Năm 2020, tôi đã viết về trường hợp Johnny Depp và Amber Heard trong bài viết “Johnny Depp – Mặt trái của #MeToo”1. Năm 2022, Johnny Depp kiện vợ cũ về tội phỉ báng, và sau hơn 6 tuần hầu tòa và chờ đợi quyết định, cuối cùng đã thắng kiện. Đây là một trong những chủ đề nóng sốt nhất trên báo chí và mạng xã hội tháng 5 vừa qua, và có thể nói là có nhiều tác động.

Trước hết, vì sao Johnny Depp kiện Amber Heard?

Johnny Depp kiện một bài op-ep Amber Heard đăng trên Washington Post năm 2018, cụ thể 3 câu về bạo hành gia đình.

Theo Depp, bài op-ed có thể mơ hồ không nói rõ tên, nhưng trước đó Amber Heard đã đi đây đi kia nói mình bị chồng cũ bạo hành nên ai đọc được cũng biết đang ám chỉ tới ai. Thay vì kiện Washington Post như trước đây từng kiện The Sun ở Anh, Johnny Depp nay kiện trực tiếp Amber Heard về tội phỉ báng (defamation), vì những lời cáo buộc này ảnh hưởng đến sự nghiệp, cụ thể là làm Depp bị rút khỏi 2 loạt film bom tấn “Pirates of the Caribbean” và “Fantastic Beasts”.

Sau 6 tuần, cuối cùng vừa rồi Johnny Depp đã thắng kiện, trong cả 3 điều, và được bồi thẩm đoàn quyết định tiền bồi thường 15 triệu đô.

Johnny Depp và Amber Heard. nguồn: AP news 

sao Johnny Depp thắng kiện?

Ðể thắng kiện, Johnny Depp phải chứng minh được: thứ nhất, mình không bạo hành Amber Heard; thứ hai, sự nghiệp bị ảnh hưởng bởi lời cáo buộc của Heard; và thứ ba, Heard hành động có ác ý (malice).

Ngược lại, để thắng kiện, Heard chỉ cần đưa bằng chứng, dù chỉ một lần, mình bị Depp đánh. Và phiên tòa đã cho thấy trong suốt 6 tuần, ngoài lời khai của chính mình và em gái, và hình ảnh mặt bị bầm, Amber Heard không thể chứng minh được điều đó. Ngược lại, phiên tòa 6 tuần cho thấy Heard không đưa được bệnh án hay bằng chứng thương tích nào (dù khai bị đánh gãy mũi); các nhân chứng như cảnh sát xuất hiện tại hiện trường ngay lúc đó hoặc ngày hôm sau không thấy vết tích gì trên người; ảnh chụp ngày hôm sau cho thấy đi chơi bình thường; bác sĩ tâm lý cho biết Heard phóng đại chứ không thực sự có PTSD (post-traumatic stress disorder, tức hậu chấn tâm lý); Heard có nhiều lời khai mâu thuẫn với người khác hoặc với chính mình, hoặc bị vạch trần là nói dối (chẳng hạn nói là dùng một mỹ phẩm của Milani Cosmetics để che vết bầm, trước khi đâm đơn ly dị năm 2016, nhưng sản phẩm đó xuất hiện lần đầu trên thị trường tháng 12/2017, hoặc tuyên bố đưa 7 triệu đô tiền ly dị cho từ thiện nhưng đến giờ vẫn chưa đưa đồng nào) v.v.

Luật sư Amber Heard đưa những bằng chứng bên ngoài như các đoạn tin nhắn có mùi bạo lực, chuyện Johnny Depp uống rượu và dùng chất gây nghiện, chuyện Johnny Depp từng phá phòng khách sạn… nhưng không chứng minh được có bạo hành gia đình. Ngược lại, phe kia cho thấy Johnny Depp mới chính là nạn nhân của Amber Heard, đặc biệt với hình ảnh ngón tay đứt một phần vì chai vodka Heard ném, đoạn ghi âm Heard thừa nhận đánh Depp, và một đoạn ghi âm chính Amber Heard nói “Tell the world, Johnny Depp, tell them, I, Johnny Depp, a man, I am a victim too of domestic violence, and see how many people believe or side with you” (Nói với thế giới đi, Johnny Depp, nói đi, tôi, Johnny Depp, đàn ông, tôi cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình, và xem bao nhiêu người tin hay đứng về phía anh).

Tranh cãi về tự do ngôn luận

Sau khi thua kiện, Amber Heard nhắc tới tự do ngôn luận trong phát biểu chính thức. Một phe nói phán quyết này sẽ hại tới tự do ngôn luận, và nói mấy câu trong bài op-ed chỉ là mấy câu chung chung không nói rõ tên ai. Phe ngược lại nói chẳng liên quan, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do phỉ báng và làm hại danh tiếng sự nghiệp người khác, và những câu đó tách khỏi bối cảnh có thể là chung chung, nhưng bối cảnh của nó là những lời cáo buộc của Amber Heard suốt vài năm qua.

Điều này tác động gì đến #MeToo?

Phiên tòa Johnny Depp – Amber Heard gây chú ý vì theo nghĩa nào đó nó gắn liền với #MeToo, phong trào phụ nữ lên tiếng về kinh nghiệm bị lạm dụng, quấy rối, cưỡng ép tình dục hoặc bạo hành gia đình.

Một số người nói phán quyết của tòa sẽ giết chết #MeToo, là một đòn giáng thẳng vào mặt các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình và các hình thức bạo lực khác, và sẽ làm phụ nữ ngần ngại không dám tố cáo trong tương lai. Một số người khác nói nó chẳng ảnh hưởng gì tới #MeToo mà chỉ chấm dứt #BelieveWomen, một phong trào phụ mọc ra từ #MeToo và kêu gọi tin phụ nữ nói chung, và đây là bài học cảnh tỉnh cho những người tin theo mọi lời buộc tội của phụ nữ. Ngoài chuyện phụ nữ cũng đôi khi nói dối, trường hợp Johnny Depp còn cho thấy đàn ông cũng có thể là nạn nhân (hashtag #MenToo) và phụ nữ cũng có thể là kẻ bạo hành gia đình.

Những người ủng hộ cầm bảng hiệu bên ngoài Tòa án Quận Fairfax Thứ Hai, ngày 11 tháng 4 năm 2022. nguồn: Mke Rudd / 7News / wlos.com

Phiên tòa cho thấy điều gì về một số báo chí?

Bất kỳ ai theo dõi phiên tòa Johnny Depp – Amber Heard cũng có thể thấy sự khác biệt rất rõ, nếu không nói là đối lập, giữa dư luận và nhiều báo chí chính thống.

Dựa theo posts lẫn comments trên Facebook, Twitter, Youtube, TikTok, Instagram… có thể thấy phần đông mọi người theo dõi đều đứng về phía Johnny Depp, trong đó có một số nói trước đây từng tin Amber Heard tới khi theo dõi phiên tòa trên TV và biết chi tiết; ngoài ra có một số nghĩ cả hai đều độc hại và bạo hành tới từ hai phía; chỉ có một số ít ủng hộ Amber Heard (và dùng hashtag #IStandWithAmber

Heard). Không chỉ vậy, Amber Heard còn trở thành meme (đặc biệt khi Johnny Depp nói Amber Heard từng ị lên giường của hai người, dẫn tới hashtag #AmberTurd và #MePoo), và trên mạng xã hội có hàng loạt clip chế giễu hoặc cho thấy Heard nói dối hoặc mâu thuẫn chính mình.

Ngược lại, khá nhiều trang truyền thông chính thống như The Guardian, CNN, New York Times, New York Post, The New Yorker, TMZ… tung hết bài này đến bài khác đứng hẳn về phía Amber Heard; đả kích phiên tòa lẫn phản ứng trên mạng xã hội là ghét phụ nữ (misogynistic); nói những người ủng hộ Johnny Depp chỉ là fan của Depp và hater của Heard; nói vụ kiện này sẽ nguy hiểm thế nào cho tương lai, v.v…2 Sau phán quyết, mục tin tức chính thức của Twitter và nhiều tờ báo lớn cũng bị xem là không trung thực khi để tựa là cả hai đều bị phỉ báng, trong khi thực tế là Johnny Depp thắng 3 điều và được 15 triệu trong khi Amber Heard thắng 1 điều và được 2 triệu, và lời phỉ báng là luật sư của Depp chứ không phải chính Depp.

Một số có lẽ thực sự tin Amber Heard, và một số khác muốn vớt vát #MeToo và tìm cách định hướng dư luận, nhưng nhiều người cũng nói đây không phải là cách cứu #MeToo—cách cứu #MeToo là tách bạch nó và #BelieveWomen, và tách Heard khỏi phong trào.

Khá nhiều nhà báo hoặc feminist cũng nói lẽ ra phiên tòa không nên công chiếu trên TV, nhưng nhiều người nói nếu chỉ nghe theo báo chí và không xem trực tiếp, mọi người đã có cái nhìn hoàn toàn sai lệch về Johnny Depp và Amber Heard3. Một người tên Chris Ryle Wright viết trên Twitter, chuyện phiên tòa được công chiếu là quan trọng, không ai theo dõi mà vẫn tin khi báo chí nói Heard là nạn nhân và người ủng hộ Depp là nguy hiểm hoặc sai lầm. Tweet đó cho đến nay có hơn 4,000 retweets và hơn 32,000 likes4.

Có thể nói, cách một số tờ báo viết về phiên tòa khiến nhiều người giảm, thậm chí mất, lòng tin với báo chí chính thống nói chung.

HDN

1: https://baotreonline.com/van-hoc/tre-voices/johnny-depp-mat-trai-cua-metoo.baotre

2: Ví dụ 2 bài viết về cách một số báo chí đưa tin về phiên tòa:

https://www.skynews.com.au/business/media/media-loses-reader-trust-by-painting-the-johnny-depp-and-amber-heard-trial-as-misogynistic/news-story/25d028a213baea924e32d74280483584

https://www.eclecticpop.com/2022/05/johnny-depp-versus-amber-heard-why-is-the-media-so-pro-heard.html

3: Hàng loạt tweet nói về cách báo chí đưa tin, và cho thấy một số người mất lòng tin: 

https://twitter.com/search?q=%23deppvsheardtrial%20mainstream%20media&src=typed_query&f=live

4: https://twitter.com/chrisrwright/status/1531575502951141376