Đang là mùa Xuân, vậy mời bạn cùng đọc lại 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác mà tôi đánh máy lại. Thuở xưa Nxb Sống Mới đã quảng cáo là truyện dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77 tuổi. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Tai nạn

Trước khi ý thức chuyện gì xảy ra, ông Lâm với tay nắm khẩu súng lục dưới gối trước đã! Ðoạn ông nghiêng đầu, nghe ngóng…

Từ mười hai năm trông lán gỗ miền cao nguyên heo hút này, có bao giờ ông được ngon giấc đâu!

Có tiếng sấm ì ầm ngoài xa, rồi ánh chớp lóe lên phía rặng núi Tây Bắc: như vậy, ngày mai mưa không chừng, rồi nước lũ ào về bất thần… Nhưng không phải tiếng động đó làm ông tỉnh giấc… Thứ tiếng gì, như tiếng dây xích kéo lê trên mặt đất kìa!

Ðôi lông mày cau lại, lo lắng, ông Lâm có cảm tưởng rõ rệt một nguy hiểm nào đó đang sửa soạn…

Cho tới lúc nghe tiếng kêu cứu đầu tiên từ phía trại quản tượng, ông chợt nhớ ra U-saw. Ðó là tên một con voi lớn ghê gớm, lớn nhất trong đàn voi của ông, không chừng lớn nhất trong tất cả lán gỗ cao nguyên cũng nên… Con voi khổng lồ này vừa bứt xích đi mất khoảng nửa tháng nay.

Thường thì chuyện đó vẫn xảy ra: voi đực có những cơn điên bất ngờ như vậy, đôi con trở thành hung dữ quật chết cả quản tượng. Lão Po cũng biết thế, nên đã cột tới ba lần xích, vậy mà con voi thoát đi như không, kéo theo cả sợi dây sắt.

Từ bữa đó, ba người gặp nó, chưa kịp chạy đã bị giẫm nát bấy.

Tất cả hình ảnh hãi hùng trên thoáng qua óc người quản lý kinh nghiệm: ông chạy vội khỏi lều vải… Còn lúng túng trong đó, gặp U-saw, chỉ có chết.

Cả khu trại vang tiếng gọi ơi ới của đám quản tượng vừa lo chạy vừa tìm cách đánh thức kẻ còn ngủ say.

Con voi dữ chỉ cách ông Lâm có vài thước.Trong bóng đêm chập chùng, ông vẫn thấy rõ đôi ngà dài ghê gớm, thuôn, óng, đẹp tuyệt vời; ánh lên như hai vệt trắng, hơi rung động với nhịp bước của con vật.

Ông Lâm tưởng chừng tim thôi đập chắc, ông không có thì giờ tránh nữa rồi: mé bên phải là cây thông cằn, mé trái thùng nước tắm với chiếc ghế dài… Mà trở vào lều thì con vật giẫm nát bấy ngay!

Ðằng nào cũng phải liều: ông khom người, nép sau thân cây… Giá con vật muốn, nó chỉ bước vài bước nữa, là cả cây lẫn người đều vụn như củi khô… Nhưng may, nó không chú ý tới ông.

Tiếng dây xích loảng xoảng xa dần… mất hút vào rừng.

Ông Lâm cho đốt đống lửa lớn, rồi kiểm điểm mọi người: may không ai việc gì, chỉ phải mẻ sợ mất mật. Như thế, phúc lắm rồi!

Vừa nghĩ vậy, ông Lâm vừa cố gắng cho đôi bàn tay giấu trong túi áo, khỏi run bắn như lên cơn sốt.

Trên đời làm lái gỗ trên rừng, phải nói ông trải nguy hiểm đã nhiều, nhưng chưa bao giờ kề cận cái chết như đêm nay!

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Mặt trời mọc đã cao… Nhóm quản tượng sắp hàng ngoài sân với đàn voi, bình thản như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Lâm cho gọi lão Po. Năm U-saw ra đời lão mới lên tám. Khi con voi được tám tuổi, lão là người cỡi nó đầu tiên. Tới nay, mái tóc lão đã gần bạc hết. Trên ba mươi năm nay cuộc đời con voi và lão gần như gắn liền nhau.

Giọng người quản lý đượm buồn:

– Lão à… Tôi nghĩ con voi của lão điên thật sự mất rồi. Ba người nó giày chết… Ðêm qua ta không thiệt ai thật có phước lắm…

Lão quản tượng già gãi đầu, nhỏ nhẹ:

– Thưa… Tôi xem ra… U-saw qua cơn hung dữ rồi. Ðêm qua nó tính về trại… Xin ông chủ cho tôi coi chừng nó kỹ hơn ít lâu… Chắc nó không hại ai nữa đâu.

Ông Lâm thong thả lắc đầu:

– Tôi cũng muốn nghĩ như lão… Nhưng rồi đây lúc lên cơn, nó đâu chịu theo lão… Rồi lại có người chết thảm… Vả lại, công ty đã có quyết định dứt khoát rồi…

Ðoạn ông thở dài:

– Bây giờ lão theo tôi… thăm nó lần chót đi.

Không ai nỡ nhìn lão Po. Ai cũng hiểu lão đau xót lắm. Gắn bó với con vật từ hồi mười sáu, rồi ba mươi năm vui buồn có nhau… Biết sao giờ!

Ông Lâm lau súng thực sạch.

Hai viên đạn ông chọn đều cỡ lớn, loại xuyên phá cả.

Như vậy là phải. Ðương đầu với voi dữ, không dễ dàng như chuyến săn chơi trong rừng. Sơ sót một li đủ mất mạng rồi.

Giống voi vậy đó, nó băng ngang bờ cây, bụi rậm dễ dàng như chiếc xe ủi đất, trong lúc người thợ săn chết trân giữa đám gai góc như con ruồi mắc vào lưới nhện… Rồi cẳng chân con vật như chiếc cột đình nện xuống, đôi ngà nhọn xốc lên… Có là sắt cũng nát.

Lão Po đứng chờ người quản lý trước lều vải, rầu rĩ muốn chết. Lần này lão biết vô vọng… Thế nào U-saw cũng phải chết… Giá không vướng đứa con nhỏ, lão cũng muốn theo nó cho rồi.

Chợt mặt lão tươi lên đôi chút… Có tiếng reo hò phía ngoài suối: lại có tin gì đây…

Lão đỡ khẩu súng cho người quản lý:

– Thầy!… Nước lũ về rồi đó… Ðêm qua trong núi mưa lớn lắm…

Ông Lâm khựng lại: nước lũ về, tức là ông tới hồi bận rộn đây. Hai bên cạnh dòng suối, hàng trăm cây gỗ toàn loại gỗ thức, đang chờ đợi được đẩy xuống dòng nước, rồi trôi ra sông, cho xuôi tới bến… Thứ công việc diệu vợi ấy bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu, bất cứ lúc nào.

Ông đưa mắt nhìn lão Po, mỉm cười:

– Trời giúp lão đó nhé… Ta thư lại cho tới lúc làm xong gỗ cũng chưa muộn.

Lão Po thở phào, nhanh nhẹn đem cất khẩu súng săn với bì đạn vào lều. Lão hí hửng như bắt được của.

Mới qua một đêm, quang cảnh bờ suối đã thay đổi nhanh chóng: từ một lạch nước rỉ rả uốn quanh lớp cát vàng, đá tảng nông sờ, trông thấy cả sỏi trắng dưới đáy, dòng suối nhờ nước lũ kéo về, gần như biến thành con sông lớn, tràn lên bờ cát, cao tới hai thước…

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Nhiều phiến gỗ đã bị lôi cuốn đi, xô đẩy nhau, đụng vào thành đá, kết lại thành từng bè.

Ông Lâm quên đứt con voi đêm qua, quên vai trò đồ tể miễn cưỡng, để trở thành tay lái gỗ thuần túy.

Ngồi trên lưng voi, đi dọc theo bờ suối, ông bận rộn chỉ dẫn cho nhóm quản tượng vất vả trong bùn, hết đẩy lại lôi những thân gỗ cho khỏi vướng nhau hay xoay ngang, cản đường nước chảy.

Mức nước mỗi lúc một cao. Những cơn mưa đầu mùa tuy chưa tới vùng này, nhưng trong rặng núi tím mát phía Tây Bắc chắc dông tố lớn lắm, vì theo con mắt nhận xét bao giờ cũng chính xác của ông, nước lũ mạnh thế này, cả vùng dám lụt lắm.

Nhanh tay ra, ông có thể đẩy được vài trăm thân gỗ ra sông không vất vả mấy, trước khi xuống nước.

Nhưng tới xế trưa, công việc trở nên khó khăn bất ngờ: một khúc gỗ “Tếch” thứ lớn, khoảng bốn năm tấn thúc vào bờ, rồi dần dần chắn ngang suối, hai đầu gỗ mắc kẹt hai phía… Chỉ một phút sau, hai chục thân cây khác tụ lại quanh đó, rồi mớ gỗ phía trên dồn xuống…

Khi ông Lâm trông tới, dòng nước đã như có chiếc đập chắn ngang.

Ðã vậy, nước lũ cuồn cuộn chảy về cuốn theo vô vàn rác rưởi, nào từng mảng đất cỏ xanh rì, nào cành vụn, rồi rễ cây, dây leo… Ðập nước biến dần thành con đê, tuy chẳng chắc chắn bao nhiêu, nhưng cũng dâng mực nước lên tới ba thước không ít.

Mỗi phút trôi qua, khó khăn chồng chất thêm: những thân gỗ lao từ nguồn thúc tới như vũ bão, tưởng chừng bung ngay chướng ngại vật trước mặt… Trái lại, đê vẫn vững chẳng suy suyển chút nào.

Ông Lâm lau mồ hôi trán, lắc đầu:

– Cứ thế này làm sao xuôi được hết gỗ đây!

Bốn con voi dàn hàng ngang, phía bên kia đê, hết sức kéo những cành cây, thân gỗ, cho tới đá tảng, mô đất, cố gắng, mở một lối nhỏ cho nước thoát trước, rồi sức nặng của đám gỗ phía trên lướt theo…

Ông Lâm tính vậy là phải, nhưng nước không thoát được nhanh, chỉ tỏa ra như vòi rồng qua các kẽ hở trong lúc đống gỗ mỗi lúc một cao dần. Ông quay lại lão quản tượng:

– Giá đào rộng hai bên bờ, may ra…

Lão Po lắc đầu:

– Toàn đá khối, chắc như thép, không được đâu.

Lão nói đúng, vả lại công việc như vậy cũng lâu la, đôi khi nguy hiểm nữa.

Chợt một thân cây từ trên đống gỗ rớt xuống như núi lở… Ông Lâm nhắm mắt lại, không dám nhìn theo. Không phải ông nhát, nhưng ngay bên dưới bốn quản tượng đang bận bịu thúc voi…

– Chắc sao cũng có người bị gỗ đè mất!

Ông đoán trúng một phần: Gỗ không đè lên nạn nhân, nhưng hất gã từ lưng voi xuống dưới. Nhóm quản tượng vội vã dồn voi lên bờ, họ yên trí đê sắp vỡ, chẳng ai nghĩ đến chuyện cứu người không may nằm ngay chân đê.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Khi nhào xuống tới nơi, ông Lâm chỉ còn kịp nâng đầu nạn nhân trên mặt nước cho khỏi chết ngộp.

Loay hoay mãi, ông chẳng có cách nào kéo được gã lên bờ: một tay gã kẹt dưới thân gỗ mất rồi. Thực tội nghiệp.

Nửa giờ đồng hồ kế đó là thời gian độc địa nhất của người quản lý tận tụy với nghề.

Ông gọi lão Po… Bao giờ gặp khó khăn lão cũng chạy lại bên ông:

– Lão tính coi… Làm sao đây?

Lão Po chưa gặp trường hợp nào bi đát như vậy: phía trên gỗ chỉ rình rập rớt xuống dưới này, cánh tay người quản tượng kẹt cứng giữa hai thân gỗ như giữa đôi gọng kìm.

Không kịp tính toán gì hết, lão phụ lực với ông Lâm cố lôi cánh tay nạn nhân… Vô ích! Kéo nữa chỉ tới sai khớp hay gãy xương không chừng.

– Hay ta đẽo bớt gỗ đôi chút…

Lão tính vậy.

Ðến lượt người quản lý lắc đầu:

– Lão lạ gì gỗ “Tếch” này. Rắn như sắt nguội. Thứ đinh lò rèn tốt nhất cũng chỉ ngập chừng nửa phân là gãy như que khô… Ăn thua gì!

Có tiếng rên rỉ khe khẽ của nạn nhân.

– Máu bắt đầu dừng rồi đây… Không nhanh là nguy!… Nhưng nhanh cách nào?

Người quản tượng già đăm đăm nhìn viên quản lý, ngập ngừng:

– Ta chẳng còn cách nào, Thầy ạ!… Trừ ra có thật nhiều người nâng thanh gỗ lên đôi chút… Vài phân là đủ.

Ðiều lão không nói ra là trại gỗ lúc này còn có mười quản tượng: Phu phen dồn cả vào rừng, có ai ngờ nước lũ về sớm thế! Mà mười người thì lay chuyển gì nổi thân gỗ… Thành thử có bàn tới chuyện đó cũng như không!

Lúc này tiếng rên lớn hơn, nghe đứt cả ruột.

Trong lúc hai thầy trò lúng túng chưa biết xoay trở ra sao, xung quanh vang lên thứ tiếng ghê rợn của nước réo gỗ va vào đá, đụng vào nhau, nghe như sấm nổ… Thần kinh ai vững đến đâu cũng căng thẳng tới tột độ.

Ðã mấy lần ông Lâm tưởng đổ vỡ tới nơi… Con đê rung chuyển răng rắc, có lẽ do nước dồn mạnh hay gỗ thúc xuống…

Ông rùng mình… Không cần vỡ hết, con đê chỉ nhích hay chếch đôi chút là những thân gỗ ào ạt đổ xuống như sấm sét, rồi cả dòng nước bung ra như thác lũ, chẳng sức gì cưỡng lại được.

Gặp trường hợp đó, từ hai bên bờ suối, cho tới cả khu trại phía dưới, chẳng còn quản tượng, phu phen nào sống sót… Con voi to lớn nhất cũng sẽ bị thân gỗ cả tấn vọt trên dòng nước như cọng rơm, đè nhẹp.

Ông thở dài:

– Tai hại vô cùng!…

Nhưng đó là chuyện sau, cần thiết là cứu lấy người đã. Ðiều này ông phải làm bằng được.

(còn tiếp 1 kỳ)

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 3-2022