Năm 2022, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 2-5/6/2022, cả Vương quốc Anh ăn mừng Đại lễ Bạch kim (Platinum Jubilee), kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II – quân vương (monarch) trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Nhân dịp này, hãy nhìn lại cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth II.

nguồn: chroniclelive.co.uk | Getty Images

Thời thơ ấu

Elizabeth II sinh ở London ngày 21/4/1926, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, tên thân mật là Lilibet. Là con gái lớn của Hoàng tử Albert, công tước xứ York và Lady Elizabeth Bowes-Lyon, Elizabeth ít có triển vọng thừa kế ngai vàng cho tới khi bác của mình là Edward VIII đột ngột thoái vị, khiến Hoàng tử Albert trở thành vua của Anh quốc với tên là George VI. Elizabeth từ đó trở thành người kế vị.

Khi nhỏ, Elizabeth được dạy kèm tại nhà, trong đó đáng chú ý là giáo viên sử C.H.K. Marten, sau này trở thành hiệu trưởng Eton College, một trong những trường tư danh tiếng nhất của Anh quốc.

Thời trẻ

Từ khoảng năm 1942, công chúa Elizabeth bắt đầu đảm nhiệm công việc của gia đình hoàng gia Anh, xuất hiện chính thức trước công chúng để kiểm tra quân đội, và cũng đi cùng vua và hoàng hậu trong các chuyến thăm chính thức ở Anh. Năm 1945, Elizabeth tham gia Auxiliary Territorial Service và được đào tạo, cùng với các phụ nữ Anh khác, để làm người lái xe và thợ cơ khí cho chiến tranh.

Hôn nhân

Ðầu năm 1947, công chúa Elizabeth cùng vua và hoàng hậu đi Nam Phi. Khi về, có thông báo là Elizabeth đã hứa hôn với một người anh họ xa là Trung úy Philip Mountbatten của Hải quân Hoàng gia (Royal Navy), trước đây là Hoàng thân Philip của Hy Lạp và Ðan Mạch. Ðám cưới diễn ra ở Westminster Abbey ngày 20/11/1947. Ðêm đám cưới, vua George VI phong cho chàng rể Philip tước hiệu Công tước (duke) xứ Edinburgh, Bá tước (earl) vùng Merioneth và Nam tước (baron) vùng Greenwich.

Charles, con đầu lòng của Elizabeth và Philip, ra đời ngày 14/11/1948 ở Ðiện Buckingham.

Lên ngôi

Mùa hè năm 1951, sức khỏe vua George VI bắt đầu sa sút, và Elizabeth phải đại diện cha mình trong nhiều sự kiện lớn của hoàng gia. Tháng 7 năm đó, Elizabeth và chồng có một chuyến công du rất thành công ở Canada và Washington D.C., và sau Giáng sinh hai người chuẩn bị một chuyến công du tới Úc và New Zealand nhưng đang trên đường đi thì nhận tin nhà vua băng hà ngày 6/2/1952. Ngay lập tức Elizabeth phải quay trở về Anh, và để tang cha 3 tháng.

Ngày 2/6/1953, tại Westminster Abbey, Elizabeth chính thức đăng quang trở thành Nữ hoàng Elizabeth Ðệ nhị, Nữ hoàng của Anh quốc và các quốc gia khác thuộc Khối Thịnh Vượng chung (Commonwealth Realm). Lần đầu tiên trong lịch sử, lễ đăng quang được phát sóng trên truyền hình cho cả thế giới cùng theo dõi.

Vương tế Philip từ đó phải từ bỏ sự nghiệp hải quân đang huy hoàng của mình (khi đó là commander) và chấp nhận vị trí phía sau Nữ hoàng Elizabeth II.

Trong vị trí Nữ hoàng

Là nguyên thủ quốc gia (head of state) nhưng đó chỉ là chức vụ có tính nghi lễ và không có quyền lực thực sự, Nữ hoàng Anh không được quyền can thiệp vào chính trị và cũng không được lên tiếng thể hiện quan điểm, như mọi thành viên khác của Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, Nữ hoàng vẫn có rất nhiều công việc và nghĩa vụ khác.

Sau đăng quang, bắt đầu từ tháng 11/1953, Nữ hoàng và Philip, Công tước xứ Edinburgh bắt đầu một chuyến công du kéo dài 6 tháng tới các nước của Khối Thịnh Vượng chung, trong đó bao gồm chuyến thăm đầu tiên tới Úc và New Zealand của một Quốc vương đang trị vì của Anh quốc. Năm 1957, sau vài chuyến thăm cấp nhà nước tới một số quốc gia Châu Âu, Nữ hoàng và Philip đến thăm Hoa Kỳ và Canada. Năm 1961, Elizabeth II thực hiện chuyến công du đầu tiên của Hoàng gia Anh trong 50 năm tới tiểu lục địa Ấn Ðộ, và cũng là đương kim Quốc vương Anh đầu tiên đến thăm Nam Mỹ, năm 1968, và các nước vùng vịnh Ba Tư (Persian Gulf), năm 1979.

Cho đến nay, Nữ hoàng Elizabeth II đã tới hơn 120 quốc gia khác nhau, có lẽ là quân vương đi công du nhiều nhất trong lịch sử. Lần công du cuối cùng của Nữ hoàng là năm 2015, khi đã 89 tuổi, đến Ðức, trong đó có đến thăm trại tập trung của Ðức Quốc Xã trước đây Bergen-Belsen.

Ngoài các chuyến công du và các buổi tiếp đón nguyên thủ các quốc gia khác, Nữ hoàng còn những việc khác như khai mạc kỳ Quốc hội mới và đọc diễn văn; đọc công văn từ chính phủ và cho chữ ký chính thức; cho sự đồng ý của Hoàng gia (Royal Assent) với luật mới từ Nghị viện và phê duyệt để thành luật (lần cuối cùng Royal Assent bị từ chối là năm 1708); giải tán chính phủ trước tổng tuyển cử; thường xuyên tiếp kiến với thủ tướng và các thành viên của Hội đồng Cơ mật (Privy Council); dẫn đầu Lễ tưởng niệm quốc gia tại Cenotaph (National Service of Remembrance at the Cenotaph), tức là lễ tưởng niệm lính đã hy sinh cho Vương quốc Anh và Khối Thịnh Vượng chung v.v.

Ngoài ra, Nữ hoàng là người bảo trợ hoàng gia (royal patron) hay chủ tịch của hơn 600 tổ chức từ thiện, hiệp hội quân sự, cơ quan chuyên môn, và tổ chức dịch vụ công cộng.

Năm 2021, 2 tuần sau khi chồng là Vương tế Philip qua đời, Nữ hoàng Elizabeth II trở lại với công việc, ở tuổi 95.

Người dân Anh nghĩ gì về Nữ hoàng?

Theo khảo sát của YouGov năm 2022, Nữ hoàng Elizabeth II có tỷ lệ ủng hộ là 81%, cao hơn bất kỳ ai khác trong gia đình hoàng gia, trong đó có 56% là rất tích cực (very positive) và 25% là tương đối tích cực (fairly positive).

Ðể so sánh, tỷ lệ ủng hộ ở Anh quốc với Thái tử Charles là 56%, Hoàng tử William là 77%, Hoàng tử Harry là 34%, Công nương Meghan là 26%, Hoàng tử Andrew là 6%, v.v.

Có gì ở Đại lễ Bạch kim?

Mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng, khắp Anh quốc có 2,429 sự kiện công cộng và hàng loạt các sự kiện đường phố và tiệc riêng khác. Các sự kiện công cộng bao gồm Diễn hành cho sinh nhật Nữ hoàng, Tiệc Bạch kim ở Ðiện Buckingham, triển lãm ở Victoria and Albert Museum, lễ ở St Paul’s Cathedral, trình diễn quốc ca “God Save the Queen” của Choir of the Earth, hòa nhạc mừng Ðại lễ Bạch kim của Royal Philharmonic Concert Orchestra ở Royal Albert Hall, và hàng loạt các hoạt động khác. Riêng ở Leeds cũng có khoảng 100 sự kiện, ở nhà thờ, thư viện, Temple Newsam, Harewood House, Outwood Park v.v.

Nhìn lại

Tương lai sau Elizabeth II có thể có nhiều câu hỏi, nhưng hiện nay nhìn lại, sau 70 năm trị vì, Nữ hoàng nhìn chung vẫn được công chúng yêu quý và ủng hộ, kể cả với những người không thích chế độ quân chủ nói chung hoặc gia đình hoàng gia nói riêng, và Nữ hoàng hiện nay vẫn là biểu tượng gắn kết toàn Vương quốc Anh.

HDN

Nguồn:

https://www.britannica.com/biography/Elizabeth-II | https://www.biography.com/royalty/queen-elizabeth-ii

https://www.royalnavy.mod.uk/news-and-latest-activity/news/2021/april/12/20210412-dofe-career

https://www.businessinsider.com/the-one-country-the-queen-has-traveled-to-the-most-and-5-shes-never-visited-2018-7

https://www.historyextra.com/period/20th-century/queen-elizabeth-ii-royal-tours-official-visits-history-commonwealth-where-how-many-australia-india-hong-kong/ | https://www.bbc.co.uk/news/uk-56201331

https://abcnews.go.com/GMA/News/queen-elizabeth-returns-work-period-mourning-prince-philip/story?id=77341427

https://docs.cdn.yougov.com/0c0i1fywde/InternalResults_Royals_220317_W.pdf | https://platinumjubilee.gov.uk/events/