Giới học thuật cúi đầu

Vài năm qua, trái với mong đợi, khi phát triển kinh tế, Trung Quốc không những không chịu ảnh hưởng từ các nước phương Tây và trở nên tự do hơn mà ngược lại, còn gây áp lực và tạo hiện tượng tự kiểm duyệt ở các nước dân chủ phương Tây. Trong Phần một, tôi đã viết về NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia của Mỹ) và hàng loạt các thương hiệu quốc tế đã cúi đầu xin lỗi Trung Quốc, và trong Phần 2, đã viết về tác động của nhà nước và hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc đến Hollywood.

Phần cuối cùng của loạt bài là về ảnh hưởng của Trung Quốc đến trường đại học và giới học thuật ở các nước phương Tây, bao gồm Mỹ. 

 Ví dụ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt ở trường đại học

Năm 2014, Washington Post có một bài viết về cái giá phải trả khi một loạt Viện Khổng Tử mọc lên khắp nơi ở Mỹ. Chẳng hạn năm 2009, Viện Khổng Tử phản đối khi North Carolina State University mời Dalai Lama và sự kiện bị hủy bỏ—hiệu trưởng trường đại học nói với Bloomberg, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Bắc Carolina.

3 năm sau, một giảng viên Viện Khổng Tử ở Canada tên Sonia Zhao nói với một tòa án nhân quyền là hợp đồng quy định không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp như Pháp Luân Công, và cũng được đào tạo ở Bắc Kinh để tránh các chủ đề “nhạy cảm” trong lớp.

Theo Washington Post, một số trường đại học ưu tú như Stanford đã đàm phán để bỏ một số đề xuất của Trung Quốc, nhưng không phải mọi trường đại học đều làm như vậy1.

Năm 2015, Harvard Law School hủy bỏ một buổi nói chuyện về bất đồng chính kiến ở Trung Quốc của luật sư nhân quyền và bất đồng chính kiến Teng Biao2.

Năm 2017, Trung Quốc trừng phạt University of California, San Diego và gây khó dễ cho các học giả định đến đó, vì mời Dalai Lama đọc diễn văn khai giảng3.

Năm 2018, nhà báo Bethany Allen-Ebrahimian có một buổi nói chuyện ở Savannah State University và thấy chữ Ðài Loan bị rút khỏi tiểu sử của mình. Trước các sinh viên báo chí, Allen-Ebrahimian nói về những chủ đề đã viết trong nhiều năm như biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, sự đàn áp của nhà nước Trung Quốc với người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ  v.v.  và sau đó bị Luo Qijuan, đồng giám đốc của Viện Khổng Tử, tới “nói chuyện”. Luo cũng là người rút chữ Ðài Loan khỏi đoạn tiểu sử.

Cũng theo bài báo của Bethany Allen-Ebrahimian, năm 2014, một buổi hội thảo học thuật ở Bồ Ðào Nha phải bỏ các tài liệu về Ðài Loan do sự phản đối của Viện Khổng Tử, và đồng giám đốc người Hoa ở University of Albany rút hết poster về Ðài Loan trước chuyến thăm của vài người từ Trụ sở Viện Khổng Tử (Hanban). Một vài trường đã đóng Viện Khổng Tử do vấn đề kiểm duyệt, nhưng không phải mọi nơi đều có thể, đặc biệt khi Viện Khổng Tử đổ tiền vào các trường đại học4.

Năm 2019, một loạt poster về biểu tình dân chủ Hồng Kông bị gỡ xuống ở Massey University, New Zealand5. Cùng năm, Auckland University of Technology của New Zealand hủy bỏ tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn6.

Năm 2019, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (Chinese Student and Scholars Association) phản đối một sự kiện ở McMaster University, Canada với một nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ7, và năm 2020, Hiệp hội kêu gọi thành viên viết kiến nghị phản đối Brandeis University, Massachusetts có hội thảo qua Zoom về diệt chủng văn hóa ở Tân Cương. Tuy nhiên buổi hội thảo vẫn diễn ra, dù bị phá và sách nhiễu8.

Năm 2020, Charles Darwin University ở Úc xin lỗi vì có nhân viên nói coronavirus có nguồn gốc từ Trung Quốc9.

Năm 2021, sau một loạt vụ tấn công với người gốc Á, Carnegie Mellon University ở Pennsylvania gửi tuyên bố thể hiện đoàn kết với sinh viên gốc Á, nhưng hai tuần sau phải lên tiếng xin lỗi vì trong tuyên bố nhắc tới cuộc đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông và diệt chủng ở Tân Cương10.

Cũng năm 2021, một phòng trưng bày nghệ thuật trong khuôn viên Australian National University ở Úc rút đi 3 tác phẩm châm biếm Trung Quốc và cách nhà nước đàn áp người Duy Ngô Nhĩ11.

Sinh viên và học giả Trung Quốc

Năm 2020, VOA có một bài báo về sinh viên Trung Quốc tự kiểm duyệt khi du học ở Mỹ, không dám nhắc tới Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, Ðài Loan, hay Dalai Lama, do sợ ảnh hưởng đến gia đình ở nhà hoặc ảnh hưởng đến tương lai và visa. Dù đang ở Mỹ, nhiều sinh viên người Hoa vẫn lo ngại như vẫn ở trong nước, sợ bị sinh viên người Hoa khác nghe và báo lại, hoặc sợ bị theo dõi và báo cáo bởi Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc hay Viện Khổng Tử, cánh tay nối dài của Ðảng cộng sản Trung Quốc12.

Năm 2021, Human Rights Watch đưa ra báo cáo chi tiết về tình hình sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Úc. Các sinh viên chỉ trích đảng cộng sản Trung Quốc hoặc ủng hộ các phong trào dân chủ ở Hồng Kông hay Trung Quốc bị chính các sinh viên người Hoa khác harass và đe dọa—dọa đánh, dọa báo lên trên hoặc tung lên mạng thông tin cá nhân. Sợ bị báo cáo hoặc rắc rối về visa hoặc gây chuyện cho người nhà, nhiều sinh viên quyết định im lặng, tự kiểm duyệt, và không dính líu tới chính trị dù đang đi học tại Úc, không còn ở trong nước. Một số sinh viên bị cảnh sát tra hỏi sau khi du học về.

Không chỉ sinh viên, học giả và giáo sư người Hoa cũng chịu áp lực, cũng bị đe dọa, và đôi khi cũng phải tự kiểm duyệt để không bị sinh viên “trả thù” trong Khảo sát trải nghiệm môn học (Subject Experience Survey), nơi sinh viên viết phản hồi về khóa học và giáo viên. Một số người còn cảm thấy không được trường đại học hỗ trợ, và tin rằng nếu có mâu thuẫn xảy ra, trường đại học sẽ đứng về phía sinh viên Trung Quốc đóng đủ học phí, chứ không phải phía giáo sư.

Ngoài Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc, Viện Khổng Tử, và các sinh viên khác, sinh viên và học giả Trung Quốc ở nước ngoài còn có thể bị theo dõi qua WeChat (mạng xã hội Trung Quốc). 35 trong số 43 trường đại học Úc có tài khoản WeChat chính thức để chia sẻ thông tin và kết nối sinh viên, dù WeChat có thể bị giám sát và phải cung cấp thông tin cho nhà nước Trung Quốc13.

Bảo Huân

Những điều này có nghĩa gì?

Nó cho thấy sinh viên và giáo sư Trung Quốc ngay cả khi đang sống, đang du học và làm việc ở các nước dân chủ phương Tây, vẫn bị theo dõi và giám sát và vẫn phải cẩn thận với lời nói như vẫn đang sống trong nước, nhờ Viện Khổng Tử, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc, WeChat, và các sinh viên làm nhiệm vụ “đấu tố” bạn học. Nó cũng cho thấy đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ kiểm soát và thao túng cộng đồng người Hoa mà cũng tác động được các trường đại học phương Tây—bài viết đưa ra vài trường hợp bị báo chí khui ra, nhưng chắc chắn sẽ còn vô số trường hợp khác không được nhắc tới, giới học thuật phải tự kiểm duyệt để không làm mếch lòng nhà nước Trung Quốc và không mất tiền từ Trung Quốc.

Nói cách khác, trong khi nhiều người ở các nước phương Tây đang bận tranh cãi về tự do ngôn luận, phải đạo chính trị (political correctness), và ngôn ngữ gây thù hận (hate speech), có một vấn đề lớn hơn nhiều nhưng ít được nhắc tới: cách Trung Quốc kiểm duyệt và gây tự kiểm duyệt, trong kinh doanh, truyền thông, điện ảnh, lẫn giới học thuật ở các nước dân chủ phương Tây. Trung Quốc kiểm duyệt thế giới.

HDN

1: https://www.washingtonpost.com/opinions/the-price-of-confucius-institutes/2014/06/21/4d7598f2-f7b6-11e3-a3a5-42be35962a52_story.html

2: https://www.thefire.org/report-harvard-law-school-administrator-canceled-2015-event-on-dissent-in-china/

3: https://www.insidehighered.com/news/2017/09/20/china-punishing-american-university-hosting-dalai-lama

4: https://foreignpolicy.com/2018/05/09/how-china-managed-to-play-censor-at-a-conference-on-u-s-soil/

5: https://www.stuff.co.nz/national/116723925/posters-depicting-hong-kong-protests-removed-by-massey-university-within-12-hours

6: https://www.newsroom.co.nz/2019/07/30/705870/aut-scraps-tiananmen-square-event

7: https://www.thefire.org/pressure-continues-against-campus-critics-of-china/

8: https://www.thefire.org/brandeis-panel-on-uyghur-muslims-faces-calls-for-cancellation-zoombombing/

9: https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3981829

10: https://www.thefire.org/apology-for-anti-asian-bigotry-statement-at-carnegie-mellon-highlights-difficulty-of-discussing-china-on-campus/

11: https://www.smh.com.au/politics/federal/targeted-attack-artist-abused-as-anu-based-gallery-takes-down-artwork-critical-of-chinese-government-20210326-p57egh.html

12: https://www.voanews.com/student-union/chinese-students-say-free-speech-us-chilled-china

13: https://www.hrw.org/report/2021/06/30/they-dont-understand-fear-we-have/how-chinas-long-reach-repression-undermines