Có lẽ bất kỳ ai đi du học, tỵ nạn, hoặc định cư ở nước ngoài đều từng trải nghiệm rào cản ngôn ngữ. Có người không biết tiếng. Có người nói được tiếng Anh nhưng lại tới một nước không nói tiếng Anh. Có người dùng được ngoại ngữ nhưng không quen nghe accent, hoặc bản thân có accent người khác không hiểu. Có người viết tốt nhưng nghe/nói không tốt, hoặc dùng được ngoại ngữ nhưng vẫn không diễn đạt được hết mọi thứ mình muốn nói. Có người dùng rất tốt ngoại ngữ, nhưng lại gặp phải từ ngữ địa phương trước đây không biết.

Trước đây khi ở Na Uy tôi cũng vậy, đặc biệt thời kỳ đầu, người ta nói mình không hiểu, mình nói người ta nghe không ra. Có nhiều lúc không thể đáp trả, hoặc đáp trả không kịp, hoặc không thể tranh cãi và giải thích ý mình muốn nói vì không đủ ngôn ngữ để nói hết ý.

Vấn đề của rào cản ngôn ngữ là gì?

Bị lợi dụng

Vấn đề dễ thấy nhất khi không nói được ngoại ngữ là bị lợi dụng, và tất nhiên, người lợi dụng chính là đồng bào mình.

Chỉ cần nhìn vào nhà hàng và tiệm salon, tiệm nail của người Việt là thấy – người Việt có thể giúp đỡ nhau trong cộng đồng, nhưng chính người Việt cũng lợi dụng và bóc lột đồng bào hơn ai hết. Chỉ với người Việt, chủ Việt mới có thể bóc lột sức lao động, trả lương thấp, lách luật, bỏ bớt quyền lợi, kiểm soát, và chửi bới xúc phạm.

Người Việt khi không đủ tiếng và không có điều kiện đi làm cho người bản xứ, đặc biệt nếu không có giấy tờ, đành phải đi làm trong cộng đồng Việt. Thông thường họ không biết mình nên có quyền lợi gì, nhưng thật ra nếu có biết, cũng không còn lựa chọn nào khác, và để bị bóc lột sức lao động.

Trước đây ở Oslo tôi từng làm việc vài tháng ở một nhà hàng Việt – lương thấp, quyền lợi không có, không được trả tiền làm thêm giờ (overtidpenger), không được trả tiền làm cuối tuần, bị camera theo dõi, chỉ cần đứng yên không làm gì chừng hai phút là có điện thoại kêu đi lau cái gì đó… Nhưng đó chỉ là đi làm thêm một thời gian ngắn, nhiều người khác phải làm hàng năm cho chủ người Việt, đi từ nhà hàng này sang nhà hàng khác, hoặc tiệm nail này sang tiệm nail khác, và bị lợi dụng và bóc lột.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Bị bắt nạt

Người Việt không nói được ngoại ngữ không chỉ bị chủ Việt lợi dụng, mà còn bị người bản xứ bắt nạt.

Khi tôi đi làm ở nhà hàng Việt ở Oslo, không ít lần có người ăn xong đi ra không trả tiền, hoặc bịa lý do gì đó để không trả tiền.

Có một lần tôi không bao giờ quên: có hai ông Na Uy vào nhà hàng, ăn uống đủ thứ. Sau đó bảo tìm thấy miếng plastic trong đĩa, từ chối trả tiền. Nhân viên của tiệm nhìn miếng plastic (dùng để cột đồ), bảo không thể từ tiệm ra – không bao giờ sử dụng cái gì có miếng plastic đó. Và nếu đã thấy miếng plastic trong đĩa đồ ăn, tại sao không trả lại đòi phần khác, mà ăn hết rồi mới nói không trả tiền? Mọi nhân viên đều biết hai ông kia tự bỏ miếng plastic vào đĩa để viện cớ.

Không chỉ vậy, miếng plastic chỉ trong một đĩa, nhưng từ chối trả tiền cho toàn bộ hai phần ăn lẫn nước uống. Tới khi vài nhân viên cãi lại, hai vị khách kia la toáng lên và dọa đưa lên báo, cuối cùng tiệm rụt lại, để cho đi.

Hai vị khách Na Uy, ăn được một bữa no không tốn xu nào, dọa được một đám nhân viên người Việt, sung sướng bỏ đi.

Một trong những điều quan trọng tôi nhận ra qua thời gian là, khi sống ở nước ngoài, phải giỏi ngôn ngữ, phải cãi được để bảo vệ mình, và cần phải nắm luật. Nếu không sẽ bị bắt nạt.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Vài tháng vừa qua, tôi làm manager’s assistant ở một salon, và nhận thấy không ít lần may mà dùng được tiếng Anh và biết luật, chứ không đã bị “trèo lên đầu”. Chẳng hạn, tôi thử hỏi giá cho music license, chưa bảo mua, bên kia đã lập tài khoản và đưa hóa đơn, sau đó cứ lẽo nhẽo đi theo đòi tiền, thậm chí còn dọa tăng phí vì trễ hạn ngay cả khi tôi đã nói là không mua, không dùng. Cuối cùng tôi phải rắn lại, nói không mua và chưa bao giờ đồng ý lập tài khoản, bảo bên kia phải xóa tài khoản và mọi thông tin theo luật của GDPR, cuối cùng họ rụt lại, xóa mọi thông tin và không chạy theo đòi nữa.

Ngoài ra, làm manager’s assistant tôi cũng phải làm việc với nhân viên, trong đó có một nàng làm sai nhưng vô lý, không biết vị trí của mình, và không biết luật nhưng thích dọa – nói chung rất láo. Nếu xảy ra 10 năm trước, có lẽ tôi đã lo ngại, hoặc cãi không lại. Nhưng bây giờ thì khác.

Bị lừa

Một vấn đề khác của vấn đề ngôn ngữ là dễ bị lừa nếu không hiểu hết, hoặc không đủ tiếng để vặn hỏi lại.

Chẳng hạn, trong thời gian làm ở salon, có một lần salon nhận được một loạt cú điện thoại từ các công ty điện và agency khác nhau, tất cả đều xâu xé tìm cách lôi salon về công ty mình, thậm chí còn dọa, bảo phải quyết định trước trưa. Tôi nói không, tôi không thích bị ép, và thay vì chụp đại một công ty điện nào đó, tôi nghe tất cả các lựa chọn khác nhau để suy nghĩ. Có một vị vừa ép vừa dọa, sau một lúc mất bình tĩnh còn nói vài câu xúc phạm, tôi nói lại vài câu rồi cúp máy.

Tôi còn google thêm để đọc review, và cuối cùng mặc kệ tất cả những công ty đã liên hệ, mà chọn cái hoàn toàn khác – Octopus Energy.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Sau khi đã đăng ký xong mọi thứ với Octopus Energy, salon vẫn nhận được điện thoại từ các công ty khác, và đa phần đều cúp máy sau khi tôi nói đã quyết định xong. Tuy nhiên có một vị, giả vờ là Octopus Energy, bảo application chưa xong vì có lỗi, và tìm cách lấy thông tin từ tôi để đăng ký lại – tôi lúc đầu tưởng thật, hỏi vài lần đó có phải là Octopus Energy không, bên kia ậm ừ, nên tôi đưa vài thông tin, nhưng sau đó hỏi thêm lần nữa, mới phát hiện ra bên kia là công ty khác, định lừa để lấy thông tin và đẩy sang công ty mình.

Nếu không nói tiếng Anh lưu loát và không đầy nghi ngờ, tôi đã bị lừa và khiến salon đăng ký với một trong những công ty điện có review thấp nhất ở Anh.

Vài suy nghĩ thêm

Nói chung, càng sống lâu ở nước người, tôi càng thấy phải có ngôn ngữ, phải biết luật, và ý thức được quyền lợi của mình để tự bảo vệ mình mà không để ai lừa hay bắt nạt. Với những kẻ phân biệt chủng tộc, ít nhất, khi nói được lưu loát mình có thể đối đáp lại và không cho phép chúng nó xúc phạm mình. Ngoài bọn kỳ thị chủng tộc, còn có những kẻ sẵn sàng lấn ép, lừa gạt người nước ngoài không thể tự bảo vệ.

Bởi vậy, mỗi khi đi phiên dịch cho người Việt ở Anh, tôi một phần không hiểu được làm sao một người có thể sống ở Anh cả chục năm không nói được một chữ, đôi khi không có giấy tờ, hoàn toàn không có quyền lợi. Nhưng một phần khác, tôi chỉ thấy buồn, và lo – không nói được tiếng Anh, họ dễ dàng bị lừa, bị bắt nạt, phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, và dễ dàng bị bóc lột.

Bảo Huân

DN