoàn này cải biên từ Tiểu đoàn 3 Biệt kích Nhảy dù Thuộc địa (3e BCCP) là tiểu đoàn đã đụng những trận nặng độ Lào Cai, Hoàng Su Phì, Phố Lu, Phố Ràng, Nghĩa Ðô và đặc biệt đã chiến thắng chớp nhoáng khi nhảy dù tái chiếm Ðông Khê tháng 6-1950. Trên 2/3 lính Việt của tiểu đoàn đi trận từ 1948 đã 6 năm chiến trường. Riêng về phần Botella, là sĩ quan Dù thâm niên nhất tại Ðiện Biên Phủ, vì từ 1944 đã là thiếu úy của Tiểu đoàn 4 Commando SAS (Service Air Spécial). Ngay cả trung tá Pierre Langlais cũng chưa thâm niên bằng, vì Langlais khóa 115 võ bị Saint Cyr chỉ sang Nhảy dù từ 1950, trước đó ở binh chủng Méhariste lữ hành bằng lạc đà qua sa mạc. Trong thế chiến, Botella bị thương vào chân nên bước đi hơi thọt nhưng vẫn bước nhanh theo kịp binh sĩ. Là về thể lực. Về kinh nghiệm chiến đấu, Botella không cần học ai.

Từ trái: Domigo, phía sau Domigo là Martin, hàng đầu chính giữa là thiếu tá Guiraud.

Cuối buổi họp, Botella nhìn đồng hồ:

– Tiến ra Gabrielle như thế nào?

– Nhảy dù Lê dương đi đầu rồi tới Nhảy dù Việt Nam. Lính ở Huguettes sẽ dẫn các anh qua những giao thông hào ngoằn ngoèo. Guiraud đáp.

Hai đại đội của Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương đóng gần điểm xuất phát, ngược lại Tiểu đoàn 5 Dù Việt Nam phải vượt gần một cây số đường chim bay mới đến điểm tập trung.

6 giờ sáng. Lính Dù Lê dương tiến ra phía Bắc cùng với xe tăng M-24 Chaffee của Chi đoàn 3. Các trưởng xa nhô mình lên khỏi pháo tháp. Dẫn đầu là chiếc Conti, chiến xa chỉ huy của chính đại úy chi đoàn trưởng Hervouet. Phía sau là chiếc Smolensk của trung sĩ nhất Guntz; chiếc Ettlingen của trung sĩ Ney đoạn hậu. Cả ba chiếc xe tăng đều quen thuộc và thân thiết với lính Lê dương vì đã từng xuất kích chung nhiều trận.

Lúc vượt qua cứ điểm án ngữ mặt Bắc sân bay, “Loulou” Martin nói qua vô tuyến với Hervouët:

Xem thêm:   70 năm âm nhạc cùng Bạch Yến

– Còn thục bi da thêm hai cây số nữa. Sau đó phải thận trọng xem xét giẫm chân phía nào. Sẽ rất quái đản nếu tụi nó không biết chốt chặn.

Domigo bàn:

– Cần siết chặt đội hình. Nếu tụi nó mai phục, là ở khúc cầu nổi qua sông ở Bản Khê-Phai.

Hervouët cắt ngang:

– Gabrielle kêu cứu!

Máy truyền tin trên xe tăng Conti vừa thâu được tiếng nói khẩn khoản của đại úy Gendre:

– Gabrielle gọi Thiết giáp! Gabrielle gọi Thiết giáp! Các anh tiến nhanh lên… Tình hình nguy kịch! Tụi nó đã chiếm được đỉnh đồi và bắn tạt sườn. Chúng tôi kẹt giữa hai luồng đạn địch…

Bộ chỉ huy Phản kích Nhảy dù, từ trái: Guiraud, Botella, Bigeard, Tourret, Langlais và Séguin-Pazzis.

Tiếng nói rất yếu như là máy sắp hết pin. Giọng Domigo vang lên:

– Coi chừng! Chúng ta đã vào khu vực cầu nổi.

Ðiều mà hai đại đội trưởng nghi ngờ diễn ra. Việt Minh chốt chặn kiên cố dọc bờ sông. Domigo lập tức tung các trung đội lên phía trước, vừa làu bàu:

– Tụi nó ít nhất một tiểu đoàn.

Trời đổ mưa. Chạy dưới màn nước, thiếu úy Gérard Boisbouvier trung đội trưởng Trung đội 3 của Ðại đội 4 vượt cầu nổi, nhanh chóng tản đội hình sang cánh trái, lính bắn che cho Trung đội 1 của trung úy Bertrand chiếm lĩnh cánh phải. Nhiệm vụ của Bertrand là ghìm Việt Minh cho “Loulou” Martin cùng với thiết giáp vượt sông. Bertrand cũng thuộc dàn trung úy “lửa” của Lê dương; từng nắm đại đội trước khi bị giáng xuống coi trung đội vì “bạt mạng” ở hậu cứ. Là týp không cần thúc, Bertrand xông tới bất chấp lửa đạn.

Ðã 7 rưỡi sáng. Hừng đông đã rạng nhưng vòm trời trĩu đầy mây xám. Cảnh vật phủ mưa phùn. Tất cả đen và xám. Cỏ cây, suối nước đen. Ðất, trời và mặt người xám. Cả quân phục nhớp nháp cũng biến thành màu xám dính chặt vào cánh tay, bắp đùi.

Lính Nhảy dù Lê dương đồng loạt xung phong ngay loạt súng đầu tiên. Không còn đặt câu hỏi phải tự bảo vệ mình hay phải ẩn núp mà là cơn thịnh nộ tung người về phía trước, lao đến địch trong tầm tiểu liên và tầm ném lựu đạn. Xe tăng M24 Chaffee của Chi đoàn 3 yểm trợ bằng đại bác 75 ly bắn cấp tập, cùng lúc với hai đại liên 7 ly 62 bố trí đằng mũi và đại liên 12 ly 7 trên pháo tháp. Hỏa lực trên 3 xe tăng dệt một hàng rào sắt và lửa che cho đại đội Martin vượt cầu. Còn non một cây số nữa là đến chân đồi Gabrielle. Ðoạn đường ngắn nhưng là một vực thẳm!

Việt Minh đã chiếm đỉnh đồi, từ trên cao theo dõi cuộc phản kích và nhận ra lính Lê dương đã đẩy lùi tiểu đoàn chốt chặn ở cầu nổi. Pháo Việt Minh lập tức bắn cản. Ðại bác 105 ly của Trung cộng quân viện đặt trên các sườn núi vây quanh Gabrielle trực xạ thẳng xuống xe tăng và lính Lê dương tạo ra một bức tường pháo. Ðất ruộng nổ tung tóe, phụt lên như những thân cây mà cành và lá làm bằng miểng. Martin hét:

– Nhanh lên!

Không còn là “Loulou” nhỏ nhẹ. Martin nhảy từ hố này sang hố khác dẫn đầu trung đội mở đường của thiếu úy Touchet. Qua máy truyền tin Martin thúc trung đội yểm trợ của Novak tiến lên. Phía sau là tiếng gầm rú của xe tăng theo sát. Ðại úy Hervouët chi đoàn trưởng Chi đoàn 3 cũng ra lệnh cho xe tăng phóng tới, bất chấp lưới lửa của địch. Tất cả sĩ quan và binh sĩ đều biết chính lúc này quyết định thành bại của cuộc phản kích. Martin hét qua ống liên hợp:

– Chúng ta đã tới sát Gabrielle, phải vượt qua!

(còn tiếp)

Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn Les 170 Jours de Dien Bien Phu của Erwan Bergot, Nxb Presses de la Cité 1979, Chương Gabrielle từ trang 114 đến 145.
Trong dấu ngoặc (..) là phụ chú thêm của người dịch.