Ðược viết từ thập niên 1950 ở Liên Xô nhưng xuất bản lần đầu tiên năm 1980 ở nước ngoài và dịch lần đầu sang tiếng Anh năm 1985, Life and Fate (Жизнь и судьба) của Vasily Grossman có vẻ không biết đến nhiều ở Việt Nam.

Tuy nhiên trong thế giới tiếng Anh, Life and Fate được ca ngợi là War and Peace của Liên Xô và một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Life and Fate đặc biệt càng đáng đọc trong thời điểm hiện nay, khi cuộc chiến Ukraine đang diễn ra.

Tác giả Vasily Grossman

Vasily Semyonovich Grossman sinh ngày 12/12/1905 tại Berdichev, nay thuộc Ukraine. Ông là người Do Thái và, như nhân vật chính Viktor Shtrum trong Life and Fate, mẹ ông bị giết bởi phát xít Ðức.

Ông bắt đầu viết truyện ngắn khi đang học kỹ thuật hóa học ở Moscow.

Khi Ðức xâm lược Liên Xô, Vasily Grossman trở thành phóng viên chiến trường; viết về một số trận đánh lớn, bao gồm trận Stalingrad (sau này đưa vào hai cuốn Stalingrad Life and Fate); và cũng là một trong những người đầu tiên viết về Holocaust, đặc biệt trại hành quyết Treblinka (bài viết được dịch sang tiếng Anh là “The Hell of Treblinka”).

Ông qua đời năm 1964, vài tác phẩm chưa thấy ánh sáng, và trong nhiều năm hoàn toàn không được biết đến ngoài Liên Xô như một số nhà văn khác như Solzhenitsyn hay Pasternak. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, nhờ công dịch và quảng bá của dịch giả người Anh Robert Chandler, Vasily Grossman đã dần dần được biết đến nhiều hơn và trở thành một trong những cây bút quan trọng nhất viết về những nỗi kinh hoàng của thế kỷ XX.

Vasily Grossman – nguồn the new yorker 

Cuốn sách bị “bắt” và được cứu thế nào?

Life and Fate là phần hai của bộ tiểu thuyết hai cuốn. Tuy nhiên sau khi viết Stalingrad (bị cắt xén, chỉnh sửa, và đổi tựa thành For a Just Cause), Vasily Grossman thay đổi quan điểm và thẳng thắn phê phán Stalin và chế độ cộng sản trong Life and Fate với hy vọng, có lẽ ngây thơ, cuốn sách có thể xuất bản sau khi Stalin chết năm 1953.

Không lâu sau khi nộp bản thảo cho tạp chí Znamya, Vasily Grossman bị KGB xông vào nhà—không bắt giữ tác giả nhưng tịch thu mọi bản thảo, bản copy, sổ tay, thậm chí cả ruy băng mực máy đánh chữ.

Theo cách nói của Grossman, cuốn sách bị “bắt”. Mikhail Suslov của Bộ Chính trị nói, nếu cho ra, Life and Fate sẽ gây hại cho Liên Xô hơn cả Doctor Zhivago.

Khi qua đời, có lẽ Vasily Grossman không nghĩ tác phẩm của mình sẽ ngày nào đó được xuất bản, thậm chí tiếp tục được đọc trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên trước khi KGB đến nhà và tịch thu mọi thứ, ông đã kịp tuồn hai bản thảo cho hai người bạn khác nhau, và cuốn sách được xuất bản năm 1980 tại Thụy Sĩ.

Vì sao nên đọc Life and Fate?

Trong thời gian làm phóng viên chiến trường, Vasily Grossman đọc đi đọc lại War and Peace và có vẻ xem đó là hình mẫu để viết Life and Fate. Cũng như tác phẩm của Tolstoy, Life and Fate có hàng trăm nhân vật và có tham vọng dựng lên toàn bộ bức tranh xã hội Nga. Cũng như tác phẩm của Tolstoy, Life and Fate đôi khi có những đoạn essay về tư tưởng và lịch sử.

Xét về giá trị nghệ thuật, Life and Fate tất nhiên không thể so sánh với War and Peace về cách xây dựng và thể hiện tâm lý nhân vật. Cũng không có gì avant-garde hay đột phá về văn phong hay technique. Cái mạnh của Vasily Grossman là ở cảnh, và ở chi tiết—Life and Fate có vô số hình ảnh và chi tiết sẽ luôn khắc vào đầu người đọc như lá thư cuối cùng Viktor Shtrum nhận từ mẹ trước khi bà bị giết bởi Ðức Quốc xã, hay chi tiết một người bị đóng đinh vào tai và chết trong đau đớn trong gulag (ngục tù)trong khi những tù nhân khác vờ như không thấy, hay hình ảnh nữ bác sĩ Sofya Levinton và cậu bé David dần dần mất sự sống và trở thành con búp bê trong phòng hơi ngạt.

Không phá cách, không màu mè phô trương, nhưng cũng không ủy mị, Vasily Grossman nhìn thẳng vào sự thật và vạch trần những nỗi kinh hoàng lớn nhất của thế kỷ XX: thế chiến thứ hai, Holocaust, chủ nghĩa phát xít, và chủ nghĩa cộng sản. Tôi nói thế mạnh của Grossman là ở cảnh và chi tiết, nhưng Life and Fate cũng là tác phẩm đồ sộ, hơn 900 trang vẽ lên gần như toàn bộ thế kỷ.

nguồn target

Không chỉ vậy, ông thẳng thừng so sánh chế độ phát xít Ðức và chế độ cộng sản, đặc biệt dưới thời Stalin. Không có gì lạ khi nhà nước Liên Xô không cho cuốn sách xuất bản (nhưng cuối cùng chính nhà nước đã thua cuộc).

Thua Tolstoy về tâm lý nhân vật nhưng, theo tôi, Vasily Grossman có ba thế mạnh so với Tolstoy.

Thứ nhất, Tolstoy không viết về thời của mình (War and Peace đúng nghĩa là historical novel) trong khi Grossman viết về chính giai đoạn mình đã sống qua, và cũng là phóng viên chiến trường, có điều kiện quan sát trực tiếp nhiều trận chiến, đến xem trại tập trung, gặp người sống sót từ gulag v.v.

Thứ hai, trong khi các vấn đề xã hội và các cuộc tranh luận trong War and Peace đã trở thành quá xa lạ với độc giả hiện nay, Life and Fate nói về phát xít và cộng sản, và không chỉ vậy, cho thấy cái nguy hiểm của ý thức hệ nói chung, và chống lại mọi sự đàn áp, mọi sự tàn ác nhân danh một chủ nghĩa hay lợi ích lớn lao hơn. Ngoài ra, vì là người Do Thái ở Ukraine, ông cũng viết về chủ nghĩa bài Do Thái và vấn đề phân biệt sắc tộc trong chính xã hội Liên Xô, vẫn còn thấy ở Nga hiện tại.

Thứ ba, mặc dù Tolstoy là nhà văn tôi thích và ngưỡng mộ nhất, tôi đôi khi không khỏi khó chịu với quan điểm hoặc tính cách Tolstoy hiện trên trang giấy, còn Grossman có tính cách “dễ chịu” hơn. Life and Fate thường được so sánh với War and Peace nhưng Grossman lại gần hơn với Chekhov về quan điểm và tính khí: Grossman hoàn toàn không theo hệ tư tưởng nào, và đặt lên trên hết cá nhân, nhân phẩm, tự do, và sự tử tế.

Life and Fate vì vậy là một tiểu thuyết đầy nhân văn. Mặc dù viết về những chuyện tối tăm nhất, những vụ tàn sát kinh khủng nhất và những chế độ hà khắc nhất, Vasily Grossman vẫn tin vào sự tử tế và nỗi khát khao được sống, khát khao tự do của con người.

Ðây là một tác phẩm đáng để đọc.

HDN