Nhân dịp mọi người đang bàn về lịch sử trắng-đen của Hoa Kỳ, tôi sẽ viết về một vài nghệ sĩ âm nhạc Mỹ gốc Phi có ý nghĩa quan trọng nhất với mình.

Jazz: John Coltrane, Charles Mingus, Clifford Brown

Cách đây vài năm, khi học đại học ở Oslo, Na Uy, tôi từng ghi danh một khóa có tên chính thức là Văn học Mỹ Ða văn hóa (multicultural American literature)—tới khi đến lớp mới thấy thật ra nó là văn học Mỹ gốc Phi và nhạc Jazz (African American Literature and Jazz). Khóa học đi theo một hướng khác, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được thực sự giới thiệu với Jazz, và vài năm nay tôi gần như chỉ nghe Jazz, không nghe thể loại khác.

Người Mỹ da đen có cống hiến cho nền âm nhạc Mỹ, và từ đó thế giới, hơn bất kỳ cộng đồng nào khác: Gospel là của người da đen, Blues (gốc của Rock’n’Roll) là của người da đen, Ragtime là của người da đen, Jazz là của người da đen, Swing và Boogie-woogie là của người da đen, Soul là của người da đen, R&B là của người da đen, Funk là của người da đen, Hip hop và Rap cũng là của người da đen…

Quan trọng hơn hết, Jazz được xem là thể loại nhạc đầu tiên hoàn toàn của Mỹ, không phải vay mượn từ nơi khác.

Bởi Mỹ hiện nay là cường quốc về văn hóa, có quyền lực mềm và ảnh hưởng hơn bất kỳ quốc gia nào khác, người ta thường quên vị trí của Mỹ ở góc độ văn hóa trước thế chiến. Chẳng hạn, khoảng thế kỷ 19 văn chương Mỹ đã có vài tác giả lớn như Henry James, Nathaniel Hawthorne, Mark Twain, Walt Whitman, Henry David Thoreau…

Nhưng tới đầu thế kỷ 20 Mỹ vẫn chưa tự tin, thấy rất rõ trong văn chương. Chẳng hạn, có thể thấy trong tác phẩm của Edith Wharton bà xem đỉnh cao văn hóa là ở Pháp và Ý, thậm chí có thể ở Anh, còn Mỹ không có gì. Henry James từng viết, “Mỹ không có văn hóa, không có lâu đài, không có nhà thờ, không có văn chương, không có hội họa, không có bảo tàng, không có trường đại học lớn…”1 (1: https://books.google.co.uk/books?id=Nrfg5a2Pjs8C&lpg=PA343&ots=)

Clifford Brown 

Jazz trở thành loại nhạc của riêng Mỹ, đối lập với nhạc cổ điển (classical music) của Châu Âu. Classical thì chuẩn xác; còn jazz là loại nhạc cho improvisation (ngẫu hứng, ứng biến). Classical là nhạc của người sáng tác; Jazz là nhạc của người biểu diễn. Classical cố định; Jazz biến đổi, không lần biểu diễn nào như nhau.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Classical là nhạc của sự hài hòa; Jazz là âm nhạc của mâu thuẫn và hỗn loạn. Trong Jazz có thể thấy mọi cảm xúc đam mê, giận dữ, đau đớn… của người Mỹ đen.

Nói về Jazz và nghệ sỹ Mỹ gốc Phi thì không bao giờ hết, nhưng những người tôi thích nhất hiện nay là John Coltrane, Charles Mingus, Louis Armstrong, và Clifford Brown.

John Coltrane thời kỳ đầu chơi trong ban nhạc của Miles Davis-album Kind of Blue là đĩa nhạc Jazz bán chạy nhất mọi thời đại. Khi lập nhóm riêng, Coltrane càng lúc càng đẩy xa improvisation—từ Modal Jazz, Coltrane tiếp tục phá cách với hợp âm và tạo cái gọi là Coltrane Changes, đặc biệt với album Giant Steps, và từ từ chuyển sang Avant-garde Jazz. Giống như Miles Davis, Coltrane liên tục thử nghiệm và thay đổi.

Nhưng Coltrane không chỉ phá cách kỹ thuật để làm mới mình và không bị tụt lại với thể loại nhạc liên tục thay đổi như Jazz, mà còn dùng âm nhạc để thể hiện cảm xúc, để đẩy xa khả năng truyền đạt của kèn saxophone, để đẩy Jazz đến tận cùng cảm xúc.

Ðiều này có thể thấy rõ trong album A Love Supreme—về niềm tin và niềm tin với Chúa của Coltrane.

Charles Mingus cùng thời kỳ nhưng đi theo hướng khác. Trong khi Coltrane cùng Davis đi theo Cool Jazz, với nhịp độ relaxed và tone nhẹ hơn để phản ứng lại bebop (của Charlie Parker), nhạc của Mingus có thể gọi là Hot Jazz—mạnh mẽ, sôi động, rực lửa, với ảnh hưởng của Gospel, Blues, và Soul. Mingus viết nhiều loại nhạc, đặc biệt thấy rõ trong album đa dạng như Mingus Ah Um. Nhưng Mingus cũng đưa vào âm nhạc sự phẫn nộ về vấn đề phân biệt chủng tộc và sự đàn áp bất công với cộng đồng người da đen.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Nhạc Jazz nghe là vì cảm xúc, nghe để giải tỏa và giải thoát. Ðôi khi tôi nghe Clifford Brown, đặc biệt Clifford Brown with Strings, để vượt lên trên tất cả những thứ tầm thường nhỏ mọn thường ngày.

Ca sĩ: Billie Holiday, Nina Simone, Louis Armstrong

Với tôi, chất giọng và kỹ thuật quan trọng, nhưng cảm xúc là trên hết. Chẳng hạn trong Jazz thì người được xem có chất giọng chuẩn nhất và kỹ thuật tốt nhất là Sarah Vaughan.

So với Sarah Vaughan, Billie Holiday có chất giọng yếu, và âm vực khá hạn chế. Nhưng về mặt cảm xúc, Billie Holiday và Nina Simone vượt lên hẳn nhiều giọng ca khác, bao gồm cả Ella Fitzgerald, vốn được gọi là Lady of Jazz.

Một số người có thể nghĩ, làm sao có thể cảm được nhạc của Nina Simone nếu ta không phải là người da đen, không có quá khứ nô lệ hay phải sống qua thời kỳ Jim Crow. Nhưng tôi đâu cần sống qua xã hội Anh thế kỷ 19 để hiểu Jane Austen hay Dickens; tôi đâu cần là người Nga để cảm được Tolstoy hay Gogol; tôi đâu cần sống ở Nhật để thích film của Kurosawa hay Mizoguchi… Cô đơn và đau khổ vì mất mát không phải là cảm xúc của riêng người da đen. Phẫn nộ trước bất công oan trái và khao khát tự do không phải là cảm xúc của riêng người da đen.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Cảm xúc trong những bài như “Sinnerman”, “Feeling Good”, “Don’t Let Me Be Misunderstood”… ai cũng có. Nhưng đặc biệt những bài như “I Wish I Knew How It Feels to Be Free” có niềm khao khát tự do mà người Việt có thể cảm được.

Trong các nghệ sĩ Mỹ gốc Phi, người có vị trí lớn nhất với tôi có lẽ là Louis Armstrong. Trước tiên, đó là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tôi nghe trong khóa học về văn chương Mỹ gốc Phi và Jazz. Quan trọng hơn, trong khi Coltrane hay Mingus chỉ chơi nhạc cụ, còn Billie Holiday chỉ hát, thì Louis Armstrong vừa chơi kèn (cornet thời kỳ đầu, nhưng sau đó trumpet cho cả sự nghiệp) vừa hát.

Billie Holiday. Biography.com

Nhưng cái trumpet và giọng của Louis Armstrong đi đôi với nhau và biến thành một, không như cách Nina Simone vừa hát vừa chơi piano nhưng hai thứ vẫn tách biệt. Theo nghĩa nào đó, Armstrong dùng trumpet như một phần của mình, biến trumpet thành giọng của mình (như Coltrane với saxophone), và đồng thời, biến giọng của mình thành một thứ nhạc cụ, đặc biệt khi hát scat (scat singing).

Hai bài tôi thích nhất là “Summertime” và “Black and Blue”. “Summertime” là một bài Jazz Standard, có hàng trăm bản khác nhau, nhiều ca sĩ hát đi hát lại. Nhưng với tôi phiên bản hay nhất vẫn là Louis Armstrong với Ella Fitzgerald.

“Black and Blue” tôi nghe lần đầu tiên khoảng thời gian đang đọc tiểu thuyết Invisible Man của nhà văn Mỹ gốc Phi Ralph Ellison—được nhắc tới trong tác phẩm. Giai điệu trầm buồn, những câu như “Cold empty bed, springs hard as lead/ Feels like ol’ Ned wished I was dead/ What did I do to be so black and blue…” hay “How would it end, ain’t got a friend/ My only sin is in my skin/ What did I do to be so black and blue…” nghe càng đau đớn và bi thảm.

DN